Cây dạ cẩm và những tác dụng quý giá của cây dạ cẩm
Mô tả cây dạ cẩm Cây thảo leo bằng thân quấn; cành vuông rồi tròn, phình to ở các đốt, có lông đứng. Lá có phiến hình trái xoan thon, chóp nhọn, đáy hơi tròn; gân phụ 4-5 cặp; mặt trên xanh nhẵn bóng, mặt dưới nhạt màu và có lông mềm; cuống lá 3-5mm; lá kèm có lông và 3-5 thuỳ hình sợi. Cụm ...
Mô tả cây dạ cẩm
Cây thảo leo bằng thân quấn; cành vuông rồi tròn, phình to ở các đốt, có lông đứng. Lá có phiến hình trái xoan thon, chóp nhọn, đáy hơi tròn; gân phụ 4-5 cặp; mặt trên xanh nhẵn bóng, mặt dưới nhạt màu và có lông mềm; cuống lá 3-5mm; lá kèm có lông và 3-5 thuỳ hình sợi. Cụm hoa chuỳ ở ngọn và nách lá, mang tán tròn; mỗi tán mang 6-12 hoa màu trắng hoặc trắng vàng. Quả nang 1,5-2mm, chứa nhiều hạt rất nhỏ.
Mùa quả tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất – Herba Hedyotidis.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi từ Lạng Sơn tới Khánh Hoà, Kontum, Lâm Đồng và Đồng Nai. Gặp nhiều trên đất sau nương rẫy bỏ hoang. Nguồn dược liệu trong tự nhiên rất dồi dào. Thu hái quanh năm; chọn những dây có nhiều lá, rửa sạch, chặt thành đoạn 5-6cm, phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học: Toàn cây chứa alcaloid, tanin, saponin, anthraglycosid.
Tính vị, tác dụng: Dạ cẩm có vị ngọt hơi đắng, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu.
Cây dạ cẩm được dùng làm thuốc trị các chứng bệnh sau:
Lở loét niêm mạc miệng, lưỡi, viêm loét họng: Lấy lá và ngọn non của cây dạ cẩm, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cho uống hoặc lấy dịch bôi vào vết lở loét. Hoặc lấy khoảng 12 – 25g lá dạ cẩm, sắc lấy nước, uống 2 – 3 lần trong ngày, trước bữa ăn.Để dễ uống có thể thêm chút đường kính. Khi uống nên ngậm dịch thuốc vài phút trong miệng để cho thuốc tiếp xúc với vết loét cho nhanh khỏi.
Có thể uống 2 – 3 tuần liền, đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Hoặc dạ cẩm nấu thành cao lỏng theo tỉ lệ 1:1, hòa thêm chút mật ong, đóng chai, bảo quản trong tủ lạnh, hoặc nơi cao ráo, thoáng mát để uống trong vài ngày và dùng bôi vào các vết lở loét trên môi, lưỡi sẽ giúp nhanh lên da non. Ngoài ra có thể phối hợp dạ cẩm với một số vị thuốc thanh nhiệt giải độc khác như bồ công anh, kim ngân hoa, sài đất mỗi vị 12g để tăng hiệu quả. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 – 3 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Đau dạ dày – tá tràng, ợ chua:
Dùng cao lỏng dạ cẩm thêm mật ong đủ ngọt, với liều tương đương 10 – 25g dạ cẩm trong ngày, chia 2 – 3 lần uống trước bữa ăn, hoặc lúc đau. Uống liền 3 – 4 tuần.
Hoặc lấy 5 – 7g cao mềm dạ cẩm hòa với nước sôi để nguội, thêm mật ong đủ ngọt, uống liền 3 – 4 tuần lễ, đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Hoặc lấy dạ cẩm rửa sạch, sấy khô, tán thành bột mịn, sau đó trộn đều với bột cam thảo với tỉ lệ 7: 1, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần uống 8 – 10g, trước bữa ăn hoặc lúc đau.
Uống liền 3 – 4 tuần lễ, đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Cũng có thể bào chế dưới dạng cốm dạ cẩm: bột dạ cẩm 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, tá dược vừa đủ. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn, người lớn mỗi lần 10 – 15g, trẻ em 5 – 10g, uống 3 – 4 tuần liền đến khi các triệu chứng thuyên giảm.