18/06/2018, 15:47

Cuộc Phiêu Lưu Quân Sự Của Nhà Thanh ở Đằng Trong

ChoLon 1909 Nguyễn Lục Gia Trước sự lớn mạnh của họ Nguyễn trong quá trình chinh phạt xuống phía Nam với quy mô một vương quốc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, Thanh triều đã mưu toan và hành động giấu mặt bằng biện pháp tấn công quân sự lật đổ chính quyền tại dinh Trấn Biên ...

ChoLon 1909

ChoLon 1909

Nguyễn Lục Gia

Trước sự lớn mạnh của họ Nguyễn trong quá trình chinh phạt xuống phía Nam với quy mô một vương quốc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, Thanh triều đã mưu toan và hành động giấu mặt bằng biện pháp tấn công quân sự lật đổ chính quyền tại dinh Trấn Biên (Biên Hoà), một vị trí chiến lược đóng vai trò tiền đồn mặt Tây Nam của đất Đàng Trong. Một võ quan triều đình Trung Hoa là Lý Văn Quang đội lốt Hoa thương đứng ra tổ chức thực hiện và cầm đầu cuộc chính biến với danh xưng Đông Phố đại vương, song đã bị các lực lượng tại chỗ của chính quyền chúa Nguyễn phối hợp trấn áp. Lý Văn Quang cùng với 57 tên đầu sỏ khác bị bắt giam để điều tra vụ việc gần như vô thời hạn, nếu không có sự ra mặt can thiệp của nhà Thanh. Sau gần chục năm trong vòng lao lý Nam Hà, 16 tên hình phạm còn sống sót đã được chính quyền chúa Nguyễn trả về Trung Hoa. Toàn bộ diễn biến của chuỗi sự kiện trên đây đã bị chính sử họ Nguyễn mã hoá như là cuộc nổi binh tự phát mang tính chất cầu may của một nhóm Hoa thương lưu vong trên phần lãnh thổ thuộc chủ quyền quản lý của mình.    

Tình thế và âm mưu.           

Trong lịch sử hơn 200 năm chấp chính của họ Nguyễn trên đất Đàng Trong, vị chúa đời thứ tám Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) đã ghi lại đậm nét dấu ấn thời kỳ trị vì của mình bằng một loạt các cải cách mang tính chất xác lập một thể chế vương quyền thật sự: lên ngôi vương, đúc ấn quốc vương, khiến gọi Chính Dinh (Phú Xuân) là đô thành và nơi phủ ở là điện, định triều phục văn võ, truy tôn huy hiệu các đời, tự xưng là Thiên vương trong quan hệ với thuộc quốc, “đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới”… [1]. Sau lần dùng người Thanh làm sứ thần đáp theo thuyền Xiêm La sang Trung Hoa cầu phong bất thành vào năm Nhâm Ngọ (1702) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1738), họ Nguyễn dù vẫn thư từ qua lại với chính quyền Lưỡng Quảng nhưng không hề ráo riết trong vấn đề thụ phong từ phía Thiên triều như một thể thức nhất thiết phải đạt được bằng mọi giá, để chính ngay lúc này họ Nguyễn chính thức tự tôn.           

