Chinh sách tài chính thúc đẩy xuất khẩu cà phê
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê. Nhưng tựu chung lại thì có một số nhân tố tác động sau. Cầu và thị trường nước nhập khẩu. - Cũng như các loại hàng hóa khác, cà phê xuất khẩu cũng chịu tác ...
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê. Nhưng tựu chung lại thì có một số nhân tố tác động sau.
Cầu và thị trường nước nhập khẩu.
- Cũng như các loại hàng hóa khác, cà phê xuất khẩu cũng chịu tác động của cầu của nước nhập khẩu. Nếu nước nhập khẩu mà có nhu cầu cao về cà phê thì xuất khẩu cà phê của chúng ta sẽ tăng trưởng tốt và ngược lại thì nó sẽ làm giảm số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu cà phê. Mặt khác, nhu cầu của nước nhập khẩu về loại cà phê cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu cà phê của chúng ta. Nếu nước nhập khẩu có nhu cầu cà phê cao nhưng lọai cà phê họ ưa thích là cà phê chè (Arabica), trong khi chúng ta chủ yếu xuất khẩu cà phê vối (robusta) thì cũng làm cho xuất khẩu cà phê của chúng ta giảm và ngược lại nếu họ có nhu cầu về cà phê vối thì xuất khẩu cà phê của chúng ta sẽ tăng lên.
- Ngoài nhu cầu ra thì thị trường của nước nhập khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu cà phê của chúng ta. Nếu họ có nhu cầu nhưng dung lượng thị trường nhỏ thì cũng không làm tăng xuất khẩu cà phê, hoặc những yêu cầu quy định và cách thức cạnh tranh trên thị trường nước nhập khẩu cũng ảnh hưởng tác động đến họat động xuất khẩu cà phê của chúng ta.
- Môi trường cũng như chính sách của nước nhập khẩu đối với cà phê cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu cà phê của chúng ta. Cho dù người tiêu dùng nước đó có nhu cầu cao về cà phê của chúng ta nhưng chính sách của Chính phủ nước đó bảo hộ thị trường trong nước, dựng lên các hàng rào gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu thì chúng ta cũng khó có thể thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này được. Như thị trường Mỹ với các hàng rào về kỹ thuật như đạo luật chống khủng bố sinh học, thủ tục hải quan…cũng gây nhiều khó khăn cho các nước nhập khẩu nông sản vào thị trường này.
Giá cả và chất lượng.
- Bất kể hàng hóa nào cũng vậy, nếu chất lượng tốt thì có sức cạnh tranh cao và bán chạy hơn. Với cà phê cũng vậy nếu chất lượng cà phê không tốt thì không những tiêu thụ cà phê kém mà nếu có xuẩt khẩu được cũng bị ép gía thấp nên giá trị xuất khẩu là không cao. Ngược lại, chất lượng tốt không những xuất khẩu được nhiều mà giá cả còn cao nên giá trị xuất khẩu sẽ lớn.
- Giá cả luôn tác động tới quan hệ cung cầu. Giá thấp thì khối lượng xuất khẩu sẽ tăng nhưng giá trị lại không tăng đáng kể thậm chí là giảm. Ngược lại khi giá cà phê cao thì khối lượng xuất khẩu có thể không tăng những giá trị xuất khẩu lại có thể tăng mạnh.
Kênh và dịch vụ phân phối.
- Một kênh phân phối hợp lý sẽ không những giảm chi phí trong hoạt động nâng cao sức cạnh tranh của cà phê xuất khẩu mà còn giúp cho qúa trình xuất khẩu cà phê được nhanh chóng dễ dàng và nắm bắt tốt thông tin phản hồi từ thị trường nước nhập khẩu cũng như của người cung ứng.
- Dịch vụ phân phối tốt sẽ giúp cho khách hàng hài lòng hơn khi mua cà phê của chúng ta. Dịch vụ phân phối còn là vũ khí cạnh tranh hữu hiệu của các nhà xuất khẩu nhằm tăng sức cạnh tranh và xuất khẩu cà phê. Nếu như không có dịch vụ phân phối tốt hơn đối thủ cạnh tranh thì khách hàng sẽ mua hàng của đối thủ cạnh tranh mà không mua của mình cho dù cà phê của mình có gía rẻ hơn. Vì vậy dịch vụ phân phối ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu cà phê.
