Với mong muốn rời khỏi nước Italy phát-xít, người cha của Dacia Maraini – ông Fosco Maraini đã tham dự một kỳ thi quốc tế và giành được suất học bổng nghiên cứu về một tộc người đang trong quá trình tuyệt chủng ở phía Bắc Nhật Bản, nơi ông sẽ chuyển đến sinh sống cùng gia đình suốt những năm 1938 – 1947. Từ năm 1943 đến 1946, gia đình Maraini cùng với những người Italy khác bị bắt vào trại tập trung vì tội không chịu thừa nhận một cách chính thức chính phủ quân sự Nhật Bản.
Trong tuyển tập thơ Hãy cứ ăn thịt tôi đi ra đời năm 1978, tác giả kể lại chính hoàn cảnh nghiệt ngã cũng như những khổ đau mà họ phải gánh chịu trong những năm tháng đó. Rất may là khi quân đội Mỹ đổ bộ thì cực hình này cũng chấm dứt.
Trở lại Italy, gia đình Maraini chuyển đến biệt thự Valguarnera di Bagheria ở Sicilia với gia đình bên nội, ở đó, ba người con gái của họ bắt đầu đi học. Trong những năm tháng quá độ sang một môi trường mới đầy khó khăn như vậy, nghèo khó là không thể tránh khỏi. Vài năm sau, gia đình họ phải ly tán. Người cha chuyển đến sống ở Rome còn người mẹ thì ở lại Palermo với ba người con gái nhỏ đang tuổi đến trường.
Khi Dacia Maraini tròn 18 tuổi, bà quyết định đến sống cùng cha ở Rome. Ở đó, bà tiếp tục theo học cấp 3 và bắt đầu đi làm để kiếm sống với những nghề như khảo cổ, thư ký, nhà báo...
21 tuổi, bà cùng với một số thanh niên khác lập ra tờ tạp chí văn học có tên là Thời đại của văn học ở Napoli. Bà cũng bắt đầu hợp tác với một số tạp chí khác như So sánh/ đối chiếu, Những chủ đề mới, Thế giới.
Những năm 60, bà kết hôn với Lucio Pozzi, một hoạ sĩ người Milan (và chia tay với ông sau bốn năm chung sống), đồng thời cho ra đời những cuốn tiểu thuyết đầu tiên: Kỳ nghỉ (1962); Thời kỳ đau yếu (1963); Trí nhớ (1967).
Maraini cũng bắt đầu quan tâm đến cả lĩnh vực sân khấu. Cùng với các nhà văn khác, bà đã lập ra nhà hát Porcospino, nơi chỉ trình diễn tác phẩm của những tác giả trẻ. Bản thân bà, từ nửa sau những năm 60, viết rất nhiều tác phẩm sân khấu, trong đó có Maria Stuarda, được dịch và trình diễn ở 21 quốc gia; Đối thoại giữa gái điếm và khách làng chơi được trình diễn ở Bruxelle rồi Paris, Luân Đôn và 14 quốc gia khác; ngoài ra còn có Sự kỳ quặc và những tác phẩm mới đây như Veronica, gái điếm và văn sĩ, Camille…
Ở Rome bà gặp Alberto Moravia. Năm 1962 Moravia chia tay với vợ - nhà văn Elsa Morante - vì bà.
Năm 1973 bà cùng những người khác lập ra nhà hát Maddalena hoàn toàn do phụ nữ quản lý. Chính vì vậy nhà hát này luôn là nơi để Dacia Maraini thông báo với công chúng những vấn đề xã hội và chính trị đương thời.
Dacia Maraini hiện nay là một trong những tác giả nổi tiếng nhất và có lẽ cũng là tác giả được dịch nhiều nhất trên thế giới của Italy. Sự nổi tiếng của Maraini còn xuất phát từ tài năng của nhà phê bình, nhà thơ và tác giả sân khấu. Bà đã hiến mình và còn tiếp tục hiến mình cho sân khấu, nơi bà cho là diễn đàn tốt nhất để thông tin tới công chúng các vấn đề xã hội cũng như chính trị cụ thể.