31/03/2021, 15:37

Chí Phèo - Bài 3 - 5 bài soạn "Chí Phèo" hay nhất

Câu 1. Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong phần mở đầu. Trả lời: Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao: Nam Cao mở đầu truyện bằng một tình huống độc đáo, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ và kích ...

Câu 1. Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong phần mở đầu.


Trả lời:


Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao: Nam Cao mở đầu truyện bằng một tình huống độc đáo, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ và kích thích trí tò mò của độc giả: giữa một trưa nắng gắt tại làng Vũ Đại, Chí Phèo vừa đi vừa chửi, nhưng điều lạ lùng là không có người chửi lại hắn và cũng không có người nghe hắn chửi.

Ý nghĩa tiếng chửi Chí Phèo:

– Tạo nên bối cảnh đặc biệt để nhân vật xuất hiện, gây ra ấn tượng mạnh và kích thích trí tò mò của người đọc.

– Đây là tiếng chửi của một kẻ say rượu có vẻ vu vơ mơ hồ, nhưng thật ra rất tỉnh táo, thể hiện qua việc thu hẹp không gian đối tượng của tiếng chửi: chửi trời, chửi đời, cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí. Từ đó tiếng chửi thể hiện sự bất mãn về cuộc đời, về xã hội Việt Nam thời bấy giờ.


Câu 2. Việc gặp gỡ Thị Nở có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chí Phèo? Những gì đã diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ đó?


Trả lời:


Ý nghĩa cuộc gặp gỡ với Thị Nở và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:

– Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Chí Phèo, từ một con quỷ dữ muốn trở lại làm người. Sự quan tâm ân cần, chăm sóc của Thị Nở khiến Chí Phèo nhớ lại mơ ước nhỏ nhoi về cuộc sống bình dị, lương thiện trước kia.

– Khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí cảm thấy ngạc nhiên, cảm động và thấy mắt mình ươn ướt, bởi từ trước đến nay, không ai chủ động cho hắn thứ gì, những gì hắn muốn có đều phải cướp giật, liều mạng mới dành lấy được. Sau đó khi thưởng thức bát cháo hành nghi ngút khói, hắn vùa vui vừa buồn, vui vì nhận được sự quan tâm chăm sóc từ một người đàn bà, buồn vì cay đắng nhận ra bi kịch tha hóa của bản thân.

– Với sự chăm sóc của Thị Nở, trong lòng hắn bỗng trỗi dậy mơ ước của một thời xa xôi về cuộc sống lương thiện, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Hắn lắng nghe những thanh âm quen thuộc của cuộc sống- thứ mà trước đây hắn chưa từng cảm nhận được.


Câu 3. Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối chung sống. Vì sao Chí Phèo lại hành động thật dữ dội, bất ngờ?


Trả lời:


Khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo đã trải qua diễn biến tâm lí đầy phức tạp: thức tỉnh – hi vọng – thất vọng, đau đớn – phẫn uất - tuyệt vọng.

– Đầu tiên, Chí Phèo tỉnh ngộ và nhớ về khao khát cuộc sống lương thiện trước đây, hi vọng xây dựng một cuộc sống cùng Thị Nở.

– Sau đó, Chí đau đớn nhận ra bị kịch tha hóa của mình không còn lối thoát.

– Chí đau đớn thừa nhận rằng mình không thể quay trở về cuộc sống lương thiện trước đây “ôm mặt khóc rưng rức” và quyết định dùng dao kết liễu kẻ thù và tự sát. Chí chết trên ngưỡng cửa quay trở lại làm người lương thiện.


Câu 4. Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, hãy làm rõ nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao:


Trả lời:


Nhân vật điển hình là nhân vật có sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cái quen thuộc và cái độc đáo. Tiêu biểu là các nhân vật như Chí Phèo và Bá Kiến.

– Tác giả đã xây dựng và miêu tả thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo- người nông dân bị tước đoạt quyền làm người, bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính.

– Trong tác phẩm, Chí Phèo hiện lên là người có nội tâm, cá tính độc đáo, cho thấy nhân vật hành động theo ý muốn của mình chứ không hề phụ thuộc vào ý kiến của tác giả, thể hiện rõ bút pháp xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.


Câu 5. Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện có gì đặc sắc?


Nghệ thuật kể chuyện của tác giả:

– Giọng điệu trần thuật linh hoạt, phong phú và có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời nói gián tiếp và lời nói trực tiếp.

– Cách dẫn dắt tình tiết linh hoạt, không theo trật tự tuyến tính thông thường nhưng vẫn rành mạch sáng sủa, chặt chẽ.

– Ngôn ngữ tác phẩm tự nhiên, sống động, thể hiện rõ tính cách và diễn biến tâm lí nhân vật.


6. Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn này?


Trả lời:

Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc ở chỗ nhà văn đã phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị cái xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn người (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào đường cùng, ngợi ca phẩm chất của họ).


II. Luyện tập:


1.Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có".


Với những hiểu biết về sự nghiệp sáng tác Nam Cao, anh (chị) hãy phát biểu ý kiến về quan điểm nghệ thuật nói trên.

Trả lời:

Ý kiến nêu trên khẳng định yêu cầu hết sức quan trọng đối với tác phẩm văn chương và nói rộng ra là đối với tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ đó là phải sáng tạo, phải phát hiện ra những cái mới.

Đây là ý kiến hoàn toàn đúng, phản ánh bản chất của nghệ thuật, đã được nhiều người thừa nhận và khẳng định theo những cách diễn đạt khác nhau, ở đây, Nam Cao đã diễn đạt điều đó một cách ngắn gọn bằng những liên tướng hàm súc và giàu hình ánh. Soi vào sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, chúng ta có thể thấy nhà văn thực hiện một cách nghiêm túc điều này. Trong cả hai mảng sáng tác của ông giai đoạn trước Cách mạng, hình ảnh những người nông dân và người trí thức đều mang những nét riêng không lẫn với các tác giả khác. Đơn cử như ớ mảng đề tài về người nông dân chẳng hạn, Nam Cao cũng viết về người nông dân nhưng không đi lại con đường của Nguyễn Công Hoan hay Ngô Tất Tố, ông tìm cách khám phá quá trình con người bị tha hóa, bị đè nén đến mức trở thành lưu manh, từ đó ông đặt ra các vấn được có ý nghĩa xã hội và nhân sinh. Con đường sáng tạo nghệ thuật của Nam Cao là con đường của con người không bao giờ muốn lặp lại mình. Đó là con người luôn muốn làm mới mình.

2. Vì sao truyện ngắn Chí Phèo được coi là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại?


Trả lời:

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao được nhiều người khẳng định là một tác phẩm kiệt xuất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại trước hết là vì tác phẩm này có giá trị tư tưởng (hiện thực và nhân đạo) sâu sắc, độc đáo, mới mẻ. Sau nữa nó còn là tác phẩm xuất sắc được thể hiện bằng nghệ thuật bậc thầy trong cách xây dựng nhân vật, lối kết cấu, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ. Với những thành công đó, Chí Phèo xứng đáng là một tác phẩm lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Chí Phèo - Bài 3
Chí Phèo - Bài 3
0