Việc xác lập chủ quyền trên cơ sở không ngừng mở rộng lãnh thổ về phương Nam cùng với sự tăng cường quan hệ giao thương hướng ra bên ngoài đã đem lại nguồn lực mới dồi dào cho chính quyền họ Nguyễn. Như một sự hối thúc cuồng vọng đầy tính chất rủi may của lịch sử, khi mà nhà Thanh đã mang về cho Trung Quốc những phần đất béo bở sau cùng có thể có được trong vùng nội thổ phải tranh chấp quyết liệt với nhiều bộ tộc Mongoloid ở phía Tây, triều đình nhà Thanh đã tỏ ra lúng túng đánh cược sứ mệnh mở rộng đế chế Đại Trung Hoa xuống hướng Nam bị cách quãng bởi nhà nước Đại Việt đang trong thời kỳ khủng hoảng cục bộ kéo dài. Những miếng ăn dễ nuốt đối với các phiên thần đứng trên danh nghĩa đôi khi ngược lại hoàn toàn đối với vị quốc chủ khổng lồ phương Bắc. Thiên triều đang đối mặt trước những trở lực nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, trong đó đáng gờm nhất là chính quyền họ Nguyễn trong mối quan hệ trực tiếp với Champa, Chân Lạp và Xiêm La. Đúng như điều mà George Coedès nhận xét, “Những triều đại lớn của Trung Hoa không bao giờ nhìn bằng một con mắt thiện cảm sự thành lập những quốc gia hùng mạnh ở vùng Nam Hải…” [2]. Triều đình Mãn tộc đang lặp lại định kiến nhãn quan của các Thiên triều Trung Hạ, Trung Quốc của người Hoa Hạ.           

Tiến chắc từng chặng một xuống phía Nam từ đầu thế kỷ XVII trở đi, đến khoảng giữa thế kỷ XVIII vương quốc Nam Hà, theo như cách gọi đương thời của giới thương gia và giáo sĩ phương Tây, đã nối dài đến tận Hà Tiên, giáp giới với Xiêm La đang mạnh lên với tính chất một trung tâm thương mại ven bờ lục địa Đông Nam Á. Thành công của Nam Hà cũng như Xiêm La có phần góp sức không nhỏ của các thần dân lưu vong gốc gác Thiên triều. Những Dương Ngạn Địch – Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên – Trần An Bình cùng Mạc Cửu đã phụng sự đắc lực họ Nguyễn bằng công cuộc khai khẩn đất đai để đem về một bộ phận lãnh thổ trải rộng gần 4 kinh tuyến và kéo dài trên 2 vĩ độ, giàu có các nguồn lợi thiên nhiên vào hạng bậc nhất phương Đông; trong khi đó viên hào trưởng tên Yển nguyên người Triều Châu ngụ trên đất Mường Tát không ngừng tập hợp thế lực để 20 năm sau, con là Trịnh Quốc Anh (Hoa) “thừa lúc nước Xiêm trống trải suy yếu, bèn dấy quân đánh úp lấy đất, tự xưng làm quốc vương, đòi nước Chân Lạp tiến cống” [1]. Trước những thành công trông chừng dễ dàng ấy, nhà Thanh nảy sinh mưu mô gây dựng và tăng cường thế lực trực tiếp của mình, vói tay xuống khống chế phía Nam bằng cách kích động xung đột khu vực thông qua lực lượng người Hoa tại chỗ phối hợp với đội ngũ quan binh triều đình đội lốt thương gia và thuyền buôn. 

Xúc tiến kế hoạch.        

Mở màn cho chiến dịch can thiệp xuống phía Nam của Thiên triều là một biến cố chính trị dường như chẳng liên quan gì đến Trung Hoa. Năm Bính Dần (1746), “Người Man Thuận Thành [người Chàm] là Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng nổi loạn. Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương [Cường] đem quân đi đánh, đắp luỹ Cổ Tỉnh để chống giặc, thừa lúc sơ hở đánh úp bắt được Bao Lai và Mã Lăng giết đi” [1]. Việc người Chàm xung đột với chính quyền cai trị của họ Nguyễn trên vùng đất cuối cùng của vương quốc Champa này rải rác xảy ra là điều dễ thấy, cho dù hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ lúc Thống binh Nguyễn Hữu Kính đem quân kinh lý và sáp nhập vào cùng đất đai Nam Hà mùa xuân năm Quý Dậu (1693). Tuy nhiên, đó lại là một mật mã của sự kiện. Lai và Lăng ngờ rằng không phải là những quý tộc Chàm còn sót lại, đứng ra hiệu triệu dân Chàm nổi loạn như lý lẽ thông thường của chính sử. Họ kép Hoa tộc Dương Bao và Diệp Mã [3] đã tố cáo lai lịch đích thực của hai kẻ cầm đầu này. Nói cách khác, chính việc giết chết công khai hai thần dân Trung Hoa Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng đã làm cho họ Nguyễn phải vờ như nguyên nhân là do bọn Chàm quân phiến loạn chứ không phải những kẻ được sai khiến từ phía Thiên triều. 

