18/06/2018, 15:47

Giải Mã Đại NamThực Lục Tiền Biên

Bìa của Đại Nam thực lục tiền biên Nguyễn Lục Gia Đại Nam thực lục tiền biên là bộ chính sử họ Nguyễn được biên soạn trên quan điểm Nho gia và đặt trong quan hệ phiên thần – thượng quốc giữa Nam triều với Đế chế Trung Hoa. Từ đó, một số vấn đề không có lợi cho mối quan hệ hai ...

Bìa của Đại Nam thực lục tiền biên

Bìa của Đại Nam thực lục tiền biên

Nguyễn Lục Gia

Đại Nam thực lục tiền biên là bộ chính sử họ Nguyễn được biên soạn trên quan điểm Nho gia và đặt trong quan hệ phiên thần – thượng quốc giữa Nam triều với Đế chế Trung Hoa. Từ đó, một số vấn đề không có lợi cho mối quan hệ hai nước, nhất là cách hành xử của chính quyền chúa Nguyễn đối với các tội phạm người Hoa trên đất Đàng Trong đã được sử gia mã hoá bằng nhiều hình thức: nếu thừa nhận là người Hoa thì hoặc không công khai giết chết, hoặc chỉ bắt giam rồi trả về Trung Quốc xét xử, hoặc đổ cho gươm giáo vô tình; nếu muốn trừ khử thẳng tay thì hoặc chỉ nêu tên mà “không rõ họ”, thậm chí Hoa tộc rành rành vẫn cho “không rõ họ”, hoặc đổ là người Chàm, người Việt, người Man. Ngoài ra, sử gia còn nguỵ trang một cuộc phản chiến kéo dài của quân Nguyễn trong việc tiến đánh Chân Lạp và sự kiện nhà Thanh đòi người bị họ Nguyễn bắt giam gần hàng chục năm trời.

Triều Nguyễn thành lập từ năm 1802, khởi đầu niên hiệu Gia Long. Tuy nhiên phải đến 19 năm sau, năm Minh Mạng thứ 2 (1821), Sử Quán mới được đặt ra và đặt bút biên soạn bộ sử đầu tiên của Nguyễn tộc: bộ Liệt Thánh thực lục, chia làm hai phần là Tiền biên và Chính biên. Nhưng, như lời vị hoàng đế thứ ba: “đã tinh còn muốn tinh hơn, đã tường càng muốn tường nữa”, Sử Cục vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) bắt tay vào việc soạn lại Thực lục. Sau 4 năm “kê cứu”, “tìm lặt”, “châm chước sửa chữa” của sử quan lẫn cả hoàng đế, phần đầu của bộ sách hoàn thành và được khắc bản, gọi là Liệt Thánh thực lục tiền biên, trong niềm “xiết bao chiêm ngưỡng, rất mực vui mừng” [1]. 

Đại Nam thực lục tiền biên, tức Liệt Thánh thực lục tiền biên soạn ra dựa trên một số tài liệu tin cậy và quý hiếm bấy giờ, đáng kể nhất là Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Do đó, giá trị lịch sử to lớn của bộ sách là điều khẳng định chắc chắn. Chỉ điều, đằng sau những sự kiện và con người trần trụi có thật kia, dường như vẫn có vài chi tiết được mã hóa một cách tài tình, chẳng phải với mục đích khoa trương công đức, đề cao cá nhân hoặc che đậy tội ác, giảm thiểu bất công, mà chỉ nhằm để khoả lấp một thái độ ứng xử theo tư tưởng Nho gia chính thống giữa họ Nguyễn với Thanh triều. Có hai thời điểm đã chi phối quan điểm của sử gia:

– Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của buổi quốc sơ, dù đường biên thổ không liền kề Trung Quốc, nghĩa là không phải trực tiếp đề phòng mối lo bị Thiên triều chinh phạt, chúa Nguyễn của Đàng Trong trên danh nghĩa vẫn phò Lê là triều đình được đế chế Trung Hoa thụ phong thừa nhận. Mặt khác, để đối phó với họ Trịnh lâu dài, các chúa Nguyễn cần tranh thủ cơ hội để nhận lĩnh tước phong, chính thống hoá vương quyền và lãnh thổ, phòng tránh những phiền phức về sau từ phía Thiên triều.

