23/05/2018, 14:48

Đặc điểm và phân loại bệnh của ong

Đàn ong có khả năng phát triển nhanh, mỗi ngày đêm có thể đẻ 1.000-2.000 trứng với giống ong ngoại và khoảng 500-600 trứng với giống ong nội. Dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt đã gây tổn thất lớn cho đàn ong. Từ 1974 đến 1980 đàn ong nội ở Miền Bắc nước ta bị bệnh tới 70-80% nên đã sa sút nghiêm ...

Đàn ong có khả năng phát triển nhanh, mỗi ngày đêm có thể đẻ 1.000-2.000 trứng với giống ong ngoại và khoảng 500-600 trứng với giống ong nội. Dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt đã gây tổn thất lớn cho đàn ong. Từ 1974 đến 1980 đàn ong nội ở Miền Bắc nước ta bị bệnh tới 70-80% nên đã sa sút nghiêm trọng, nhiều trại bị mất trắng. Bệnh có thể diệt đàn ong nhanh chóng hoặc gây chết dai dẳng, đàn yếu dần, chữa chạy tốn kém, làm ngừng trệ các công việc tạo chúa, chia đàn, thu sản phẩm. Dùng thuốc chữa bệnh cho ong không những ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn ong mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm ong và tác động xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng. Ở nước ta, công tác phòng chống bệnh ong đã được quan tâm và đã giải quyết có kết quả một số bệnh hiểm nghèo bằng phương pháp sinh học và bằng thuốc dân tộc trên cả đàn ong nuôi và đàn ong Ý. Áp dụng phòng trị bệnh ong bằng phương pháp sinh học đã hạn chế tối đa việc dùng hoá chất. Đàn ong phát triển ổn định hơn, chất lượng mật được nâng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Đặc điểm bệnh ở loài ong

1/ Ong sinh hoại theo đàn, có sự phân công công việc rất cụ thể theo bản năng. Khi đàn ong có một số cá thể bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả đàn.

2/ Nhiệt độ trung bình trong đàn ong 35-36c chỉ duy trì được ở đàn ong mạnh, có khả năng giữ ấm cho tổ, nuôi ấu trùng và chống bệnh tốt. Đàn ong thưa, ấu trùng dễ bị lạnh dẫn đến bệnh thối ấu trùng.

3/ Ong thợ hoại động rất tích cực, tuổi thọ của chúng trung bình 40-45 ngày. Trong quãng đời ngắn ngủi đó, ong thợ phải làm rất nhiều công việc. Nếu ong thợ bị nhiễm bất cứ loại bệnh nào thì sự hoạt động của đàn ong cũng bị đảo lộn. Ví dụ khi ấu trùng bị bệnh, ong phải tăng cường công tác vệ sinh, sau đó trong đàn không có ong non ra đời, ảnh hưởng đến công việc nuôi ấu trùng, đàn ong thu mật rất kém.

4/ Ong thu mật, thụ phấn và ong chúa giao phối ngoài trời, đàn ong có thể ăn cướp mật lẫn nhau, ong đực không có giới hạn đàn. Sự qua lại trong đàn và giao lưu trên hoa làm cho bệnh lây lan rất nhanh.

5/ Sản phẩm của ong được sử dụng trực tiếp không qua chế biến, vì vậy khi dùng loại thuốc chữa bệnh ong có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

6/ Ong là loại côn trùng rất nhạy cảm với các loại hoá chất dộc. Khi sử dụng thuốc chữa bệnh cho ong phải có liều lượng chính xác. Ví dụ dùng thuốc xông hơi chữa bệnh kí sinh nếu dùng liều nặng gây chết ong thợ, nhiều trường hợp làm ong chúa ngừng đẻ.

Phân loại bệnh của ong

Ong mật vùng nhiệt đới như ở nước ta thường bị nhiễm rất nhiều loại bệnh. Dựa vào những đặc điểm của bệnh có thể phân ra các nhóm bệnh sau:

1/ Bệnh lây lan: bao gồm bệnh do các loại virut, vi khuẩn, nấm và các ve bét kí sinh gây ra. Những loại bệnh trên nhờ những môi giới truyền bệnh có thể lây lan lất nhanh, gây chết nhiều đàn ong. Trong bệnh lây lan cũng có thể tách ra bệnh truyền nhiễm do virut, vi khuẩn, nấm gây ra và bệnh xâm nhập do ve bét kí sinh gây ra.

2/ Bệnh không lây: bệnh gây ra do ngộ độc mật hoa, phấn hoa, ngộ độc hoá chất, do thời tiết biến đổi đột ngột hoặc nóng, lạnh quá mức chịu đựng của ong.

3/Ngoài các bệnh lây và không lây, các loại côn trùng và động vật phá hoại tổ hoặc ăn thịt ong như sâu phá bánh tổ, cóc, chuồn chuồn, ong từng, kiến,… được xếp vào nhóm thiên địch hại ong.

Dựa vào kí chủ bị hại có thể phân ra:

1 / Bệnh ở ấu trùng (bao gồm cả giai đoạn nhộng) như các bệnh thối ấu trùng Châu Âu, bệnh ấu trùng túi, bệnh thối ấu trùng Châu Mỹ, bệnh phó thương hàn,…

2/ Bệnh của ong trường thành như các bệnh nhiễm trùng bại huyết, bệnh phó thương hàn,…

0