Mặt khác, có thể nhận thấy tính chất quyết liệt và khẩn trương của vụ biến thông qua diễn tiến trấn dẹp của quân Nguyễn với hai tình tiết quan trọng: việc xảy ra trên đất Thuận Thành, song hành động ra tay xuất phát từ dinh Trấn Biên (Biên Hoà) bởi Lưu thủ Nguyễn Cường; Lưu thủ Cường Uy hầu phải huy động dân binh đắp một thành luỹ kiên cố dài tới 645 trượng ở huyện Tuy Lý (thuộc Nam Bình Thuận), gọi là luỹ Cổ Tỉnh [4] để ngăn chặn sự tiến công của đối phương về hướng Trấn Biên chứ không phải ngược ra phía Bắc nhằm vào các cơ quan đầu não của Bình Thuận dinh đang đóng tại huyện Hoà Đa. Rõ ràng mục tiêu của Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng là tiền đồn Trấn Biên trấn giữ cả một vùng chiến lược mặt Tây Nam Đàng Trong, phối hợp với một lực lượng thứ hai quan trọng hơn đang ém quân chờ đợi: lực lượng Lý Văn Quang. 

Đầu năm Đinh Mão (1747), “khách buôn người Thanh là Lý Văn Quang đánh úp dinh Trấn Biên. Cai cơ Tống Phước Đại đánh dẹp được. Văn Quang người Phúc Kiến sang ngụ ở bãi Đại Phố, Biên Hoà. Bấy giờ trong nước bình yên đã lâu, ít dùng binh. Văn Quang ngấm ngầm có ý dòm ngó, bèn mưu làm loạn. Hắn tụ đảng hơn 300 người, tự xưng là Đông Phố đại vương, lấy đồng đảng là Hà Huy làm quân sư, Tạ Tam, Tạ Tứ làm tả hữu đô đốc, mưu đánh úp dinh Trấn Biên (…) Lưu thủ Nguyễn Cường đem binh của dinh giàn ở bờ phía Bắc, gởi hịch báo cai cơ đạo Hưng Phúc là Tống Phước Đại hợp quân đánh dẹp. Bắt được Văn Quang và đồ đảng 57 người” [1]. Lai lịch “khách buôn” chung chung của gã cầm đầu họ Lý không có gì đặc biệt, ngoại trừ một tiết lộ chừng như rất nhặt mà tài liệu gốc đương thời vô tình thả lửng: “người buôn gánh người tỉnh Phúc Kiến là Lý Văn Quang, trọ ở Đại Phố, thấy đời thái bình, việc võ xếp nghỉ, lòng muốn cầu may, bèn ngầm kết bè đảng…” [5].

Buôn gánh là loại hình buôn bán nhỏ lẻ, vốn liếng lẫn hàng hoá không đáng kể, do đó thế lực cùng địa vị là điều kiện tất yếu để đứng ra tập hợp lực lượng không thể khuếch trương mạnh mẽ được. Rõ ràng vị trí thương nhân của Lý Văn Quang chỉ là vỏ bọc bên ngoài nhằm che giấu vai trò quan trọng của một chức sắc võ quan Thiên triều vừa được tiến cử và quá cảnh đến Cù Lao Phố, còn gọi là Nông Nại Phố, một địa điểm buôn bán sầm uất tập trung rất nhiều Hoa thương hình thành trên thế kỷ rưỡi về trước, nơi mà “Khi mới khai thác Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu tập lái buôn người Trung Hoa lập ra phố xá, nhà ngói tường vôi lầu cao vót quán mấy tầng, rực rỡ bên sông dưới ánh mặt trời, liên tục năm dặm, mở vạch ba đường phố. Phố lớn lát đường đá trắng, phố ngang lát đường đá ong, phố nhỏ lát đường đá xanh, đường bằng như đá mài, khách buôn họp đông thuyền biển thuyền sông, tránh gió bỏ neo, lớn nhỏ sát nhau là một nơi đại đô hội. Nhà buôn to giàu chỉ ở đây là nhiều. Có người cả nước biết tiếng…” [5]. 

Việc “ngụ” hoặc “trọ” ở Đại Phố chứng tỏ họ Lý trước đó đã bí mật qua lại Trung Hoa nhiều lần để báo cáo tình hình và kết quả công tác chiêu tập lực lượng, cũng như đưa người và chuyển vận vũ khí từ Trung Hoa sang Trấn Biên bằng thuyền buôn để không chỉ trang bị cho đồng đảng của mình mà còn cung cấp cho cả lực lượng của Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng nổi dậy trên đất Tuy Lý (Bình Thuận). Cách thức tổ chức thuần thục của Lý Văn Quang gồm đầy đủ ban bệ từ đại vương đến quân sư, tả hữu đô đốc cho thấy y là một đại quan nhà nghề trong hoạt động phiến loạn ở hải ngoại của Thiên triều. Số đông hơn 300 quân dưới quyền thống lĩnh của Đông Phố đại vương hầu hết đưa từ Trung Hoa sang đã được huấn luyện kỹ càng và tỏ ra liều lĩnh quỷ quyệt, như diễn biến của cuộc quyết đấu mà sử gia Trịnh Hoài Đức ghi lại: “Bèn nhân ngày tết Nguyên Đán, phục sẵn quân ở trong phố, đem hơn 50 người dũng cảm, soạn đèn áo xuân làm lễ mừng, tiến vào nhà dinh Cẩn Thận hầu [Cai đội Nguyễn Cư Cẩn] để mừng tuổi, liền nhân lúc sơ hở mà cử sự (…) Rồi thuộc quân kíp ứng, giặc bèn chạy trở về, tụ quân giữ cầu để chống cự”, khiến cho “Lưu thủ là Cường Uy hầu họ Nguyễn đem quân thuỷ bộ của dinh bày ở trên bờ phía Bắc, đốt đứt cầu gỗ, đóng giữ không dám tiến tiễu, hịch báo cho Cai cơ đạo Mỗi Xoài là Đại Thắng hầu Tống Phước Đại hợp quân” [5] mới tiêu diệt và bắt sống được đầu sỏ gồm Lý Văn Quang và 57 tên khác. Chắc chắn nhóm tù binh rặt Trung Hoa này được Thiên triều biệt phái chứ không phải những phần tử lưu vong như số đông đi tìm đất mưu sinh thường thấy, theo minh vấn của Trịnh Hoài Đức: “Cho chúng là người Thiên triều không vội giết ngay cho giam vào ngục, đem việc ruổi tâu” [5]. Vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng nên động thái của Võ vương tỏ ra nghi ngại: “Chúa thấy là người Thanh không giết vội, đều hạ ngục” [1]. Vụ việc được chính quyền chúa Nguyễn điều tra suốt gần chục năm tiếp theo trong vòng bí mật đáng ngờ. 

Luận chứng và hệ luỵ           

Chủ trương cùng hành động can thiệp quân sự xuống phía Nam trên vùng lãnh thổ Nam Hà giáp giới với Chân Lạp của nhà Thanh đã hối thúc chúa Nguyễn đẩy nhanh hơn nữa công cuộc chinh phạt phần đất còn lại thuộc Thuỷ Chân Lạp. Không kể lần tiến quân đánh thẳng tới Nam Vang đầu năm 1748 để giải quyết các tranh chấp rắc rối trong nội bộ hoàng gia Chân Lạp, cuối năm 1753 chúa Nguyễn “sai Cai đội Thiện Chính (không rõ họ) làm Thống suất, Ký lục Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ, sang đánh Chân Lạp” mà kết quả là năm 1756, vua Chân Lạp Nặc Nguyên “xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu về ba năm trước để chuộc tội” (…) cho lệ vào châu Định Viễn, để thu lấy toàn khu” và cuối năm 1757 cơ bản hoàn thành việc sáp nhập này [1].           

Cũng chính vào thời điểm ổn định nhiều phương diện ở mặt Nam của vương quốc, năm Bính Tý (1756) “Bấy giờ viên Thiên tổng Mân Chiết [Phúc Kiến và Chiết Giang] là Lê Huy Đức, thuyền bị nạn bão đậu vào hải phận nước ta. [Chúa] hậu đãi rồi cho về, nhân tiện cho đưa về Phúc Kiến những người Thanh bị bắt là bọn Lý Văn Quang 16 người” [1]. Sự kiện có vẻ ngẫu nhiên, song thực chất bên trong là cả một loạt các diễn biến ngoại giao gay cấn. Sử gia Nguyễn triều hé lộ thêm đôi tình tiết quý giá: “Mùa đông năm Ất Hợi [1755] gặp được bệ hạ của tổng đốc Mân Chiết là Thiên tổng Lê Huy Đức, Bả tổng là Thẩm Thần Lang, Hồ Đình Phượng đi thú Đài Loan, gặp bão tàu dạt sang đây, nhân bắt bọn tù gửi xuống tàu buôn, để đưa về nước. Năm Bính Tý thứ 19 [1756] (…) đem tội trạng của bọn giặc ấy, soạn làm công văn và án quyển.

Bọn tù phạm trừ những tên bị thương, bị bệnh mà chết ra, hiện còn bọn Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tứ, 16 tên, một thể đưa giao, bọn Lê Huy Đức lãnh giải về Mân, trình đốc bộ biện lý xử tội” [5]. Như vậy, theo tài liệu của sử gia Trịnh Hoài Đức thì thuyền của Mân Chiết chở toán đại quan cao cấp đi tuần tra ở đảo Đài Loan, bất ngờ bị bão đánh dạt xuống tận biển Nam Hà chứ không phải bị bão khi đi ngang qua vùng biển ngoài khơi Trung Bộ. Nếu quả thật như thế thì đây là trường hợp tai nạn tàu thuyền do bão hiếm khi gặp phải, bởi khoảng cách từ eo biển Đài Loan đến hải phận Đàng Trong quá xa với khá nhiều đảo, cồn đá và bãi cát cản chắn.

Tuy nhiên, gần như mọi bí ẩn trong quan hệ giữa chúa Nguyễn với Thanh triều vẫn đang nằm trong một bản sao công văn từ bức thư chính thức gửi đi tại Phú Xuân đúng 20 năm trước khi được sử gia Đàng Ngoài Lê Quý Đôn tận mắt đọc thấy vào đầu năm 1776, đương chức Hiệp trấn khi đội quân Lê – Trịnh chiếm đóng nơi này. Bức thư được sử gia họ Lê xếp vào mục Nhân tài và văn thơ trong một trước tác nổi tiếng hoàn thành nhanh nhất và phong phú nguồn tư liệu nhiều mặt nhất về xứ Đàng Trong, sách Phủ biên tạp lục mà bản khắc in chính thức xuất hiện ngay trong năm 1776. Ngoài những lời lẽ tụng xưng mang tính chất ngoại giao cùng với danh sách các sản vật địa phương biếu tặng, nội dung chính có liên quan đến sự vụ gây biến, bắt người và trả người giữa hai nước như sau:           

