Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi”- Bài 1
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Ngọc Lanh Ba thế hệ trí thức với hoài bão nâng cao dân trí Cụ Nguyễn Trường Tộ và “bộ ngũ” sống cách nhau tới hai thế hệ. Trong khoảng thời gian 50 hoặc 60 năm ấy, chen vào giữa họ, là thế hệ các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Không ai ...
Nguyễn Trường Tộ
Nguyễn Ngọc Lanh
Ba thế hệ trí thức với hoài bão nâng cao dân trí
Cụ Nguyễn Trường Tộ và “bộ ngũ” sống cách nhau tới hai thế hệ. Trong khoảng thời gian 50 hoặc 60 năm ấy, chen vào giữa họ, là thế hệ các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Không ai thật sự có quyền lực trong tay. Các cụ được trọng vọng là do những gì tích lũy trong óc. Có uy tín là nhờ thái độ đối với xã hội, nhân quần. Sản phẩm của mỗi người đều chỉ là những suy nghĩ, do tự mình thể hiện trên giấy – mà không thể nhờ vả làm giúp, hoặc sai bảo ai làm thay…
Tất cả các vị này đều sinh ra từ thế kỷ 19 – cách nay hàng trăm năm, nhưng các vị đều là trí thức đúng nghĩa – mặc dù đầu thế kỷ 20 mới có khái niệm “trí thức“ để có thể phân loại “người có học” khác trí thức ở chỗ nào. Đó là những người vừa “có học” lại vừa có tư duy phản biện xã hội. Chính do tư duy phản biện, họ bị chế độ thực dân và phong kiến – nói chung là những chế độ độc tài – kỳ thị, cảnh giác, kể cả lên án, thậm chí bị lên án từ nhiều phía. Nhưng tất cả đều bất khuất và sử dụng phương thức phù hợp để thể hiện lòng yêu nước và thực hiện hoài bão nâng cao dân trí. Thời nay, con cháu Phan Chu Trinh và “bộ ngũ” – thế hệ thữ năm – vẫn tiếp tục sự nghiệp cha ông.
Đại diện ba thế hệ trí thức với hoài bão nâng dân trí (thời kỳ giữ nước và mất nước) | |||
Thế hệ | Tên | Năm sinh | Biện pháp chính |
1 | Nguyễn Trường Tộ | 1830-1871 | Canh tân đất nước. Khuyên dùng chữ Nôm |
2 | Phan Bội Châu | 1867-1940 | Xây dựng lực lượng, kết hợp giác ngộ người dân |
2 | Phan Chu Trinh | 1872–1926 | Nâng cao dân trí |
3a | Nguyễn Văn Vĩnh
Phạm Duy Tốn Nguyễn Văn Tố Phạm Quỳnh |
1882-1936
1883–1924 1889–1947 1892–1945 |
Phổ biến chữ quốc ngữ
Cải tiến ngôn ngữ Việt Tiếp thu tinh hoa nhân loại Nâng cao dân trí |
3b | Phan Khôi | 1887-1959 | Phản biện xã hội, nâng cao dân trí |
Chuyển giao thế hệ. Dựa vào các tư liệu chính thức, có thể nói:
– Từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng, nền độc lập nước ta bị đe dọa nặng nề, nhưng vẫn còn cơ may cứu được – nếu kịp canh tân theo các kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ. Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định này. Thời cơ bị lỡ, triều đình chỉ còn cách dốc toàn lực chống ngoại xâm, nhưng thất bại có thể đoán trước. Trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản, tất cả các nước nông nghiệp lạc hậu – như nước ta (trừ Nhật, kịp canh tân) – đều rơi vào tay thực dân. Vậy, thử hỏi: Các cuộc khởi nghĩa riêng lẻ ở nước ta – rất trơ trọi – làm sao có thể thành công, cho dù rất anh hùng, dũng cảm?
