Tên giao dịch tiếng Anh:
Bac Ha International University
Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT) Bắc Hà được thành lập theo Quyết định số 1369/QĐ - TTg ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường ĐHQT Bắc Hà thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý khác theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà là một cơ sở đào tạo những con người có khả năng, kỹ năng học tập, sáng tạo, gắn hữu cơ học vứi hành, lý thuyết với thực tiễn, đạt hiệu quả cuối cùng là thực hiện sự phát triển trên cơ sở đổi mới, sáng tạo. Phấn đấu để Trường ĐHQT Bắc Hà sớm trở thành cơ sở đào tạo đại học có chất lượng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp, có quan hệ quốc tế rộng rãi trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Vài nét lịch sử thành lập trường
Dự án thành lập Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT) Bắc Hà đã được một số nhà khoa học và quản lý đã và đang công tác trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cơ sở đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh khởi xướng từ năm 2003. Hội đồng sáng lập (xem thêm) và Ban điều hành Dự án xây dựng Trường ĐHQT Bắc Hà đã dành nhiều công sức xây dựng, hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bắc Ninh
Ngày 10 tháng 10 năm 2007 theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Bắc Ninh Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1369/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà.
Sứ mạng
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (ĐHQT Bắc Hà) là trường đại học đa lĩnh vực, đa ngành, đa cấp và đa hệ, một trung tâm văn hoá - khoa học - công nghệ, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tôn chỉ
Tôn chỉ của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà là làm cho phần lớn sinh viên của Trường có thể “Thành Người, Thành Tài, Thành Đạt”.
Các ngành đào tạo (xem chi tiết các chương trinh đào tạo)
- Tài chính - ngân hàng
- Kế toán
- Quản trị kinh doanh
- Công nghệ thông tin
- Kỹ thuật điện tử - truyền thông
- Kỹ thuật công trình xây dựng
- Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông
- Kinh tế xây dựng
Trong vài năm tới dự kiến mở thêm hai ngành: Kỹ thuật điện, Tự động hóa và điều khiển.
Cơ sở vật chất
Hiện tại Trường ĐHQT Bắc Hà đang hoạt động với các phòng học hiện đại, các cở sở thực hành tin cậy tại các doanh nghiệp, thư viện hơn 4000 đầu sách, 2 phòng máy tính với gần 100 bộ máy tính, 16 bộ thiết bị phục vụ đào tạo ngoại ngữ.
Ngoài ra, trường bắt đầu tiến hành xây dựng một cơ sở đào tạo rộng 15 ha tại “Làng Đại học và Khoa học” của tỉnh Bắc Ninh đóng tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Phương thức tuyển sinh
Hai phương thức:
Một là, căn cứ điểm sàn từ kỳ thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức;
Hai là, xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT.
Chất lượng đào tạo
Trong những năm qua nhà trường luôn coi nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo chuẩn đầu ra, đáp ứng các yêu cầu kinh tế-xã hội, vừa là trách nhiệm cao cả đối với Tổ quốc, vừa là mục tiêu, vừa là “điều kiện sống còn” và động lực phát triển của Trường. Vì vậy, trong điều kiện đầu vào nhìn chung còn tương đối thấp so với một số trường đại học công lập tốp trên, Nhà trường đã sớm công bố công khai chuẩn đầu ra và cam kết chất lượng trên Website của mình, bao gồm điều kiện và đối tượng tuyển sinh, chương trình đào tạo, yêu cầu về thái độ người học, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, mục tiêu đào tạo, kiến thức, kỹ năng, trình độ tiếng Anh, Tin học và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh, quá trình dạy và học, thi, kiểm tra, quản lý điểm, cấp văn bằng tốt nghiệp. Nhà trường tuân thủ nguyên tắc: “Học thật, thi thật”, định kỳ lấy ý kiến phản hồi của giảng viên, sinh viên.
Cho đến nay Trường ĐHQT Bắc Hà đã có 4 khóa với 546 sinh viên tốt nghiệp. Phần lớn sinh viên ra trường đã tự tin khẳng định mình bằng những kiến thức, kỹ năng, trình độ tư duy phản biện và khả năng đáp ứng yêu cầu của xã hội và công việc. Nhiều thành viên Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp là giảng viên trình độ cao của các trường đại học công lập có danh tiếng hoặc là cán bộ doanh nghiệp, được mời tham gia Hội đồng đã bày tỏ ý kiến đánh giá tốt về năng lực đầu ra của sinh viên. Trong lễ phát bằng tốt nghiệp nhiều phụ huynh đã bày tỏ với lãnh đạo nhà trường về tính đúng đắn, sự hài lòng trong việc chọn Trường ĐHQT Bắc Hà cho con em mình vào học. Một minh chứng về chất lượng đào tạo của Trường là kết quả học tập 3 nhóm sinh viên các khóa 2, 3, 4 của Trường, sau học kỳ thứ 7 được Trường ESC- PAU, nằm trong hệ thống trường đại học lớn của Pháp, theo chương trình trao đổi sinh viên giữa hai trường, cấp học bổng sang học một học kỳ bằng tiếng Anh cùng với sinh viên đến từ nhiều nước . Điểm trung bình của sinh viên ĐHQT Bắc Hà đều đạt điểm từ 14/20 trở lên, trong khi điểm trung bình của cả lớp chỉ là 12,5/20. Từ năm 2014 nhà trường tiếp nhận sinh viên Pháp (2014: 08 SV, 2015: 06 SV) từ Trường đối tác sang học một kỳ bằng tiếng Anh.
