18/06/2018, 16:31

Về một số văn bản gốc thời dựng Đảng

“Luận cương chính trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương được thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930. Khổng Đức Thiêm Năm 1978, khi xuất bản cuốn sách Các tổ chức tiền thân của Đảng (Văn kiện), do chưa phát hiện được một số văn bản gốc có liên quan đến ...

2

“Luận cương chính trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương được thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930.

 

Khổng Đức Thiêm

Năm 1978, khi xuất bản cuốn sách Các tổ chức tiền thân của Đảng (Văn kiện), do chưa phát hiện được một số văn bản gốc có liên quan đến thời kỳ thành lập Đảng (hiện đang được lưu trữ tại Kho Tư liệu Viện Lịch sử Đảng), nên Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương lúc đó phải dùng các bản dịch chữ Pháp và cũng chỉ lựa chọn được 7 trong 16 văn kiện để đưa vào phần Phụ lục của cuốn sách. Gần đây, tác giả mới phát hiện được các văn bản gốc về thời kỳ đó. Vậy xin làm phép so sánh về số lượng có trong văn bản gốc (VBG) với các văn kiện đã công bố trong phần Phụ lục của cuốn sách Các tổ chức tiền thân của Đảng (TT) theo nguyên tắc tất cả tiêu đề đều được giữ đúng nguyên bản, cả những chữ viết tắt bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và chữ tiếng Pháp viết tắt trong văn bản gốc. Tiêu đề nào thêm, chữ nào chuyển ngữ, tác giả để trong dấu [ ] để bạn đọc tiện tham khảo.

Nhân đây, tác giả nói thêm về nguồn gốc của những tài liệu bí mật của Đảng đã bị rơi vào tay bọn mật thám Pháp và giá trị của những tài liệu đó.

Trong báo cáo số 895, ngày 12-2-1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp đã cho biết ngày 16-1-1930, bằng nhiều thủ đoạn nghiệp vụ1, mật thám Pháp đã:

“Lấy được nhiều tài liệu bí mật của Ban chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng gửi cho đảng viên ở Nam Kỳ”2. Tài liệu này thoạt trông thì như một cuốn vở học trò thông thường có bìa màu đỏ gạch. Trang đầu của nó ghi vào từ vựng chữ Pháp thông dụng có chú nghĩa chữ Việt. Các trang còn lại hầu như được để trắng.

Khi để dưới hơi i-ốt, các chữ được viết bằng mực hóa học hiện ra hoàn toàn. Trên trang đầu có dòng chữ: Nhời dặn cắt chỉ cuốn vở này ra rồi lấy từng tờ ra mà xem. Tài liệu N01 (Nhớ lấy số này) 13 Janvier 1930 CC”3. Các nhời dặn và các chỉ dẫn trong cuốn vở đều hiện lên cả. Bản sao lại (do Sở mật thám Bắc Kỳ gửi ngay trong tháng Giêng năm 1930. TG) đúng tới mức tối đa so với bản chính kèm theo đây:

1) Một tập đánh dấu từ A đến G gồm có các thư từ gửi theo tập thứ 12 sẽ nói đến sau này. Ở đây người viết biết khá cụ thể về tình hình các nơi ở Đông Dương và thái độ cần có của Đông Dương Cộng sản Đảng đối với nó. Người viết còn chỉ ra nhiệm vụ của các đại diện ở Nam Kỳ là có thể kết nạp các đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng.

2) Một tập đánh số từ 1 đến 24 gồm có các bản sao thư từ trao đổi từ tháng 5-1929 giữa Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ với Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu.

Người ta biết rằng vào ngày này tháng 5 năm 1929, trong dịp Hội nghị đại biểu người An Nam lần thứ nhất do Tổng bộ Thanh niên triệu tập, ba đại biểu trong nước đã gây nên sự liệt. Trở về họ lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc Đông Dương Cộng sản Đảng4 phát triển mạnh ở Bắc Kỳ, nhanh chóng tập hợp dưới cờ các đảng viên thanh niên trong nước. Người ta cũng biết rằng các nhà lãnh đạo Đảng thanh niên ở Quảng Châu muốn không mất hết đảng viên của họ ở trong nước, đã lập ra ở bên cạnh mình một nhóm mới có vẻ cộng sản hơn lấy tên là An Nam Cộng sản Đảng hoặc Việt Nam Cộng sản Đảng5 để cạnh tranh với Đông Dương Cộng sản Đảng”6.

Sau đây là các văn bản gốc (VBG) và các văn bản đã được công bố trong cuốn sách Các tổ chức tiền thân của Đảng (phần Phụ lục, từ trang 295 đến trang 316-TT):

