25/05/2018, 09:15

Giới và việc nhà, các khái niệm làm việc

Trong ngôn ngữ hàng ngày, "việc nhà" là một từ quen thuộc nhưng khó xác định về mặt khối lượng, bởi nó liên quan đến việc tổ chức và đảm bảo những quá trình cần thiết nhằm duy trì đời sống và tái sản xuất cuộc sống con người (ví dụ như chăm ...

Trong ngôn ngữ hàng ngày, "việc nhà" là một từ quen thuộc nhưng khó xác định về mặt khối lượng, bởi nó liên quan đến việc tổ chức và đảm bảo những quá trình cần thiết nhằm duy trì đời sống và tái sản xuất cuộc sống con người (ví dụ như chăm sóc trẻ em) và duy trì những công việc ngoài gia đình (như các hoạt động tạo thu nhập).

Còn từ điển Harper Collins về Xã hội học định nghĩa "việc nhà" là "những nhiệm vụ thường lặp đi lặp lại và rất nhiều […] nhằm duy trì một hộ. […] Trong các xã hội hiện đại, việc nhà không được trả thù lao, bị coi là việc riêng và mang định kiến giới" (Jary và Jary 1991: 127). Hay trong một cuốn từ điển xã hội học khác, "việc nhà" được định nghĩa là "những nhiệm vụ trong một hộ gia đình mà người ta cần tiến hành ngày này sang ngày khác, bao gồm nấu nướng, lau chùi, chăm sóc trẻ em và người già, người ốm" (Abercrombie et al. 1994: 124-125).

Như vậy, có thể thấy việc nhà là loại công việc mang những đặc điểm sau:

- rất đa dạng,

- lặp đi lặp lại,

- làm tại nhà,

- không được trả thù lao,

- thiết yếu nhằm duy trì hộ gia đình,

- mang định kiến giới.

Nhìn chung, việc nhà có thể chia ra làm hai loại chính. Loại thứ nhất gồm những hoạt động thiết yếu nhằm duy trì sự tồn tại của một gia đình, bao gồm những việc như: nấu cơm, mua thức ăn, giặt giũ, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, v.v… Loại thứ hai là những hoạt động nhằm duy trì tình cảm của gia đình và tình cảm với những thành viên khác trong cộng đồng như: chăm sóc con cái, chăm sóc người ốm, người già, thăm hỏi người thân, dự đám hiếu, hỉ.

Trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung vào loại việc nhà thứ nhất. Cụ thể là chúng tôi tìm hiểu năm loại công việc được coi là thiết yếu để duy trì sự tồn tại của gia đình, gồm: mua thức ăn, nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ.

Giới tính là một khái niệm nhằm phân biệt giữa nam và nữ về mặt sinh học. Sự khác biệt giữa nam và nữ chủ yếu liên quan đến quá trình tái sản xuất con người và di truyền nòi giống. Con người sinh ra đã xác định những đặc điểm khác nhau về giới tính.

Giới là một khái niệm chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt xã hội. Nói đến giới là nói đến hành vi xã hội của nam giới và nữ giới, về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quan niệm hay quy định cho nam và nữ. Khi sinh ra con người chưa có trong bản thân mình những đặc tính giới mà họ tiếp thu được từ giáo dục, nề nếp của gia đình, quy ước của xã hội và những giá trị, chuẩn mực của một nền văn hoá.

Ở Việt Nam, “giới” là một khái niệm mới, nó chỉ được sử dụng từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Quan niệm này chưa được nhìn nhận ở tầm chiến lược. Một mặt thì nó khích lệ và đòi hỏi phụ nữ phải học hành như nam giới, có các cơ hội nghề nghiệp như nam giới; mặt khác, nó không đòi hỏi hay khích lệ phụ nữ giảm bớt công việc nhà để đàn ông gánh vác (Vũ Mạnh Lợi 2000).