Trường ĐHQT Bắc Hà đã triển khai Đề án đào tạo đại học chuyển tiếp theo phương thức 2+2 với Đại học Grifth (Úc) do trường đối tác cấp bằng và Chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Thương mại Pau (Pháp). Bắt đầu triển khai đào tạo chính quy trong nước và thực tập tốt nghiệp tại Nhật bản theo mô hình 2+2+0,5 ngành Kỹ thuật điện tử.
Nghiên cứu khoa học (NCKH)
Trong thời gian qua Quỹ phát triển xã hội thông tin (The information Society Innovation Fund) đã lựa chọn và cấp kinh phí cho nhóm nghiên cứu khoa học của Trường hai đề tài với kinh phí gần 60 000 USD cùng với 11 đề tài của các trường đại học trong khu vực châu Á-Thái Bình dương. Đó là các đề tài “Truy cập internet băng thông rộng cho các vùng sâu, vùng xa, nông thôn Việt nam” và “ Mạng cảm biến Adhoc không dây kết hợp GPS cho các ứng dụng quản lý, tìm kiếm và cứu hộ trên biển”.
Trường ĐHQT Bắc Hà đã cùng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà nội và Trung tâm ELIS ITALIA thực hiện dự án “Đào tạo nghề cho cuộc chiến chống thất nghiệp của giới trẻ Hà nội” trong các năm 2010-2013. Kết quả được đánh giá tốt.
Trong các năm 2012-2015 Trường ĐHQT Bắc Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì Đề tài độc lập cấp nhà nước “ Phát triển kinh tế trí thức ở Việt nam đến năm 2020” do Giáo sư Đặng Hữu làm chủ nhiệm. Các kết quả của Đề tài đã được trình bày, thảo luận trong rất nhiều hội thảo, hội nghị khoa học và công bố trên các ấn phẩm. Một số đề xuất, kiến nghị của Ban Chủ nhiệm Đề tài đã được sử dụng trong Tổng kết 30 năm đổi mới và các dự thảo văn kiện Đại hội XII.
Từ đầu năm 2015, Dự án hợp tác với nước ngoài “Nghiên cứu các vùng nông nghiệp nhỏ quanh Hà nội” Hà nội bắt đầu được triển khai. Dự án hợp tác với Ý với sự chỉ đạo chung là Giáo sư Marco Zupi và Laberto Mazzali,Trường ĐHQT Bắc Hà thực hiện dự án - PGS Nguyễn Đình Hóa và PGS Nguyễn Thị Thu Thảo trực tiếp điều hành.
Để phát triển công tác NCKH, gắn liền đào tạo với công tác NCKH, triển khai ứng dụng các thành quả NCKH vào thực tiễn, Trường ĐHQT Bắc Hà đang triển khai đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu và Đào tạo của trường tại Hà nội.
Đổi mới phương pháp đào tạo
Từ năm học 2014 – 2015 Trường ĐHQT Bắc Hà thay đổi cơ bản phương châm đào tạo, nhằm tạo nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, nắm bắt thực tế ngay sau khi tốt nghiệp, thành thạo tiếng Anh, tin học và có khả năng giao tiếp thích ứng.
1. Chỉ tiêu chất lượng cho sinh viên ra trường
Một là, Trình độ chuyên môn: Vững về lý thuyết chuyên ngành, có khả năng thực hành cao, thành thạo kỹ năng.
Hai là, Trình độ tiếng Anh: TOEIC thấp nhất 450 và cao nhất 750.
Ba là, Trình độ tin học: IC3
Bốn là, Trình độ kỹ năng mềm
Sinh viên phải đạt 04 chỉ tiêu trên mới được cấp bằng
Để đạt trình độ chuyên môn nêu trên, nhà trường tuyển ít nhất 60% giảng viên cơ hữu, còn lại mời giáo viên thỉnh giảng từ các trường đại học và các chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia giảng dạy; Xây dựng lại giáo trình đào tạo và viết lại giáo trình, đảm bảo kiến thức cơ bản, cập nhật kiến thức tân tiến trong khu vực và trên thế giới, đồng thời phải gắn liền với thực tế.