VBG TT
1) [Thư của Lê, Đỗ]7 (Ngày 25-7-1929) 1) [Thư của các đồng chí Lê, Đỗ gửi các đồng chí Đông Dương Cộng sản Đảng] Ngày 25-7-1929 (tr.295-300)
2) Hội Thường vụ của Hội Trung ương Chấp hành Ủy viên có lời gửi cho tất cả các đồng chí ba kỳ (ngày 28-7-1929) 2) [Thư của các đồng chí Đỗ, Lê gửi các đồng chí các kỳ] Ngày 28-7-1929 (tr.300-305)
3) [Thư của Lương, Hoàng]8 (Ngày 21-8-1929)  
4) [Thư của Trọng, Chí, Chu]9 (ngày 1-9-1929)  
5) Thư của anh em C.S ở Tàu gửi cho các đ.c ở Bắc (ngày 12-9-1929 5) Thư của các đồng chí cộng sản ở Trung Quốc [Gửi các đồng chí cộng sản Bắc Kỳ (nhờ các đồng chí ở trong nước chuyển giao)] Ngày 12-9-1929 (tr.305-306)
6) [Thư của Đỗ]10  
7) [Thư của Lương, Việt]11 (Ngày 29-9-1929) 7) [Thư của các đồng chí Lương, Việt gửi các đồng chí Bắc Kỳ] Ngày 29-9-1929 (tr.306-308)
8) Trung ương Đảng C.S. Đông Dương gửi cho những người C.S An Nam ở Tàu (ngày 4-10-1929) 8) Thư của Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng. Gửi cho các đảng viên An Nam Cộng sản Đảng ở Trung Quốc. Ngày 5-10-1929 (tr.308-310)
9) [Thư của Lương] (nhờ F. Chu chuyển) (Ngày 14-11-1929)  
10) [Thư của Lương] (ngày 29-11-1929)  
11) Nghị quyết của C.C12 (Ngày 5-12-1929)  
12) [Thư của ĐDCSĐ gửi ANCSĐ] (Ngày 5-12-1929) 12) Các đồng chí. Ngày 5-12-1929 (tr.313.-315)
13) [Thư của Lương] (Ngày 13-12-1929) 13) Các đồng chí. Ngày 13-12-1929 (tr.315-316)
14) [Nghị quyết của Trung ương] (ngày 7-1-1930)  
15) Nghị quyết [của Trung ương] (ngày 7-1-1930)  
16) [Thư gửi Ngô Gia Tự] (Bách)  

Như vậy trong cuốn Các tổ chức tiền thân của Đảng (Văn kiện), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương đã công bố 7/16 văn bản, số văn bản còn lại đã dịch, nhưng chỉ lưu tại Kho Tư liệu, chưa có dịp công bố.

Các tài liệu trên đây gửi cho Ngô Gia Tự (Bách) nhằm mục đích:

“1) Anh in tất cả các thư TgB [Tổng bộ] gửi về cho mình (đính sau đây) và thư mình gửi ra TgB. Anh classer [sắp xếp] lại thư TgB và thư mình cho có trật tự, nghĩa là classer theo date [thời gian] cho đúng chỗ nào vào chỗ ấy để họ có thể vừa xem vừa so sánh thư TgB và thư mình.

2) In cho thật nhiều và bảo Lâm thời chỉ đạo PCA [Partri Communiste Annamite: Đảng Cộng sản An Nam] phát cho quần chúng đ.c [đồng chí] họ xem để q.c [quần chúng] đ.c họ phát biểu ý kiến.

3) Còn các anh phải khai hội nghiên cứu các documentes [tài liệu] cho kỹ, để một mặt huấn luyện cho các đ.c mình (in nhiều cho đồng chí mình xem), một mặt giao thiệp với PCA (Lâm thời chỉ đạo)…”13.

Các tài liệu, văn bản gốc trên đây mà chúng tôi sử dụng đều ở trong tình trạng bảo quản tốt, vì được chụp phim kính, khi in ra các chữ vẫn đọc được dễ dàng. Các văn bản mang tiêu đề là Tập Sách Năm Ký (có lẽ là Nam Kỳ), ký hiệu I2/3.3.1 lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

Qua nghiên cứu những văn bản gốc và những văn bản đã được công bố trong cuốn Các tổ chức tiền thân của Đảng, tác giả bước đầu xin nêu lên một số nhận xét sau đây:

  1. Từ trước tới nay, do không có văn bản gốc nên không tránh khỏi tình trạng tam sao thất bản và sai lạc nhiều. Thí dụ:

+ Ba văn bản số 2, số 5 và số 8 khi TT in, vốn là những bức thư có tiêu đề rõ ràng, nhưng trong các quá trình chuyển ngữ từ Việt sang Pháp rồi từ Pháp sang Việt đã làm cho:

Mất danh xưng: Hội Thường vụ của Hội Trung ương Chấp hành ủy viên (thư số 2).

– Thay đổi danh xưng: Đảng C.S Đông Dương = Đông Dương Cộng sản Đảng (thư số 8); Tàu = Trung Quốc; Bắc = Bắc Kỳ (thư số 5 và thư số 8).

– Sai lạc danh xưng làm cho ý nghĩa cũng sai: Những người C.S. An Nam ở Tàu = đảng viên An Nam Cộng sản Đảng ở Trung Quốc (thư số 8).

  1. Về nội dung của các văn bản, nếu nghiên cứu, đối chiếu, chúng tôi thấy ở nhiều chỗ, độ sai lệch và cách biệt còn lớn hơn. Thí dụ:

+ TT: “Theo chúng tôi, ba đại biểu Bắc Kỳ không những khờ dại đem vấn đề ra thảo luận trước Đại hội mà còn tỏ ra lố lăng đột nhiên bỏ Đại hội ra về. Thái độ ấu trĩ đó chỉ làm rối thêm tình hình của đoàn thể chúng ta. Kết quả là Đảng Cộng sản thì chưa thống nhất và thật ăn khớp mà “thanh niên” thì đã giải tán (“Thư của các đồng chí Lê, Đỗ gửi các đồng chí Đông Dương Cộng sản Đảng” – trang 297).

