Nhà thơ Bùi Giáng
Theo Báo Thanh niên thì Bùi Giáng là người may mắn trên đường học vấn, nhưng Bùi Giáng luôn luôn phá ngang. Ông từng thú nhận rằng mình không có ý định học lấy bằng cấp. Bỏ học, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Trong quãng thời gian đó, ông viết "Nỗi lòng Tô ...

Theo Báo Thanh niên thì Bùi Giáng là người may mắn trên đường học vấn, nhưng Bùi Giáng luôn luôn phá ngang. Ông từng thú nhận rằng mình không có ý định học lấy bằng cấp. Bỏ học, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Trong quãng thời gian đó, ông viết "Nỗi lòng Tô Vũ", bài thơ chứa hàng loạt ý tưởng lạ lùng. Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chính qua đời sớm, ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng. Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Sau này trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết: "Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?/ Và cô có phải cô Bông năm nào?/ Anh còn nhớ rõ, ôi chao/ Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh/ Anh điên mà dzui dzẻ thập thành/ Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu".
Ông Bùi Văn Vịnh, người em ruột cùng cha cùng mẹ khác của Bùi Giáng, kể lại, sau khi học xong bậc tiểu học ở trường Bảo An tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở trường Trung học Thuận Hóa. Năm 1945, khi đang học lớp Đệ Tứ thì thời thế thay đổi. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Bùi Giáng lên đường đi theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương, rồi lên đường ra Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học.
Từ Quảng Nam thuộc Liên khu V ra tới Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi ra đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam. Bỏ học trở về nhà, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Sau này ông có sáng tác bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ in trong tập Mưa nguồn để kỷ niệm khoảng thời gian này.
Một số tài liệu cho rằng Bùi Giáng đã có nhiều năm chăn dê, nhưng thực ra ông chỉ trải qua 2 năm chăn bò, từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước. Có lẽ đây là quãng đời lãng mạn nhất của ông. Ông viết: "Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ/ Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya/ Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ / Gió cây rung trút lá mộng tan lìa"... "Em về ngắm lá đầu cây/ Mốt mai từ giã ngàn cây muôn vàn/ Tôi về chín suối lang thang/ Tìm em kiếp trước theo tràng giang trôi/ Ngổn ngang kỷ niệm nỗi đời/ Trong lồng chim hót (!) ngoài trời gió bay ... Ông mất lúc 2 giờ chiều ngày 7-10-1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy.