Chủ nghĩa Phơrớt trong triết học

Chủ nghĩa Phơrớt cũng là một trường phái có ảnh hưởng rất lớn của trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý do nhà bệnh học tinh thần, nhà tâm lý học người áo, Phơrớt sáng lập . Học thuyết và phương pháp của Phơrớt, có ý nghĩa thế giới quan và nhân sinh quan triết học, có ảnh hưởng rộng lớn đối ...

Chủ nghĩa Phơrớt cũng là một trường phái có ảnh hưởng rất lớn của trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý do nhà bệnh học tinh thần, nhà tâm lý học người áo, Phơrớt sáng lập. Học thuyết và phương pháp của Phơrớt,
có ý nghĩa thế giới quan và nhân sinh quan triết học, có ảnh hưởng rộng lớn đối với các trường phái của chủ nghĩa nhân bản triết học phương Tây hiện đại.
Chủ nghĩa Phơrớt hình thành vào đầu thế kỷ XX trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang đi vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, các mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, bệnh tâm thần trong xã hội phát triển nhanh. Sinh học, sinh lý học, tâm lý học, v.v., cũng có bước phát triển mạnh mẽ, khiến cho những lý luận giải thích các hiện tượng sinh lý và tâm lý của con người bằng quan điểm cơ giới dần dần được thay thế bằng những lý luận mới.
Lý luận về vô thức là bộ phận quan trọng trong hệ thống phân tích tâm lý đầu tiên của Phơrớt. Ông chia quá trình tâm lý của con người thành ba bậc: ý thức, tiềm thức và vô thức. Sự suy nghĩ của con người thường tiến hành giữa trạng thái vô thức và ý thức. ý thức là tâm lý nhận biết của con người. Thí dụ, một người nói với mình rằng trời sắp mưa, phải mau mau về nhà thì suy nghĩ đó tiến hành trong trạng thái ý thức, tuân theo những hình thức lôgíc. Còn vô thức là hiện tượng tâm lý nằm ngoài phạm vi của lý trí, do bản năng, thói quen và dục vọng của con người gây ra. Hoạt động tâm lý này tiến hành theo nguyên tắc khoái cảm, tức là do tình cảm và dục vọng chi phối, không bị hạn chế về thời gian, không gian và quy tắc lôgíc của lý trí. Con người thường suy nghĩ trong tình trạng vô thức như vô cớ bực bội.
Tiềm thức là yếu tố trung gian, ở giữa ý thức và vô thức, hoạt động theo nguyên tắc của tính hiện thực. Phơrớt cho rằng, trong vô thức ẩn giấu những xung đột bản năng, phải thông qua sự lựa chọn và phê chuẩn của “tiềm thức” mới có thể trở thành ý thức. Theo ông, ý thức không phải là thực chất của hoạt động tâm lý mà chỉ là một thuộc tính không ổn định của hoạt động tâm lý. Vô thức mới là căn cứ hành vi con người. Phơrớt đánh giá cao tác dụng quan trọng của vô thức đối với hành vi con người. Ông phân tích những hành vi vô thức thường ngày như nói nhịu, viết sai, quên lãng, đưa nhầm, lấy nhầm, đánh mất, v.v. và cho rằng nguyên nhân tâm lý của những hành vi đó chính là kết quả của những ước vọng bị dồn nén.
Phơrớt có cống hiến quan trọng trong việc đề xuất và nghiên cứu vai trò của vô thức trong hệ thống phân tích tâm lý, nhưng ông sai lầm là đã khuếch đại tác dụng của vô thức đối với hành vi của con người, không đánh giá đúng vai trò của ý thức và các điều kiện xã hội.