Môi trường cạnh tranh.
Môi trường cạnh tranh như các thể chế, quy định, các rào cản đối với kinh doanh cà phê của nước nhập khẩu cà phê, số lượng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường nước nhập khẩu cà phê.
Môi trường cạnh tranh càng gay gắt thì dễ làm giảm xuất khẩu cà phê của chúng ta nhất là khi cà phê của chúng ta là cà phê Robusta có giá trị thấp hơn cà phê Arabica. Chất lượng cà phê của chúng ta lại thấp hơn các nước khác như Braxin, Colombia, Indonesia. Làm cho việc xuất khẩu cà phê của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Ngược lại khi thị trường cà phê thế giới có sự cạnh tranh không cao thì sẽ làm cho xuất khẩu cà phê của chúng ta có nhiều thuận lợi.
Yếu tố về sản xuất chế biến.
- Việc quy hoạch vùng trồng cà phê hợp lý sẽ giúp cho chúng ta khai thác được lợi thế vùng trong sản xuất cà phê. Nâng cao được năng suất chất lượng của cà phê, qua đó tạo điều kiện thuận tiện cho chế biến và xuất khẩu cà phê.
- Công nghệ chế biến cũng ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu cà phê. Nếu chúng ta có được công nghệ chế biến cà phê hiện đại với công suất lớn thì chúng ta sẽ nâng cao được giá trị của cà phê xuất khẩu. Tạo ra sức cạnh tranh mạnh cho cà phê xuât khẩu của chúng ta so với các nước xuất khẩu cà phê khác.
- Việc phân bố các nhà máy chế biến, các cơ sở kinh doanh cà phê cũng như các vùng sản xuất cà phê hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển chế biến và kinh doanh xuất khẩu cà phê. Qua đó sẽ giảm được chi phí trong hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh của cà phê xuất khẩu trên thị trường cà phê thế giới.
- Ngoài ra các yếu tố cơ sở hạ tầng cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu cà phê. Nếu có được cơ sở hạ tầng tốt thì giúp cho việc vận chuyển cà phê từ nơi sản xuất tới nơi chế biến và kinh doanh xuất khẩu cà phê thuận tiện. Cơ sở hạ tầng tốt còn giúp cho việc chế biến và kinh doanh xuất khẩu cà phê thuận lợi. Góp phần tăng cao khả năng cạnh tranh của của cà phê xuất khẩu, qua đó nâng cao được kết quả cũng như hiệu quả của xuất khẩu cà phê.
Các nhân tố thuộc về quản lý.
- Có thể nói con người có ý nghĩa quyết định trong mọi vấn đề, đặc biệt là trong kinh doanh. Với kinh doanh xuất khẩu cà phê cũng vậy, cho dù có đầy đủ các nhân tố thuận lợi khác nhưng nếu như không có những công nhân lành nghề, có khả năng vận dụng khoa học kỹ thuật cũng như có khả năng sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại trong sản xuất chế biến cà phê thì cũng làm cho hoạt động kinh doanh cà phê không có hiệu quả.
- Ngoài ra, cho dù chúng ta có được mặt hàng cà phê có chất lượng và có sức cạnh tranh cao nhưng không có người am hiểu về kinh doanh xuất nhập khẩu để tham gia quản lý điều hành việc kinh doanh xuất nhập khẩu thì xuất khẩu cà phê của chúng ta cũng không thể có được kết quả tốt.
- Những người làm công tác quản lý vĩ mô, hoạch định cũng giữ vai trò to lớn trong hoạt động xuất khẩu cà phê. Những nhà quản lý này sẽ cố vấn cho Chính phủ điều tiết và quản lý hoạt động xuất khẩu cà phê. Xây dựng lên các chiến lược cho sự phát triển của ngành cà phê trong nước.
Chính sách thuế xuất nhập khẩu.
a. Vai trò của thuế.
Thuế là nghĩa vụ phải đóng góp cho Nhà nước của các cá nhân và các tổ chức kinh doanh theo luật định để đảm bảo các khoản chi tiêu của chính phủ. Như vậy, thuế có vai trò lớn đối với mỗi quốc gia, đó là:
Một là, thuế là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách Nhà nước để phục vụ cho các nhu cầu xã hội, là một hình thức phân phối lại một phần của cải của xã hội.
Hai là, thuế còn là công cụ để Nhà nước điều tiết giá cả, làm thay đổi quan hệ cung cầu, qua đó giúp Nhà nước điều tiết sản xuất và định hướng tiêu dùng.
Ba là, thuế tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của đất nước qua đó điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư quốc tế cũng như sự vận động của luồng vốn quốc tế. Từ đó góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh và đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, khi xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập thương mại quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới thì việc đổi mới và hoàn thiện chính sách thuế đang là một nhiệm vụ rất quan trọng của chúng ta để tham gia hội nhập thực hiện các cam kết về cắt giảm các dòng thuế theo quy định của các định chế và tổ chức thương mại mà chúng ta tham gia. Như việc tham gia vào lộ trình cắt giảm thuế quan chung (CEPT) và tham gia thực hiện AFTA là một ví dụ. Mặt khác, việc xây dựng chính sách thuế đòi hỏi phải có sự thống nhất phù hợp với các chuẩn mực về luật lệ quốc tế như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) là một ví dụ.
Thuế không những chỉ là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước mà nó còn là chính sách để Nhà nước điều tiết cũng như thể hiện thái độ khuyến khích hoặc hạn chế sự phát triển của ngành hàng nào đó qua đó giúp điều hành nền kinh tế đi theo đúng quỹ đạo mà Đảng và Nhà nước đã định. Ngoài ra nó còn là công cụ để Nhà nước thể hiện thái độ trong quan hệ với các nước đối tác góp phần đưa nền kinh tế hội nhập thành công với kinh tế thế giới, cũng như xây dựng các quan hệ ngoại giao chính trị khác.
b. Nội dung của chính sách thuế.
Thuế xuât nhập khẩu là một trong những loại thuế của chúng ta. Nó có ảnh hưởng lớn và tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia. Thuế xuất nhập khẩu được sử dụng trong quan hệ buôn bán ngoại thương giữa quốc gia với các quốc gia khác trên thế giới.
Ở Việt Nam, Thuế xuất nhập khẩu được Quốc hội thông qua ngày 26-12-1991. Luật thuế này quy định cho tất cả các hình thức xuất nhập khẩu cả mậu dịch và phi mậu dịch, cả du lịch và đi thăm hỏi thân nhân ở nước ngoài…,danh mục hàng hóa đã theo danh mục hàng hóa điều hòa.
- Thuế xuất khẩu: là thuế mà các nhà xuất khẩu hàng hóa dịch vụ có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước theo tỷ lệ thuế suất nhất định, cơ quan đứng ra thu là Hải quan. Nơi mà doanh nghiệp cho xuất hàng đi và kê khai hải quan. Thường các quốc gia, kể cả Việt Nam thì thuế xuất khẩu thường bằng 0%. Mục đích là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu và tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của quốc gia trên thị trường thế giới, trừ một số mặt hàng mà Nhà nước hạn chế xuất khẩu như tài nguyên, các nguyên vật liệu quý.
- Thuế nhập khẩu: là thuế đánh vào hàng hóa của nước ngoài khi được nhập vào lãnh thổ hải quan Việt Nam. Việc đánh thuế nhập khẩu không những tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà nó còn góp phần bảo hộ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên với việc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các lộ trình cắt giảm thuế quan thì thuế nhập khẩu có xu hướng giảm dần. Hiện nay chúng ta phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo một lộ trình cụ thể để tham gia CEPT. Đặc biệt khi chúng ta là thành viên WTO thì thuế nhập khẩu của chúng ta còn phải cắt giảm nữa. Dần dần chúng ta phải giảm tỷ lệ thuế nhập khẩu trong phần thu của ngân sách Nhà nước. Hiện nay ở nước ta có ba mức thuế nhập khẩu là thuế nhập khẩu thông thường, thuế ưu đãi và thuế ưu đãi đặc biệt.