– Khi triều Nguyễn thành lập, Gia Long vẫn phải cầu phong nhà Thanh và thể chế hoá theo mô thức Trung Hoa. Thời Minh Mạng qua Thiệu Trị, trước những dồn ép và căng thẳng về chính trị do phương Tây gây hấn, việc dựa vào Trung Hoa hoặc trung lập hoá Trung Hoa là kế sách chiến lược. 

Như vậy, quan điểm của chúa Nguyễn đương thời và của các hoàng đế Nguyễn về sau bị khống chế trong trạng thái kiêng dè. Họ Nguyễn chỉ “muốn duy trì sự an toàn của vương triều bằng cách tránh đối đầu về mặt quân sự và xây dựng quan hệ với nhà Thanh”, dù rằng trong thực tế “có xu hướng không những không kính trọng nhà Thanh, mà ngược lại còn coi nhà Thanh là di địch” về phương diện phong hoá [2]. Thái độ hai mặt đó được họ Nguyễn ứng đối khéo léo không chỉ với Thanh triều mà còn với mọi thành phần thần dân Hoa tộc, ngay cả tội nhân phản nghịch, bằng những hình thức mã hoá hết sức tinh vi. 

Ngoài ra, sử gia họ Nguyễn còn né tránh một cuộc phản chiến quy mô dưới thời chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn, nguỵ trang dưới lời lẽ “lần chần làm hỏng việc quân” [1] của hai vị đại tướng trên đất Chân Lạp. 

Hãy lật lại trang sử liệu Tiền biên thời chúa Nguyễn

1. Năm 1688, “Phó tướng Long Môn Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, tự xưng là Phấn dũng hổ oai tướng quân, thống lĩnh dư chúng Long Môn, dời đồn sang Nan Khê (nay thuộc huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường), thủ hiểm đắp luỹ, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi cướp bóc. Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu oán giận, bèn mưu với bề tôi là Ốc nha Cống Sa bỏ việc triều cống (…) làm kế cố thủ” [1]. 

Hoàng Tiến cùng với Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình  là những bại tướng nhà Minh không thần phục Thanh triều, kéo sang Nam Hà xin làm thần dân chúa Nguyễn, được trao chức và nhận lệnh khai khẩn miền Nam, biến thành xứ Đông Phố trù mật và tấp nập thuyền buôn. Vờ như đây là chuyện xung đột nội bộ của đám loạn tướng mạt Minh, chúa Nguyễn chỉ lo tập trung chuyện trừng phạt phiên thần, liền “đem quân đánh Chân Lạp. Sai Hoàng Tiến làm tiên phong, dưới quyền tiết chế của Vạn Long” [1]. Tuy nhiên, “Bề ngoài thì như vậy, nhưng bên trong chúa Nguyễn thấy cần phải diệt Hoàng Tiến bởi đã thấy rõ tính cách lưu manh của y” [3]. Đánh lận mục tiêu, chúa Nguyễn có hai thâm ý: đánh lừa kẻ phản loạn Hoàng Tiến; không thừa nhận công khai việc chứa chấp cũng như tự ý giết chết tội phạm Thanh triều. 

Thực tế cho thấy việc dụ hàng Hoàng Tiến tốn khá nhiều công sức lẫn thời gian. Khi bị lâm vào kế hiểm, “Tiến bỏ thuyền chạy, nhắm lẩn về phía cửa biển Lôi Lạp. Vạn Long vào luỹ, bắt được vợ con Tiến đều chém cả, chiêu tập dư chúng quân Long Môn, sai bộ tướng của Dương Ngạn Địch là Trần Thượng Xuyên quản lãnh để làm tiên phong”, riêng kết cục tên nghịch tặc vừa của chúa Nguyễn lẫn của Thanh triều thì bị cố ý thả lửng [1]. Phải chăng Hoàng Tiến cần được dẫn độ về Trung Hoa xét xử bởi luật lệ Thanh triều, nhưng hắn phải chết tại Nam Hà vì là tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm chủ quyền an ninh cùng những lợi ích thương mại của chính quyền chúa Nguyễn trên một đầu cầu quan trọng phương Nam vừa mới xác lập? Chắc chắn tên phản tướng Trung Hoa đã bị họ Nguyễn thủ tiêu, như ghi chép của sử gia Lê Quý Đôn có trước Tiền biêngần 1 thế kỷ: “Tiến chạy chết…” [4]. Một ý kiến khác đồng tình: “chúa Ngãi [chúa Nghĩa, tục danh của Nguyễn Phúc Trăn – NLG] cho quân vào Nam tuyên trưyền là đem quân chỉ để đánh Oudong (La Bích) cho bọn Tàu khỏi ngờ, sau đó bắt được Hoàng Tiến và giết đi. Chúa lại cho triệt hạ sào huyệt rồi gọi Trần Thượng Xuyên ở Biên Hoà xuống trao cho quyền kiềm thúc quân phiến loạn” [3]. 

Việc chinh phạt Chân Lạp sau đó diễn biến dùng dằng khó hiểu, dù đối thủ Nặc Thu chỉ là “một tên Man nhỏ ghẻ lở” [1] trong mắt các tuỳ tướng Nam Hà. Ròng rã hai năm liền, đoàn quân của Chúa tiến thoái lưỡng nan, nửa chừng thay tướng, tăng thêm viện binh mà vẫn không cải biến được tình hình vì tin lời của một nữ sứ Chiêm Dao Luật(?). Có thể lúc đầu chúa Nguyễn chỉ uy hiếp Chân Lạp để lập lại trật tự vùng biên, cho lưu quân phòng ngừa biến loạn, nhất là đối với dư đảng Long Môn. Nhân đó nhận thấy thời cơ, lệnh cho Thống binh Mai Vạn Long, kế sau là Nguyễn Hữu Hào đánh lấy luôn Chân Lạp, song bị các vị phó tướng này phản đối, bất chấp việc trừng phạt bãi miễn chức tước. Ngờ rằng đây là lần phản chiến hiếm hoi dưới thời các chúa Nguyễn, bởi như lời của Vạn Long: “Ta muốn đem thành tín để phục người Man, họ đã hàng phục thì còn chiến đấu làm gì?” hay lý lẽ của Hữu Hào: “Họ đã về với ta mà ta lại đánh, đó là bắt chẹt người trong lúc nguy, không phải là võ” [1]. 

Chủ trương dừng binh của Mai Vạn Long không phải hoàn toàn thụ động mà “sai các tướng chia binh vỡ đất cày cấy” một cách tích cực nơi vùng biên hai nước, trong khi đó phản ứng của chúa Nguyễn lại giận dữ khó hiểu: “bãi Vạn long làm thứ nhân”. Cai cơ Cựu Dinh Nguyễn Hữu Hào dòng dõi công thần, được cử thay Mai Vạn Long, sau ba lần thu nhận cống phẩm của Nặc Thu, tự “rút quân về đóng ở Bà Rịa (nay thuộc Biên Hoà), rồi kéo quân về” cũng bị “truất làm thứ dân” [1]. Rõ ràng, cả hai vị thống binh đã kháng lệnh tiến đánh Cao Miên, không chỉ hành xử trên tinh thần thượng võ đối với lân bang mà còn tránh được nạn binh đao chết người của hai nước. 

2. Năm 1693, “Tháng 12, người Thanh A Ban cùng với hữu trà viên là Ốc nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn. Trước là A Ban đến ở Thuận Thành, vốn cùng Ốc Nha Thát đi lại rất thân. Từ lúc Bà Tranh bị bắt, hai người đều chạy về đất Đại Đồng, A Ban đổi tên là Ngô Lãng, tự xưng mình có phép hô phong hoán vũ, gươm đao không thể làm bị thương. Người Thuận Thành là Chế Vinh kêu họp dân Man đi theo”, sau khi bị quân của Lưu thủ Nhuận đánh cho đại bại, A Ban “chạy về Thượng Dã (tiếp địa giới Chân Lạp). Nhuận bèn về, đem việc báo lên. Chúa lại ra lệnh cho Cai cơ Nguyễn Hữu Kính và văn chức Trinh Tường (không rõ họ) tiện nghi xử trí. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ đem quân tiến đánh, đảng giặc dẹp yên” [1]. 