+ Nguyễn Tùng, trong bài “Một ít tài liệu về phong trào Cộng sản Việt Nam từ tháng 5-1929 đến trước hội nghị 302-1930” in trên tập san Khoa học Xã hội số 2 do Hội KHXHVN ở Pháp xuất bản, cũng ở đoàn trên tác giả đã chú như sau: “Theo chúng tôi không những ba đại biểu Bắc Kỳ đã điên rồ khi đặt vấn đề (thành lập Đảng) ra cho Đại hội thảo luận mà còn tỏ ra lố bịch khi họ đột nhiên bỏ Đại hội ra về. Thái độ ấu trĩ này chỉ có thể làm rối ren tình hình của nhóm. Kết quả là Đảng Cộng sản chưa có tác dụng thống nhất và chưa được tổ hợp tốt mà “Thanh niên” đã bị giải tán rồi” (trang 23).

+ VBG: “Chúng tôi nghĩ rằng ba người đại biểu Bắc đề ra vấn đề đã vô lý mà bỏ ra về thì lại càng trẻ con quá. Các tư cách trẻ con ấy, kết quả ra sự thực là làm cho đoàn thể rối bét bên trong.

C.S [cộng sản] thì tổ chức không thống nhất mà T.N [Thanh niên] thì tan mất cùng mất cả thứ tự hệ thống” (thư số 1).

Trong Văn bản gốc không hề có các chữ khờ dại, lố lăng, điên rồ, lố bịch.

III. Trong khoảng thời gian từ sau ĐDCSĐ thành lập cho đến tháng 12-1929, hai bên đã có nhiều cuộc giao thiệp với nhau bằng thư từ, cử người đến tuyên đạt hoặc gặp gỡ. Khoảng tháng 9-1929 là lúc việc giao thiệp của hai bên bị bế tắc, dẫn đến sự ra đời của Chi bộ ANCSĐ ở Trung Quốc, sau đó là ANCSĐ ở Nam Kỳ (tháng 11-1929).

– Người được ĐDCSĐ giao cho liên lạc và tuyên đạt ý kiến của ĐDCSĐ với nhóm đảng viên cộng sản Việt Nam ở Trung Quốc hồi tháng 9-1929, theo tác giả là Nguyễn Hữu Căn tức Phi Vân. Lúc đó Nguyễn Hữu Căn là Thành ủy viên của Thành ủy ĐDCSĐ Hải Phòng và Tỉnh ủy viên của Tỉnh ủy ĐDCSĐ Bắc Ninh – Bắc Giang14. Trong bức thư của Trung ương ĐDCSĐ giới thiệu Nguyễn Hữu Căn, tức Phi Vân với nhóm đảng viên cộng sản Việt Nam ở Trung Quốc có đoạn:

“Các đồng chí,

1- Chúng tôi không ra được vì thời kỳ này công việc bận lắm.

2- Tình hình trong [nước] xin hỏi đ.c Vân […]”.

(Thư số 4, Ngày 1-9-1929)

Nguyễn Hữu Căn nổi tiếng về giỏi lý luận chủ nghĩa Lênin, lại giữ đúng nguyên tắc, do đó gây cho nhóm cộng sản Việt Nam ở Trung Quốc khó chịu:

“Thư của anh em C.S ở Tàu gửi cho các đ.c C.S ở Bắc (nhờ các đ.c ở trong nước chuyển cho các đ.c).

1- Vân trước chưa hiểu tình hình ý kiến anh em ngoài này, về trong nói chuyện với các đ.c chắc sai cả.

2- Ý kiến và tình hình ở trong, chắc Vân cũng chưa hiểu rõ nên ra nói với chúng tôi chắc cũng sai.

3- Chúng tôi đành bằng ở lời Vân mà tỏ hết ý kiến, nhưng chỉ sợ Vân chưa hiểu và chắc lại thế nào cũng sai […]”.

(Thư số 5, 12 tháng 9-1929).

Cuối cùng, nhóm cộng sản Việt Nam ở Trung Quốc không muốn thông qua Nguyễn Hữu Căn để trao đổi ý kiến nữa:

“Các đồng chí.

1- Tình hình trong (Trung, Nam, Bắc) thế nào, xin các đ.c lấy tấm lòng thành thực cho biết rõ ràng.

2- Lần này ở trong khủng bố lâu và tợn, vậy chắc là dân chúng náo động, nên tổ chức ngay một cuộc vận động quần chúng tổng công kích chính sách khủng bố của Đ.q.c.n [đế quốc chủ nghĩa] Pháp. Truyền đơn xuống không đủ, chỉ làm cho nó khủng bố, bắt bớ thêm, mà mình lại bỏ mất cơ hội vận động quần chúng.

3- Đ.c Vân mới về không phải ra làm gì […]”.

(Thư số 6, không ghi rõ thời gian).

4) Về thời điểm ra đời của ANCSĐ ở Trung Quốc, chúng ta có thể tìm thấy ở văn bản dưới đây:

“Các đồng chí ở Bắc:

1- Sách báo của Đỏ Tàu lần lượt gửi về cho các đ.c xem. Quyển nào nên dịch sẽ dịch.

2- Chúng tôi mới ra tờ báo Đỏ, các đồng chí xem sẽ rõ mục đích

3- Không thấy thư từ các đ.c gửi ra, rất lấy làm sốt ruột, vậy phải bày tỏ cho các đ.c rõ.

  1. Tình hình

1- Những người An Nam ở Tàu đã tổ chức lại thành Chi bộ C.S,

2- Ở Nam Kỳ bao nhiêu C.S đã tổ chức vào các Chi bộ C.S cả rồi.

3- Xem, Trung Kỳ cũng đã bắt đầu tổ chức Chi bộ C.S cả […]”.

(Thư số 7, Ngày 29-9-1929).