- Ngoài thuế xuất nhập khẩu, ở nước ta hiện nay còn có chính sách hoàn thuế. Có hai loại hoàn thuế, đó là khi các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc trang thiết bị vì mục đích gia công chế, biến hàng để xuất khẩu thì phần thuế nhập khẩu trước đó sẽ được Nhà nước hoàn lại cho các doanh nghiệp khi đã chứng thực được là các hàng hóa này sau khi được gia công, chế biến đã xuất khẩu và có hóa đơn chứng từ. Ngoài ra các doanh nghiệp xuất khẩu còn được hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT). Theo quy định của luật pháp hàng hóa được sản xuất trong nước mà tiêu dùng ở nước ngoài thì không phải chịu thuế VAT, nên khi các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hoàn trả lại phần thuế VAT đã nộp trước đó.
Chính sách tín dụng xuất khẩu.
a. Tác động của chính sách tín dụng đối với xuất khẩu.
- Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nói riêng của Việt Nam đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc thiếu vốn kinh doanh là thường xuyên đối với các doanh nghiệp này. Vì vậy để có vốn kinh doanh, các doanh nghiệp phải đi vay của các tổ chức tín dụng. Nếu lãi suất đi vay quá lớn sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động xuất khẩu, nếu lãi suất thấp, có ưu đãi thì sẽ khuyến khích và hỗ trợ cho xuất khẩu.
- Thông qua chính sách tín dụng, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các ngành hàng gặp khó khăn trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Những doanh nghiệp, ngành hàng nằm trong chiến lược phát triển của Nhà nước.
b. Nội dung của chính sách tín dụng.
b1. Chính sách tín dụng Ngân hàng.
Các Ngân hàng thương mại là một kênh cung cấp vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu. Các doanh nghiệp khi vay vốn từ các Ngân hàng thương mại phải chịu một lãi suất nhất định gọi là lãi vay.
Lãi suất Ngân hàng chịu tác động của nhiều yếu tố như lãi huy động, quan hệ cung cầu tiền, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu. Ngoài ra lãi suất Ngân hàng này đôi khi còn chịu tác động từ điều chỉnh của Nhà nước đối với các đối tượng vay khác nhau, tùy theo chiến lược và chính sách của Nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp, lãi vay Ngân hàng là một loại chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Vì vậy sẽ làm cho chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên. Khi lãi suất vay tăng lên làm cho chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp tăng lên ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của họ. Do đó sẽ hạn chế các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Khi lãi suất thấp sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Nhưng điều này sẽ làm cho việc huy động tiền của các Ngân hàng bị hạn chế và các Ngân hàng sẽ làm ăn không hiệu quả. việc xây dựng chính sách tài chính với lãi suất thích hợp và linh hoạt là một yêu cầu cần thiết đối với Nhà nước. Có như thế mới khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình, các Ngân hàng hoạt động có hiệu quả còn nền kinh tế sẽ vận động lành mạnh và hiệu quả.
b2. Chính sách tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Chính phủ đã cho thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thông qua Quyết định số 195/2000/QĐ – TTg. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu chính thức đi vào hoạt động năm 2001, Quỹ hỗ trợ được thành lập nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong trường hợp gặp khó khăn khách quan trong việc sản xuất và kinh doanh xuất khẩu.
Khi gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh xuất khẩu, các doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ cho vay không lãi suất hoặc với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất thường tại cùng thời điểm. Trong 5 năm hoạt động Quỹ hỗ trợ đã trợ giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu. Chính sự hỗ trợ này đã giúp cho các doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thông qua đầu tư tìm kiếm thị trường mới, mặt hàng mới.
Ngoài ra với lãi suất tín dụng mà quỹ hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp đã giúp cho các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn kinh doanh với chi phí thấp, giúp họ tăng hiệu quả hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp mình. Qua đó góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010.
Chính sách tỷ giá hối đoái.
- Quan niệm:
Tỷ giá hối đoái là tiền tệ của quốc gia này được tính bằng tiền tệ của quốc gia khác. Như vậy có hai loại tỷ giá hối đoái là tỷ giá hối đoái nội tệ và tỷ giá hối đoái ngoại tệ.