Hành động chống đối quân Nguyễn của A Ban mang tính chất một mất một còn, từ việc đánh cướp Phố Hài, diệt viện binh Bà Rịa, tiến lấy Phan Rí đến uy hiếp Phan Rang, chống trả viện binh Bình Khang… Quyền lợi của A Ban trên đất Thuận Thành chỉ có thể là lợi ích của một đại thương gia, liên kết làm ăn cùng với Hoàng gia và quý tộc Champa trước khi người Việt đặt chân tới. Từ danh tính, quan hệ cho đến động cơ, mưu mô, thủ đoạn của kẻ phiến loạn đều quá rõ ràng, do đó án trừng phạt cao nhất dành cho A Ban là cái chết hoàn toàn xứng đáng. Vậy mà chúa Nguyễn lại tỏ ra ôn nhu đặc biệt: “tiện nghi xử trí”. Có thể thời điểm Việt hoá trên mảnh đất cuối cùng của vương quốc Champa đầy nhạy cảm này cần phải thận trọng trong mọi ứng xử với Chàm tộc, song họ Nguyễn cũng không muốn chuốc lấy rắc rối từ phía nhà Thanh vốn thượng quốc cả Champa lẫn Đại Việt, vừa cựu quốc của thần dân A Ban nên dành cho A Ban đặc ân tự biến mất theo kiểu “đảng giặc dẹp yên”. 

3. Năm 1695, “Người lái buôn ở Quảng Ngãi tên là Linh (không rõ họ) tụ đảng hơn 100 người, tự xưng là Linh Vương, tạo chiến thuyền, đúc binh khí, cùng người Qui Ninh là Quảng Phú (không rõ họ) hợp đảng, ra vào núi rừng, hoành hành cướp bóc, quan địa phương không dẹp được, nhân dân sợ hãi chạy báo lên (…) Khi các đạo quân xông tới sơn trại thì Linh đã chết. Quảng Phú cả sợ, trốn vào Phú Yên, dân Man [Mọi] bắt đem nộp. Chúa sai giết cùng với đồ đảng 20 người, và hậu thưởng dân Man” [1]. 

Danh tính các nhân vật lịch sử thời quốc sơ họ Nguyễn thường nhiều khiếm khuyết, đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, họ Nguyễn đã chú dẫn cụm từ “không rõ họ” một cách đầy ẩn dụ. Sự kiện này điển hình.với cả cặp đôi ẩn dụ đó. 

Trên tuyến thương mại ngang qua vùng Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi – Qui Nhơn – Phú Yên có những tụ điểm buôn bán xác lập từ trước bởi thương nhân Trung Hoa với sở trường buôn bán lâu đời. Chắc chắn sự kiện người Hoa A Ban nổi loạn trong thời điểm chúa Nguyễn mở đất đến trấn Thuận Thành năm 1693 – 1694 có mối liên hệ hay tác động nào đó với lái buôn tên Linh, bởi trước nay nơi đây hoàn toàn ổn định, trừ đôi lần Mọi Đá Vách tấn công xuống đồng bằng với mục đích cướp của bắt người. Hành động xưng vương của tên Linh rặt một kiểu tôn ti liều lĩnh của bọn giặc Tàu Ô thường thấy, lại mưu đồ cùng với Quảng Phú, dù cũng tiếp tục được mã hoá “không rõ họ”, song họ Quảng đã tự chỉ ra tên Phú đích thị gốc gác Hoa tộc [5]. Như vậy, cả Linh Vương lẫn Quảng Phú đều là Hoa thương mà mục đích của cuộc bạo động nhằm vào quyền lợi thương mại khu vực đang có xu hướng độc quyền hoá bởi chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong. 

Lai lịch thần dân Trung Hoa của Linh Vương rất dễ nhận dạng nên chúa Nguyễn đã không nhúng tay vào cái chết của hắn. Đồng đảng Quảng Phú được sử gia Việt hoá tinh vi hơn nên chính quyền cứ việc trừng trị thẳng tay. 

4. Năm 1746, “Người Man Thuận Thành [người Chàm] là Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng nổi loạn. Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương [Cường] đem quân đi đánh, đắp luỹ Cổ Tỉnh để chống giặc, thừa lúc sơ hở đánh úp bắt được Bao Lai và Mã Lăng giết đi” [1]. 

Bẵng đi nửa thế kỷ sau cuộc phản kháng của A Ban, người Hoa trên đất Bình Thuận vẫn nuôi tham vọng khôi phục địa vị buôn bán của mình tại một khu vực kinh tế cảng thị có nhiều nguồn hàng chiến lược và tàu thuyền trong ngoài nước dừng chân. Tiền biên đã thản nhiên đánh tráo mưu đồ thực của cuộc phản kháng, gán cho người Chàm địa phương để dễ dàng trấn áp như một sự chống đối thông thường. Dương Bao và Diệp Mã chính xác là những họ kép Trung Hoa [5] mà Lai – Lăng là hai thương gia có cỡ, tập hợp người Hoa tại chỗ và ra sức lôi kéo người Chàm dưới chiêu bài phục quốc để tạo thêm vây cánh. Tính chất quyết liệt của vụ việc chứng tỏ mâu thuẫn tranh chấp không thể điều hoà. Khoác cho những kẻ phiến loạn ngoại bang chiếc áo sắc Chàm bản địa, chính quyền chúa Nguyễn công khai triệt hạ đối phương.