Điều này hoàn toàn phù hợp với Thư của những người cộng sản Đông Dương (nhận ngày 20-10-1929)15:

“[…] Chi bộ cộng sản ở Trung Quốc

1) Xét tình hình thế giới, xét cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa, nguy cơ chiến tranh và phong trào cách mạng đang tiến lên.

2) Căn cứ vào tình hình ở trong nước, giai cấp vô sản ngày càng nhiều và tập trung, ý chí đấu tranh càng kiên quyết.

3) Xét tình hình các đảng phái chính trị ở trong nước đến nay chưa có đảng phái nào có thể đại biểu cho giai cấp vô sản và có thể lãnh đạo cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lênin.

  1. Căn cứ vào phong trào cách mạng ở trong nước và xu hướng của những người cách mạng, chúng tôi nhận định rằng việc thành lập một Đảng Cộng sản phù hợp với yêu cầu của Đông Dương. Do đó, chúng tôi đã tổ chức nhau lại thành Chi bộ cộng sản […]”.

Chi bộ ANCSĐ ở Trung Quốc cũng đã gửi cho Quốc tế Cộng sản một bức thư, không đề ngày; QTCS đã nhận được ngày 20-10-1929:

“1. Tình hình giai cấp công nhân ở Đông Dương.

  1. Sự phân liệt trong Đại hội VNCMTN ở Hương Cảng.
  2. Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập.
  3. Chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng thành lập ở Trung Quốc tự nhận lấy nhiệm vụ tổ chức một Đảng Cộng sản ở Đông Dương và ra tờ báo Cờ Đỏ”16.
  4. Nhờ các văn bản gốc mới được phát hiện, tác giả đã cung cấp nhiều tài liệu quý, cũng như có nhiều vấn đề mới được đặt ra. Tác giả sẽ bàn thêm vào một dịp khác.

Cuối cùng xin bàn thêm về thời điểm ngày 3 tháng 2 năm 1930 mà mới đây PGS. PTS Đỗ Qang Hưng đã đặt ra trong bài viết Thêm những hiểu biết về Đảng ta mùa Xuân 1930 qua một cánh cửa tài liệu mới trên tạp chí Xưa & Nay (N0-1, 10/1995), phần chú thích số 3: “Về ngày thành lập Đảng, trong các tư liệu của ĐCSVN và Hồ Chí Minh ở trong kho lưu trữ QTCS luôn luôn xen kẽ hai ngày 6 tháng 1 và 3 tháng 2. Vấn đề cũng chưa hẳn là cách tính ngày âm lịch và dương lịch như cách giải thích trước đây [chúng tôi nhấn mạnh]. Ở tư liệu này [ý của tác giả nói đến Thư đề ngày 10-04-1930, trong hồ sơ số 495-154-615, bản gốc bằng chữ Pháp ngữ kèm theo bản dịch ra tiếng Nga] Nguyễn Ái Quốc nói ngày 6 tháng 1. Nhưng trong một loạt tư liệu khác thì Học viện Phương Đông và các đồng chí Việt Nam công tác trong QTCS trong các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 1931-1933 lại ghi rõ ngày 3 tháng 2 năm 1930. Tuy thế đến tài liệu Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm 1935 (Hồ sơ số 495 – 10A – 138A) và tư liệu Kỷ niệm VII năm thành lập ĐCSĐD (Hồ sơ số 495-10A-139A) vẫn khẳng định Đảng thành lập ngày 6 tháng 1 năm 1930 (trong nguyên bản ghi: “Tới ngày 6 tháng Ziêng năm 1930 mới là ngày chính thức thành lập Đảng”).

Chúng tôi xin đưa thêm Văn bản gốc số 14, Nghị quyết của Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 7-1-1930 được gửi vào cho Ngô Gia Tự:

“[…] Đối phó đảng phái

  1. a) PCA [An Nam Cộng sản Đảng]:

1/ Đả đảo bọn TgB T.N [Tổng bộ Thanh niên] cũ.

2/ Tổ chức bọn trong N.K (sau khi N.K điều tra lại thái độ của họ).

  1. b) QDĐ [Quốc dân đảng]: Khi nó bạo động, điều tra chỗ nào mình tham gia vào mà t.ch [tổ chức] được soviet thì đem quần chúng mình tham gia lập thành soviet.
  2. Tình hình Bắc

Có L.khu bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình. Đang thành lập Chi bộ sản nghiệp dự bị.

Quần chúng ngày một t.ch một mau (vì có tranh đấu hàng ngày quần chúng mình đã t.ch).

  1. Tình hình Trung

Căn bổn ở Nghệ và Tourana [Đà Nẵng]

Tổ chức: đ.c, quần chúng tiến hành.

C.C [Comité Central: Trung ương]

Quốc tế chiêu tập đại biểu PCI [Parti Communiste Indochinois: Đông Dương Cộng sản Đảng]. Mình sẽ cử 2 đ.b [đại biểu] đi tiếp họp, vài hôm nữa đi, 17-18-1 sẽ đi.

Lặt vặt

Conférence [Hội nghị] không có đại biểu N.K [Nam Kỳ] giự [dự] là vì thì giờ cấp bách quá, tin cho đ.b [đại biểu] ra không kịp […]”.

  1. Theo chúng tôi khi tái bản cuốn sách Các tổ chức tiền thân của Đảng, Văn kiện chúng ta nên bổ sung thêm những tư liệu mới lấy từ các văn bản gốc này để cung cấp những tư liệu quý có độ tin cậy lớn cho bạn đọc.

