Chí Phèo - Bài 2 - 5 bài soạn "Chí Phèo" hay nhất
I. Tìm hiểu chung: 1. Tác giả: - Nam Cao (1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. - Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, từng đi làm nhiều nơi khi còn đi học sau đó vì đau ốm ông phải về quê làm ông giáo trường tư, viết văn… ...
I. Tìm hiểu chung:
1. Tác giả:
- Nam Cao (1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
- Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, từng đi làm nhiều nơi khi còn đi học sau đó vì đau ốm ông phải về quê làm ông giáo trường tư, viết văn…
- Sau cách mạng tháng Tám ông vừa viết văn vừa tham gia cách mạng.
- Năm 1951 thì hi sinh trên con đường đi công tác.
- Các sáng tác chủ yếu là truyện ngắn: Trẻ con không được ăn thịt chó, Đời thừa, Trăng sáng…
2. Tác phẩm:
- Truyện ngắn Chí Phèo nguyên có tên là “Cái lò gạch cũ”.
- Năm 1941 truyện được nhà xuất bản in lần đầu và tự ý đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”, sau đó in lại trong tập Luống cày thì tác giả đặt tên là “Chí Phèo”.
- Bố cục: 2 phần:
+ Phần 1 (Từ đầu đến “…mau lên”): Chí Phèo từ khi sinh ra đến lúc biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
+ Phần 2 (Còn lại): Khát vọng hoàn lương và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.
II. Đọc – hiểu văn bản:
Câu 1: Cách vào truyện độc đáo và ý nghĩa tiếng chửi:
– Mở đầu bằng tình huống độc đáo: Chí vừa đi vừa chửi, không ai chửi lại hắn và cũng không ai nghe hắn chửi: “Hắn vừa đi vừa chửi…. làng Vũ Đại”.
– Tiếng chửi ấy chính là phản ứng của Chí Phèo với cuộc đời:
+ Cách giới thiệu nhân vật một cách độc đáo, gây ấn tượng mạnh.
+ Người ta cứ nghĩ đó là tiếng chửi vu vơ của kẻ say rượu nhưng thực ra lúc đó Chí rất tỉnh táo, chửi rất có thứ tự.
+ Đối tượng Chí chửi được xác định chính là cái xã hội đã sinh ra kiếp sống Chí Phèo.
+ Lời chửi đồng thời là lời trần thuật độc đáo.
=> Tiếng chửi của Chí Phèo thể hiện sự bi phẫn cùng cực, một bóng ma lạc lõng tồn tại giữa làng Vũ Đại nhưng không gây kinh sợ cho ai cả.
Câu 2: Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:
– Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ:
+ Là những giây phút Chí được trở lại “làm người”, được mơ ước, được suy nghĩ và tỉnh táo thực sự.
+ Nó trở thành bước ngoặt trong cuộc đời hắn.
+ Đây là tình huống độc đáo tạo nên bước ngoặt và sự cao trào phần cuối truyện.
+ Thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả với hình tượng người nông dân bị tha hóa.
– Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:
+ Chí cảm thấy mình già mà vẫn cô độc
+ Đã lâu lắm rồi nay Chí mới có thể cảm nhận được âm thanh của cuộc sống xung quanh” tiếng chim hót buổi sáng, tiếng anh thuyền chài gõ mái, tiếng cười nói của những người đi chợ về…
+ Chí hồi tưởng lại ước mơ trong quá khứ đó là lấy vợ, chồng thì cày thuê, cuốc mướn, vợ thì đan áo, dệt vải…
+ Hắn hi vọng Thị sẽ là người mở đường, tạo điều kiện cho hắn trở về với xã hội loài người và được làm lại cuộc đời.
Câu 3: Tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống:
– Thị Nở từ chối do lời và sự ngăn cấm của bà cô
– Thị trút tất cả những lời cay độc lên một người đang khát khao được lương thiện, được làm hòa với mọi người…
– Chí rơi vào tuyệt vọng, thấm thía nỗi đau và bi kịch của cuộc đời mình: sinh ra là người nhưng không được làm người.
– Chí uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh, khóc rung rức và ý thức được kẻ gây ra bi kịch cho đời mình.
– Chí đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình.
=> Sự tuyệt vọng trước bi kịch của cuộc đời mình, cái chết của Chí đã tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến.
Câu 4: Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật của Nam Cao:
– Chí Phèo là hiện tượng mang tính quy luật lặp đi lặp lại của người nông dân bị đè nén, áp bức trước Cách mạng tháng Tám.
– Người nông dân bị nhà tù thực dân lưu manh hóa.
– Một con người nhưng bị xã hội ruồng bỏ, không chấp nhận.
– Nhân vật thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc và tấm lòng yêu thương, trân trọng những con người khốn khổ.
Câu 5. Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện có gì đặc sắc?
Nghệ thuật kể chuyện của tác giả:
– Giọng điệu trần thuật linh hoạt, phong phú và có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời nói gián tiếp và lời nói trực tiếp.
– Cách dẫn dắt tình tiết linh hoạt, không theo trật tự tuyến tính thông thường nhưng vẫn rành mạch sáng sủa, chặt chẽ.
– Ngôn ngữ tác phẩm tự nhiên, sống động, thể hiện rõ tính cách và diễn biến tâm lí nhân vật.
6. Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn này?
Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc ở chỗ nhà văn đã phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị cái xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn người (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào đường cùng, ngợi ca phẩm chất của họ);
III. Tổng kết:
1. Nội dung:
– Truyện ngắn “Chí Phèo” đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật điển hình về người nông dân bị xã hội phong kiến nửa thực dân cướp mất cả nhân hình, nhân tính.
– Qua đó thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả, tố cáo bản chất xấu xa, tàn ác của xã hội đương thời.
2. Nghệ thuật:
– Ngôn ngữ sống động, điêu luyện, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình.
– Tình huống truyện độc đáo.
– Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật.