18/06/2018, 16:31

Nước Anh- Quân Chủ mà Dân Chủ

Ả nh chụp Hoàng gia Anh trong đám cưới William và Kate. Nguồn ảnh: Báo Spiegel Nguyễn Minh Tuấn Nhiều người hiện nay vẫn hiểu: “ Đã quân chủ thì không dân chủ ”. Hiểu như vậy là chưa đúng. Chưa đúng cả trên phương diện lý thuyết, lẫn thực tế. Trước hết về ...

image-209108-galleryV9-ikiy

nh chụp Hoàng gia Anh trong đám cưới William và Kate. Nguồn ảnh: Báo Spiegel

Nguyễn Minh Tuấn

Nhiều người hiện nay vẫn hiểu: “Đã quân chủ thì không dân chủ”.

Hiểu như vậy là chưa đúng. Chưa đúng cả trên phương diện lý thuyết, lẫn thực tế.

Trước hết về mặt lý thuyết, khi nói nhà nước quân chủ hay cộng hòa là nói đến phương diện hình thức chính thể (form of government), còn khi đề cập đến dân chủ hay độc tài là đề cập đến phương diện chế độ chính trị (political governance). Về phương diện thực tế, hình thức chính thể là quân chủ hay cộng hòa chưa nói lên được vấn đề nhà nước đó có dân chủ thực sự hay không.

Nước Anh là một ví dụ điển hình về nhà nước quân chủ mà dân chủ. Muốn lý giải được tại sao nhà nước này lại có hình thức chính thể quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), lý giải tại sao có chính thể quân chủ lập hiến nhưng vẫn là một nhà nước dân chủ thì cần phải trở lại tìm hiểu lịch sử ra đời và cả thực tế tổ chức, hoạt động của nhà nước này hiện nay.

Trước hết về lịch sử, cách mạng tư sản Anh năm 1642 là một trong những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới. Cuộc cách mạng này bùng nổ với hình thức nội chiến (Civil War) giữa 2 lực lượng quí tộc phong kiến với giai cấp tư sản được sự ủng hộ của quần chúng. Cuộc nội chiến này chấm dứt vào năm 1648 với thắng lợi thuộc về giai cấp tư sản.[1]

Sau cách mạng, giai cấp tư sản đã thiết lập nhà nước theo chính thể Cộng hòa nghị viện mà quyền lực tối cao của nhà nước tập trung vào Hạ nghị viện. [2] Tuy nhiên chính thể này không tồn tại lâu. Do giai cấp tư sản sau đó đã không thực hiện lời hứa chia ruộng đất cho nông dân, dẫn đến mâu thuẫn xã hội tiếp tục phát triển gay gắt giữa giai cấp tư sản và quần chúng nhân dân lao động. Trước tình thế đó, giai cấp tư sản đã phải thoả hiệp với tầng lớp quí tộc mới nhằm mục đích xoa dịu mâu thuẫn xã hội. 

Hai sự kiện quan trọng thể hiện rõ sự thỏa hiệp này là:

Thứ nhất, sau khi Oliver Cromwell – người lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản qua đờivào năm 1658, kéo theo sự sụp đổ của nền Cộng hòa, Charles II đang lưu vong ở nước ngoài đã được mời về nước lên ngôi vua năm 1660.[3]

Thứ hai, vào tháng 2/1689, Nghị viện Anh đã thông qua đạo luật mới có tên là “Đạo luật thừa nhận ngôi vua và quyền hành của nghị viện”.[4] Đạo luật này là cơ sở pháp lý cho sự ra đời nhà nước quân chủ lập hiến tồn tại cho đến ngày nay. Nội dung chủ yếu của đạo luật này là đề cao vai trò của Nghị viện và khẳng định ngôi vua sẽ được giữ lại nhưng chỉ mang tính biểu tượng – nhà vua trị vì mà không cai trị.[5]

Như vậy có thể khẳng định rằng chính thể quân chủ lập hiến ở Anh ra đời là kết quả của sự thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và quí tộc mới, là sản phẩm và biểu hiện của cuộc cách mạng tư sản không triệt để. 

Trên phương diện thực tế, nhà nước Anh hiện nay là một nhà nước dân chủ. Khẳng định này có được thông qua đánh giá của dư luận, cộng đồng quốc tế và cảm nhận của chính người dân Anh về cách tổ chức, điều hành đất nước hiện nay.

Hiện nay, nhà vua Anh là nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng cho sự thống nhất và bền vững quốc gia.[6] Người ta gọi đây là một thiết chế tiềm tàng. Tiềm tàng vì thời bình, nhà vua không tham gia đảng phái, lui vào hậu trường chính trị. Nhưng thiết chế này lại phát huy tác dụng, giống như một “van an toàn cuối cùng” khi đất nước lâm nguy hoặc bên bờ vực của nội chiến. Đây chính là ý nghĩa tích cực của thiết chế này. Ngày nay theo tập quán chính trị lâu đời, quyết định của nhà vua Anh có hiệu lực thực thi khi có chữ ký kèm theo của Thủ tướng hoặc của Bộ trưởng [7] và nhà vua không phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.[8]

Nghị viện Anh hiện nay được tổ chức theo chế độ lưỡng viện (bicameral), gồm Hạ viện (House of Commons) được hình thành bằng phương thức bầu cử và Thượng viện (House of Lords) với đa số thành viên được chỉ định. Nước Anh theo thể chế chính trị đa đảng.[9] Thủ tướng là thủ lĩnh của Đảng chiếm đa số ghế trong Hạ nghị viện vàlà người đứng đầu Nội Các (The Cabinet). Nhà vua là nguyên thủ quốc gia, trị vì nhưng không cai trị. Hiến pháp Anh hiện nay là Hiến pháp bất thành văn, đây là tập hợp những tập quán chính trị lâu đời, thiêng liêng và không dễ bị vi phạm. Qua thời gian, những tập quán bất thành văn lâu đời ấy vẫn tỏ ra phù hợp với quan điểm “bình đẳng, thoả hiệp, thương lượng” của người Anh, vẫn tỏ ra phù hợp với nhiều vấn đề thay đổi nhanh chóng của thời đại và trở thành một truyền thống trong đời sống chính trị nơi đây.[10]

Hiện nay dân Anh nhìn chung vẫn muốn sống trong một đất nước có vua. Theo một cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào tháng 12/2007, đài BBC đã phỏng vấnkhách quan 1000 người Anh, độ tuổi từ 16 trở lên về việc có nên duy trì hình thức quân chủ lập hiến không, kết quả đã cho thấy có đến 80% cho rằng việc duy trì chế độ này vẫn là việc làm cần thiết.[11] Ở một khía cạnh khác, người dân Anh họ cũng tự hào về những gì mình đang có – tự hào vì  nước Anh [12] là nơi khai sinh ra hình thức chính thể quân chủ lập hiến, tự hào vì nước Anh có những tập quán chính trị tồn tại lâu dài mà không dễ gì bị vi phạm, tự hào là nơi khởi nguồn của Tiếng Anh (English) – ngôn ngữ phổ biến toàn thế giới và tự hào vì nước Anh là nơi khai sinh ra dòng họ pháp luật Common Law – một trong hai dòng họ pháp luật lớn và điển hình nhất thế giới hiện nay.

7TKCWS_500x366

Ảnh 5: Bản đồ chế độ chính trị trên thế giới, Bertelsmann, IDEA, CHLB Đức, 2003. Nguồn ảnh: Bundeszentrale politische Bildung, Đức.

Nhìn rộng hơn, hiện nay không chỉ nước Anh mà nhiều nước khác trên thế giới mặc dù tên gọi là quân chủ nhưng lại được đánh giá là nhà nước dân chủ, ví dụ như nhà nước Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Luxemburg, Thụy Điển ở Châu Âu hay Nhật Bản ở Châu Á. Ngược lại nhiều nhà nước hiện nay, mặc dù tên gọi là cộng hòa, nhưng vẫn bị đánh giá là cai trị độc tài, phản dân chủ, ví dụ như chế độ độc tài ở Cộng hòa Ai Cập của Mubarak; chế độ độc tài của Gaddafi ở Cộng hòa Libya, nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên…(xem bản đồ chế độ chính trị trên thế giới của tổ chức Bertelsmann IDEA, ảnh 5).  

Như vậy, một nhà nước quân chủ vẫn có thể là một nhà nước dân chủ và một nhà nước cộng hòa vẫn có thể là một nhà nước độc tài, phản dân chủ. Bên trong thông qua sự đánh giá, cảm nhận của chính người dân trong nước và bên ngoài là của cộng đồng, dư luận quốc tế, một nhà nước sẽ được gọi tên cụ thể, chính xác là có dân chủ thực chất hay không.

Chú thích:

[1] Cuộc cách mạng này diễn ra trong một thời gian khá dài từ năm 1642 đến năm 1648 và kết thúc bằng sự kiện vua Charles I bị xử tử hình vào ngày 30/1/1648. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo đầy đủ diễn biến cuộc nội chiến Anh tại địa chỉ:http://english-civil-war-society.org.uk/www/cms/

[2] Thực chất tính chất dân chủ của nhà nước Cộng hoà đại nghị Anh lúc này chỉ là hình thức vì nó chỉ cho phép những công dân có thu nhập hàng năm từ 200 bảng Anh mới đủ tư cách đi bầu cử hạ nghị viện. Xem thêm: Nguyễn Minh Tuấn, Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, 2007, chương Nhà nước tư sản Anh.

[3] Vua Charles II đã được mời về nước lên ngôi vào ngày 29/5/1660 (ngày sinh nhật lần thứ 30 của Charles II). Vua Charles II qua đời vào ngày 6/2/1685 và người thừa kế là em trai James.

[4] Đạo luật này có tên là Đạo luật thừa nhận ngôi vua và nghị viện (Crown and Parliament Recognition Act). Lý do ban hành đạo luật này: Theo truyền thống chính trị, chỉ có vua mới có quyền triệu tập họp Nghị viện. Vua James II, đã bê trễ công việc triều chính, không làm tròn nhiệm vụ của mình. Các thành viên của Nghị viện đã họp vào ngày 13/2/1689, chuẩn thuận việc phế truất ngôi vua của vua James II và lựa chọn Mary (con gái của vua James II) và chồng của Mary là William lên ngôi. Cũng trong cuộc họp này Nghị viện đã thông qua đạo luật này. 

[5] Ở một khía cạnh khác, nửa sau thế kỷ XVII hầu như cả Châu Âu vẫn ở trong chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến, mặc dù nó đang khủng hoảng và trên đường suy vong, nhà nước tư sản Anh cũng phải thay đổi để hoà nhập.

[6] Có hai nguyên tắc trong đời sống chính trị ở Anh thể hiện rõ vai trò của Nghị viện và chính phủ, cũng như tính chất hình thức của nhà vua. Nguyên tắc chữ kí thứ hai: Bất kì văn bản nào của nhà vua muốn có hiệu lực cần phải có chữ kí thứ hai của thủ tướng hoặc bộ trưởng; Đương nhiên nhà vua không phải chịu trách nhiệm về chữ kí đó; Nguyên tắc trách nhiệm Nội các:  Nội các muốn tồn tại phải được sự ủng hộ của đa số các thành viên Nghị viện; Nghị viện có quyền giám sát Nội các. Nội các chịu trách nhiệm trước Hạ viện. Theo truyền thống, nhà vua Anh truyền ngôi cho con trai trưởng, nếu không có con trai thì truyền ngôi cho con gái, nếu không có con thì truyền ngôi cho anh (em) trai, hoặc em gái. Nhà vua phải là người nghiêm túc, trong sạch, sống theo nếp sống khuôn vàng thước ngọc của phong kiến. (Ví dụ: không được kết hôn 2 lần, không ngoại tình và theo quốc giáo Anh).

[7] Xem thêm: Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, NXB Đại học quốc gia Hà nội, H, 2005, tr.507.

[8] Năm 1711 một nguyên tắc mới ra đời bổ sung cho nguyên tắc trên là nguyên tắc không chịu trách nhiệm của hoàng đế, hoàng đế không phải chịu trách nhiệm về hình sự và dân sự trừ tội phản quốc.

[9] Hiện nay nước Anh có 3 đảng chính trị lớn: Đảng Bảo thủ (Conservative Party), Đảng Lao động (Labour Party), và Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democrats). Số lượng thành viên Hạ nghị viện của từng Đảng trong cuộc bầu cử năm 2010 có thể tham khảo tại địa chỉ này: http://www.parliament.uk/mps-lords-and-offices/mps/state-of-the-parties/

[10] Hiến pháp bất thành văn không có nghĩa là nước Anh không có hiến pháp. Hiến pháp bất thành văn là những qui phạm được hình thành theo tập tục, truyền thống, án lệ về tổ chức quyền lực nhà nước. Khác với hiến pháp thành văn, hiến pháp bất thành văn không được nhà nước tuyên bố hoặc ghi nhận là Luật cơ bản của nhà nước.

[11] Nguồn website: http://www.angus-reid.com/polls/2996/britons_confident_on_monarchys_endurance/ đăng ngày 1/2/2008, truy cập gần nhất ngày 30/4/2011.

[12] Nói nước Anh (England) hiện nay là nói đến một quốc gia nằm trong Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Great Britain and Nord Ireland) cùng với Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland theo Đạo luật thống nhất được ban hành ngày 1/5/1707.

Nguồn bài đăng

0