Tự hào Hoàng thành Thăng Long
Hồng Quân – Bạn có biết, Hoàng thành Thăng Long có kích thước còn lớn hơn cả Tử cấm thành ở Bắc Kinh? Vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng Kinh thành Thăng Long. Thành Thăng Long được xây theo kiểu nhiều lớp, lớp thành thứ nhất gọi ...
Hồng Quân
– Bạn có biết, Hoàng thành Thăng Long có kích thước còn lớn hơn cả Tử cấm thành ở Bắc Kinh?
Vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng Kinh thành Thăng Long. Thành Thăng Long được xây theo kiểu nhiều lớp, lớp thành thứ nhất gọi là La thành, tại khu vực phía Đông của thành Thăng Long, vua cho xây lớp thành thứ hai là Hoàng thành làm nơi ở của vua và hoàng tộc, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân.
Nhiều người thường thắc mắc vậy Hoàng thành Thăng Long khi xưa có quy mô ra sao? So với các cung điện ở Trung Quốc mà điển hình là Tử cấm thành ở Bắc Kinh thì bằng được đến đâu? Ngày nay, Hoàng thành Thăng Long tuy đã bị phá hủy gần hết nhưng dựa và những dấu vết còn sót lại, ta có thể xác định Hoàng thành có hình chữ nhật, chiều dài Nam-Bắc hơn 1000m và chiều rộng Đông-Tây hơn 900m tổng diện tích hơn 90-100ha, so với Tử cấm Thành ở Bắc Kinh xây sau đó 400 năm rộng 72ha và Cố cung của triều Nguyễn ở Huế xây sau đó 800 năm chỉ rộng có 9,42ha, có thể thấy Hoàng thành Thăng Long là công trình cung điện có quy mô lớn bậc nhất vào thời kỳ đó.
Ngay từ năm 1010, khi mới định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã khởi công xây dựng Hoàng Thành và hàng loạt cung điện ở trong Hoàng Thành, nổi bật là công trình Điện Kính Thiên cao 2 tầng có 8 mái rộng hơn 2300m2. Hoàng thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam, Diệu Đức ở phía bắc. Tuy còn những ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào sử liệu và di tích còn lại, có thể xác định cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã. Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Một Cột và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà). Cửa Đại Hưng ở khoảng gần Cửa Nam hiện nay. Cửa Diệu Đức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Đình Phùng hiện nay. Những cung điện chính còn thấy trong sử sách như: điện Càn Nguyên là nơi thiết triều đặt trên núi Nùng tức núi Long Đỗ, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ. Bên trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân, bên phải mở cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính Bắc dựng điện Cao Minh. Thềm các quan chầu vua gọi là Long Trì có hành lang chạy xung quanh. Đằng sau điện Càn Nguyên là điện Long An và điện Long Thụy làm nơi nhà vua nghỉ ngơi. Bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải xây điện Nguyệt Minh, đằng sau là cung Thúy Hoa là nơi ở của các phi tần.
Sau này qua nhiều thăng trầm lịch sử, Hoàng thành bị tàn phá nhiều lần và các triều Trần, Lê về sau phải cho sửa chữa lại, nhưng chỉ là xây công trình mới trên nền cũ, diên tích của Hoàng thành không thay đổi trong suốt 800 năm cho đến năm 1802, sau khi tiêu diệt xong Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế. Kinh đô vẫn được đặt ở Phú Xuân. Thành Thăng Long tuy vẫn mang tên gọi là Thăng Long nhưng chữ “Long” là rồng bị chuyển thành chữ “Long” nghĩa là thịnh vượng ý rằng nhà vua không còn ở đấy. Đồng thời những gì còn sót lại của Hoàng Thành sau những trận đại hủy diệt cuối thế kỉ 18 cũng lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt vào Phú Xuân phục vụ cho công cuộc xây dưng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi Ngự giá Bắc thành.
Năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng Thành cũ vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc thành mà Hoàng Thành Thăng Long thì rộng lớn quá. Gia Long cho xây dựng thành mới theo kiểu Vauban của Pháp. Về quy mô thì nhỏ hơn thành cũ nhiều.
Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Cái tên này tồn tại cho đến năm 1888 khi nhà Nguyễn chính thức nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Người Pháp đổi tỉnh Hà Nội thành thành phố. Đến khi chiếm xong toàn Đông Dương họ lại chọn đây là thủ đô của Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp. Thành Hà Nội bị phá đi hoàn toàn để lấy đất làm công sở và trại lính cho người Pháp. Ngoại trừ cửa Bắc và cột cờ những gì còn sót lại của thành Hà Nội đến hôm nay chỉ là di chỉ khảo cổ và phục dựng.
Căn cứ vào những giá trị nổi bật của Hoàng thành như: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú. Vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.
Ngày nay, mặc dù hầu hết các công trình của Hoàng thành đã không còn nhưng tại những địa điểm thuộc khuôn viên của Hoàng thành trước đây, nay lại được chọn làm nơi đặt của các cơ quan đầu não của Đất nước như nhà Quốc Hội, trụ sở Bộ Quốc phòng, trụ sở Bộ Tư pháp… Cho dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Hoàng thành Thăng Long vẫn tiếp tục là một trung tâm quyền lực của cả nước, tiếp tục phát huy nguyên khí của một vùng đất linh thiêng đưa đất nước Việt Nam trở nên hùng mạnh và vững bền.