- Tỷ giá hối đoái ngoại tệ là tỷ lệ đồng ngoại tệ được tính bằng đồng nội tệ.
- Tỷ giá hối đoái nội tệ là đồng nội tệ được tính bằng đồng ngoại tệ.
b. Tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đối với xuất khẩu.
- Nếu như tỷ giá ngoại tệ tăng khi đó làm cho hàng hóa trong nước rẻ tương đối so với hàng hóa trên thị trường thế giới nên sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và do đó khuyến khích xuất khẩu. Ngược lại nếu tỷ giá này cao thì sẽ hạn chế xuất khẩu.
- Nếu tỷ giá hối đoái mà không ổn định thì các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu gặp rất nhiều rủi ro. Do đó cũng khiến cho họ e ngại khi tham gia thực hiện các hợp đồng nhất là các hợp đồng tương lai.
- Cũng thông qua tỷ giá hối đoái các quốc gia có thể sẽ có những ưu đãi với nhau khi chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền của quốc gia đó thay cho việc thanh toán bằng đồng ngoại tệ mạnh trong giao dịch thương mại quốc tế giữa hai bên. Qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của một quốc gia vào thị trường nhất định nào đó.
Do tỷ giá hối đoái có các tác động lớn tới xuất nhập khẩu của các quốc gia như thế mà nhiều quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh và xây dựng một chính sách tỷ giá hối đoái có lợi cho mình nhất để thúc đẩy xuất khẩu. Như Trung Quốc với chính sách đông Nhân dân tệ yếu hay như một năm qua Mỹ đã điều chỉnh và chạy theo chính sách làm cho đồng đô la yếu hơn các ngoại tệ khác như Euro, Yên Nhật… và nhờ đó mà Trung Quốc là nước xuất khẩu mạnh trên thế giới, cán cân mậu dịch luôn dương, còn Mỹ nhờ chính sách đồng đô la yếu mà trong một năm qua họ đã thúc đẩy xuất khẩu và tạo cạnh tranh cao so với các nước EU và Nhật Bản.
Ở Việt Nam tỷ giá giữa đồng VND và USD tương đối ổn định trong nhiều năm qua. Với một sự biến động dù là nhỏ Ngân hàng Trung ương luôn có phản ứng kịp thời, linh hoạt giúp cho tỷ giá có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế thưo hướng bền vững.
Chính sách bảo hiểm xuất khẩu.
- Quan niệm:
Bảo hiểm là một dạng chia sẻ rủi ro gặp phải trong đời sống và trong quá trình hoạt động của mỗi cá nhân tổ chức bằng việc đóng một khoản chi phí cho tổ chức bảo hiểm gọi là phí bảo hiểm.
b. Tác động của bảo hiểm đối với xuất khẩu.
- Khi xuất khẩu các doanh nghiệp có thể gặp các rủi ro như rủi ro trên đường vận chuyển hàng hóa, rủi ro trong thanh toán và các rủi ro trong hoạt động khác. Nếu không có bảo hiểm thì khi các rủi ro này xảy ra các doanh nghiệp phải gánh chịu hoàn toàn mà mỗi doanh nghiệp đều các giới hạn về nguồn lực tài chính vì vậy nó sẽ làm cho doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, thậm chí là phá sản. Nếu có bảo hiểm, các doanh nghiệp sẽ được các đơn vị tổ chức bảo hiểm chi trả một phần thiệt hại qua đó giúp doanh nghiệp có thể hoạt động được bình thường.
- Với những mặt hàng nông sản như cà phê thì ngoài những rủi ro trong vận chuyển, thanh toán thì việc sản xuất kinh doanh cà phê còn có một rủi ro rất lớn nữa là rủi ro trong sản xuất. Cà phê cũng như các cây nông sản khác điều chịu tác động rất lớn của yếu tố tự nhiên như hạn hán, lũ lụt mà những yếu tố này là khó lường. Vì vậy việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp cho người sản xuất cà phê tránh được những rủi ro. Ngoài ra cà phê là loại hàng hóa được mua bán kỳ hạn thông qua các sàn giao dịch nên gặp rủi ro cao trong tương lai. Vì vậy tham gia bảo hiểm giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh cà phê.