VĨ THANH

 

Bài viết trên đây tác giả đã công bố trên Nghiên cứu Lịch sử, số 2/1997, trong Luận văn Sự hình thành Đảng bộ Bắc Ninh – Bắc Giang từ năm 1926 đến năm 1930 đối với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ viết năm 1996, tác giả công bố toàn bộ các văn bản gốc trong tài liệu viết tay mang tên Cahier de lecons apportenant à Nam Ky [Tập sách Nam Kỳ] mà Đông Dương Cộng sản Đảng gửi cho Ngô Gia Tự bị rơi vào tay mật thám Pháp phần Phụ lục, từ trang 157 đến trang 181.

Thực hiện các Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đầu năm 1998 việc biên soạn và xuất bản lại bộ Văn kiện Đảng toàn tập từ thời kỳ hoạt động của các tổ chức tiền thân của Đảng trở đi được triển khai. Theo tinh thần đó, Văn kiện Đảng toàn toàn tập, tập 1, 1924-1930 ra mắt ngay trong năm. Để bạn đọc tập trung vào những nội dung mà bài viết trên đã đề cập, tác giả lập Bảng so sánh giữa Tập sách Nam Kỳ với việc công bố trong Các tổ chức tiền thân của Đảng (CTCTT), Văn kiện Đảng toàn tập (VKĐTT), tập 1 theo số trang như dưới đây:

TT Tập sách Nam Kỳ CTCTT VKĐTT
1 Gửi Bách   259-261
2 Thư của Lê Đỗ, ngày 25-7-1929 295-300 534-539
3 Hội Thường vụ của Hội Trung ương Chấp hành ủy viên có lời gửi cho tất cả đồng chí 3 Kỳ, ngày 28-7-1929 300-305 136-139 và

540-544

4 Thư của Lương – Hoàng, ngày 21-8-1929   545
5 Thư của Trọng – Chí – Chu, ngày 1-9-1929   546
6 Thư của anh em CS ở Tàu gửi cho các đồng chí Bắc, ngày 12-9-1929 305-306 547-548
7 Thư của Đỗ, không ghi ngày tháng    
8 Thư của Lương – Việt, ngày 29-9-1929 306-308 549-550
9 Trung ương Đảng C.S Đông Dương gửi cho những người C.S An Nam ở Tàu, ngày 4-10-1929 308-313 227-231
10 Thư của Lương, ngày 14-11-1929   551-553
11 Thư của Lương, ngày 29-11-1929    
12 Nghị quyết của C.C, ngày 5-12-1929   250-251
13 Các đồng chí, ngày 5-12-1929 313-315 252-253
14 Các đồng chí, ngày 13-12-1929 315-316 379-380
15 [Nghị quyết của C.C], này 20-12-1929   256-258
16 Nghị quyết [của C.C], ngày 7-1-1930   327-331

 

Như vậy, Các tổ chức tiền thân của Đảng dù phải dùng bản dịch từ tiếng Pháp và chỉ công bố 7/16 tài liệu nhưng vẫn bảo đảm tính khoa học chặt chẽ. Đối với Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1 ngoài phần làm rối tung văn bản, không để cho người sử dụng biết xuất xứ thì lại mắc phải nhiều lỗi sơ đẳng sau:

s Một văn bản công bố hai lần (tại trang 136-139 theo văn bản gốc còn tại trang 540-544 theo văn bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt như Các tổ chức tiền thân của Đảng đã công bố).

s Bỏ sót 2 văn bản gốc (7, 11) có nội dung khá quan trọng.

Nhằm bổ khuyết cho Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1 và cung cấp thêm cho độc giả nguồn tư liệu tham khảo, tác giả công bố thêm những văn bản còn thiếu kể trên. Và, để làm rõ hơn, tác giả cung cấp thêm Báo cáo số 895SG viết ngày 12-2-1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp về việc thu giữ các tài liệu quan trọng của Đông Dương Cộng sản Đảng và việc thống nhất các hội kín An Nam kiểu cộng sản.

Bản Báo cáo này nguyên gốc bằng tiếng Pháp, đánh máy 8 trang, bản dịch tiếng Việt viết tay, ký hiệu P30. 24, lưu tại Kho Tư liệu Viện Lịch sử Đảng.

Tác giả cho rằng, sau này có điều kiện tái bản lại Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, cả 16 văn bản trên nên đưa vào phần Phụ lục. Và ở một góc độ nào đó, nên kèm theo cả Báo cáo số 895SG (12-2-1930) để các nhà nghiên cứu, các nhà văn bản học thấy rõ hơn giá trị của Tập sách Nam Kỳ. Ngoài bài viết trên đây, bạn độc có thể tham khảo thêm bài viết Một số tư liệu về An Nam Cộng sản Đảng với việc thống nhất các lực lượng cách mạng Việt Nam năm 1930 mà tác giả đã công bố trên Nghiên cứu Lịch sử, số 2/1998.