 5. Năm 1747, “khách buôn người Thanh là Lý Văn Quang đánh úp dinh Trấn Biên. Cai cơ Tống Phước Đại đánh dẹp được. Văn Quang người Phúc Kiến sang ngụ ở bãi Đại Phố, Biên Hoà. Bấy giờ trong nước bình yên đã lâu, ít dùng binh. Văn Quang ngấm ngầm có ý dòm ngó, bèn mưu làm loạn. Hắn tụ đảng hơn 300 người, tự xưng là Đông Phố Đại Vương, lấy đồng đảng là Hà Huy làm quân sư, Tạ Tam, Tạ Tứ làm tả hữu đô đốc, mưu đánh úp dinh Trấn Biên (…) Lưu thủ Nguyễn Cường đem binh của dinh giàn ở bờ phía Bắc, gởi hịch báo Cai cơ đạo Hưng Phúc là Tống Phước Đại hợp quân đánh dẹp. Bắt được Văn Quang và đồ đảng 57 người. Chúa thấy là người Thanh không giết vội, đều hạ ngục”; tháng 7 năm 1756, “Thiên tổng Mân Chiết [Phúc kiến và Chiết Giang] là Lê Huy Đức, thuyền bị nạn bão đậu vào hải phận nước ta. [Chúa] hậu đãi rồi cho về, nhân tiện cho đưa về Phúc Kiến những người Thanh bị bắt là bọn Lý Văn Quang 16 người” [1]. 

Tội danh cực kỳ nghiêm trọng, xếp hàng đầu đại ác trong Thập ác (10 tội ác lớn) của hình luật, do đó chính quyền chúa Nguyễn thận trọng ra lệnh hạ ngục. Chắc hẳn con số 57 phần tử rặt Tàu kia thuộc diện cầm đầu nguy hiểm nên giam chờ tra xét. Tuy nhiên, án quyết không được công khai trong suốt quãng thời gian gần chục năm dài khiến cho vụ việc trở nên bí ẩn khác thường. Sự nhúng tay giật dây của thế lực Thanh triều hay âm mưu thủ tiêu người lần lần của chúa Nguyễn? Có thể cả hai lý do đã cấu thành biện pháp nhất quán của chính quyền chúa Nguyễn cơ chừng kéo dài vô thời hạn ngục án của bọn phản tặc Trung Hoa. 

Chiếc tàu Trung Hoa bị bão dạt vào đất Đàng Trong mùa đông năm Ất Hợi (1755) của Tổng đốc Mân Chiết trên đường đi thú Đài Loan như một sự xếp đặt từ trước của sứ giả Thanh triều với mục đích đòi giao trả các con tin. Sách Gia Định thành thông chí xuất hiện sớm hơn 20 năm so vớiTiền biên cho biết: “Bọn tù phạm trừ những tên bị thương, bị bệnh mà chết ra, hiện còn bọn Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tứ, 16 tên, một thể đưa giao, bọn Lê Huy Tứ lãnh giải về Mân, trình đốc bộ biện lý xử tội” [6]. Bức thư kèm theo lời lẽ đầy vẻ ngoại giao với những tặng phẩm châm chước, xuê xoa hậu hĩ: “Khoảng năm Đinh Mão (1747), bọn Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tứ, qua chơi đất hẹp của tôi, ngầm mang lòng xằng, lẩn vào trong cõi Gia Định, nhóm họp hơn trăm, càn rỡ, tự tôn tự đại, hoặc xưng đô đốc, hoặc xưng quân sư, ngoài ra đều theo thứ bậc mà đặt trộm tên, toan cướp chiếm ấp tôi, bừa giết biên thần. Nhưng rồi trời chẳng dung tha, thảy đều bị bắt, xử luật bất đạo, tội chết có thừa. Song tạm để hình chương, giam mà không giết, chính muốn tỏ lòng với thượng quốc, đưa trả bọn kia, để chịu phép thường (…) Trong bốn biển còn người tri kỷ, bầu trời xa coi tựa láng giềng. Kính biếu vật mọn địa phương: trầm hương 5 cân, quạt hoa 5 cái, lụa vàng 5 tấm, ngà voi 1 đôi, yến sào 10 cân, vây cá 30 cân, hải sâm 30 cây, hồ tiêu 30 cân, gậy lụi 20 cây, song hoa 20 cây, các hạng, để tỏ tấm lòng, tưởng mến tiếng hay biết là nhường này!” [7]. 