Đối với tiếng anh, dành 40% thời lượng toàn khóa học cho tiếng anh. Nội dung tiến anh để ở nhiều mức khác nhau, sinh viên tốt nghiệp ra trường tổi thiểu đạt TOEIC 450. Trên cơ sở kiểm tra kiến thức khi nhập trường sinh viên có thể bắt đầu học ở mức cao hơn, ra trường có thể đạt tới mức TOEIC 550, 650, 750. Ngoài tiếng anh phổ thông, sinh viên còn được học tiếng anh chuyên ngành và nghe giảng một số môn trực tiếp băng tiếng anh.
Trình độ tin học IC3 được giảng dạy theo giáo trình quốc tế công bố trên mạng, thời lượng học là 6 tín chỉ, phần lớn được thực hành trên máy đảm bảo sinh viên ra trường thành thạo tin học văn phòng trong mọi khía cạnh: soạn thảo văn bản, quản lý dữ liệu, các loại mẫu đơn, từ, hợp đồng,... chuẩn quốc tế.
Kỹ năng mềm, trang bị cho sinh viên về Phương pháp tư duy phản biện, Kỹ năng giao tiếp thuyết trình, Đàm phán kinh doanh, Tổ chức hội nghị và sự kiện,.... là những hành trang rất cần thiết cho công tác sau khi ra trường.
Để đạt 04 chỉ tiêu trên, khối lượng học không hạn chế số tín chỉ đào tạo, nhưng phải trong hạn chế thời gian khóa học (khối kinh tế tối đa 4,5 năm, khối kỹ thuật tối đa 5 năm). Sinh viên học cả hai buổi để học tiếng Anh và rèn luyện kỹ năng.
2. Đào tạo gắn liền với doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay đào tạo của các trường đại học Công Lập và Dân lập hiện nay đang ở mức có thể gọi là “đáy”. Quá trình đào của nhà trường chưa được gắn với việc sinh viên đi làm thực tế. Do vậy phần lớn các sinh viên hiện nay ra trường muốn xin được việc làm đều phải đào tạo lại.
Trường ĐHQT Bắc Hà là một trường tư thục, nhưng đã nhìn rất rõ nguy cơ của việc đào tạo thiếu thực tế và kém chất lượng. Do vậy chúng tôi đã xây dựng lại mô hình đào tạo gắn kết giữa các tổ chức khoa học của nhà nước (các Sở, Bộ, Viện nghiên cứu,…) với nhà trường và với các doanh nghiệp để nâng cao thực tế trong đào tạo.
Ngoài ra chúng tôi còn mời kết giữa các nhà khoa học tầm cỡ trên thế giới cùng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao và mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội. Có nghĩa là chúng tôi muốn gắn kết giữa quá trình nghiên cứu, quá trình đào tạo với các công việc của sinh viên sau khi ra trường.
Ngay từ đầu năm học 2014-2015 Trường ĐHQT Bắc Hà, trong công tác tuyển sinh đã tới các doanh nghiệp bàn bạc về đào tạo nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp, thỉnh cầu họ về nội dụng đào tạo để có cơ sở đưa vào chương trình khung đào tạo của nhà trường, đảm bảo đào tạo được gắn với thực tiễn. Hơn thế nữa nhà trường cùng doanh nghiệp lựa chọn các chuyên gia hiểu sâu chuyên ngành tham gia giảng dạy trong nhà trường. Những đợt thực tập sinh viên được học hỏi thực tế tại chính các doanh nghiệp, sau ra trường có một địa chỉ làm việc tin cậy mà không cần phải một lịch trình đào tạo lại.
Chính sách ưu tiên
- Hỗ trợ 50% học phí năm đầu cho các đối tượng hộ nghèo, con thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
- Xây dựng quỹ học bổng cho sinh viên đạt điểm có học lực tôt “5 em đứng đầu trong khoa sau mỗi khóa học.
- Thành lập quỹ tín dụng của Trường hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi “bằng 50% lãi suất ngân hàng”, sinh viên phải hoàn lại kinh phí đã vay sau khi tốt nghiệp.
- Tuyển chọn cán bộ, giảng viên theo quy định và trả lương theo đúng khả năng làm việc.
DANH SÁCH HỘI ĐỒNG SÁNG LẬP TRƯỜNG ĐHQT BẮC HÀ
1. GS. VS. Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ Trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Chủ tịch Hội đồng.
2. PGS. TS. Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học nhiệt đới Việt – Nga, Ủy viên Hội đồng.
3. GS. TSKH. Vũ Đình Cự, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng.
4. PGS. TS. Trần thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng.
5. GS. TSKH. Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng.
6. PGS. TS. Nguyên Lê Ninh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, Ủy viên Hội đồng.
7. GS. TSKH. Đào Trọng Thi, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng.
8. TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO, Ủy viên Hội đồng.
9. ThS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Vietnamnet, Ủy viên Hội đồng.
10. TSKH. Trần Đình Long, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng.
11. Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị, Ủy viên Hội đồng.