Tìm hiểu Malaysia, từ tình trạng khẩn cấp Melaya 1948-1960 đến hiệp ước hoà bình Hat Yai 1989
Quân đội Anh truy quét cán binh Cộng Sản Malaysia, Ảnh Nguyễn Thanh Tùng Năm 1931 đế quốc Nhật Bản khởi sự gây chiến tấn công vùng Đông Bắc Trung Quốc và dựng nên Mãn Châu quốc do hoàng đế Phổ Nghi đứng đầu. Sự kiện này gây nên ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm đối với cố hương của ...
Nguyễn Thanh Tùng
Năm 1931 đế quốc Nhật Bản khởi sự gây chiến tấn công vùng Đông Bắc Trung Quốc và dựng nên Mãn Châu quốc do hoàng đế Phổ Nghi đứng đầu. Sự kiện này gây nên ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm đối với cố hương của người gốc Hoa đang sinh sống tại liên hiệp Malaya và Singapore. Tiếp theo đó, ngày 7 tháng 7 năm 1937 (ngày Song Thất), đã xảy ra sự biến Lư Câu kiều (Marco Polo Bridge Incident). Sau sự kiện này, Nhật Bản tuyên chiến với Trung Hoa và đánh chiếm hầu hết các thành phố lớn của Trung Hoa. Người Hoa tại Malaya phẫn nộ góp tiền của vào các quỹ hỗ trợ quê nhà chống Nhật, hay có người tìm đường về cố quốc góp sức chiến đấu chống quân Nhật.
Trước đó, vào khoảng năm 1927 đến 1928. Một nhóm nhỏ thành viên của Đảng Cộng Sản (CS) Trung Hoa đã bí mật thành lập Đảng CS NanYang tại Singapore thuộc địa của người Anh. Năm 1929, theo quyết định của cục Phương Đông Quốc Tế CS hay Comintern (1) với mục đích truyền bá chủ nghĩa CS ra toàn thế giới , đã yêu cầu Đảng CS NanYang tái tổ chức và nhóm họp hội nghị vào đầu năm 1930. Kết quả là, Đảng CS NanYang giải tán và thay vào đó là sự thành lập của Đảng CS Malaya (CPM) vào tháng 4 năm 1930. Kể từ khi thành lập, CPM đã ra sức tác động vào giới thợ thuyền và học sinh người Hoa lập ra các liên đoàn lao công và tổ chức các cuộc biểu tình gây sức ép với người Anh trên toàn liên hiệp Malaya. Phản ứng lại, người Anh một mặt điều đình cải thiện các điều kiện lao động và lương bổng, một mặt siết chặt bố ráp các thành viên của CPM. Tuy nhiên sau sự kiện Nhật Bản tấn công Malaya và Singapore năm 1941 qua ngã Thái Lan, người Anh đã thỏa hiệp và thả tự do các thành viên CPM đang bị giam giữ. Người Anh đồng thời tổ chức huấn luyện và tiếp tế trang bị cho các đơn vị đặc biệt 136 có đa số thành viên là các thanh niên gốc Hoa, thành viên CPM vừa được trả tự do. Nhiêm vụ của các đơn vị 136 ở lại Malaya và Singapore là khuấy phá bằng chiến tranh du kích với quân đội Nhật Bản dưới tên gọi Nhân Dân Malaya kháng chiến chống quân đội Nhật gọi tắt là MPAJA.