“Khoảng năm Đinh Mão, bọn Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tứ, qua chơi đất hẹp của tôi, ngầm mang lòng xằng, lẩn vào trong cõi Gia Định, nhóm họp hơn trăm, càn rỡ tự tôn tự đại, hoặc xưng đô đốc, hoặc xưng quân sư, ngoài ra đều theo thứ bậc mà đặt trộm tên, toan cướp chiếm ấp tôi, bừa giết biên thần. Nhưng rồi trời chẳng dung tha, thảy đều bị bắt, xử luật bất đạo, tội chết có thừa. Song tạm để hình chương, giam mà không giết, chính muốn tỏ lòng với thượng quốc, đưa trả bọn kia, để chịu phép thường. Nhưng sợ thuyền buôn trôi nổi không nhất định, không do đâu mà đạo đạt được, để đến ngày tháng kéo dài. Năm ngoái Khâm mệnh Quảng Đông phân tuần Lôi Kinh binh bị đạo án sát sứ ty thiêm sự gia ngũ cấp kỷ lục tứ thứ quý chức sai thuyền trưởng Hải Nam sang giải bọn phạm dân kia về nước trị tội. Bất Nịnh [danh xưng của chúa Nguyễn Phúc Khoát – TG] vốn biết bọn ấy là người lái buôn, thường thấy ở trong ấp nhỏ của tôi, cho nên không dám nhẹ tin. Nay có hai viên binh quan bộ hạ là Trầm [Thẩm] Thần Lang, Hồ Đình Phượng, chợt gặp gió bão, bỗng tới ấp tôi, bèn đem công án của bọn kia mỗi mỗi kê khai, hoặc vì đánh nhau mà chết, hoặc chết trong tù, cho đến trốn mất, đều có ngạch riêng, còn hiện có 16 tên thì uỷ cho lãnh lấy đem về, thay tờ bẩm bạch… Lại như Thiên tổng Lê Đức Huy [Huy Đức], Bả tổng Trầm Thần Lang, Hồ Đình Phượng, năm Ất Hợi [1755] mùa đông, bỗng bị sóng gió, trôi dạt vào đất chúng tôi, thảy được nhờ ơn, sẽ đợi đưa về Trung Quốc. Ngờ đâu cùng bệnh không biết thương nhau, cùng hoạn không biết giữ nhau, cùng nhau tranh đấu, tố cáo lẫn nhau, đó đều là quan võ của Trung Quốc, không quan hệ đến chính điển ấp tôi, cho nên lời lẽ của hai bên đã phong lại trả về bẩm lên thượng hiến, để tuỳ xét xử…” [6].           

Chúa Nguyễn đã thông tin ba nội dung quan trọng trong đoạn thư trên:           

– thứ nhất, chủ mưu trong hành động đánh úp dinh Trấn Biên là các võ quan Trung Hoa, có quan hệ trực tiếp với Thanh triều. 

 thứ hai, việc kéo dài thời gian giam giữ con tin để điều tra âm mưu bạo động lật đổ chính quyền tại Trấn Biên dinh do Lý Văn Quang cầm đầu đã bị Thanh triều phản ứng bằng cách đòi người mà lần gần nhất là năm 1755. Sẵn đó, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã biện hộ lý do rằng không thể dẫn độ bọn tội phạm trao trả cho Trung Hoa thông qua phương tiện thuyền buôn trong điều kiện không được đảm bảo chắc chắn về mặt an ninh, ngay cả khi có công lệnh từ chính quyền Quảng Đông mà kẻ thừa hành lại là viên thuyền trưởng Hải Nam, vẫn rặt một bọn lái buôn giảo hoạt nhan nhản trên đất Nam Hà chẳng đáng mảy may tin cậy. 