– Khi thực dân Pháp đã đặt được nền móng cai trị vững vàng, đa bắt đầu thực thi các chương trình khai thác và xây dựng dài hạn, dẫu Phan Bội Châu – với tầm nhìn rộng hơn những người đi trước (Đông du, gây dựng lực lượng kết hợp giác ngộ người dân) – vẫn không thể thành công. Mọi người nhận ra: Con đường bạo động chỉ đưa đến thất bại. Do vậy, cùng thời với Phan Bội Châu, từ rất sớm, Phan Chu Trinh chủ trương đấu tranh ôn hòa, với phương châm và biện pháp: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Đến nay, được nhiều người coi là phù hợp.
– Thế hệ trí thức tiếp nối xứng đáng của cụ Phan Chu Trinh – ngoài các đồng chí từ Pháp về nước – thì điển hình là “bộ tứ” (Âu học) và Phan Khôi (Hán học âu hóa). Xếp họ thành “bộ ngũ” sợ rằng hơi bị khiên cưỡng.
Nguyễn Trường Tộ: Cách làm đúng, không gặp thời?
Từ điển mở wikipedia coi cụ Nguyễn Trường Tộ là danh sĩ, chí sĩ. Đó là sự tổng kết những gì cụ đã thực hiện – thành công và thất bại – trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Có lẽ chỉ hai việc là có kết quả thiết thực, tồn tại đến nay:
– Thiết kế và chỉ đạo xây một tu viện, do vậy được xem là “kiến trúc sư”. Wikipedia ghi như sau: Trong quãng thời gian năm 1862–1864, bằng sự hiểu biết của mình, ông đã thiết kế và chỉ đạo việc xây cất ở Sài Gòn tu viện Dòng Thánh Phaolô (nay ở số 4 đường Tôn Đức Thắng). Đây là một công trình kiến trúc theo kiểu châu Âu có quy mô và có giá trị bền vững cho đến tận ngày nay.
– Giúp việc đào kênh. Truyện “Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ” kể:
Năm Tự Đức 19, Bính Dần (1866), ngũ nguyệt (tháng 5), Bộ sai quan Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm ra đào Kênh Sắt… Người viết thư cậy ông Tộ đi khám xem hình đất, thế đất, chỉ lối cho mà đào… Kênh hoàn thành, ông Tộ có làm bài thơ mừng Kênh Sắt .
– Còn việc dành cả đời để làm: đã thất bại. Đó là kiên trì dâng vua mấy chục “bản điều trần” đưa ra những kế sách chấn hưng đất nước, mong giữ được độc lập tự chủ, trong khi thực dân đã đi qua giai đoạn giao thương, thật sự chuyển sang giai đoạn vũ trang xâm lược (1858). Vậy có còn cơ hội canh tân hay không? Số bài viết về cụ Nguyễn dù đã rất nhiều, nhưng chuyện này vẫn phải bàn tiếp.
Hoàn cảnh và thời thế
Nếu coi năm 1850 là trung điểm của thế kỷ 18, thì cụ Nguyễn Trường Tộ sinh trước đó 21 năm (1829-1830) và mất sau đó 21 năm (1871). Đây cũng là thời gian quân Pháp và Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng nhưng không thành công (1858), chúng kéo vào Nam Bộ, chiếm của ta ba tỉnh miền Đông (1862). Ngay sau sự kiện này, ba bản điều trần quan trọng nhất của cụ Nguyễn đã được gửi lên vua (1863). Tiếp đó, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây (1867)… Cụ từ trần 2 năm trước khi Pháp kéo ra xâm chiếm Bắc Bộ (1873). Tóm lại, các kiến nghị canh tân của cụ được viết khi tiếng súng xâm lược đang lan rộng cả nước. Câu hỏi là trong hoàn cảnh như vậy, nếu triều đình thực hiện ngay tất cả mọi kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ, liệu nước ta có thoát được ách thực dân?