Trong lý luận về nhân cách, Phơrớt đưa ra ba khái niệm “cái ấy”, “cái tôi” và “cái siêu tôi”. Theo ông, “cái ấy” chính là sự thể hiện của libiđô (tính dục), là bản năng đầu tiên có từ lúc con người sinh ra. Nó là nguồn năng lượng tâm lý đòi hỏi bộc lộ và đòi hỏi được thỏa mãn một cách mãnh liệt. Nó là kết cấu phi lý tính, chỉ tuân theo nguyên tắc khoái cảm. “Cái tôi” là hệ thống ý thức, là cái đứng giữa “cái ấy” và thế giới bên ngoài, hoạt động theo nhu cầu của thế giới bên ngoài, điều tiết sự xung đột giữa “cái ấy” và thế giới bên ngoài. “Cái siêu tôi” là đại diện của xã hội, của lý tưởng và của uy thế bên ngoài trong tâm lý con người. Nó được tạo thành bởi những chuẩn mực xã hội, những quy tắc luân lý và những giới luật tôn giáo. “Cái siêu tôi” khuyến khích đấu tranh giữa “cái tôi” và “cái ấy”. Phơrớt cho rằng, trạng thái tâm lý của người bình thường là người giữ được sự cân bằng giữa ba cái: “cái ấy”, “cái tôi” và “cái siêu tôi”. Những người mắc bệnh tâm thần là do mối quan hệ cân bằng giữa ba cái đó bị phá hoại.
Thuyết tính dục cũng là nội dung quan trọng trong hệ thống phân tích tâm lý của chủ nghĩa Phơrớt. Phơrớt cho rằng, trong mọi xung động bản năng của “cái ấy” thì bản năng tính dục là hạt nhân, là cơ sở của hành vi con người. Tính dục ông nói ở đây có nghĩa rộng, gồm mọi loại khoái cảm. Phơrớt cho rằng, tính dục là xung đột vĩnh hằng, ngay cả khi bị ý thức và tiền ý thức áp chế, nó vẫn tìm cách bộc lộ ra, có khi bằng hệ thống nguỵ trang xâm nhập vào hệ thống ý thức. Do đó, về tâm lý thường có hiện tượng nằm mơ, nói nhịu và những bệnh tâm thần khác. Theo ông, một từ, một con số, một tên người hoặc một sự việc hiện ra trong giấc mơ đều không phải là vô cớ, mà là sự thể hiện hoặc sự thỏa mãn một nguyện vọng nào đó. Phơrớt mở rộng lý luận và phương pháp đó sang các lĩnh vực khác để giải thích các hiện tượng xã hội. Ông cho rằng văn hóa nghệ thuật của nhân loại không có quan hệ gì với điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội mà bắt nguồn từ bản năng tính dục bị áp chế.
Phơrớt coi bản năng tính dục của con người là cơ sở duy nhất cho các hoạt động của con người. Quan điểm trên của Phơrớt dù nhìn từ góc độ sinh lý học hay xã hội học đều không thể đứng vững được.
Chủ nghĩa Phơrớt đến nay vẫn là một học thuyết có ảnh hưởng rộng trên thế giới, không những trở thành một trường phái phổ biến nhất của tâm lý học hiện đại – trường phái tâm lý học nhân bản, mà còn là nguồn gốc làm nảy sinh nhiều trào lưu triết học phương Tây hiện đại.
Là một nhà khoa học, Phơrớt đã tiếp thu truyền thống duy vật của khoa học tự nhiên cổ điển và của thuyết tiến hóa. Tuy nhiên trong thế giới quan triết học của ông bộc lộ những yếu tố duy tâm khi ông đem sinh vật hóa những cái thuộc về tâm lý của con người, đem tự nhiên hóa những cái thuộc về loài người, đem tâm lý hóa những cái thuộc về xã hội, và tuyệt đối hóa cái tâm lý trong đời sống của con người. Có thể xem đó cũng là những sai lầm của chủ nghĩa Phơrớt. Vì quá nhấn mạnh đến bản năng tính dục nên ông đã bị nhiều người phản đối, trong đó có cả học trò của ông.

0