Con sinh ra từ hôn nhân
Khái niệm Con chung của vợ và chồng. Gọi là sinh ra từ hôn nhân, con mà ở thời điểm thành thai hoặc ở thời điểm được sinh ra, có cha và mẹ ràng buộc với nhau bởi quan hệ hôn nhân. Thực ra, khái niệm này còn hơi chật hẹp. Nếu coi sự ràng buộc ...
Khái niệm
Con chung của vợ và chồng.
Gọi là sinh ra từ hôn nhân, con mà ở thời điểm thành thai hoặc ở thời điểm được sinh ra, có cha và mẹ ràng buộc với nhau bởi quan hệ hôn nhân. Thực ra, khái niệm này còn hơi chật hẹp. Nếu coi sự ràng buộc giữa cha mẹ bằng quan hệ hôn nhân là yếu tố quyết định cho sự hình thành tư cách con chung của vợ chồng, thì con thành thai trong thời kỳ tiền hôn nhân nhưng chỉ được sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt (do ly hôn, do có người chết), cũng là con chung của vợ chồng (Nhưng tất nhiên, khoảng cách giữa thời điểm con sinh ra và thời điểm chấm dứt hôn nhân phải tỏ ra hợp lý. Theo Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 Điều 21 khoản 2, thì con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người. Điều luật không phân biệt con thành thai trước hay trong thời kỳ hôn nhân.).
Con chung của những người trở thành vợ chồng.
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 63 khoản 1, đoạn chót, con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. Thế nào là sự thừa nhận con chung trong điều kiện cha mẹ kết hôn ? Vấn đề sẽ được giải quyết trong điểm b2 dưới đây.
Bằng chứng về con sinh ra từ hôn nhân
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người mẹ có thai trong thời kỳ đó. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 63 khoản 1, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Thực ra, đứa con có thể thành thai trong thân thể người mẹ hoậc trong thân thể người khác với sự đồng ý của vợ và chồng. Đúng ra, được gọi là con chung của vợ và chồng, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc thành thai trong thời kỳ ấy: sự thành thai có thể diễn ra trên thân thể của người mẹ, nhưng cũng có thể diễn ra ở ngoài thân thể đó, nhờ sự hỗ trợ của các biện pháp y học.
Điều kiện thiết lập sự suy đoán. Từ Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 63 khoản 1, có thể nhận xét rằng để sự suy đoán con chung của vợ chồng được thiết lập dựa vào dữ kiện sinh học, cần có đủ hai điều kiện: 1. Con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc thành thai trong thời kỳ đó; 2. Con được sinh ra là con của người vợ. Tuy nhiên, trong logique của suy nghĩ, việc chứng minh hai điểm này, thực ra, chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để suy đoán quan hệ cha mẹ-con trong giá thú.
Giá trị chứng minh của giấy khai sinh. Có thể dựa vào giấy khai sinh để biết được ngày sinh của con. Nếu ngày đó nằm trong thời kỳ hôn nhân, thì con được coi như sinh ra trong thời kỳ đó. Trong trường hợp theo giấy khai sinh, con được sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt, thì, trong điều kiện luật không có quy định chính thức về việc suy đoán ngày thành thai, có thể dựa vào kinh nghiệm chuyên môn của người làm công tác hộ sản để xác định một cách tương đối thời điểm thành thai.
Người khai sinh thường là người chồng, mà cũng có thể là một người thứ ba. Trong hầu hết các trường hợp, người khai sinh sẽ khai họ tên của người mẹ. Có thể tin rằng đối với quan hệ mẹ-con, giấy khai sinh có ghi họ tên mẹ coi như chứng cứ đầy đủ.
Giấy khai sinh và quan hệ cha-con. Người chồng có tên trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thường sẽ được khai là cha của đứa trẻ. Trong khung cảnh của thực tiễn giao dịch, việc họ tên cha ghi nhận trên giấy khai sinh trùng với họ tên chồng của người được khai là mẹ có tác dụng củng cố bằng chứng về quan hệ cha mẹ-con trong giá thú. Công luận, về phần mình, thường coi giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn như là bằng chứng thuyết phục về quan hệ cha-con ruột một khi người được khai là cha đồng thời là chồng của người được khai là mẹ, ngay nếu như, do nguyên nhân gì đó, công luận không chứng kiến được sự đối xử giữa các đương sự theo cung cách của cha và con.
Suy đoán dựa vào sự thừa nhận
Yếu tố xã hội học. Yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con tỏ ra đặc biệt cần thiết để chứng minh quan hệ đó, một khi con sinh ra trước khi cha mẹ kết hôn và con không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không ghi nhận tên họ cha. Con chung của vợ chồng thường mang họ cha hoặc họ mẹ theo đúng tập tục của vùng nơi con sinh ra, cư xử với cả cha và mẹ như là cha-con, mẹ-con và tất cả những điều đó được người thứ ba ghi nhận. Cần nhấn mạnh rằng yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con trong trường hợp con được gọi là con chung của vợ chồng phải là yếu tố xã hội học chung cho cả hai loại quan hệ - cha-con và mẹ-con: “con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận...”. Không thể dùng yếu tố xã hội học để chứng minh thân phận con chung của vợ chồng, nếu yếu tố đó chỉ được ghi nhận cho quan hệ cha-con hoặc quan hệ mẹ-con.