Sự khác nhau căn bản giữa giới và giới tính là ở chỗ: giới tính là vị thế quy gán còn giới là vị thế thủ đắc. Một người nào đó sinh ra có giới tính xác định là nam hay là nữ. Họ chỉ trở thành giới nam hay giới nữ trong quá trình học hỏi các đặc điểm văn hoá, xã hội và tâm lý, tức là liên quan đến những gì họ đạt được khi sống trong một xã hội nhất định.

Vai trò giới là những hành vi được học trong bất cứ một cộng đồng/xã hội nào hay một nhóm. Nó quy định những cách thức khác nhau mà nam và nữ được chờ đợi là cần hành động theo và quy định những nhiệm vụ khác nhau mà họ được trông đợi phải đảm đương (Marshall 1998). Vai trò giới bị chi phối bởi độ tuổi, giai cấp, chủng tộc, dân tộc, tín ngưỡng và bởi môi trường địa lý, kinh tế và chính trị (UNDP, 2002). Những vai trò và trách nhiệm đối với từng giới cũng thường bị quy định bởi cấu trúc hộ gia đình, bởi sự tiếp cận các nguồn lực, bởi những tác động của kinh tế, và của các yếu tố nội tại khác như điều kiện sinh thái.

Cả nam giới và phụ nữ đều đóng nhiều vai trò trong xã hội. Vai trò giới của phụ nữ bao gồm các vai trò tái sản xuất, sản xuất và quản lý cộng đồng, trong khi vai trò của nam giới bao gồm vai trò sản xuất và hoạt động chính trị. Nam giới có thể tập trung vào một vai trò sản xuất cụ thể và thực hiện lần lượt các vai trò của mình. Ngược lại, phụ nữ phải thực hiện nhiều vai trò cùng một lúc (vai trò kép) và đảm bảo thực hiện trọn vẹn từng vai trò.

Đây là hình thức phân công lao động có từ rất sớm và phát triển phong phú. Một trong những biểu hiện của phân công lao động trong gia đình là sự phân công lao động giữa vợ và chồng. Đây là sự phân chia lĩnh vực hoạt động giữa vợ và chồng vì sự tồn tại và phát triển của gia đình. Dựa trên các chức năng của gia đình, phân công lao động giữa vợ và chồng được chia thành các nhóm: sản xuất (các công việc tạo thu nhập và công việc sản xuất ra của cải vật chất); tái sản xuất (gồm việc sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc người già, người ốm, công việc nội trợ); quan hệ cộng đồng (quan hệ với họ hàng, quan hệ với bạn bè, quan hệ với các tổ chức, đoàn thể…).

Phân công lao động theo giới là một dạng phân công lao động trong đó người lao động được phân chia dựa trên những giả định về “việc của đàn ông” và “việc của đàn bà”. Hình thức phân công lao động này thường gắn với việc tách nơi làm việc ra khỏi nơi ở theo đà công nghiệp hoá ở phương Tây (Marshall 1998). Nó gắn với sự phân biệt giữa lao động gia đình không được trả công và lao động được trả công, giữa lĩnh vực tư (gắn với phụ nữ) và lĩnh vực công (gắn với nam giới) (Jary, D. và Jary J. 1991). Nó đề cập đến các vai trò giới đặc thù của người đàn ông như là trụ cột gia đình và người phụ nữ như là người nội trợ. Người ta không chỉ chờ đợi người phụ nữ và nam giới thực hiện các nhiệm vụ khác nhau mà còn gán cho mỗi nhiệm vụ ấy những giá trị khác nhau. Nghiên cứu nhân học cũng chỉ ra rằng nhiều xã hội tiền công nghiệp cũng phân biệt ‘trách nhiệm của nam giới’ và ‘trách nhiệm của nữ giới’. Tuy nhiên phân công lao động theo giới ở đó có thể không phù hợp với khuôn mẫu phương Tây như nói ở trên (Marshall 1998).

0