– thứ ba, tàu Mân Chiết kế tiếp sứ mệnh đòi người của tàu Hải Nam lại thất bại trong một tình huống mới: tự tố cáo lẫn nhau. Không biết các võ quan Thiên triều đã tranh công hám lợi bằng cách vạch mặt và sỉ nhục lẫn nhau như thế nào, “lời lẽ của hai bên đã phong lại trả về bẩm lên thượng hiến” ra sao, kết cục đã quá rõ ràng với thủ thuật ngoại giao tự tin, khéo léo của chính quyền Võ vương.           

Chưa kể tổn thất cuộc nổi dậy của Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng trên đất Bình Thuận nhằm tiến công vào Trấn Biên phối hợp hành động, lực lượng của Lý Văn Quang từ hơn 300 quân đến khi bị thất bại chỉ còn lại kẻ cầm đầu và đồng đảng 57 tên. Sau gần chục năm nằm trong ngục tối, 16 tên phiến quân bị khảo tra đầy thương tích cùng bệnh tật liệu có sống sót trên hành trình nghìn dặm biển trở lại cố hương? 

Đây là thất bại nhục nhã mở đầu cho những thất bại nhục nhã khác của Thanh triều dưới thời Càn Long (1736 – 1795) trong lịch sử chinh phạt Trung Hoa. Ngờ rằng biểu cầu phong năm xưa của chúa Nguyễn Phúc Chu đã không được Thanh đế Khang Hy (1662 – 1722) chấp nhận nhằm để không bị ràng buộc trong mưu đồ tiến xuống phía Nam, bởi sự lớn mạnh của Nam Hà chính là trở ngại đối với mưu đồ bá chủ đã đang ấp ủ của Thiên triều. Lời bàn tại triều đình Đại Thanh năm Nhâm Ngọ (1702): “Nước Quảng Nam [chỉ xứ Đàng Trong – TG] hùng thị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Duy nước An Nam [chỉ Đàng Ngoài – TG] còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được” [1]. Luận điệu trí trá này không thể bào chữa cho những hành động bất nhất của Thiên triều, vì cũng như nhà Minh trước đó (năm 1541) từng phong cho Mạc Đăng Dung chức Đô thống sứ, “cho đời được cha truyền con nối” [7] khi biết chắc rằng hậu duệ vua Lê vẫn còn sống và đang dấy binh đánh Mạc, về sau (năm 1789) nhà Thanh dưới thời Càn Long tiếp tục “ra sắc mệnh phong Văn Huệ [Nguyễn Huệ – TG] làm An Nam quốc vương” [7] trong khi chính vua Lê Chiêu Thống đang cáo cấp cầu viện Thanh triều xuất quân khôi phục quốc thống. Rõ ràng nhà Thanh đã thi hành chính sách cô lập hoá chính quyền chúa Nguyễn nhằm can thiệp quân sự xuống phía Nam mà không phải chịu trách nhiệm trong vai trò thượng quốc – Thiên triều. 

Vẫn còn tiếp diễn nhiều vụ nhúng tay của Thanh triều lẫn của tầng lớp Hoa thương xuống vùng đất phía Nam vừa mới sáp nhập vào giang sơn của chúa Nguyễn trong những năm cuối thập niên 70 đầu 80 thế kỷ XVIII, trước khi bùng nổ một biến cố lịch sử trọng đại trong đời sống chính trị người Việt: phong trào Tây Sơn. 

 

Tài liệu chú dẫn.                                 

[1] QSQ triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, NXB Sử học, HN, tr.201-210, 216-225, 235.

[2] George Coedès (2008), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông, NXB Thế giới, tr.20-21.

[3] Nguyễn Khôi (2006), Các dân tộc ở Việt Nam: cách dùng họ và đặt tên, NXB Văn hoá dân tộc, HN, tr.161.

[4] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hoá, tr.166.

[5] Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục, tr.23, 24, 194-195.

[6] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hoá – Thông tin, HN, tr.360-361.

[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, NXB Giáo dục, HN, tr.119, 850

0