Trong khoảng thời gian này, CPM được lãnh đạo bởi Lai Teck một nhân vật có hành tung bí hiểm. Theo ghi lại của các nhân chứng, Lai Teck là một người Minh Hương tên là Phạm Văn Đắc, có cha là người Việt mẹ là người Hoa, sinh năm 1901 tại Long Điền tỉnh Bà Rịa, Việt Nam thuộc địa của Pháp. Lai Teck tham gia vào đảng CS Đông Dương từ rất sớm khi đang học Lycee Petrus Ký và đã từng bị người Pháp bắt giữ và tuyển mộ làm việc cho cơ quan mật thám Đông Dương. Khoảng năm 1930, Lai Teck được người Pháp tổ chức lánh qua Thái Lan sau đó xuất hiện ở Singapore gia nhập CPM trong vai trò là người đại diện của Comintern. Lai Teck được cho là đã được đào tạo ở đại học Phương Đông và được các thành viên CPM gọi là Lê Nin của Malaya do Lai Teck sở hữu một kiến thức sâu rộng về chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên khi hoạt động tại Singapore, Lai Teck đã được cơ quan đặc vụ Anh tuyển mộ thông qua trung gian của sở mật thám Đông Dương của người Pháp. Với uy tín về việc tổ chức thành công cuộc đình công của hơn 3000 công nhân ở mỏ than Selangor, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan mật vụ Anh trong việc tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh trong tổ chức CPM, Lai Teck đã trở thành người đứng đầu của CPM trong thời gian 1937 đến 1946.
Tháng 2 năm 1942, khi quân Nhật tấn công Singapore, Lai Teck đã bị lực lượng hiến binh Nhật Bản Kempeitai bắt giữ, nhưng sau đó lại được thả ra đã làm tăng mối nghi ngờ trong nội bộ CPM. Trong một cuộc họp có các thành viên chủ chốt của MPAJA tổ chức tại một đồn điền cao su gần động Batu Cave ngoại ô Kuala Lumpur, quân Nhật đã bao vây và hạ sát hầu hết các thành viên cốt cán của CPM ngoại trừ Lai Teck với lý do là xe hỏng không đến kịp. Sau khi quân đội Nhật Bản ở Malaya đầu hàng cuối tháng 8 năm 1945, việc MPAJA và các thành viên CPM đã tiếp quản Malaya trước khi quân đội Anh và Ấn quay trở lại, đã cho phép CPM ra hoạt động công khai. Người Anh lúc này yêu cầu MPAJA giải tán và giao nộp lại vũ khí, nhưng hầu hết thành viên CPM của MPAJA đã tiến hành chôn giấu vũ khí chuẩn bị cho một cuộc chiến mới với người Anh mà họ tiên đoán sẽ xảy ra. Năm 1946, Lai Teck được cho là đã đến Hong Kong họp với thành viên cấp cao của đảng CS Trung Quốc để thỉnh thị về đường lối của CPM. Tuy nhiên đầu năm 1947, các mối nghi ngờ về Lai Teck tiếp tục dâng cao trong nội bộ CPM, và các thành viên CPM yêu cầu Lai Teck phải có mặt để đối chất. Lai Teck đã không có mặt tại cuộc họp và biến mất khỏi Singapore cùng với ngân quỹ của CPM. Việt Minh cũng cử người qua truy tìm và xác minh Lai Teck sau khi có tin từ cộng đồng người Việt ở Singapore là Laiteck đã trở thành gián điệp cho Kempeitai.
Sau sự kiện này, Chin Peng (陳平) hay Trần Bình (2) được bầu làm tổng bí thư của CPM ở tuổi 23 và được giao nhiệm vụ truy tìm Lai Teck để thu hồi số ngân quỹ thất thoát. Trần Bình đã phát hiện ra Lai Teck đang lẩn trốn ở Bang Kok, và các thành viên đảng CS Thái tổ chức thủ tiêu Lai Teck và quăng xác xuống sông Chao Phraya ở tuổi 44. Dù sao, ở vào vị trí Lai Teck, một người Việt gốc Hoa, giữ vai trò lãnh đạo CPM ở Malaya xa lạ, trong thế giới người Hoa vốn luôn đầy dẫy các âm mưu phe phái, thì Lai Teck đã đặt bản thân mình ở một sự rủi ro vô cùng lớn. Do vậy việc Lai Teck trở thành gián điệp (nếu có) của các bên cũng là điều dễ hiểu và Lai Teck đã đem bí mật đó sang thế giới bên kia.