Thực tế, triều đình chỉ lo thương lượng “chuộc” lại các tỉnh đã mất và khi nhận ra dã tâm xâm lược của thực dân, thì sự phòng thủ hoàn toàn thụ động và bất cập. Đã có lần vua Tự Đức tiếp kiến cụ, nhưng hầu hết các kiến nghị không được thực hiện, thậm chí không được phúc đáp. Duy có một kiến nghị tưởng sẽ thành hiện thực là mở trường kỹ thuật ở Huế khi cụ cùng giám mục Gauthier được triều đình cử đi Pháp mua sắm sách vở, tài liệu và mộ giảng viên. Rút cuộc cũng thất bại.
Theo wikipedia, ngày 10 tháng 1 năm 1867, phái đoàn đáp tàu L’orne đi Pháp. Trong 8 tháng ở đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc…để lập trường học kỹ thuật ở Huế. Ngoài ra, Giám mục Gauthier cũng đã tới Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp để xin tài trợ cho các chương trình của mình; đồng thời tiếp xúc với một số thương gia và kỹ nghệ gia người Pháp. Ngày 25 tháng 11 năm 1867, phái đoàn trở về Việt Nam. Ngày 29 tháng 2 năm 1868, phái đoàn về tới Huế. Cùng theo về còn có hai Linh mục, một giáo dân (bác sĩ Hemaiz5) và một người thợ máy (tất cả đều là người Pháp, và đều do Giám mục Gauthier vận động được). Sau khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, vua Tự Đức cho phép Giám mục Sohier được xây trường học kỹ thuật trên mảnh đất đã đề nghị (nằm giữa nhà thờ Kim Long và Tòa Giám mục Huế). Theo tờ tấu của Viện Cơ mật đề ngày 4 tháng 3 năm 1868, thì sau đó các thành viên trong đoàn đều được nhà vua ban thưởng tiền và lụa…
Nhưng rồi trường vẫn không mở được. Tại sao? Có hai khả năng, chưa rõ cái nào là thực: 1) triều đình thủ cựu, hủ bại; 2) gác lại vì những việc khác khẩn cấp hơn.
Trình độ, tầm nhìn
– Từ nhỏ, học chữ Hán, tuy không đỗ đạt, không bằng cấp (có ý kiến cho rằng cụ thuộc gia đình nhiều đời theo đạo Thiên Chúa, do vậy bị cấm dự các khoa thi), nhưng cụ vẫn đủ trình độ dùng thứ chữ này viết rất nhiều bản Điều Trần lên triều đình đề nghị những cải cách mà cụ cho là cần thiết để canh tân đất nước.
– Được một giám mục dạy tiếng Pháp, được ra nước ngoài nhiều lần, cụ đủ trình độ phiên dịch cho những cuộc tthương lượng Việt-Pháp giữa các nhân vật cao cấp đại diện triều đình với các tướng lĩnh quân đội đại diện nước Pháp. Cụ cũng dịch các văn bản và sách chữ Hán sang chữ Pháp. Nhưng quan trọng hơn, cụ tự nâng tầm hiểu biết và tầm nhìn cao và rộng hơn hẳn các sĩ phu và vua quan trong nước. Điều kỳ lạ, cụ là người duy nhất ở nước ta nhìn ra xu thế của thời đại, trong đó văn minh công nghiệp sẽ chinh phục và thay thế nền văn minh nông nghiệp. Số bài viết về khát vọng canh tân đất nước và sự tiếc nuối do chưa gặp thời của nhân vật này quả là không thiếu.
Thời nay, ai cũng thấy một điều hiển nhiên; đó là… từ cách nay 150 năm, các nước tư bản chủ nghĩa đua nhau đi tìm thuộc địa với sức mạnh của công nghiệp, thì khó mà nước nông nghiệp nào chống lại được – nếu không kịp thời canh tân. Cuối cùng, thoát ách thực dân chỉ có Nhật. Sợi chỉ xuyên suốt là: Vứt bỏ chủ nghĩa Khổng-Mạnh (đã trở thành phản động), mở rộng cửa, mở rộng giao thương, đón nhận nền văn minh mới, đồng thời lấy đó làm phương tiện canh tân toàn diện đất nước. Tóm lại, chế độ phong kiến Nhật Bản diễn biến hòa bình một cách ngoạn mục sang chế độ tư bản. Cụ thể, đó là chế độ quân chủ có hiến pháp – mà sau này cụ Phạm Quỳnh ở nước ta theo đuổi.
