18/06/2018, 16:50

Bản tuyên bố về lịch sử vương triều Mạc (bài 2)

Nguyễn Xuân Lung Phần II: Sự kiện số I NHÀ MẠC CẮT ĐẤT HAI CHÂU QUY – THUẬN CHO NHÀ MINH KHÁI QUÁT SỰ KIỆN Trong những chuỗi sự kiện rất lớn từ lịch sử cổ, trung đại của Đại Việt, đọc sử nhà Mạc, chúng ta gặp ngay một sự kiện chưa từng xuất hiện trong ...

nha mac

Nguyễn Xuân Lung

Phần II: Sự kiện số I

NHÀ MẠC CẮT ĐẤT HAI CHÂU QUY – THUẬN CHO NHÀ MINH 

  1. KHÁI QUÁT SỰ KIỆN

          Trong những chuỗi sự kiện rất lớn từ lịch sử cổ, trung đại của Đại Việt, đọc sử nhà Mạc, chúng ta gặp ngay một sự kiện chưa từng xuất hiện trong các triều đại tiền nhiệm, nội dung của sự kiện này được tóm lược cô đọng trong vài chục từ sau:

“Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng và bạc cùng là châu báu của lạ vật lạ. Vua Minh thu nhận, từ đấy nam bắc lại sai thống sứ đi lại”

[ĐVSKTT, q2, Tr606 – 607, NXB VHTT, 2004]

Từ nội dung ghi chép trên của sử, nguyên nhân dẫn tới sự kiện, diễn biến của sự kiện, kết quả của sự kiện đã được mô tả hoàn chỉnh:

– Nguyên nhân: Nhà Mạc lên ngôi sợ nhà Minh kéo quân sang hỏi tội.

– Diễn biến: Xuất phát từ diễn biến nội bộ Đại Việt, nhà Mạc đã dùng cách “cắt đất, dâng dân” làm vừa lòng nhà Minh trong hoàn cảnh trên.

– Kết quả: Sự kiện đã hoàn thành, nhà Mạc cắt đất hai châu Quy Thuận và dâng của cải cho nhà Minh.

Vua Minh tiếp nhận đất đai, nhân dân hai châu Quy Thuận, của cải mà nhà Mạc dâng nộp, từ đấy ngoại giao giữa hai nước được nối lại.

Đối với lịch sử cổ đại, trung đại thậm chí cận đại việc tìm ra chính xác những địa danh gắn liền với từng sự kiện lịch sử là rất khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau. Trong nội dung mà sử ghi chép, địa danh “hai châu Quy Thuận” là mấu chốt quan trọng nhất trong sự kiện số I này, việc tìm ra chính xác hai địa danh Quy – Thuận sẽ là chìa khóa mở ra toàn bộ sự thật sự kiện số I.

  1. VẤN ĐỀ ĐỊA DANH “HAI CHÂU QUY THUẬN”

Phân tích cấu trúc từ ngữ: “hai châu Quy – Thuận” được hiểu kĩ càng như sau:

Số lượng: 2 châu

Đơn vị hành chính: Châu

Địa danh: Châu Quy, châu Thuận

Từ sự trình bày trên của sử, ta có hai cách hiểu khác nhau về địa danh này như sau:

* Trường hợp thứ nhất: Địa danh Quy và Thuận là địa danh đơn từ

Nghĩa là: “hai châu quy thuận” đồng nghĩa với “hai châu: Châu Quy và châu Thuận”.

* Trường hợp thứ 2: Địa danh Quy và Thuận không phải đơn từ

Nghĩa là: “hai châu quy thuận” đồng nghĩa với

“hai châu: Châu Quy + (1,2 từ nào đó)

                  Châu Thuận + (1,2 từ nào đó)”

Trên thực tế, địa danh đơn từ xuất hiện từ cổ xưa còn tồn tại tới ngày nay nằm rải rác các địa phương trong cả nước như sau:

Ví dụ:

“Kép”, “Vôi”, “Chũ”, “Thắng” vv…là những địa danh đơn từ tại Bắc Giang.

“Lủ”, “Cót”, “Sốm”, “Săn” vv… là những địa danh đơn từ tại Hà Nội.

Tương tự như vậy địa danh có 3 từ :

“A Pa Chải” một địa danh thuộc tỉnh Điện Biên.

“Hoàng Su Phì” một địa danh tỉnh Hà Giang.

“Mù Căng Chải” một địa danh thuộc tỉnh Yên Bái

“Kon Ka Kinh” một địa danh tỉnh Gia Lai vv…

Từ những ví dụ thực tế trên, hai châu Quy Thuận do sử chép có khả năng rơi vào một trong hai trường hợp đã nêu. Thời gian sự kiện xảy ra do sử chép trôi qua gần 500 năm (1528), hai địa danh cần tìm hiểu có thể đã thay đổi, thậm chí đã bị xóa tên vì bị sát nhập vào Trung Hoa? Việc khảo cứu để tìm ra chính xác hai địa danh này là một việc không dễ, tuy vậy, công việc phân tích mổ xẻ sự kiện, phục hồi sự kiện sau này sẽ giúp cho việc tìm đúng, tìm chính xác hai địa danh này lần lượt từng bước được làm rõ. Một trong những yếu tố quan trọng cho quá trình phục hồi sự kiện thành công, phải kể tới những phê bình hai chiều của giới sử học nước nhà đối với sự kiện này, chúng tôi xin lần lượt trình bày những chính kiến đó ở phần sau đây.

  1. GIỚI SỬ HỌC ĐÁNH GIÁ SỰ KIỆN I

          Khi tìm hiểu lịch sử cổ đại, trung đại, cận đại của đất nước lẽ tất yếu cần tìm tới những đánh giá, phê bình lịch sử của các tác giả là những sử gia có chuyên môn sâu rộng trước kia và ngày nay. Họ là những cá nhân có năng lực dẫn hướng dư luận, khả năng bạch hóa sự kiện hoặc có những công trình khám phá gây tiếng vang toàn xã hội phản ánh trung thực một sự kiện lịch sử nào đó hay một giai đoạn lịch sử nhất định. Đối với sự kiện số I này của nhà Mạc cũng tương tự như vậy, những quan điểm hai chiều sẽ đóng góp vào quá trình bạch hóa lịch sử này.

