Cây cỏ mần trầu là gì?
Cỏ mần trầu là loại cây hẳn không còn xa lạ với tuổi thơ của mỗi người dân quê, là loại cây mọc dại trên các bãi đất trống hay ở ven đường. Tuy khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết những công dụng chữa bệnh của cây được dùng trong y dược cổ truyền. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về cây ...
Cỏ mần trầu là loại cây hẳn không còn xa lạ với tuổi thơ của mỗi người dân quê, là loại cây mọc dại trên các bãi đất trống hay ở ven đường. Tuy khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết những công dụng chữa bệnh của cây được dùng trong y dược cổ truyền. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về cây cũng như lợi ích mang lại qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính Gồm:
Cây cỏ mần trầu là gì?
Được gọi với những tên gọi khác như cỏ vườn trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, cỏ màn trầu, ngưu tâm thảo, người Tày gọi là hang ma, người Ba na gọi là cao day,… Tên nước ngoài là Crowfoot grass, tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn, thuộc họ Lúa (Poaceae).
Mô tả
Là cây thuốc nam quý, mọc dạng bụi, thân thảo, sống lâu năm. Cây có thân bò dài ở gốc, cao khoảng 30-90cm, nhẵn, màu xanh nhạt. Lá đơn, mọc so le, dài 20-25cm, rộng 4-6cm, phiến lá dài nhọn, mặt trên lá có lông ngắn cứng, mặt dưới trơn nhẵn và có màu xanh đậm hơn. Gân lá chính nổi rõ ở mặt dưới, các gân lá song song nhau, bẹ lá mảnh, bên ngoài màu xanh bên trong màu trắng.
Hoa mọc thành cụm, cụm hoa là bông xẻ ngón, có 5-7 bông, mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn trên cán hoa giống như những ngón tay, mỗi bông lại mang nhiều hoa nhỏ. Cán hoa hay còn gọi là trục phát hoa, có hình trụ, dài 35-60cm, hơi dẹp, có màu xanh đậm ở ngọn và xanh nhạt ở gốc, có sọc dọc màu trắng. Quả gần như có 3 cạnh, thuôn dài khoảng 1,5mm, ráp, vỏ quả mềm.
Phân bố và thu hái
Cây mọc hoang ở khắp nơi trên cả nước ta, ngoài ra còn có ở một số nước khác trên thế giới như Campuchia, Trung Quốc, Lào và một số nước nhiệt đới khác.
Tất cả các bộ phận của cây đều sử dụng làm thuốc, sau khi nhổ cả cây, rửa sạch đất và loại bỏ lá hỏng, đem phơi khô rồi cắt ngắn, sau đó bảo quản cẩn thận để dùng dần. Cỏ mần trầu có thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào đầu thu cuối hè.
Thành phần hóa học
Theo Đông y, cây cỏ mần trầu có vị ngọt đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm, cầm máu, ra mồ hôi. Thường dùng chữa các bệnh cao huyết áp, lao phổi, giải độc và đặc biệt có thể dùng chữa táo bón, động thai ở phụ nữ có thai…(Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi, 2003).
Trong Banglacod et al., 2012 và Hari and Savithramma, 2013, đã chỉ ra những nghiên cứu cho thấy cỏ mần trầu có chứa các chất biến dưỡng như flavonoid, phenol, steroid, tannin, coumarin, ancaloit và saponin, những hợp chất này đều có nhiều hoạt tính sinh học và là thành phần không thể thiếu của các loại thảo dược.
Tannin có trong cỏ mần trầu có tác dụng kháng khuẩn cao, có thể kháng được cả virus nên thường có tác dụng điều trị các chứng viêm và tiêu chảy. Hoạt tính này đã được nghiên cứu và có báo cáo trong Morah et al., 2015 và Alaekwe et al., 2015.
Một số tác dụng chữa bệnh của cỏ mần trầu
1. Chữa viêm tinh hoàn: Lấy 40g cỏ mần trầu, 40g ích mẫu, sắc lấy nước uống trong ngày.
(Bách gia trân tàng của lương y Hải Thượng Lãn Ông)
2. Đại tiện ra máu đen: Mỗi thứ mỗi nắm gồm: cỏ mần trầu, cành lá muồng trâu, cây ké đầu ngựa, trắc bách diệp, cam thảo nam, rễ tranh sao đen, rau má, 2 nắm lá cỏ mực, 9 lá ngải cứu, 5 lá và củ sả, 3 lát gừng tươi, tóc đốt thành than 2 thìa nhỏ và 1 thìa nhọ nồi gang. Cho tất cả vào nồi đổ ngập nước đun sôi cho đến khi còn 2 bát chia uống 2 lần trong ngày.
(theo lương y Trần Tiễn Hy)
3. Trị băng huyết: Lấy 1 nắm cỏ mần trầu, cây ké, rau má, rễ tranh, cỏ mực, cây muồng trâu thái nhỏ, cam thảo nam, 10 lá ngải cứu, 10 củ sả thái lát, 10 lát gừng tươi, vỏ quýt 1 quả, cho tất cả vào nồi đun sôi được 2 bát nước, chia uống 2 lần trong ngày.
(theo lương y Vương Đăng)
4. Chữa nứt môi, lưỡi tưa do nóng sốt: Cho vào nồi 1 nắm cỏ mần trầu, rau ngót, cỏ mực, rễ tranh, lá muồng trâu, rau má, cây ké, 2 khúc nhỏ bí đao, 1 nắm nhỏ đậu xanh, sắc lấy nước uống trong ngày.
(theo lương y Nguyễn Văn Phấn)
5. Chữa tóc gãy, khô cứng, tóc bạc: Dùng khoảng 40-50g cỏ mần trầu đun sôi kỹ lấy nước để gội đầu hàng ngày, liên tục trong 2 tuần sẽ có kết quả rõ rệt.
(theo lương y Hoàng Duy Tân)
6. Trị đau sưng vú ở mẹ đang cho con bú: Kết hợp 40g cỏ mần trầu với 20g thổ phục linh, 20g rau sam, 12g bồ công anh, 12g cỏ the, 16g me đất, 20g lá ớt, 40g măng sậy, 20g măng tre già, 20g củ cỏ ống, 20g dây hoàng đằng, 16g cây chó đẻ răng cưa, 40g lá vông nem, 40g cỏ mực, 40g mướp đắng, 16g dây cườm thảo, 40g rễ tranh.
Cho tất cả vào ấm sắc lấy khoảng 2 bát nước, chia uống 2-3 lần trong ngày. Đồng thời, giã nhuyễn 1 nắm cây bòng bong và 2 nắm tóc rối, trộn đều rồi đắp lên ngực và để khô, rồi lấy bã trộn dấm để đắp tiếp, cũng làm 2-3 lần 1 ngày.
(bài thuốc theo lương y Nguyễn Hữu Chi)
7. Chữa chứng đái dầm ở trẻ: Lấy 20g cỏ mần trầu, 20g rau ngổ, 20g mùi tàu và 10g cỏ sữa lá nhỏ, đem rửa sạch, thái nhỏ và sắc lấy nước cho trẻ uống sau khi ăn vào bữa chiều.
8. Trị tóc rụng: Cho cây cỏ mần trầu đun nước cùng với cây hương nhu lấy nước gội đầu hàng ngày vừa có tác dụng ngăn tóc rụng vừa làm dễ chịu và nhẹ đầu.
9. Nóng trong người, da mẩn đỏ: Dùng kết hợp 16g cỏ mần trầu với 16g rễ cỏ tranh, sắc lấy nước uống nhiều lần nhiều trong ngày.
10. Dùng tưa lưỡi cho trẻ: Hái 1 nắm cỏ mần trầu rửa sạch, giãi nát vắt lấy nước cốt, dùng bông thấm vào nước rồi tưa lưỡi cho trẻ.
11. Trẻ em bị sốt cao, rôm sảy hay ban đỏ: Lấy 20g cỏ mần trầu khô đun cùng 400ml nước cho đến khi còn 100ml chia uống 2 lần trong ngày sau ăn.
12. Điều trị tăng huyết áp: Lấy khoảng 500g cây cỏ mần trầu cả rễ rửa sạch, cắt nhỏ, đem giã nát và thêm vào 1 bát nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, bỏ bã rồi uống vào sáng và chiều, để dễ uống hơn có thể thêm đường.
(theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam, Đỗ Tất Lợi, 2004)
13. Kích thích tiêu hóa, giải độc gan: Cỏ mần trầu, rau má, cây cỏ tranh, cỏ mực, mơ tam thể, cây ké đầu ngựa, cam thảo, mỗi vị 8g, 4g trần bì, 4g củ sả, 2g sinh khương, cho tất cả vào đun cùng 400ml nước trong 15 phút, lấy nước chia uống nhiều lần trong ngày.
(theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1- NXB Khoa học và Kỹ thuật)
14. Chữa sỏi tiết niệu: Lấy 40g cỏ mần trầu, 20g bông mã đề, 20 lá tre, 16g sinh địa, 8g mộc thông, 8g chi tử, 8g cam thảo, 12g hương phụ chế, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần, dùng liên tục trong 10 ngày. Nếu đái ra máu thì có thể thêm vào bài thuốc trên 20g rễ cỏ tranh.
(theo lương y Lê Mậu Biền)
15. Thai phụ bị động thai, táo bón: Dùng 12-16g cỏ mần trầu khô sắc với 500ml nước cho đến khi còn lại 300ml, chia uống 2-3 lần trong ngày.
16. Điều trị viêm thận cấp và mãn tính: Cho 40g cỏ mần trầu, 40g cây tầm gửi dâu tằm, 20g râu mèo, 20g kim tiền thảo, 20g cây cỏ xước, đun lấy nước uống liên tục trong vòng 1 tháng.
17. An thai: Lấy 8g cỏ mần trầu, 1 củ sả đập dập, 8g cỏ tranh, 2 lát gừng tươi và vỏ quýt, đem đun sôi lấy nước uống trong ngày.
18. Phòng viêm não di truyền: Dùng 30g cỏ mần trầu khô hãm như trà uống hàng ngày, liên tục trong 3 ngày, sau đó dừng 10 ngày và uống tiếp trong 3 ngày nữa.
Lưu ý
Khi sử dụng cây cỏ mần trầu làm thuốc nên tìm cây sạch, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu,… để tránh bị nhiễm độc.
Những bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng chữa bệnh để không gây ra những tác dụng phụ.