Bè đảng Lý Văn Quang từ hơn 300 tên giảm xuống còn “hơn trăm” trong cáo thư; từ 57 phạm nhân giam giữ khi giao trả chỉ còn 16; hiện trạng sức khoẻ của 16 tên tử tù này liệu có vượt qua sóng gió đại dương trên đường về cố quốc? Qủa thật chúa Nguyễn đã xử “đẹp” mưu toan lật đổ của thế lực ngoại kiều, có sự xúi giục của Thanh triều hòng chiếm cứ đất đai của Đàng Trong và can thiệp vào nội tình Chân Lạp trong bước tiếp theo của kế hoạch với tay xuống phía Nam. 

6. Cùng thời điểm năm 1747, “giặc biển là tên Đức (không rõ họ) cướp bóc miền ngoài biển Long Xuyên. Mạc Thiên Tứ được tin báo, tức thì sai cai đội Từ Hữu Dụng đem 10 chiến thuyền, đi bắt được bọn giặc đem giết hết” [1]. 

Gia định thành thông chí cho biết rõ hơn: “giặc biển nguỵ xưng là Vũ Vương Đức Bụng cướp được thuyền long bài của Hà Tiên ở ngoài biển Long Xuyên. Trước đấy vào tuần tháng 4, Tung Đức hầu [Mạc Thiên Tứ] sai người đi thuyền long bài kính mang các đồ quý… đến Kinh dâng tiến. Được khâm ban bằng sắc làm quan ở trấn, hai đạo cho cai đội, hai đạo cho đội trưởng, cùng gấm đoạn đồ vật, tháng 8 trở về, đến hải phận Long Xuyên. Gặp giặc biển là nguỵ Vũ Vương tên là Đức Bụng (người phủ Qui Nhơn, tên là Đức, vì bụng to gọi là Đức bụng) đã dò biết trước, rình đón ở ngoài biển, chặn đường cướp lấy” [6]. 

Rõ ràng từ danh xưng cho đến thủ đoạn, Đức Bụng hiện nguyên hình là một gã Tàu Ô táo tợn, phối hợp các hoạt động buôn bán và cướp biển cùng nhiều nhóm người Hoa khác dọc biển Nam Trung Bộ đến cảng khẩu Hà Tiên. Mức độ nguy hiểm của tên Đức biểu lộ qua hành vi quá ư liều lĩnh: dám chặn đánh tàu long bài Chúa ban và cướp lấy bằng sắc cùng vật phẩm Chúa thưởng của một võ quan lừng lẫy đất miền Tây và là dòng dõi đại công thần họ Mạc. Do đó, mọi giá phải tiêu diệt kẻ cướp mà thực tế phải tổ chức hai cuộc vây ráp quy mô mới tóm được thủ mưu. Hình án tàn khốc nhất, xử lăng trì, đã không cho phép công khai gốc gác tội phạm, lập lờ như một thần dân Nam Hà để tránh rầy rà với đám Hoa tộc lưu vong và nhà nước Đại Thanh. 

7. Năm 1767, “Bấy giờ có người Triều Châu nước Thanh là Hoắc Nhiên rủ nhau họp đảng… đón cướp thuyền buôn, vây cánh ngày một nhiều, có ý ngầm nhòm ngó Hà Tiên. Quân đi tuần thám biết tình hình. Thiên Tứ mật sai quân tinh nhuệ ngầm đến vây bắt. Hoắc Nhiên bị quân chúng giết chết, dư đảng đều tan”; năm 1769, “Người Triều Châu là Trần Thái họp đảng ở núi Bạch Mã, mưu đánh úp Hà Tiên, ngầm kết với người họ Mạc là bọn Mạc Sùng, Mạc Khoan làm nội ứng. Mạc Thiên Tứ biết rõ tình hình, liền cho mai phục, bắt được bọn Sùng Khoan; đuổi đánh đảng chúng ở chùa Hương Sơn. Trần Thái chạy sang Xiêm La”, rồi 2 năm sau (1771), vua Xiêm “dùng tên giặc [núi] Bạch Mã là Trần Thái làm hướng đạo, vây trấn Hà Tiên”; năm 1770, “lính trốn ở Hà Tiên là Phạm Lam họp đảng ở Hương Úc và Cần Vọt cùng với người Chà Và là Vang Ly Ma Lư và người Chân Lạp là Ốc nha Kê hợp quân hơn 800 người và 15 chiếc thuyền, chia đường thuỷ bộ đánh úp trấn Hà Tiên. Vừa tới ngoài luỹ, Mạc Thiên Tứ đem quân chống cự, đánh tan được, đâm chết Phạm Lam ở giữa sông, bắt được Lư và Kê đem chém” [1]. 