Trường hợp có sự phù hợp giữa giấy khai sinh và yếu tố xã hội học
Sự suy đoán hoàn hảo. Giả sử con có giấy khai sinh ghi rõ tên họ của cha và mẹ, mang họ theo đúng tập tục, được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân (theo giấy khai sinh), được cha mẹ đối xử theo đúng các tiêu chí xử sự đặc trưng của mối quan hệ cha mẹ-con ruột và mối quan hệ ấy được gia đình và xã hội ghi nhận và tôn trọng. Có thể tin rằng bằng chứng về quan hệ cha mẹ-con ruột trong giả thiết là hoàn hảo và tư cách cha, mẹ, con của các đương sự không thể bị tranh cãi,... trừ trường hợp có ai đó chứng minh được rằng đã có việc đánh tráo trẻ lúc mới sinh ra hoặc có một vụ mua bán trẻ em. Tuy nhiên, giải pháp này chưa được chính thức thừa nhận trong luật viết hiện hành.
Cũng được coi là hoàn hảo, bằng chứng về quan hệ cha mẹ-con được thiết lập dựa trên, một mặt, các ghi chép trên giấy khai sinh cho thấy người được khai sinh là con chung của vợ chồng, dù được sinh ra trước thời điểm kết hôn và, mặt khác, yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con.
Trường hợp có sự phù hợp giữa sự thừa nhận con bằng con đường hành chính và yếu tố xã hội học
Sự suy đoán hoàn hảo tương đối. Có trường hợp sau khi được thừa nhận bằng con đường hành chính, giữa vợ chồng và người được thừa nhận có quan hệ cư xử như cha mẹ và con. Có thể tin rằng sự suy đoán con chung của vợ chồng trong trường hợp này vẫn vững chắc, nhưng độ vững chắc kém hơn so với trường hợp trên đây: không loại trừ khả năng người chồng chỉ thừa nhận con của người vợ do được thôi thúc bởi lòng bao dung và trên thực tế người được thừa nhận là con của một người khác.
Trường hợp chỉ có yếu tố xã hội học hoặc chỉ có sự thừa nhận mặc nhiên
Suy đoán không hoàn hảo. Con được sinh ra trước khi kết hôn và trên giấy khai sinh chỉ ghi nhận tên họ mẹ mà không ghi nhận tên họ cha; tuy nhiên, người cha và người con luôn cư xử với nhau theo đúng các chuẩn mực của quan hệ cha-con trước và sau khi người cha kết hôn với người mẹ. Ta nói rằng tư cách con trong giá thú cũng được suy đoán cho người con trong trường hợp này, nhưng sự suy đoán không được hoàn hảo do yếu tố sinh học của quan hệ cha-con còn mập mờ.
Cũng không hoàn hảo, sự suy đoán chỉ dựa trên sự thừa nhận mặc nhiên đối với con sinh ra trước khi cha mẹ kết hôn, nghĩa là dựa vào giấy khai sinh và quan hệ hôn nhân giữa cha và mẹ mà không có yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con. Không hoàn hảo, bởi người ta sẽ không hiểu tại sao các đương sự không cư xử với nhau như cha-con, mẹ-con.
Trường hợp sinh con trong điều kiện giữa vợ chồng không có sự chung sống
Trường hợp người chồng vắng mặt tại nơi cư trú(Ta còn có trường hợp sinh con trong điều kiện người chồng bị tuyên bố mất tích. Tuy nhiên, dù luật không quy định rõ, vẫn có cơ sở trong logique của sự việc để nói rằng sự suy đoán con chung phải hoàn toàn bị loại trừ trong trường hợp này: trong luật hiện hành, một người chỉ có thể bị tuyên bố mất tích sau hai năm biệt tích thật sự; nếu người vợ sinh con sau khi có quyết định tuyên bố, thì con đó cầm chắc thân phận con ngoài giá thú giữa người vợ và người khác không phải người chồng mất tích, dù vẫn được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân. ). Nếu đã có thông báo tìm kiếm, thì có lẽ vấn đề phải được xem xét tùy theo kết quả xác định thời điểm mang thai của người vợ.
- Trong trường hợp người vợ mang thai trước ngày người chồng được xác định là vắng mặt, mọi chuyện còn tùy thuộc vào việc người chồng được hay không được khai là cha của đứa trẻ. Giả sử người chồng được khai là cha của đứa trẻ theo giấy khai sinh, thì quy tắc suy đoán của Điều 63 khoản 1 có thể được áp dụng ( Nhưng cơ sở của sự suy đoán không được vững chắc như trong trường hợp vợ chồng ly thân, bởi vì chắc chắn người đi khai sinh không phải là người chồng trong trường hợp này. Vả lại, ngay nếu như vợ chồng ly thân và người khai sinh không phải là người chồng, thì khi khai báo, người khai sinh thường phải dè chừng: người chồng có thể phản đối, một khi việc khai báo được thực hiện tùy tiện và nhất là không tôn trọng sự thật. Trong khi đó, người khai sinh trong điều kiện người chồng vắng mặt có thể khai mà không cần dè chừng sự phản đối.); nếu người chồng không được khai là cha của đứa trẻ, thì hẳn không thể áp dụng quy tắc suy đoán ấy, bởi người chồng sẽ không thể có mặt để xây dựng yếu tố xã hội học của quan hệ cha-con nhằm bù đắp những thiếu sót của giấy khai sinh.
- Trong trường hợp người vợ mang thai sau ngày người chồng được xác định là vắng mặt, có thể suy đoán, trong logique của sự việc, rằng đứa trẻ sinh ra không phải là con của người vắng mặt, nghĩa là sự suy đoán của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 63 khoản 1 phải bị loại trừ.
Tuy nhiên, cho đến nay, luật viết chỉ mới dự kiến khả năng loại trừ sự suy đoán của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 63 khoản 1 bằng con đường tư pháp, chưa có quy tắc nào cho phép loại trừ một cách đương nhiên sự suy đoán đó.