Song song với việc giải quyết các mâu thuẩn trong nội bộ. Từ năm 1945, CPM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động biểu tình, đình công, tuyên truyền trong các tổ chức lao động trên toàn Malaya với ý định thành lập một nhà nước cộng hòa nhân dân hợp pháp từ tay người Anh. Tuy nhiên đặc thù của Malaya là người Malay chiếm ưu thế đã cản trở ý định này của CPM với đa phần là người gốc Hoa. Đáng chú ý trong giai đoạn này là trong số những người tham gia CPM còn có các trí thức người Hoa được đào tạo ở các trường Anh Ngữ. Một trong số đó là William Kuok, anh ruột của nhà tỷ phú Robert Kuok Hock Nien (郭鶴年-Quách Hạc Niên) (3), đã tham gia ban tuyên truyền của CPM sau năm 1945, và William Kuok bị người Anh phục kích năm 1953 tại một rừng già ở Malaya. Ngoài ra CPM tổ chức đưa các đảng viên của mình đến làm việc ở các hầm mỏ, đồn điền cùng với công nhân Malay qua đó tuyên truyền kết nạp các công nhân này tham gia CPM. Trong số các thành viên CPM người Malay nổi bật có Rashid Maidin (4) và Abdullah C.D, sau này là những người có chân trong ban chấp hành trung ương CPM. Cũng trong giai đoạn này, người Anh muốn đưa ý định thành lập liên hiệp Malayan với bản hiến pháp mới quy định quyền công dân công bằng giữa các sắc dân bất kể Malay, người Hoa hay Ấn. Bản hiến pháp này đã vấp phải sự chống đối dữ dội của người Malay.
Năm 1947, để đối phó với tình hình bạo động dâng cao, người Anh đã bố ráp các các cơ quan báo chí tuyên truyền của CPM, và bắt giữ nhiều thành viên của CPM. Đối lại, Ban chấp hành trung ương của CPM đã yêu cầu các thành viên rút dần vào vùng rừng già thành lập các khu du kích, thu thập vũ khí đã chôn giấu trước đó, tiến hành các cuộc bạo động. Theo Ah Hai một thành viên cao cấp của CPM thì họ tin tưởng trong vòng 3 năm sẽ đánh bại được người Anh. Ngày 16 tháng 6 năm 1948, CPM tổ chức ám sát ba quản đốc các đồn điền cao su người Âu tại Perak dẫn đến chính phủ Malayan tuyên bố tình trạng khẩn cấp Melaya 1948, đầu tiên tại Perak và sau đó là Johor, và đặt CPM ra ngoài vòng pháp luật. Thực chất đây là tuyên bố tình trạng chiến tranh nhưng nói tránh đi để không phạm vào các điều khoản bảo hiểm loại trừ của hãng L’Loyd đối với các chủ đồn điền. CPM tập trung lại lực lượng MPAJA và đổi tên thành Malayan People’s Anti-British Army (MPABA). Theo các học giả phương Tây như Leon Comber thì không có sự can dự của Liên Xô trong tình trạng khẩn cấp Melaya nổ ra tháng 6 năm 1948. Mặc dù trong tháng 3 năm 1948, người đứng đầu đảng CS Úc là Lawrence Sharkey đã ghé qua Singapore họp mặt với Trần Bình, với nghi ngờ là đã chuyển các lời nhắn cùa Liên Xô cho CPM.