  1. BÁO CÁO CỦA TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG

          SỞ CẢNH SÁT                                            Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 1930

    Tổng nha Mật thám                                  TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG

              _______                                         Huân chương Bắc đẩu bội tinh

             C.R & S.G                                                              Gửi:

               Só 895                                            Ngài: BỘ TRƯỞNG THUỘC ĐỊA

Thống nhất các hội kín An Nam                                         (Phòng công tác chính trị

Kiểu Cộng sản dưới sự bảo trợ                                Sở Thanh tra bảo trợ dân bản xứ)

           của Quốc tế thứ III                                                                                                         PA-RI

 

 

Tài liệu kèm theo đây là của Trung ương Đ.D.C.S.Đ gửi cho đại diện của mình ở Nam Kỳ đã được sao chụp và dịch (phụ lục 1) gửi sang trong tháng Giêng 1930. Bản gốc tài liệu này giao cho Sở Mật thám Bắc Kỳ, nơi bảo quản chắc chắn mà không hề gây ra sự nghi ngại gì và nhờ khéo làm động tác giả nên bọn cộng sản chỉ có thể nghĩ tài liệu này ngẫu nhiên bị mất. Bởi vậy, phải tuyệt đối giữ bí mật, không được lộ ra là cơ quan tình báo đang có nó trong tay vừa vì sự an toàn của mật báo viên, vừa làm cho không bị cạn nguồn tin tức về vấn đề này.

Tài liệu này thoạt trông thì như một cuốn vở học trò thông thường có bìa màu đỏ gạch. Trang đầu của nó ghi vài từ vựng tiếng Pháp thông dụng có chú nghĩa tiếng Việt. Các trang còn lại hầu như được để trắng.

Khi để dưới hơi i-ốt, các chữ được viết bằng mực hóa học hoàn toàn hiện ra. Trên trang đầu có dòng “Nhời dặn: cắt chỉ quyển vở này ra rồi lấy từng tờ mà xem. Tài liệu N01 (nhớ lấy số này), 13 Janvier [Tháng Giêng] 1930. C,C.” [Trung ương]. Các nhời dặn và chỉ dẫn trong cuốn vở đã hiện lên cả. Bản sao lại đúng tới mức tối đa so với bản chính kèm theo đây:

1/ Một tập đánh dấu từ A đến G gồm các thư gửi theo tập thứ 12 sẽ nói đến sau này. Ở đây người viết khá cụ thể về tình hình các hội kín ở Đông Dương và thái độ cần có của ĐDCSĐ đối với nó. Người viết còn chỉ ra nhiệm vụ của các đại diện ở Nam Kỳ là có thể kết nạp các đảng viên của ANCSĐ.

2/ Một tập đánh số từ 1 đến 24 gồm các bản sao thư từ trao đổi từ tháng 5-1929 giữa Trung ương ĐDCSĐ ở Bắc Kỳ với Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu.

Người ta biết rằng vào ngày này tháng 5 năm 1929 trong dịp hội nghị đại biểu người An Nam lần thứ nhất do Tổng bộ Thanh niên triệu tập, ba đại biểu trong nước đã gây nên sự phân liệt. Trở về họ đã lập ra ĐCSĐD hoặc ĐDCSĐ phát triển mạnh ở Bắc Kỳ, nhanh chóng tập hợp dưới cờ các hội viên Thanh niên ở trong nước. Người ta cũng biết rằng các nhà lãnh đạo đảng Thanh niên ở Quảng Châu muốn không mất hết đảng viên ở trong nước, đã lập ra bên cạnh mình một nhóm mới có vẻ cộng sản hơn cạnh tranh với ĐDCSĐ lấy tên là ANCSĐ hoặc Việt Nam Cộng sản Đảng.

Các báo cáo hàng tháng trước kia về những hội kín cùng sự tuyên truyền cộng sản ở Đông Dương đã chứng minh những cố gắng của Thanh niên muốn hòa hợp với ĐDCSĐ và hai nhóm khác để có thể gia nhập Quốc tế thứ III và hợp tác với các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc càng sớm càng tốt. Mặt khác còn để tập hợp các đảng viên hăng hái nhất của đảng Tân Việt và Quốc dân đảng.

Sự chính xác của các tài liệu này khẳng định giá trị những tin tức do Tổng nha Mật thám và Sở mật thám địa phương báo cáo về những hội chống Pháp kiểu cộng sản cũng như xu hướng của họ. Những thư thư trao đổi giữa Thanh niên (ký tên Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu và Lê Lợi) và ĐDCSĐ (ký tên Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu và Phiếm Chu) giúp cho việc theo dõi hoạt động của Thanh niên để học tập những đảng viên mới trong ANCSĐ và hoạt động của ĐDCSĐ để quan tâm – ngoài hội viên Thanh niên, đến đông đảo đảng viên hoặc cảm tình của Quốc dân đảng hoặc Tân Việt. Thắng lợi của đường lối này của ĐDCSĐ là đảm bảo chắc chắn nhất để cho Quốc tế thứ III chú trọng đến. Tập hợp những phần tử An Nam “giác ngộ” nhất là trực tiếp tác động để hướng dẫn họ vào con đường cách mạng, ĐDCSĐ lập tức đặt những điều kiện cho Thanh niên còn lại, mà ta có thể nhận thấy hoạt động của hội này không có hiệu quả ở Bắc Kỳ và rất ít thành công ở Nam Kỳ và Trung Kỳ. Nhận thấy thời gian sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho đối phương, Thanh niên khuyến khích việc nhanh chóng thương lượng để các nhà lãnh đạo có vị trí quan trọng trong việc quản lý các công việc tương lai. ĐDCSĐ trái lại đã dựa vào các hoạt động trực tiếp của mình trong các tầng lớp quần chúng, không chấp nhận một sự điều đình nào cả, đồng ý tuyên truyền theo những nguyên tắc chân chính của Moscou và chỉ hòa hợp trong trường hợp hiện tại khi có lệnh của Quốc tế Cộng sản (*Ghi nhớ: Trong hệ thống ý kiến này, đoạn thư của Trung ương ĐDCSĐ đề ngày 4-10-1929 nói rằng: “Đồng chí Vương có về thì đối với đồng chí ấy cũng như đối với anh em”, nghĩa là phải có phẩm chất của một đảng viên cộng sản để được tiếp nhận như một dự định của ĐDCSĐ – nơi mà chỉ là một đơn vị).

