24/05/2018, 10:03

Cây thần kỳ

Vừa qua tôi có vào công tác tại TP Hồ Chí Minh và được các đồng nghiệp cho thử quả của cây này. Đúng như bạn nói, chỉ nhấm một ít‎ sau đó nếm chanh cũng thấy hết chua và có vị ngọt. Người ta đã trồng cây này và gọi là cây thần kỳ. Cây này có quả hình thon dài, màu đỏ thẫm. Theo DS Phạm ...

Vừa qua tôi có vào công tác tại TP Hồ Chí Minh và được các đồng nghiệp cho thử quả của cây này. Đúng như bạn nói, chỉ nhấm một ít‎ sau đó nếm chanh cũng thấy hết chua và có vị ngọt. Người ta đã trồng cây này và gọi là cây thần kỳ. Cây này có quả hình thon dài, màu đỏ thẫm.

Theo DS Phạm Hữu Hiền (Hoa Kỳ) thì đây là cây tiểu mộc, có thể cao đến 6 m sau 10 năm. Trồng thích hợp ở vùng đất khô ráo, pH acid, có độ ẩm cao, nắng nhiều. Cây cho ra một loại trái khi chín có màu đỏ rất đẹp sau mùa mưa. Trái khi chín rất mau hỏng, mặc dù được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp. Sở dĩ cây được gọi là kỳ diệu, vì trái của nó khi nếm sẽ làm cho các vị khác như chua, đắng đều bị biến đổi thành vị ngọt; tên địa phương của cây là taami hay asaa và ledidi. Thành phần chính của cây là chất miraculin.

Một tiệm cà phê ở Tokyo đã cho khách thưởng thức món cà phê miraculin mà không cần dùng đường hoặc chất tạo ngọt tổng hợp. Giá ly cà phê này hơi đắt (khoảng 15 USD). Trái cây kỳ diệu do hãng Namco, Nhật cung cấp. Hiện nay các nhà khoa học Nhật Bản đang có dự tính ghép gen miraculin vào cây rau diếp để sản xuất đại trà sau khi thí nghiệm ghép gen miraculin trên vi khuẩn E. coli bị thất bại. Miraculin sẽ chiếm được thị trường trong tương lai như chất tạo ngọt không calori dùng trong công nghiệp thực phẩm thay thế cho các chất nhân tạo nhiều độc hại ứng dụng trong lãnh vực phòng bệnh tiểu đường, giảm cân... 

Cơ chế tác dụng của miraculin chưa được biết rõ. Có giả thuyết cho rằng, miraculin tranh chấp với tiếp thể acid trên bề mặt gai vị giác để thay thế vị chua thành vị ngọt. Tác dụng này có thể kéo dài khoảng hơn 1 giờ và sẽ biến mất nhanh chóng, nếu các bạn dùng trà nóng. Vì miraculin không tạo ra calori và là hợp chất tạo vị ngọt thiên nhiên đã được thổ dân châu Phi dùng nhiều năm, nên nhiều nhà sản xuất kỳ vọng nó sẽ có ứng dụng rộng rãi trong các bệnh cần sử dụng các chất tạo ngọt tổng hợp và tránh dùng đường mía, như bệnh tiểu đường, bệnh béo phì…

Tuy nhiên, do chưa được FDA chấp thuận nên việc sử dụng và trồng cây kỳ diệu chỉ nằm trong lãnh vực cây cảnh tại Hoa Kỳ. Trong giai đoạn này, chỉ có Nhật là đang dự kiến đưa việc sử dụng miraculin ở tầm mức thực phẩm công nghiệp, dù Mỹ là nước có ý tưởng đầu tiên. Có ý kiến chỉ trích FDA khi cơ quan này chưa cho phép lưu hành miraculin trên thị trường là do muốn bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất chất tạo ngọt nhân tạo.

Lý do FDA đưa ra là miraculin chưa được chứng minh độ an toàn khi dùng trong thực phẩm. Các nhà chỉ trích đã mỉa mai rằng, các chất tạo ngọt nhân tạo như saccarin, aspartame thì được FDA công nhận độ an toàn và cho phép lưu hành trên thị trường, dù trong thực tế có một số tai biến đã được ghi nhận, trong khi đó, miraculin đã được thổ dân châu Phi dùng hàng trăm năm nay và là hợp chất thiên nhiên thì bị coi là có vấn đề. Họ bảo rằng, không biết là ai đang có vấn đề.

0