Chứng minh Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy – văn lớp 11
Đề bài: Chứng minh Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy Bài làm Một nhà văn giỏi cũng chính là một nghệ sĩ tài hoa, và trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XX, có lẽ chúng ta không tìm được một ai để làm minh chứng cho điều này rõ ràng hơn Nguyễn Tuân – một nghệ sĩ bậc thầy. ...
Đề bài: Chứng minh Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy
Bài làm
Một nhà văn giỏi cũng chính là một nghệ sĩ tài hoa, và trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XX, có lẽ chúng ta không tìm được một ai để làm minh chứng cho điều này rõ ràng hơn Nguyễn Tuân – một nghệ sĩ bậc thầy. Với Nguyễn Tuân sự tài hoa nghệ sĩ là điều ông truy cầu trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình. Chất nghệ sĩ của ông được thể hiện qua sự am hiểu trên nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh,… và đặc biệt là trên lĩnh vực văn học.
Trong văn học Nguyễn Tuân được mệnh danh là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Với Nguyễn Tuân ngôn ngữ là một chất liệu tuyệt vời, ông đã có ý thực “lạ hóa” nó để tạo nên dấu ấn độc đáo nhằm thu hút người đọc. Trong các các phẩm của ông ngôn ngữ được dùng một cách vô cùng điêu luyện và đắt giá đến gần như là hoàn mĩ, điều mà đến nay chưa cây bút nào vượt qua được. Điển hình trong tác phẩm “Chữ người tử tù” chỉ dùng một vài từ thôi ông cũng đã gợi ra cho chúng ta một phong cảnh cổ kính vô cùng rõ ràng chân thực: những “ phiến trát” của “Sơn Hưng Tuyên Đốc bộ đường”, những “vọng canh”,“ty Niết”, những gông cùm, ngục tốt, rồi cả tục “ xin chữ cho chữ”… tất cả đều đưa chúng ta về một xã hội xưa và cũ. Đó là những từ rất đặc trưng của một thời quá khứ, chính vì thế cái thần thái, cái hồn của thời đã xa được phục chế một cách vô cùng sinh động. Ngay cả trong hành văn cũng toát ra vẻ cổ xưa, khi ông sử dụng những từ đậm chất “thi và họa”. Nhịp điệu và kết cấu cộng hưởng một cách hài hòa cho chúng ta cái cảm giác chậm rãi từ tốn và đĩnh đạc khi viết về con người của dĩ vãng xăm xa.” … Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó sủa ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ…” Một đoạn tả cảnh đơn thuần đầy chất thơ và họa điển hình, nhưng ẩn trong đó là một nốt trầm buồn nhưng kéo dài và lắng đọng trong lòng người đọc, một nỗi buồn khi “ một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”… Khả năng sử dụng ngôn ngữ đạt mức “ hoàn mĩ” còn thể hiện khi Nguyễn Tuân miêu tả cảnh Huấn cao cho chữ – một hình ảnh đầy chất tạo hình. Giữa đêm khuya, trong căn buồng giam chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu, một bó đuốc tẩm dầu cháy ngùn ngụt, ánh sáng đỏ rực soi tô ba bóng người đang hoạt động. Một người ngồi chồm hổm dưới đất, hai tay căng tấm lụa trắng tinh trên một mảnh ván. Một người khác tay run run bưng chậu mực. Người thứ ba cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang cầm bút thoăn thoắt viết trên mặt lụa. Ba người đó là: viên quản ngục, thầy thơ lại và ông Huấn Cao. Bằng cách sử dụng các từ ngữ đối lập để miêu tả thiên đường và ngục tù, ánh sáng và bóng tối,thiện lương và cái ác… Khuông lụa trắng tinh khiết và chậu mực đen còn thơm mùi, hai thứ tương phản lại kết hợp tạo thành bức tranh chữ tuyệt đẹp, cũng như hai con người đối lập: quản ngục và tù nhân, hai hình ảnh đối lập: cúi đầu và kiêu hãnh, hai hoàn cảnh đối lập: xiềng xích và cho chữ…chúng kết hợp với nhau như tạo nên vầng hào quang từ nhân cách đáng kính kẻ mến tài, từ khí tiết cao vời vợi của người tài hoa- vầng hòa quang của cái đẹp như hóa thành bất tử, như nhắn nhủ chúng ta hãy giữ lấy cái đẹp của cuộc đời, đưa cái đẹp trở thành vĩnh cửu. Tất cả như mở ra một bức tranh thuộc về thần thoại, vô cùng huyền ảo, vừa lạ lùng đẹp đẽ, lại vừa ảm đạm hào hùng khi mà viên quan lại cúi đầu trước kẻ tù nhân nghẹn lời:” Kẻ hèn này xin bái lĩnh” trong buồng giam chật bẩn, dưới ngọn đuốc cháy đượm, như một ảo cảnh hư thực vô thường…
Chỉ vài đoạn văn thôi, chúng ta đã đều thấy được cái tài hoa ‘hữu danh hữu thực” của một bậc thầy sử dụng ngôn ngữ. Chính vì thế Tố Hữu đã tặng cho Nguyễn Tuân cái danh xưng:”Người thợ kim hoàn của chữ”!
Nguồn: Văn mẫu hay