 Nhìn chung về đường lối chính trị do Quốc tế Cộng sản theo dõi ở Viễn đông, bức thư viết ngày 14.11.1929 do Lương (Tử Anh) tức Hồ Tùng Mẫu viết, cho ta những điểm cụ thể rất có ích.

Một cơ quan mới có tên là Đông phương các nhược tiểu dân tộc cộng sản liên hiệp hội bí thư xứ được Quốc tế Đông phương bộ ở Thượng Hải lập ra. Chức năng của nó sẽ là hướng dẫn trực tiếp Mã Lai, Ja Va, Diến Điện, Xiêm và An Nam để tổ chức họ thành Đảng Cộng sản độc lập. Cơ quan nà khai hội vào giữa tháng giêng, có lẽ sẽ tổ chức trong vài tuần lễ sau. Thực ra những tin tức do Tổng nha Mật thám nhận được chỉ ra rằng Dương Hạc Đính và Đỗ Ngọc Du (tức Phiếm Chu) sẽ lần lượt rời Hồng Kông này 20 tháng Giêng và Hải Phòng ngày 17 và 18 tháng Giêng để đi dự Hội nghị nói trên hình như tổ chức ở Thượng Hải. Dương Hạc Đính thay mặt đảng Thanh niên ở đó và Phiếm Chu thay mặt ĐDCSĐ. Tôi đã báo trước những việc này cho đại diện ta ở Hồng Kông và Thượng Hải và tôi đã giới thiệu với ông Koechlin tất cả những điều có ích cho ta nếu biết được những nghị quyết của hội nghị này.

Việc tài liệu gửi cho đại diện ĐDCSĐ ở Nam Kỳ lại biến mất, được coi là đương nhiên đối với người nhận và những người này lại gửi ngay “chuyến thư” các cuốn sách tuyên truyền từ Trung Quốc sang để mang đi Bắc Kỳ. Việc này có thể giúp ta luận ra rằng thông qua các báo cáo, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người hoạt động Việt Nam trở nên khăng khít hơn.

Trở lại Bắc Kỳ và trước khi đi vào Nam Kỳ “chuyến thư” thấy có giao một tài liệu viết bằng mực hóa học, không quan trọng bằng cái thứ nhất nhưng nó có thể cho ta những chỉ dẫn có lợi về công tác của những người cộng sản phía nam và sự hoạt động của nhiều cơ quan tuyên truyền như “Hội dân chúng”, “những xích tổ”, “những tự vệ đội”. Điều đó không tránh khỏi. Nhưng mật thám Bắc Kỳ đã có thời gian để phát hiện và chụp ảnh nó, đem chỉnh lại rồi đem trả cho chỉ điểm cứ như thế mà tiến hành. Việc sao chụp lại và dịch là nội dung phụ lục II của bì thư đây.

Ngoài những lời căn dặn thực tế cho các đồng chí mình ở Nam Kỳ về phương pháp tuyên truyền cộng sản, tài liệu này có một chỉ dẫn quan trọng: đó là sự hợp nhất ĐDCSD với Tân Việt hình như đã thực hiện được hoặc đang thực hiện. Điều này khẳng định cái mà chúng ta đã biết trong thư ngày 4 tháng 10 năm 1920 do Trung ương ĐDCSĐ gửi Tổng bộ Thanh niên (xem phụ lục1) cho biết là ĐDCSĐ tìm cách kết nạp rộng khắp “vì cuộc cách mạng lúc này đang ở thời kỳ dân chủ, cần phải làm cho những người tiểu tư sản đi với vô sản”. Chúng ta biết rằng những sắp xếp như thế rất phù hợp với học thuyết của Moscou.

Cuối cùng tài liệu báo cho tất cả đảng viên rõ là Nguyễn Tuân tức Kim Tôn đã phản đảng với những lời khai báo làm rộ ra ngoài ánh sáng tất cả những vụ ám sát và bắt tất cả những đồng chí phụ trách công việc đó. Những lời thông báo trong thư ngày 28 tháng giêng được thảo ra chỉ nêu lên sự cảnh giác đối với Nguyễn Tuân và người anh trai [của anh ta].

Nguyễn Tuân tức Kim Tôn là một trong số những đại biểu đã rời hội nghị tháng 5-1929 và lập ra ở Bắc Kỳ ĐDCSĐ. Bị bắt ngày 11 tháng 10 năm 1929, hắn được thả tự do trong những ngày cuối tháng Giêng vì những lời khai của hắn được xác minh và thẩm tra.

Những thư mở đầu gửi theo “chuyến thư” có ghi những tên và địa chỉ của người viết đều là lãnh đạo ĐDCSĐ.

Tuy nhiên, cũng không thể làm thử một cuộc bắt bớ tất cả những người lãnh đạo này vì họ không trực tiếp giao thiệp với những “chuyến thư”. Như thế là người gửi khi đến Sài Gòn cũng không đến nhà của chính người nhận mà lại giao các thư đó cho một đảng viên có mật hiệu hoặc mật khẩu để nhận nhau.

Những cuộc điều tra liên tiếp ở Nam Kỳ để biết rõ căn cước những người hay trao đổi thư từ của ĐDCSĐ và cả của Bắc Kỳ để biết vị trí những Ủy viên Trung ương của Đảng, tất cả đều đã có căn cước. Tuy đã nắm rõ được, nhưng những sự thay đổi thường xuyên khiến ta khó bắt được.