  1. Một số quan điểm phản bác việc ghi chép của sử

Thứ nhất:

          Đề cập tới vấn đề cắt đất hai châu Quy – Thuận của nhà Mạc từ sử cũ, các sử thần triều Nguyễn khi soạn bộ “Việt sử thông giám cương mục” đã có ý kiến trong lời cẩn án như sau:

          “Lại xét: trong năm Mạc Minh Đức thứ 2, tức là năm Minh gia tĩnh thứ 7 (1528), sử cũ chép Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bàn tính chuyện cắt đất dâng hai châu Quy, Thuận; Vua Minh thu nhận. Từ đó, Nam Bắc lại có sứ giả đi lại thông hiếu. Nhưng, nay tra cứu bản đồ nước ta thì có Quy Hóa châu và Thuận châu. Hai châu này hiện nay thuộc tỉnh Hưng Hóa. Trong Đại Thanh nhất thống chí tuy có chép châu Quy Thuận nguyên thuộc phủ Trấn An tỉnh Quảng Tây nhà Thanh đấy thật, nhưng hai châu mà sử cũ gọi là Quy, Thuận có lẽ tức là Quy Hóa và Thuận Châu đó thôi.

          Lại xét Minh Sử thông giám ký sự:

 Hồi năm Mạc đại chính thứ 9 (1538), Mạc Đăng Dung được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, sai sứ xin hàng, nói dối là họ Lê không có người kế tự, cha con Đăng Dung có công với với nước được mọi người suy tôn; còn Đăng Dung sở dĩ không dâng được biểu chương cho sứ sang tiến cống là chỉ vì trước kia bị Trần Cung chiếm xứ Lạng Sơn làm nghẽn đường, đến sau lại giữ biên cương đóng cửa ải, không tiếp nhận. Việc này, từ năm Gia Tĩnh thứ 7 (1528) đến năm thứ 17 (1538) trải hàng 10 năm chưa từng có sứ đi thông hiếu, thế mà sử cũ, ở năm Gia Tĩnh thứ 7 , đã vội chép rằng:

          “Đăng Dung tính chuyện cắt đất dâng nộp hai châu Quy Thuận, từ đó nam bắc lại cho sứ giả đi lại thông hiếu. Về việc này, những điểm sử cũ chép đó đều sai sự thực, nên nay rút bớt đi mà chép phụ vào đây để tham khảo”

[Việt sử thông giám cương mục, q14, tr1338 – 1339, NXB văn sử địa, 1959]

          Đây là lần soạn sử với quy mô quốc gia do triều đình nhà Nguyễn quyết định. Các sử thần triều đình Nguyễn đã quyết đoán không ghi chép sự kiện cắt đất hai châu Quy Thuận vào từng mục lịch sử nhà Mạc trong “Việt sử thông giám cương mục”. Mặc dù những lập luận, lý giải của các sử gia dựa hẳn vào hai bộ sách: “Đại Thanh nhất thống ch픓Minh sử thông giám ký sự” là không rõ ràng và thuyết phục.

Thứ hai:

Năm 1968 khi biên dịch, hiệu đính cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” cố giáo sư Đào Duy Anh đã có những quan điểm về sự kiện I này như sau:

“Hai châu Quy Thuận thì nhà Tống đã chiếm từ thời Lý nước ta rồi”

[Chú thích, ĐVSKTT, T4, Tr347, NXB KHXH, 1968]

Dòng chữ chú thích này được in tại Lề cuối trang 347 cuốn sử, mười lăm từ cố giáo sư Đào Duy Anh chú thích rất cô đọng. Có lẽ rất bổ ích cho những nhà nghiên cứu lịch sử nhà Mạc, thậm chí lớp học trò của ông như cố giáo sư Trần Quốc Vượng, hoặc sau này là PGS-TS. Đinh Khắc Thuân dựa vào như một “bảo đảm” khi đề cập tới sự kiện I trong các trang viết về lịch sử nhà Mạc của họ.

          Riêng đối với những người đọc sử, các sinh viên chuyên ngành sử rất khó có thể tiếp cận các nguồn sử liệu để hiểu rõ sự cô đọng 15 từ mà cố giáo sư Đào Duy Anh đã viết. Lý do của nó là: Quốc sử Đại Việt không hề ghi chép bất cứ một tình tiết nào liên quan tới hai châu Quy Thuận bị mất tại kỳ nhà Lý này. Tương tự như vậy, cũng chưa có bất kỳ một công trình khả dĩ nào từ các nhà sử học, người nghiên cứu lịch sử, công phu tìm tòi để trả lại lịch sử khách quan sự kiện này một cách kỹ càng, dễ hiểu. Chính vì vậy, người đọc sử dựa vào đâu để hiểu nổi 15 từ trên của một giáo sư đầu ngành sử đương đại.

Thứ ba:

25 năm sau (1968 – 1993) khi hiệu đính cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” bản in nội các quan bản mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) do NXB KHXH ấn hành năm 1993, tới sự kiện I này giáo sư sử học Hà Văn Tấn đã chú thích như sau:

          “Về việc nộp đất, không thấy Minh sử ghi lại. Hai châu Quy Thuận đã bị nhà Tống chiếm từ đời Lý, đó là châu Quy Hóa và Thuận An. Hai châu này sau trở thành Châu Quy – Thuận tỉnh Quảng Tây”

[Chú thích_ ĐVSKTT, Q3, Tr112, NXB KHXH 1993]

          Từ lời chú thích năm 1968 của cố giáo sư Đào Duy Anh. Một phần tư thế kỷ sau, chú thích tiếp theo của giáo sư sử học Hà Văn Tấn. Sự kiện lịch sử số I này được đẩy lên một mốc mới: Hai châu Quy – Thuận từ sử chép có tên Quy HóaThuận An.

