Bài 23 – Đức tính giản dị của Bác Hồ
Bài 23 – Đức tính giản dị của Bác Hồ Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN 1. – Luận điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu: Sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống vô cùng giản dị và khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. – Để làm rõ đức tính giản dị của ...
Bài 23 – Đức tính giản dị của Bác Hồ
Hướng dẫn
ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN
1. – Luận điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu: Sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống vô cùng giản dị và khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Để làm rõ đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả đã chứng minh bằng các biểu hiện trong đời sống và con người của Bác:
+ Giản dị trong sinh hoạt: cơm ăn chỉ có vài ba món giản đơn. Căn nhà sàn chỉ vẻn vẹn vài ba phòng. Việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp.
+ Giản dị trong quan hệ với mọi người.
+ Giản dị trong tác phong.
+ Giản dị trong lời nói và bài viết.
2. Trình tự tập luận của tác giả trong bài:
– Dùng lí lẽ để khẳng định đời sống bình thường cũng như đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ là vô cùng giản dị, khiêm tốn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp.
– Dùng nhiều dẫn chứng để chứng minh về sự giản dị đó.
Bố cục của bài văn: Đây là một đoạn văn trích, không phải một bài văn hoàn chỉnh nên bố cục gồm hai đoạn:
Đoạn đầu: Từ đầu đến "… thanh bạch, tuyệt đẹp”. Đoạn này dùng lí lẽ để khẳng định sự giản dị thanh cao của Bác Hồ.
Đoạn thứ hai: Phần còn lại.
Dùng nhiều chứng cứ để chứng minh cuộc đời Bác là hết sức giản dị, thanh cao; kèm theo các dẫn chứng còn có những lời lẽ phân tích dẫn chứng. Ví dụ như: Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ; một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao; Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân; đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh… Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó, thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
3. Nghệ thuật chứng minh của tác giả ở đoạn văn từ “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!”:
– Tác giả đưa ra dẫn chứng về nhiều mặt: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống.
– Dẫn chứng kèm theo lời phân tích thật thấu đáo làm nổi bật lên nhiều đức tính tốt dẹp của Bác Hồ: Người không chỉ giản dị trong cách sống mà còn rất quý trọng con người, quan tâm tới mọi người xung quanh, Người siêng năng làm việc từ việc rất lớn đến việc thật nhỏ nhặt. Cái tên mà Người đặt cho các đồng chí phục vụ cũng thể hiện niềm tin của Người vào sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc.
Lời văn chứng minh được lồng vào những hình ảnh nghệ thuật đẹp đẽ, đặc sắc: “và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.
– Cuối cùng ta thấy rõ tình cảm của người viết được gửi vào mỗi câu văn là tình cảm chân thành, là tình yêu kính tha thiết đối với Bác Hồ. Tất cả các yếu tố trên đã góp phần làm nên sức lôi cuốn của bài văn, tạo nên sức thuyết phục cao.
4. Trong đoạn văn: “Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”.
Tác giả đã dùng lí lẽ để giải thích rõ nguyên nhân của đời sống giản dị thanh bạch của Bác Hồ. Nguyên nhân đó là: Người đã sống hòa mình với cuộc sống giản dị, gian khổ và chiến đấu ác liệt của nhân dân. Tác giả cũng dùng lí lẽ để phân tích vấn đề nâng cao thêm sự nhận thức về Bác: đời sống vật chất giản dị hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú tạo nên những giá trị tinh thần cao đẹp nhất.
5. Nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn này là: Bài văn đã nêu ra nhiều dẫn chứng, các dẫn chứng lại được phân tích, lí giải sâu sắc nhưng tất cả không phải là những lời lẽ khô khan mà các câu văn luôn chứa chan tình cảm yêu thương, kính phục, luôn thể hiện nhiệt tình sôi nổi của người viết. Các câu văn cũng rất trong sáng với cách dùng từ ngữ độc đáo tài hoa, có tính nghệ thuật cao.
Ghi nhớ:
Giản dị là đức tính nổi bật ở Bác Hồ: giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp. Bài văn vừa có những chứng cứ cụ thể và nhận xét sâu sắc, vừa thấm đượm tình cảm chân thành.
LUYỆN TẬP
1. Một số ví dụ để chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác:
“Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
(Trích bài “Đạo đức cách mạng”)
“Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trên đất nước ta hiện nay là một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Giặc Mỹ tưởng lầm rằng, với hơn một triệu quân, trong đó có hơn 50 vạn quân Mỹ, với sức mạnh của vũ khí hiện đại, chúng có thể khuất phục được nhân dân ta. Sự thật hoàn toàn trái lại. Đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng, cả dân tộc Việt Nam anh hùng đã kiên quyết đứng lên, triệu người như một, chiến đấu vô cùng anh dũng, đánh bại mọi kế hoạch quân sự và chính trị của quân thù, giành nhiều thắng lợi ngày càng to lớn”.
(Trích “Lời kêu gọi” nhân ngày 20 tháng 7 năm 1968)
“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật”.
(Trích “Thư gửi các cán hộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân,
nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học” 1968 -1969)
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!Toàn thắng ắt về ta!”
(Trích “Thư chúc mừng năm mới” – Xuân 1968)
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
(Trích “Thư chúc mừng năm mới” – Xuân 1969)
Qua các dẫn chứng trên đây ta thấy thơ văn của Bác luôn giản dị, trong sáng, ai đọc cũng có thể hiểu dù là Người viết về những vấn đề cực kì lớn lao của đất nước.
2. Qua bài văn này, ta hiểu đức tính giản dị là một đặc điểm trong lối sống của con người Việt Nam. Bác Hồ cũng thích sống giản dị vì Bác mang tâm hồn Việt Nam, Bác hiểu phong cách và tập quán của con người Việt Nam và Bác thích sống hòa mình vào cuộc sống giản dị về vật chất nhưng rất phong phú về tình cảm, đạo lí của nhân dân ta.
Có thể nói cách sống giản dị là một cách sống đẹp đáng giữ gìn và phát huy lâu dài trong xã hội của chúng ta.
Trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, đồng bào ta còn gặp rất nhiều thiếu thốn, khó khăn, gian khổ thì cách sống giản dị của Bác Hồ lại càng đáng quý, đáng trọng. Cách sống giản dị ấy đã sáng lên như một tấm gương lớn về đạo đức cách mạng mà ngày nay chúng ta vẫn cần học tập, noi theo.
Kết quả cần đạt
- Hiểu được đức tính giản dị là một phẩm chất cao quý của Bác Hồ. Nắm được nghệ thuật nghị luận của bài văn, đặc biệt là cách nêu luận cứ, chọn lọc dẫn chứng, chứng minh kết hợp với bình luận và biểu cảm.
- Nắm được các khái niệm câu chủ động, câu bị động và mục đích của việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động.
- Làm tốt bài văn chứng minh cho một nhận định về một vấn đề xã hội gần gũi.
Mai Thu