Pasquier

  1. [THƯ CỦA LÊ HỒNG SƠN]

Các đồng chí,

  1. Tình hình trong (Trung, Nam, Bắc) thế nào xin các đồng chí lấy tấm lòng thành thực cho biết rõ ràng.
  2. Lần này ở trong khủng bố lâu và tợn, vậy chắc là dân chúng náo động, nên tổ chức ngay một cuộc vận động quần chúng tổng công kích chính sách khủng bố của Đ.q.c.n Pháp. Truyền đơn xuống không đủ, chỉ làm cho nó khủng bố bắt bớ thêm, mà mình lại bỏ mất cơ hội vận động quần chúng.
  3. Đồng chí Vân trở thành về không phải ra làm gì.
  4. Bàn in ngoài này cũng không dùng đến mà gửi về cũng vô ích vì tốn tiền và lịch kịch lôi thôi dễ lộ lắm.
  1. [THƯ CỦA HỒ TÙNG MẬU]

Các đ.c,

1- Anh em đã tiếp được thư các đ.c rồi-

2- Sẽ gửi tin về cho em Nam phái đại biểu ra.

3- Yêu cầu đ.c Tàu làm cố vấn thì có thể được, còn Quốc tế Cộng sản Đông phương bộ thì đã phái người đi gặp (Tàu giới thiệu), đi gặp chưa về.

4- Công tác chi bộ gửi về đó in ra được thì gửi cho 3 quyển, còn tài liệu khác thì dịch xong sẽ gửi về. Tài liệu in sách báo mua chưa kịp, sau có tiền sẽ mua gửi.

5- Gửi tuyên truyền đại cương kỷ niệm Quảng Châu bạo động về đó, các đ.c nên kỷ niệm. Quốc tế rất chú ý ngày kỷ niệm đó rất có giá trị ở Đông phương

6- Vấn đề Nhật đã hết sức lưu tâm.

H.K le 29 Novembre [Tháng Mười Một], 1929

Lương

—————– 

  1. Trong báo cáo số 895 ngày 12-2-1930 gửi Bộ trưởng bộ Thuộc địa PhápToàn quyền Đông Dương đã xác nhận rằng: “Nhờ khéo làm động tác giả nên bọn cộng sản chỉ có thể nghĩ tài liệu này ngẫu nhiên bị mất mà thôi. Bởi vậy phải tuyệt đối giữ bí mật, không được lộ ra là cơ quan tình báo đang có nó trong tay, vừa vì sự an toàn của mật báo viên, vừa làm cho không cạn nguồn tin tức về vấn đề này”.
  2. Sở Mật thám Bắc Kỳ – Báo cáo năm 1929-1930 (bản 1 tóm tắt tin chính trị). Bản dịch ra Việt ngữ lưu tại thư viện Lịch sử Đảng.
  3. C.C: Comité Central – Trung ương: Janvỉe: tháng Giêng.
  4. Chữ Việt trong nguyên bản.
  5. Chữ Việt trong nguyên bản.
  6. Báo cáo số 895 (12-2-1930): Đã dẫn. Bản Pháp ngữ và dịch ra tiếng Việt ngữ lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
  7. Lê: Lê Duy Điếm

   Đỗ: Đỗ Hồng Sơn

  1. Lương: Hồ Tùng Mậu

    Hoàng: Chưa rõ ai

  1. Trọng: Nguyễn Đức Cảnh

    Chí: Nguyễn Đình Cửu

   Chu: Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu).

  1. Không có ngày tháng, có lẽ được viết vào giữa tháng 9 năm 1929.
  2. Việt: Châu Văn Liêm
  3. C.C: Comité Central
  4. Thư số 15 của ĐCSĐD gửi cho Ngô Gia Tự (Bách)
  5. Nguyễn Hữu Căn còn gọi là Phi Vân. Khi học ở Đại học Phương Đông tại Matxcơva Nguyễn Hữu Căn còn có các tên khác là Cang Phước, Hoàng Bình và tên Nga là Min, sinh năm 1904 tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang (nay là thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); nguyên quán tại xã Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1926 Nguyễn Hữu Căn học tại trường Thành chung Nam Đông, bị đuổi học vì tham gia Lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Cuối năm 1926 Nguyễn Hữu Căn được kết nạp vào VNCMTN và theo học lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc). Về nước Nguyễn Hữu Căn tham gia vào Tỉnh hội VNCMTN Bắc Ninh – Bắc Giang (7-1927), sau đó tham gia Chi bộ ĐDCSĐ ở Hải Phòng (4-1929). Chi bộ ĐDCSĐ Bắc Ninh – Bắc Giang (7-1929) và đều ở trong Ban Thành ủy và Ban Tỉnh ủy của các địa phương trên.

Tháng 9-1929, Nguyễn Hữu Căn được ĐDCSĐ cử sang Trung Quốc tuyên đạt ý kiến và giao thiệp với các đảng viên Cộng sản Việt Nam ở bên đó. Đầu năm 1930, Nguyễn Hữu Căn được Quốc tế Công hội đỏ cử đi học ở Matxcơva. Tháng 8-1930, dưới bí danh Hoàng Bình, Nguyễn Hữu Căn đã trình bày tại Đại hội Quốc tế công hội đỏ lần thứ v “Án nghị quyết về nhiệm vụ công hội vận động ở Đông Dương”.

15, 16.

0