Thứ tư:

          Tại hội thảo cấp quốc gia vương triều Mạc năm 1994 ở Hải Phòng, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã đi sâu hơn vào sự kiện I trong bản tham luận của ông. Tuy nhiên cố giáo sư cũng thừa nhận: những lời ông soạn tại bài tham luận dựa vào nghiên cứu từ thầy ông, cố giáo sư Đào Duy Anh:

          “Toàn thư chép: Mậu Tý (1528) Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy Thuận” Minh sử không hề chép chuyện này  và từ năm 1968 thầy tôi giáo sư Đào Duy Anh khi hiệu đính bản dịch “Toàn thư” đã chú thích về việc này như sau: “hai châu Quy Thuận thì nhà Tống đã chiếm từ thời Lý nước ta rồi” đó là hai châu Quy Hóa và Thuận An do hai thủ lĩnh Nùng Trí Hội và Nùng Tôn Đán nộp cho nhà Tống về sau trở thành châu Quy Thuận và châu Quy Dịn trong khẩu ngữ Tày Nùng của tỉnh Quảng Tây, vậy có liên quan gì đến nhà Mạc”

[Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử tr34, viện thông tin XB, 1996]

          Lần thứ tư này, sự kiện I được cố giáo sư Trần Quốc Vượng bổ sung chi tiết hơn. Hai thủ lĩnh địa phương nộp đất cho nhà Tống là Nùng Trí Hội và Nùng Tôn Đán. Người đọc sử, người ham thích lịch sử đất nước không thể tìm được bất cứ một thông tin nào từ quốc sử Đại Việt viết về diễn biến sự kiện, con người cụ thể tham gia sự kiện mà các giáo sư sử học nêu ra ở trên.

Thứ năm:

          Trong cuốn sách “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” xuất bản năm 2001, vốn là luận án tiến sĩ của phó giáo sư – tiến sĩ Đinh Khắc Thuân (chức danh ngày nay) bảo vệ tại Paris – Pháp năm 2000, ông đã viết về sự kiện I này như sau:

“Về sự kiện được gọi là cắt đất năm 1528, chỉ duy nhất được nêu trong Đại Việt sử ký Toàn thư rằng: “sợ nhà Minh hỏi tội, Đăng Dung bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng bạc, cùng là châu báu, của lạ vật lạ…” giải thích về sự kiện này tác giả của cương mục nhận thấy: “tỉnh Hưng Hóa nước ta hiện nay có hai châu Quy và Thuận” [Cương mục sách đã dẫn, t2, tr116]. Ghi chép trên của toàn thư là hoàn toàn nhầm lẫn và sự giải thích của cương mục lại cũng không rõ ràng. Thực tế năm 1528 không hề xảy ra sự kiện dâng hai châu Quy Thuận cho nhà Minh. Bởi hai châu này theo cố giáo sư Đào Duy Anh thì: “Nhà Tống đã chiếm từ thời Lý nước ta rồi”. Việc nộp đất ở vùng này chỉ diễn ra vào thời Lý năm 1057 và năm 1073 với 2 động Vật Dương và Vật Ác mà thôi. Thực tế, đất Quy Thuận vốn là đất của nhà Lý đã bị nhập vào nhà Tống từ thế kỷ XI như nhận xét của Hà Phúc Trường nhà nghiên cứu Trung Quốc khi viết về địa chí phủ Quy Thuận năm 1848 là: “Quy Thuận vốn thuộc An Nam”. Vì vậy, sự kiện chép trong toàn thư về việc Mạc Đăng Dung cắt 2 châu Quy Thuận cho nhà Minh là sự nhầm lẫn đáng tiếc”

[Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, tr82 – 83, trung tâm KHXH và nhân văn quốc gia, viện nghiên cứu Hán nôm, NXB KHXH 2001]

          Trên đây là năm ý kiến phản bác từ các sử gia cận đại và đương đại đối với sự kiện lịch sử số I. Tuy nhiên từ ngữ phân tích sự kiện lịch sử này quá cô đọng, kiệm chữ, dù có cố gắng tạo ra một kết nối, nối liền năm lời dẫn trên, người đọc sử cũng không thể tìm được tiếng nói chung với các nhà sử học đã viết về sự kiện lịch sử số I.

  1. Ý kiến đồng thuận với sử

          Tại hội thảo VTM năm 1994, phó giáo sư – tiến sĩ sử học Đỗ Văn Ninh đã có ý kiến trong tham luận tại đây: “Thế nhưng nhà Mạc cũng làm nhiều việc mà người trong nước không đồng lòng. Mới lên ngôi hai năm, Mạc Đăng Dung đã cắt đất hai châu Quy Thuận dâng nhà Minh, kèm theo người vàng người bạc, cùng nhiều châu báu mong nhà Minh che chở”

[Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, tr303, viện thông tin XB, 1996]

         Tại phần trên chúng tôi đã chép ra sáu dẫn chứng hai chiều của các nhà sử học cận đại, đương đại đánh giá sự kiện I. Trong đó phải kể tới sự quyết đoán không biên chép theo sử cũ sự kiện trong từng mục lịch sử nhà Mạc mà các tác giả “Cương mục” thực hiện. Quá trình hình thành 6 dẫn chứng trên là gần 200 năm, kể từ khi các tác giả “Cương mục” soạn sử đến nay. Chúng tôi không dẫn ra những ý kiến hai chiều từ các học giả không chuyên về sử học vì những quan điểm này rất đa dạng và rất phổ biến ngoài xã hội.

          Tuy nhiên với những gì đã dẫn ra ở trên, bản chất khách quan của sự kiện dần hé lộ, mong muốn ghép nối các mảng dữ liệu rời rạc này từ quá khứ là rất khó khăn đối với người đọc sử. Thậm chí các sinh viên khoa học xã hội, các thầy cô dạy sử các cấp phổ thông, lý do quốc sử hay các nguồn sử liệu khác không cung cấp những dữ liệu lịch sử này. Khoảng cách nhận thức ngày càng giãn rộng ra nguyên nhân cơ bản là không có một công trình nghiên cứu nào đủ sức giải quyết một cách bài bản, thuyết phục, dễ hiểu trả lại chân lý khách quan sự kiện I. Như vậy, tác dụng thật sự từ sáu lần dẫn trên rất khiêm tốn đối với xã hội và nó quay trở lại với chính các tác giả sử học. Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng đưa ra một cách nhìn mới, nghiên cứu mới thể hiện đầy đủ, nghiêm túc, minh bạch để đánh đổ hoàn toàn “lịch sử nhận thức” sự kiện lịch sử số I này.

  1. PHỤC HỒI SỰ KIỆN

          Khi đọc lịch sử nhà Mạc, nghiên cứu sự kiện này, người đọc sử, nghiên cứu lịch sử nếu chỉ sử dụng nguồn sử liệu trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục”. Hoặc các tác phẩm lịch sử do từng cá nhân biên soạn, sẽ không thể nghiên cứu nổi tính phức tạp và bản chất của sự kiện, đồng thời khó nhận ra chân dung “lịch sử nhận thức” của sự kiện lịch sử số I.

          Lý do là:

* “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục” và các loại sách sử khác, sách dư địa chí các đời không ghi chép bất kỳ một thông tin nào dẫn tới những kết luận mà các tác giả sử học đem lại (đã dẫn).

* Trong tất cả các giáo trình giảng dạy lịch sử trong các trường đại học, các cấp phổ thông không có bất kỳ một bài giảng nào khơi gợi hay lập luận phản bác sự kiện I mà sử cũ chép.

* Ở ngoài xã hội người đọc sử có thể tham khảo, suy nghĩ về lập luận từ 6 dẫn chứng đã nêu của giới sử học nước nhà.

Nhưng:

– Sự kiện mất đất tại kỷ nhà Lý “Đại Việt sử ký toàn thư” không ghi chép.

– Những nhân vật: Nùng Trí Hội, Nùng Tôn Đán “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục” và các loại sách vở liên quan không ghi chép hành trạng.

– Các địa danh liên quan như động Vật Dương động Vật Ác có liên quan gì tới 2 châu Quy Thuận, tài liệu lịch sử nào nói tới?

– Tại sao sự kiện mất đất từ kỷ nhà Lý cách nhà Mạc 500 năm mà nhà Mạc lại liên đới? vv…

          Có rất nhiều câu hỏi phải trả lời từ những vấn đề được nêu ra ở trên, đồng thời hiện nay nhiều người trong giới sử đã từng công nhận sử cũ chép sự kiện I này là đúng! Đứng trước một vấn đề phức tạp tồn tại lâu dài như vậy, chúng tôi cần phải thực hiện như thế nào để hoàn thành trách nhiệm trả lại sự thật sự kiện lịch sử số I và sau đây là những công việc đó được đưa ra.

  1. SỬ DỤNG NGUỒN TƯ LIỆU TỪ SÁCH DƯ ĐỊA CHÍ CHO 3 GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ.

Phương pháp lựa chọn là: Lấy lịch sử nhà Mạc là trọng tâm, sử dụng tư liệu dư địa chí trước nhà Mạc, sau nhà Mạc làm nền tảng để vận dụng linh hoạt lịch sử và địa lý học, nhằm tìm ra những mối tương tác liên quan giữa địa lý và lịch sử. Chúng ta thấy rằng: Địa lý và lịch sử là hai môn khoa học xã hội có liên quan mật thiết với nhau, sử nằm trong địa, địa sẵn có trong sử, người ta gọi là địa lý học lịch sử. Cách thức vận dụng tư liệu các nguồn dư địa chí cùng tư liệu lịch sử một cách nhuần nhuyễn sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa bí ẩn của lịch sử cần quan tâm. Do vậy, cần thực hiện các bước phân tích tư liệu dư địa chí chia ra bởi ba giai đoạn như sau:

          * Sách dư địa chí ra đời trước nhà Mạc(trước năm 1527)

          * Sách dư địa chí ra đời sau nhà Mạc(sau năm 1527)

* Sách dư địa chí cận đại, bản đồ hành chính nước CHXHCNVN.

Cũng xin lưu ý rằng: Vùng đất hai châu Quy Thuận đang khảo cứu, tất yếu phải nằm trong phạm vi giáp ranh biên giới giữa hai quốc gia Đại Việt và Trung Hoa. Vùng đất này không thể nằm quá sâu trong lãnh thổ Đại Việt, chính vì vậy, phạm vi khảo cứu cần nhắm tới sẽ nằm trên vĩ tuyến 20 hất ngược lên biên giới phía bắc nước ta (VD: Địa danh Thuận Hóa cách biên giới phía bắc 1000km sẽ không nằm trong đối tượng khảo cứu này).

  1. Tìm địa danh các châu có từ đầu là “Quy”, “Thuận” thông qua các sách dư địa chí trước nhà Mạc:

a, Theo sách “Đường thư địa lý chí”

Sách này xuất hiện cách ngày nay chừng 1400 năm (nhà Đường 618 – 907) được biên dịch bởi Nguyễn Văn Siêu và chép tại mục “Địa lý tiền biên” trong tác phẩm “Phương đình dư địa chí” của ông.

“Đường thư dư địa chí” chép:

“Quy hóa châu: lĩnh 4 huyện là: Yên Lập, Văn Bàn, Văn Chấn, Thủy Vĩ”

[Đường thư dư địa chí, địa lý tiền biên, PĐDĐC, tr32, NXB TDSG 1960]

tìm tiếp “Đường thư địa lý chí” xuất hiện địa danh Thuận Châu như sau:

“An Thuận (năm thứ 9 niên hiệu Vũ Đức) đặt ra Thuận Châu và 3 huyện: Đông Hà… Xương Bình Hà, năm đầu niên hiệu Chính Quán, châu bỏ, bớt 3 huyện sáp vào An Thuận”

[Đường thư địa lý chí, Địa lý tiền biên, Phương đình dư địa chí, Tr26, NXB Tự do Sài Gòn, 1960]

Bám vào tư liệu do Nguyễn Văn Siêu cung cấp từ “Đường thư địa lý chí” đã thấy xuất hiện hai 2 địa danh: Quy Hóa, Thuận Châu

Hai địa danh cổ này xuất hiện trước năm 1527 chừng 900 năm, từ đây chúng ta cũng biết một số địa danh cổ còn giữ mãi tới ngày nay tại các tỉnh phía bắc:

– Huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

– Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Qua dẫn chứng trên, trước nhà Mạc gần 1000 năm, lãnh thổ Đại Việt đã có hai địa danh: Quy Hóa và Thuận Châu.

b, Sách “An Nam chí lược”

Sách do Lê Tắc soạn năm 1333 đời Trần(trước năm 1527 gần 200 năm).

“An Nam chí lược” bổ sung cho “Đường Thư Địa Lý Chí” như sau: “Châu Thuận An(An Thuận) đời Đường gọi là Thuận Châu”

[An Nam chí lược, tổng tập dư địa chí, quyển 1, tr124, NXB thanh niên, 2012]

Tại mục “Lịch đại khiển sư” Lê Tắc chép về địa danh Quy Hóa như sau:

“Mùa đông năm ấy, đại binh của Trấn Nam vương đến  biên cảnh, bắt Văn Hàn làm hướng đạo phá được cửa ải Nội Bàng… Năm sau Triều đình (nhà Nguyên)” cho Văn Hàn làm trung thuận đại phu Quy Hóa giang lộ”

[An Nam chí lược, tổng tập dư địa chí, quyển 1, tr404, NXB thanh  niên, 2012]

Qua hai nguồn tư liệu “Đường thư dư địa ch픓An Nam chí lược” cung cấp, đã xuất hiện 2 địa danh: Thuận Châu, Quy Hóa thuộc Đại Việt, trước khi nhà Mạc ra đời hàng ngàn năm.

Hai địa danh này nằm ngang hoặc trên vĩ tuyến 20 nước ta, các tư liệu dư địa chí trên đây là những dẫn chứng rời rạc, vụn vặt, sau đây là những dẫn chứng rõ ràng cụ thể hơn từ các nguồn tư liệu dư địa chí khác nhau.

c, “Ức trai di tập – dư địa chí”

Sách do Nguyễn Trãi soạn năm 1435 (trước năm 1527 gần 100 năm) hai địa danh cần tìm hiểu được ghi chép như sau:

“XXVII. Thao, Lịch ở Hưng Hóa.

Thao là tên sông, Lịch là tên núi. Sông Thao là ngọn sông Hoàng Thủy cũng 500 năm, một lần nước trong. Hưng Hóa xưa là bộ Tân Hưng ở thời Hán là Nam Trung. Mạnh Hoạch chống cự với Khổng Minh ở đấy, phía tây thông với Vân Nam, phía đông tiếp giáp Sơn Tây, phía bắc và phía nam tiếp giáp Tuyên, Nghệ. Có 3 bộ phủ, 4 huyện, 17 châu, 31 làng xã, 155 động, 137 sách, 8 trang. Đấy là phiên giới thứ hai ở phía Tây vậy.”

Cẩn án:

Phủ Quy Hóa có 3 huyện, 2 châu, 31 xã, 54 động:

* Huyện Trấn Yên có 27 xã, 7 trang, 2 động, 2 sách

* Huyện Yên Khâu (cũng gọi là Yên Lập) có 2 xã, 1 trang, 1 động, 18 châu

* Huyện Văn Chấn có 2 xã, 80 sách

* Châu Văn Bàn có 40 động

* Châu Thủy Vỹ có 11 động (tiếp nối Vân Nam)

Phủ Gia Hưng: (thời Hồ đổi làm Thiệu Hưng, triều Lê lại theo tên cũ) có 1 huyện, 5 châu, 42 động.

* Huyện Thanh Xuyên có 1 thôn, 2 động, 34 sách

* Châu Phù Hoa có 3 động

* Châu Mộc Châu có 20 động, 3 sách

* Châu Việt Châu có 3 động

* Châu Mai Châu có 3 động

* Châu Thuận Châu có 10 động…”

[Ức trai di tập _ dư địa chí, Tr36, NXB Sử học 1960]

Dư địa chí của Nguyễn Trãi cung cấp cho ta biết rất cụ thể 2 địa danh:

Quy Hóa đơn vị hành chính là Phủ

Thuận Châu đơn vị hành chính là Châu, 2 địa danh này thuộc Hưng Hóa – Đại Việt.

d, Sách “Hồng Đức bản đồ”

“Hồng Đức bản đồ” được triều đình vua Lê Thánh Tông lập năm (1467 – 1469), tại mục: thừa tuyên Hưng Hóa sách chép:

“I. Phủ Gia Hưng: 1 huyện, 5 châu”

  1. Huyện Thanh Xuyên: 36 xã
  2. Châu Phù Hoa: 4 động
  3. Châu Mộc: 21 động, 3 sách
  4. Châu Mai: 4 động
  5. Châu Việt: 4 động
  6. Châu Thuận (Thuận Châu): 9 động
  7. Phủ Quy Hóa: 3 huyện, 2 châu
  8. Huyện Trấn An: 44 xã
  9. Huyện An (Yên) Lập: 6 xã, 17 sách, 4 động
  10. Huyện Văn Chấn: 33 trang, 7 sách, 1 động
  11. Châu Văn Bàn: 39 động
  12. Châu thủy Vĩ: 11 động…”

[Hồng Đức bản đồ, Tr41, tủ sách viện khảo cổ – bộ quốc gia giáo dục, SG, 1962]

Từ trên, qua 4 cuốn sách dư địa chí xuất hiện trước nhà Mạc

  1. Đường thư dư địa chí
  2. An Nam chí lược
  3. Dư địa chí – Nguyễn Trãi
  4. Hồng Đức bản đồ

Hai địa danh Quy Hóa, Thuận Châu đã xuất hiện đầy đủ, rõ ràng và chính xác, vùng đất thuộc 2 địa danh này nằm ngang hoặc trên vĩ tuyến 20, do có những thay đổi đơn vị hành chính từ bộ, thừa tuyên, lộ, trấn, phủ, châu trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng đơn vị hành chính cổ là “châu” đã xuất hiện cách ngày nay 2000 năm về trước.