Nguyễn Trường Tộ có thể so sánh với thủ tướng Okubo Toshimichi (1830-1878) – một trong ba người (tam kiệt) nhìn xa trông rộng ở Nhật, và sinh cùng thời với Nguyễn Trường Tộ. Điều khác nhau là khi Okubo Toshimichi đã là thủ tướng, có đủ quyền trong tay để thực hiện mọi dự định, thì cụ Tộ còn phải hồi hộp chờ triều đình phán xét những đề nghị – với văn phong thừa lễ độ – của mình.
Xin hãy xem, và sẽ kinh ngạc biết bao về bản “Thiên hạ phân hợp đại thế luận” năm 1863 (Luận về các thế lớn “hợp và chia” trong thiên hạ) – mà cụ gửi triều đình.
Trích: “Thiên–hạ phân–hợp đại–thế luận“.
Ngày nay các nước phương Tây đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ châu Phi cho tới Thiên Phương, Thiên Trúc, Miến Điện, Xiêm La, Tô Môn Đáp Lạp, Trảo Oa, Lữ Tống, Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và các đảo ở ngoài biển, kể cả Tây châu, không đâu là không bị chẹn họng bám lưng.
Nước Nga thì từ Tây Bắc đến Đông Nam gồm tất cả các nước Đại Uyển, Cốt Lợi Cán, Mông Cổ và các xứ ở Bắc Mãn Châu, không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó.
Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời, mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng… thì người Âu đều đặt chân đến, như tằm ăn, cá nuốt. Ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa. Ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ…
Song bản điều trần này và các bản khác đều không được phúc đáp.
Tóm tắt nội dung các bản điều trần (wikipedia)
Về chính trị:
Đầu tiên, trình bày Những thế lớn phân và hợp trong thiên hạ (“Thiên hạ phân hợp đại thế luận”, 1863) để có chiến lược tổng thể thích hợp, đồng thời đề xuất “Kế ly gián giữa Anh và Pháp” (1866). Không hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc “Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác” (1871)…
Về nội chính:
Ông đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền để đỡ hao tốn công quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng loại quan lại để khỏi phải có rất nhiều người ăn lương mà không biết làm gì. Mặt khác, nên có chính sách đối với những nho sinh để họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho đội ngũ viên chức giữ được thanh liêm thì phải tạo điều kiện cho họ làm giàu chính đáng…
Về tài chính:
Ông đề nghị sắp đặt lại hệ thống thuế khóa cho thật công bằng hợp lý. Muốn thế phải đo đạc lại ruộng đất, kê khai nhân khẩu, tăng thuế người giàu và hàng xa xỉ ngoại nhập, đánh thuế thật nặng vào những tệ nạn như cờ bạc, rượu chè,…Ngoài ra, còn phải khuyến khích nhà giàu bỏ tiền ra cho vay, và vay tiền của nước ngoài…
Về kinh tế:
Ông đề nghị chấn hưng “nông, công, thương nghiệp” để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật…Và để nền kinh tế cả nước có thể giao thông dễ dàng, thì phải chú ý đến việc làm mới và tu bổ đường bộ và đường thủy….
