Chiếc lá cuối cùng (trích)
Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. O Hen-ri (1862 – 1910) là nhà văn Mĩ, chuyên viết truyện ngắn. Nhiều truyện của ông có giá trị sâu sắc, toát lên tinh thần nhân đạo cao cả và tình thương yêu sâu sắc giữa con người. 2. Tóm tắt tác phẩm và đoạn trích: Xiu và Giôn- ...
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. O Hen-ri (1862 – 1910) là nhà văn Mĩ, chuyên viết truyện ngắn. Nhiều truyện của ông có giá trị sâu sắc, toát lên tinh thần nhân đạo cao cả và tình thương yêu sâu sắc giữa con người.
2. Tóm tắt tác phẩm và đoạn trích:
Xiu và Giôn- xi là hai nữ hoạ sĩ nghèo, còn trẻ. Giôn-xi bị bệnh sưng phổi. Bệnh tình rất nặng. Cô tuyệt vọng, không muốn sống nữa. Cô chỉ đợi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là sẽ lìa đời. Biết được ý nghĩ điên rồ đó, cụ Bơ-men, một người hoạ sĩ già đã thức suốt đêm mưa gió để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá cuối cùng không rụng đã làm cho Giôn-xi suy nghĩ lại, cô hi vọng và muốn được sống, được sáng tạo. Giôn- xi đã từ cõi chết thắng lợi trở về. Trong khi đó, cụ Bơ-men thì đã chết vì sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Giôn-xi.
3. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri thể hiện tình cảm quý mến, thương yêu của những hoạ sĩ và điều quan trọng nhất là ca ngợi sự hi sinh quên mình vì cuộc sống con người của cụ Bơ-men và sức mạnh của nghệ thuật đem lại niềm hi vọng và sự sống.
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Những chi tiết trong văn bản nói lên lòng thương yêu của cụ Bơ-men với Giôn-xi: Cụ Bơ-men và Xiu sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì. Cụ Bơ-men đã vội vã đến thăm Giôn-xi. Sự sợ sệt của hai người chính là lo cho tính mệnh của người ốm. Nếu chiếc lá rụng (nhất định nó sẽ rụng) thì Giôn-xi sẽ buông xuôi. Việc không nói gì của cụ Bơ-men có thể cho thấy cụ là người thích hành động hơn là nói suông. Cụ đã âm thầm vẽ chiếc lá trong đêm mưa gió.
Người kể chuyện để đến phút cuối cùng mới nói ra sự thật là cụ Bơ-men vẽ chiếc lá, và vì vẽ nó mà cụ đã bị ốm và qua đời. Đấy chính là cách tạo cho Giôn-xi sự bất ngờ, và cũng tạo bất ngờ, thú vị cho chính người đọc.
2. Những bằng chứng khẳng định Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết sẽ vẽ chiếc lá để thay cho chiếc lá cuối cùng:
– Trước đó hai người chẳng nói năng gì khi cụ Bơ-men làm người mẫu cho Xiu vẽ.
– Khi Giôn-xi đòi kéo mành lên, Xiu làm theo một cách chán nản (Cô không thuyết phục được bạn, cô lo sợ nhìn thấy chiếc lá rụng).
– Chính Xiu cũng ngạc nhiên cùng với Giôn-xi: “Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những con gió phũ phàng […] vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch”.
– Chỉ khi bác sĩ nói, Xiu mới biết là cụ Bơ-men bị ốm.
Nếu Xiu biết trước ý định của cụ Bơ-men thì chuyện sẽ không còn yếu tố bất ngờ, hồi hộp và thú vị nữa. Đặc biệt là không thấy được tâm trạng lo lắng cho bạn rất chân tình cúa Xiu.
3. Giôn-xi là người yếu đuối, cô chỉ đợi chiếc lá rụng xuống là kết thúc cuộc sống của mình. Theo quy luật thiên nhiên khắc nghiệt, tất cả những chiếc lá đã rụng. Lại thêm mưa gió, chiếc lá cuối cùng thể nào cũng rụng. Nhất định Giôn-xi sẽ chết. Điều đó làm mọi người căng thẳng.
Thế nhưng chiếc lá đã không rụng. Sự gan góc của chiếc lá chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đã làm cho Giôn-xi suy nghĩ lại. Cô thấy mình có lỗi, cô muốn sống, cô hi vọng sẽ vẽ được vịnh Na-plơ.
Kết thúc truyện, nhà văn không để cho Giôn-xi nói gì thêm. Như vậy truyện sẽ có dư âm. Mỗi người sẽ có một hình dung riêng về phản ứng cúa Giốn-xi. Nếu để Giôn-xi nói thêm hay hành động thì sẽ mất cái dư âm đó.
4. Truyện có hai lần đảo ngược tình huống gây bất ngờ:
Giôn-xi bị ốm, cô tuyệt vọng. Bác sĩ nói mười phần không chắc một. Cô chỉ đợi chết. Thế mà cô đã khoẻ lại, thoát chết.
Cụ Bơ-men khoẻ mạnh, chỉ đột ngột ốm có hai ngày vì dầm trong mưa gió, nhưng cụ đã đột ngột ra đi.
Mai Thu