  1. Tìm địa danh các Châu có từ đầu là “Quy” và “Thuận” từ nguồn sách dư địa chí sau nhà Mạc

a, Cuốn “Kiến văn tiểu lục” tại quyển 6, mục phong vực bờ cõi, Lê Quý Đôn chép về Hưng Hóa như sau:

“Hưng Hóa thời nhà Trần đặt 3 trấn: Tuyên Quang, Tuy Hóa, Đà Giang… đến giữa năm Quang Thuận triều Thánh Tông mới dặt Hưng Hóa xứ thừa tuyên” quản lý 3 huyện, 2 châu thuộc phủ Quy Hóa 2 huyện 5 châu”

[Kiến văn tiểu lục, phong vực, tr342 – 343, viện sử học XB năm 2007]

Chép về Thuận Châu, “Kiến văn tiểu lục” cho biết:

“Một dải sông Đà có 8 châu… Châu Thuận (Thuận Châu)” thổ âm gọi là Mường muỗi, đường đi 12 ngày… động Mường Lãm thuộc Thuận Châu đường đi 13 ngày”

[Kiến văn tiểu lục, phong vực, tr358 – 350, viện sử học XB năm 2007]

b, Sách “Đại Nam nhất thống chí”

Sách do triều đình nhà Nguyễn biên soạn năm 1884, sách chép về 2 địa danh Quy Hóa – Thuận Châu tại mục tỉnh Hưng Hóa như sau:

“Thuận Châu (Châu Thuận)” từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 138 dặm, từ phía  Nam đến phía Bắc cách nhau 142 dặm, phía Đông đến địa giới châu Sơn La 55 dặm, phía Tây đến địa giới châu Tuần giáo 83 dặm, phía Nam đến địa giới châu Mai Sơn 83 dặm, phía Bắc đến địa giới Châu Quỳnh Nhai 59 dặm. Đời Trần là đạo Đà Giang, đầu đời Lê mới đặt tên châu này, nguyên có 9 động. Sau đó thấy địa giới sâu rộng bao la bèn cắt 3 động Mai Sơn, Sơn La, Tuần Giáo đặt làm 3 châu, còn lại 6 động, sau gộp lại thành 5 động, đặt thổ từ phụ đạo, họ Bạc được nối đời quản trị. Năm Gia Long triều ta vẫn để như trước. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đổi động thành xã, đặt thổ tri châu như cũ, thuộc phủ quản hạt, nay châu Lĩnh coi 5 xã…

          *Phủ Quy Hóa: phủ lị chưa dựng, số dặm đường từ phía Đông đến phía Tây, từ phía Nam đến phía Bắc chưa được rõ. Phủ này là đất châu Đăng đời Lý, cuối đời Trần đặt Trấn Quy Hóa. Thời thuộc Minh đổi là châu, năm Thuận Thiên nhà Lê đổi là Lộ, năm Hồng Đức đổi là Phủ. Bản triều vẫn để như trước lãnh 3 huyện, 2 châu.

          * Huyện Yên Lập: từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 105 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 181 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Cẩm Khê, tỉnh Sơn Tây 7 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Thanh Sơn 101 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Hạ Hòa tỉnh Sơn Tây 80 dặm. Huyện này vốn là đất Châu Đăng đời Lý, từ đời Lê về trước đã đặt tên huyện. Thổ tù họ Nguyễn và họ Đinh chia nhau quản trị năm Gia Long triều ta vẫn để như trước. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) bắt đầu đặt lưu quan, thuộc phủ Quy Hóa thống hạt, đổi sách thành xã, lại đặt tên tổng, thống lãnh 5 tổng, 21 xã.

          * Huyện Văn Chấn: từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 184 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 119 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Hạ Hòa tỉnh Sơn Tây 22 dặm, phía Tây đến địa giới châu Quỳnh Nhai 142 dặm, phía Nam đến địa giới châu Phù Yên 111 dặm, phía Bắc đến huyện Trấn Yên 38 dặm. Thổ tù phù đạo là họ Hà và họ Lê thế tập, sau người khác là họ Sầm (người Thanh) và họ Cầm nối đời cai quản. Năm Gia Long vẫn để như trước, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) bắt đầu đặt lưu quan thống thuộc. Phủ Quy Hóa và đổi sách thành xã lại đặt tên tổng lãnh 4 tổng 11 xã…

          * Huyện Trấn Yên: từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 56 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Hạ Hòa tỉnh Sơn Tây 14 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Văn Chấn 16 dặm, phía Nam đến địa giới… , phía Bắc đến địa giới Mai Châu tỉnh Tuyên Quang 49 dặm. Huyện này nguyên là đất Châu Đăng đời Lý từ đời Lê về trước đã đặt tên huyện Trấn Yên. Trước kia thổ tù họ Nguyễn Đình nối đời cai quản. Năm Gia Long vẫn để như trước, Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) bắt đầu dặt lưu quan, thuộc phủ Quy Hóa đổi trang thành xã và chia đặt các tên tổng, lĩnh 4 tổng, 30 xã…

          * Châu Văn Bàn: từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 147 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc 84 dặm. Phía Đông đến địa giới huyện Trấn Yên 46 dặm, phía Tây đến địa giới chiêu tấn 101 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Trấn Yên 25 dặm, phía Bắc đến địa giới châu Lục Yên tỉnh Tuyên Quang 55 dặm. Châu này nguyên là đất Châu Đăng đời Lý từ đời Trần về trước đã đặt tên là huyện Văn Bàn, thời thuộc Minh để như trước, năm Hồng Đức đời Lê đổi huyện thành châu, cho thổ từ phụ đạo họ Điêu và họ Lương được chia nhau quản lĩnh. Năm Gia Long triều ta vẫn để như trước. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Nguyễn Bảo Cầm được làm thổ quan tri phủ. Năm thứ 5 (1824) Sầm Nhân Tráng (Nguyễn giữ đồn Trấn Hà) được làm tri châu. Năm thứ 19 (1838) bắt đầu đặt lưu quan, thuộc Phủ Quy Hóa, đổi động thành xã và đặt các tổng, hiện lĩnh 2 tổng, 8 xã và 1 trại…

          * Châu Thủy Vĩ: từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 209 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 177 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Vị Xuyên tỉnh Tuyên Quang 83 dặm, phía Tây đến địa giới châu Chiêu Tấn 126 dặm,  phía Nam đến địa giới Châu Văn Bàn 166 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Văn Sơn phủ khai hóa nước Thanh 11 dặm.