Về học thuật:
Ông đề nghị cải cách “việc học, việc thi” để chọn được nhân tài hữu ích. Không nên tiếp tục lối học “máy móc, tín điều” kiểu Trung Hoa. Đáng chú ý là việc ông đề nghị đem các môn khoa học vào trong chương trình học, nhất quyết phải dùng quốc văn (chữ Nôm) để dạy học và soạn sách, kể cả trong các giấy tờ hành chính…
Về ngoại giao:
Ông chủ trương quan hệ mềm mỏng với Pháp, và không chỉ có Pháp mà còn phải đặt ngoại giao với nhiều nước khác như Anh, Tây Ban Nha… Phải biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước này để có lợi cho mình. Phải đào tạo được các thông dịch viên giỏi công việc và tiếng nước ngoài…
Về võ bị:
Ông đề nghị cải tu võ bị nhằm tăng chất lượng của quân đội, như tổ chức lại đội ngũ, cho quân lính được học tập các binh pháp mới, mua sắm tàu thuyền và vũ khí, xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp xâm lược lan ra cả nước…
Bên cạnh đó, ông còn đề nghị cải cách về các mặt khác như văn hóa, tôn giáo, bảo tồn di tích lịch sử, v.v…Tuy nhiên, phần lớn những đề nghị của ông đã không được triều đình nhà Nguyễn nghe theo do tầm nhìn hạn hẹp của họ và hạn chế của thời đại .
Thái độ người đương thời
– Người đủ quyền lực thực hiện các đề xuất của Nguyễn Trường Tộ là vua Tự Đức và triều đình thời đó. Thực tế, họ chẳng làm gì. Sự thất bại đã được Nguyễn Trường Tộ kết tinh trong hai câu thơ lúc cuối đời: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước lỡ, thành muôn kiếp hận / Ngoảnh đầu nhìn lại: đã trăm năm”. Dễ hiểu tâm trạng tác giả, nhưng chưa ai biết “một bước lỡ” (nhất thất túc) của cụ là gì, vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào…
Vị giám mục suốt đời gắn bó với cụ còn cho rằng cụ chết vì bị đầu độc. Tuy nhiên, ông không đưa ra được chứng cứ.
– Chủ thuyết Nho giáo chiếm địa vị thống trị khi Gia Long chọn hoàng tử Đảm làm kế vị (vua Minh Mệnh) chính là lực cản lớn nhất để thực thi mọi canh tân. Đây là thứ chủ nghĩa biện minh cho sự cai trị của chế độ phong kiến; còn “canh tân” thực chất là đổi mới theo tư bản chủ nghĩa, mà khởi đầu là mở rộng giao thương – trong nước và ngoài nước – để giai cấp tư sản ra đời. Rất nhất quán, triều đình chủ trương “đóng cửa”. Tự Đức lại là vị vua rất uyên thâm Nho giáo, quanh vua, các vị trọng thần chủ yếu xuất thân khoa cử. Trong khi đó Nguyễn Trường Tộ là “vô danh”, lại là người theo công giáo, phải tự giới thiệu bản thân với triều đình – về quá trình thu nhận kiến thức thời đại – để mong được triều đình “lắng nghe” và hỏi han tới. Ngoài các định kiến, đây còn là lúc tiếng súng xâm lược đã nổ ran và lan tỏa. Các cuộc nổi loạn của nông dân chưa dẹp xong… Cùng thời gian này, vua Nhật đã giao chức cao cho các nhà cải cách; trong khi đất nước không bị đe dọa bởi xâm lược vũ trang.
Nói nước ta chưa có điều kiện và thời cơ để canh tân, thì đúng hơn là nói ta bỏ lỡ thời cơ, dù đã có bộ não của Nguyễn Trường Tộ.
Tình hình rối ren tới mức có những việc tưởng sẽ được thực hiện mười mươi, như mở một trường kỹ thuật – đã tốn tiền mua đủ sách, thiết bị, thầy, đất… kể cả ban thưởng cho những người có công – rốt cuộc, đành chịu phí tổn lớn mà vẫn phải phế bỏ chủ trương.
– Chuyện đề xuất dùng chữ Nôm thay chữ Hán. Chữ Nôm có ưu điểm là đọc lên người Việt hiểu ngay, nhưng để “đọc được” nó, phải tốn công học chữ Hán và tốn công “đoán” xem nên đọc thế nào. Mặc dù thời đó chữ quốc ngữ đã rất phổ dụng trong giáo hội, nhưng Nguyễn Trường Tộ chưa thể dại dột đề xuất dùng nó thay thế chữ Hán. Vì chắc chắn sẽ thất bại, thậm chí còn mắc tội. Tội này liên quan tới ý thức hệ: Không thể để thứ chữ của tà đạo thay thế chữ của “thánh hiền”. Thực tế, phải nửa thế kỷ sau, và phải dùng quyền lực của chính phủ bảo hộ (trên quyền vua) mới phế bỏ được chữ Hán, thay bằng quốc ngữ. Ra quyết định “thay” là một chuyện, còn phổ cập nó, nâng cấp nó trong ngôn ngữ tiếng Việt là chuyện khác hẳn. Đó là công của “bộ tứ” học giả, trước hết là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.
Thái độ hậu thế với Nguyễn Trường Tộ
Nói chung là khâm phục, tiếc nuối và thương cảm.
– Khâm phục. Biết ơn một danh sĩ có công trong quá khứ không có gì phải bàn. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cực đoan. Chẳng hạn, xuất phát từ chủ ý chống đạo Thiên Chúa (đây mà mâu thuẫn tôn giáo) người ta nhân thể hạ thấp Nguyễn Trường Tộ. Đừng tốn công tranh cãi và sa đà vào đây.
Đối lại, cũng có trường hợp đề cao quá mức cần thiết vị danh nhân này, với ý định kết tội thật nặng vua quan nhà Nguyễn – do vậy, cũng quá mức cần thiết.
– Tiếc nuối. Như trên đã nêu, hoàn cảnh nước ta thời Nguyễn Trường Tộ có nhiều khác biệt quan trọng với hoàn cảnh Nhật Bản lúc đó. Căn gốc sâu xa từ lịch sử đất nước chưa cho phép nước ta – cách nay 150 năm – tiếp nhận chủ nghĩa tư bản, mặc dù đã xuất hiện nhân vật Nguyễn Trường Tộ, nhưng lẻ loi, đơn độc, thiếu một cơ sở xã hội. Thời thế chưa cho phép xuất hiện anh hùng. Sự tiếc nuối cao độ trong các bài viết hiện nay liệu có phải do bực mình với tình trạng nhiều lần bỏ lỡ các cơ hội thời hiện đại?
– Thương cảm. Dẫu sao, khâm phục và tiếc nuối là tình cảm xuất hiện sau khi dùng lý trí phân tích vấn đề. Còn thương cảm là điều tự nhiên có trong trái tim con người khi thấy đống loại gặp thất bại oan ức. Ví dụ sau khi đọc 2 câu thơ của Nguyễn Trường Tộ?. Tuy nhiên…
Những người sống ở thời nay hãy tự thương cảm chính mình
– Ví dụ, một nửa nhân loại chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, trong đó có nước ta. Không thể nói chuyện may-rủi ở đây. Sau khi Marx và Engels mất, cách mạng vô sản chia thành hai hướng phát triển: Hướng theo Lenin và hướng theo Kaustky, Berstein. Điều có thể tiếc nuối là cả hai hướng đều có mục tiêu XHCN, chọn hướng nào cũng là cách mạng; nhưng khác nhau là dùng bạo lực, hay đấu tranh ôn hòa. Liệu có đáng tiếc nuối khi đa số dân ta thời xưa nghĩ rằng muốn đuổi thực dân Pháp ắt phải dùng bạo lực? Chuyện này cần bàn vào lúc khác.
Bài học
Vua Nhật được coi là Minh Trị mà tự mình chẳng cần làm gì nhiều, chỉ cần một quyết định duy nhất, nhưng sáng suốt: Vứt bỏ chủ nghĩa Khổng-Mạnh; dù nó biện minh cho ngôi báu. Các việc còn lại, đã có các nhà cải cách thực hiện. Cách mạng duy tân ở Nhật – thực chất là cách mạng tư sản – chậm hơn cách mạng Pháp cả trăm năm. Vậy mà nay Nhật có kém gì Pháp?
Bài học này tới nay có còn giá trị?