Hoắc Nhiên là trường hợp công khai lai lịch Hoa tộc duy nhất bị quân Nguyễn giết chết trong các cuộc phản loạn của người Hoa trong Tiền Biên suốt từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến trước thời nội chiến Nguyễn – Tây Sơn (1771). Tuy nhiên, cái chết của tên Hoa tặc cực kỳ lợi hại và nguy hiểm này do y tự chuốc lấy cũng như việc ra tay của quân Nguyễn hoàn toàn bất đắc dĩ, như lời thuật của sử gia Trịnh Hoài Đức đương thời: “Bọn giặc sợ hãi không kịp trở tay, chạy trốn cho sống thoát. Hoắc Nhiên chỉ cầm một con dao ngắn, đi thuyền nhỏ xông vòng vây mà ra; cuối cùng bị súng bắn tứ tung, nhảy tránh xuống nước; lại bị nhiều giáo đâm chết…” [6]. 

Tên cướp núi người Hoa Trần Thái hai lần tạo phản nhưng không nghe nói đến cái chết của y, mặc dù y là người dẫn đường và quân Xiêm đại bại: “Người Xiêm không biết đường nẻo, vào lầm sông cùng, bị đại binh đuổi đến nơi, chém hơn 300 đầu… Quân Xiêm do đường bộ chạy trốn, bị chém chết và chết đói khát mất quá nửa” [6]. 

Lính trốn ở Hà Tiên dưới quyền thống lãnh của họ Mạc là Phạm Lam rất có thể gốc gác Hoa tộc, đồng hương phương Bắc với Hoắc Nhiên, Trần Thái và cả với Trịnh Quốc Anh, kẻ gặp thời tự đắc lập ngôi vua trên đất người Xiêm: “Quốc Anh là người Triều Châu nước Thanh… thừa lúc nước Xiêm trống trải suy yếu, bèn dấy quân đánh úp lấy đất, tự xưng làm quốc vương” [1]. Vận may của Trịnh Quốc Anh đã hối thúc cuồng vọng bá vương của những tên Trung Hoa liều lĩnh này, tạo ra tình hình biến động dồn dập tại trấn Hà Tiên. Việc cấu kết với người nước ngoài là Chà Và (Mã Lai hoặc Java) và Chân Lạp (Cao Miên) âm mưu đoạt lấy Hà Tiên chỉ có thể là hành động kẻ cướp của người Hoa chứ không thể là thần dân gốc Việt của chúa Nguyễn. Để trừng trị đích đáng trọng tội lật đổ, kẻ cầm đầu họ Phạm tiếp tục được sử gia họ Nguyễn mã hoá bằng một lai lịch nửa vời tương tự trường hợp Linh – Linh Vương, Đức – Đức Bụng – Vũ Vương. 

Tài liệu trích dẫn.

 

[1] QSQ triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, NXB Sử học, HN, tr.135-138, 140-143, 148-150, 152, 209-210, 225, 233-240.

[2] Thư viện Trường ĐH Đà Lạt (2009), Tổng tập tạp chí Nghiên cứu lịch sử năm 2009, tr.20-29, 39.

[3] Phạm Văn Sơn (1959), Việt sử tân biên, quyển III, Sài Gòn, tr.300-301.

[4] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hoá – Thông tin, tr.78

[5] Nguyễn Khôi (2006), Các dân tộc ở Việt Nam: cách dùng họ và đặt tên, NXB Văn hoá dân tộc, HN, tr.161-163.

[6] Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục, tr.24, 121, 123, 125.

[7] Nguyễn Lương Bích (2003), Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, NXB Quân đội nhân dân, tr.172.

0