          Châu này nguyên là đất Châu Đăng đời Lý từ đời Trần về trước đã đặt tên là huyện Thủy Vĩ,  thời thuộc Minh để như trước, năm Hồng Đức đời Lê đổi huyện thành châu, đặt thổ tù phụ đạo cho họ Đèo và họ Lương triều ta vẫn để như trước, năm Minh Mạng thứ 4 (1823) Nguyễn Bảo Cầm làm thổ quan tri phủ, năm thứ 5 (1824) dùng Sầm Nhân Tráng người châu Chiêu Tấn được kiêm quản. Năm thứ 19 (1838) bắt đầu đặt lưu quan đổi động thành xã, đặt tên tổng, lĩnh 2 tổng, 8 xã, 1 trại, 2 phố và 1 vạn”

[Đại Nam nhất thống chí, q2, tr1519 – 1524, NXB lao động, 2012]

“Đại Nam nhất thống chí” đã cung cấp chi tiết châu Thuận Châu và phủ Quy Hóa mà chúng ta đang quan tâm. Đồng thời cũng cho biết việc thay đổi đơn vị hành chính: châu, trấn, lộ, phủ, thừa tuyên tùng giai đoạn lịch sử trước đây. Cũng xin lưu ý rằng: đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) hình thái quản lý cấp trung ương (lưu quan) mới được áp dụng tại các địa phương này.

c, Sách “Sử học bị khảo”

Do Đặng Xuân Bảng soạn năm 1886, tại mục bắc kỳ 13 tỉnh ông viết:

“Thuận Châu (vốn là mường Lý)” đời Lê trung hưng lấy đất châu này đặt thêm châu là: Mai Sơn, Sơn La, Tuần giáo.

– Mai Sơn: vốn là động Mai Sơn ở Thuận Châu đời Lê chia ra đặt thêm châu này.

– Sơn La vốn là động Sơn La ở Mộc Châu đời Lê chia ra đặt thêm châu này.

Phủ Quy Hóa: (đời Trần là trấn Quy Hóa hồi thuộc Minh đổi làm châu, đời Lê thăng làm phủ) có 3 huyện là: – Yên Lập (nhà Trần đặt)

 – Văn Chấn (nhà Trần đặt)

 – Trấn Yên (nhà Trần đặt)”

[Sử học bị khảo, q3, tr433, viện sử học, NXB VHTT, 1997]

 

d, Sách “Phương đình dư địa chí”

Do Nguyễn Văn Siêu soạn năm 1900, chép về Quy Hóa – Thuận Châu như sau:

“…Hưng Hóa thừa tuyên: 3 phủ, 4 huyện, 17 châu.

Thuận Châu: 4 động…

Quy Hóa: 3 huyện, 2 châu

+ Yên Lập huyện: 6 xã, 17 sách, 4 động

+ Trấn An huyện: 23 động, 1 châu

+ Văn Bàn châu: 39 động

+ Thủy Vĩ châu: 11 động”

[Phương đình dư địa chí, tr101, NXB tự do SG,1960]

Qua 4 cuốn sách dư địa chí được soạn sau năm 1527 vừa dẫn ở trên gồm:

          – Kiến văn tiểu lục

          – Đại Nam nhất thống chí

          – Sử học bị khảo

          – Phương đình dư địa chí

Hai địa danh Quy Hóa – Thuận Châu thuộc Hưng Hóa Đại Việt được chép rất cụ thể, rõ ràng, phạm vị địa giới, tên gọi, đơn vị hành chính theo từng giai đoạn lịch sử trước đây. Đồng thời cung cấp tính liên tục qua các đời: Đinh – Lê Đại Hành – Lý – Trần – Hồ – thuộc Minh – Lê – Mạc – Lê trung hưng – Nguyễn.

          Nhằm làm rõ tính liên tục không bị biến động từ các sự kiện lịch sử của 2 vùng đất này, chúng tôi xin cung cấp một số sách địa lý ra đời thời thuộc Pháp và bản đồ hành chính nước CHXHCNVN ngày nay.

  1. Sách địa lý trước năm 1945 và bản đồ hành chính nước CHXHCNVN.

a, Sách “Dư địa chí các tỉnh bắc kì”

Do Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư soạn năm 1924 chép các tỉnh liên quan đến 2 châu Quy – Thuận như sau:

– “Tỉnh Sơn La: vị trí và diện tích: Sơn La bắc giáp Yên Bái, Nam giáp Thanh Hóa (Trung kì)” và tỉnh Sầm Nưa (Lào), tây giáp Lai Châu đông giáp Phú Thọ  và Hòa Bình… Tỉnh Sơn La chia làm 6 châu: Châu Sơn La, Yên Châu, Thuận Châu, Mai Sơn , Mộc Châu, Phú Yên

[Tổng tập dư địa chí, q4, phương chí, tr283 – 284, NXB thanh niên, 2012]

– “Tỉnh Yên Bái”; vị trí và diện tích: tây giáp Sơn La, bắc giáp Lào Cai, đông bắc giáp Hà Giang, đông giáp Tuyên Quang tỉnh chia làm:

          + 1 huyện Trấn Yên

          + 4 châu: Văn Bàn, Văn Chấn, Lục Yên, Than Uyên.”

[Tổng tập dư địa chí, q4, phương chí, tr301 – 303, NXB thanh niên, 2012]

b, Sách Phú Thọ tỉnh địa chí:

Do Phạm Xuân Độ soạn năm 1939, tại mục tổng thuyết chép:

“Đến thời hậu Lê, phía bắc Phú Thọ ngày nay thuộc đạo Hưng Hóa, phía nam hợp với Sơn Tây thành đạo Quốc Oai. Những hạt vốn có là: Yên Lập vẫn theo tên cũ…”

[Tổng tập dư địa chí, q4, phương chí, tr301 – 303, NXB thanh niên, 2012]

c, Bản đồ hành chính nước CHXHCNVN hiện nay

          Tra cứu trên bản đồ hành chính nước CHXHCNVN hiện nay, 2 địa danh Quy Hóa – Thuận Châu thuộc trấn Hưng Hóa xưa bao gồm.

          * Phủ Quy Hóa là một vùng đất rộng lớn của đất nước

          – Toàn bộ tỉnh Phú Thọ hiện nay

          – Toàn bộ tỉnh Yên Bái hiện nay

          – Một phần lớn tỉnh Lào Cai

          Chúng ta có thể tưởng tượng vùng đất phủ Quy Hóa này giống như một quả đào tiên, cuống quả là cực bắc (châu Thủy Vĩ) giáp với Vân Nam Trung Quốc, còn quả đào là các tỉnh nói trên.

          Ngày nay các địa danh tối cổ như:

          – Yên (An) Lập: Tỉnh Phú Thọ

          – Văn Chấn: Tỉnh Yên Bái

          – Hạ Hòa: Tỉnh Phú Thọ

          – Trấn Yên: Tỉnh Yên Bái

          – Thanh Sơn: Tỉnh Phú Thọ

Vẫn tồn tại tới ngày nay.

* Châu Thuận Châu: là một vùng đất rất rộng lớn của đất nước bao gồm:

          + Mai Châu (nay thuộc tỉnh Hòa Bình)

          + Toàn bộ tỉnh Sơn La, một phần tỉnh Điện Biên, ngày nay vẫn còn huyện mang tên THUẬN CHÂU tại Sơn La.

Đến đây, chúng ta nhận thấy rằng vùng đất đang khảo cứu luôn luôn thuộc sở hữu của Đại Việt, nó mang tính liên tục, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước từ: Đinh – Lê Đại Hành – Lý – Trần – Hồ –  Lê – Mạc – Lê trung hưng – Nguyễn – nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.

Vùng đất Quy Hóa – Thuận Châu thuộc thừa tuyên Hưng Hóa Đại Việt không gặp bất cứ biến động nào từ yếu tố chính trị các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Tiếp tục tìm kiếm trong 10 đầu sách dư địa chí trên không thấy xuất hiện bất cứ địa danh nào có từ đầu là “Quy”“Thuận” nữa, từ đó có thể kết luận vấn đề này như sau:

TIỂU KẾT LUẬN:

Bằng phương pháp loại trừ, chúng tôi khẳng định chính xác rằng:

Hai Châu có từ đầu là Quy và Thuận tức Quy Hóa và Thuận Châu thuộc Hưng Hóa Đại Việt không liên quan tới sự kiện I mà các sử gia Lê trung hưng chép trong lịch sử vương triều Mạc.

  1. SỰ KIỆN CHÂU QUẢNG NGUYÊN KỶ NHÀ LÝ

Từ việc không tìm ra bất cứ hai địa danh có từ đầu “Quy”“Thuận” tiếp theo nữa ngoài Quy Hóa, Thuận Châu thuộc Hưng Hóa từ nguồn sách dư địa chí cổ. Việc nghiên cứu sự thật lịch sử hai châu Quy – Thuận do sử chép dường như bế tắc hoàn toàn, nếu chúng ta không quay trở lại với chính quốc sử Đại Việt.

Đọc “Đại việt sử ký toàn thư” kỷ nhà Lý thấy xuất hiện một sự kiện như sau:

Nhà Tống đem Thuận Châu trả cho ta”

[Đại Việt sử ký toàn thư, t1, tr332, NXB VHTT 2004]

Trong khi đó ở trên, chúng tôi vừa kết luận rằng: Quy HóaThuận Châu thuộc Hưng Hóa Đại Việt không liên quan tới sự kiện (I). Vậy mà quốc sử kỷ nhà Lý lại chép:

“Nhà Tống đem Thuận Châu trả cho ta”, chính vì lý do ấy, cần làm rõ “Thuận Châu” này là địa danh nào, sự kiện lịch sử của nó diễn biến ra sao, dù rằng quốc sử không nhắc tới địa danh Quy Hóa, đây là một việc làm cần thiết.

Tại tập 1, bản in năm 2004, nhà xuất bản văn hóa thông tin, “Đại Việt sử ký toàn thư” (tr332), kỷ nhà Lý chép:

“Nhà Tống đem Thuận Châu trả cho ta” tiếp ngay sau đó một trang (tr333) sử lại chép:

“Tân Dậu, năm thứ 6 (1081) (Tống Nguyên Phong năm thứ 4) mùa xuân, mặt trời có hai quầng sáng, trả lại cho nhà Tống những nhân đinh bắt được ở 3 châu: Ung, Khâm, Liêm vì cớ nhà Tống trả lại cho ta châu Quảng Nguyên” .

[Đại Việt sử ký toàn thư, t1, tr333, NXB VHTT, 2004]

Từ trên đã dẫn, một câu hỏi được đặt ra từ sự ghi chép này của sử: Thuận Châu (trang 332) với châu Quảng Nguyên (trang 333) sử chép có cùng là một địa danh, cùng một sự kiện lịch sử? Để làm rõ vẫn đề này, phải quay lại lịch sử kỷ nhà Lý trước nhà Mạc 500 năm để tìm hiểu những diễn biến phức tạp tại vùng đất Quảng Nguyên này.

  1. Những sự kiện lịch sử liên quan đến châu Quảng Nguyên kỷ nhà Lý

Xin tóm lược một số sự kiện chính xảy ra tại biên giới phía bắc và cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống cùng những diễn biến lịch sử từ năm 1050 đến năm 1100 kỷ nhà Lý:

– Sự kiện Nùng Toàn Phúc.

– Sự kiện Nùng Trí Cao.

– Sự kiện Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đánh châu Ung, châu Khâm, châu Liêm nhà Tống.

– Quách Quỳ, Triệu Tiết đánh Đại Việt tới sông Phú Lương.

– Sứ thần Kiều Văn Ứng nhà Lý được cử đi sứ, tìm phương án hòa hoãn chiến tranh. Lần đi sứ thứ nhất không thành công, lần đi sứ thứ 2 vua Lý chấp nhận các điều kiện mà Quách Quỳ đưa ra để Tống rút quân (Tống gọi sự kiện này là sự đầu hàng của nhà Lý).

– Quách Quỳ rút qu

0