Trong giai đoạn đầu của tình trạng khẩn cấp từ 1948 đến 1960. CPM rút hẳn vào rừng già Malaya thành lập các khu du kích theo mô hình của đảng CS Trung Hoa. Từ các căn cứ của mình, CPM tổ chức phục kích các đoàn xe, ám sát các thành viên chính phủ, đe dọa các đồn điền … Trong đó vụ phục kích Cao ủy Anh tại Malaya Sir Henry Gurney vào năm 1951 ,do Mã Siêu chỉ huy, đã gây chấn động nước Anh với sự ám ảnh ngay cả Cao Ủy vẫn không được an toàn. Về hậu cần CPM dựa vào nguồn tiếp tế lương thực và thông tin chủ yếu từ người Hoa sống bằng lao động nông nghiệp ở các vùng lân cận rừng già Malaya gọi là Min Yuen. Những ai chống đối hay từ chối hợp tác với CPM sẽ bị trừng phạt. Bên cạnh Min Yuen, CPM lấy lòng người Thượng Malaysia gọi là Arang Asli để có thêm nguồn tiếp tế, và đồng minh quen thuộc cách sống trong rừng già. CPM cho rằng hoạt động của họ là kháng chiến giành quyền độc lập cho Malaya. Nhưng với người Anh và đa phần người Malay, CPM chỉ là kẻ cướp (bandit) hay khủng bố (terrorist).
Để giải quyết tình trạng khẩn cấp, từ năm 1950, toàn quyền Anh là tướng Sir Harold Brigg đã đưa ra kế hoạch Brigg. Nội dung chính của kế hoạch này siết chặt kiểm soát nguồn tiếp tế từ Min Yuen cho CPM. Để thực hiện kế hoạch này, một loạt các ấp tân thôn (new village) được thành lập. Các mô hình ấp tân thôn dồn người Hoa vào các làng phòng vệ có kẽm gai bao bọc và lực lượng bán quân sự canh phòng. Theo sự thú nhận của các thành viên CPM, thì họ đã bị mất nguồn cung cấp lương thực và phải chịu cảnh đói khát ghê gớm. Về mặt quân sự, hàng loạt các đơn vị đồng minh trong khối thịnh vượng chung Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Fiji và các đơn vị đặc nhiệm Gurkha của người Nepal tiến hành các cuộc hành quân càn quét các khu vực rừng già nghi ngờ có du kích quân CPM trú đóng.Nhưng đối lại, CPM cũng quyết liệt tấn công các đồn cảnh sát bảo vệ an ninh cho các ấp tân thôn, hòng phá gỡ thế bế tắc về nguồn tiếp tế. Một trong những trận tấn công của CPM sau này được ghi vào lịch sử ngành cảnh sát Malaysia, là trận Bukit Kepong tại Johor ngày 23 tháng 2 năm 1950.Mặc dù bị thiệt hại nặng nề nhưng quân trú phòng và gia đình binh sĩ vẫn ngoan cường kháng cự, bất chấp lời kêu gọi đầu hàng.Cuối cùng sau nhiều giờ vây hãm không thành công, quân du kích CPM đã phải rút lui vào rừng già mà không thu được kết quả gì.
Năm 1952, sau khi tướng Harold Brigg qua đời, người kế nhiệm là tướng Sir Gerald Templer đã có những hành động quyết liệt hơn với CPM. Các chất khai hoang được sử dụng để phát quang và phá hủy ruộng rẩy sắp thu hoạch của CPM. Máy bay ném bom được huy động tối đa thả bom các vị trí lẩn tránh của CPM tạo ra các vùng trắng, không còn là nơi trú ẩn lý tưởng của quân du kích CPM. Các tiểu đoàn Senoi Praag được thành lập gồm các binh sĩ người Arang Asli đã quá quen với các sinh hoạt trong rừng già, và các hoạt động du kích là một đòn choáng váng cho CPM. Bên cạnh các biện pháp quân sự, tướng Templer phối hợp chặt chẽ với Sir Thompson Robert cũng cố chương trình ấp tân thôn, và đề ra những phương cách thu phục nhân tâm. Cụ thể là nâng cao phương tiện sinh hoạt cho người dân ở các ấp tân thôn, áp dụng lệnh giới nghiêm để cách ly quân du kích CPM và Min Yuen.Một vấn đề bức xúc khiến người Hoa ở các vùng nông thôn Malaya ủng hộ CPM là các quyền công dân bị hạn chế.Tướng Templer đã quyết định trao quyền công dân cho hơn 1 triệu người Hoa và chủ trương công bằng xã hội và chính trị cho tất cả các công dân Malaya.Về phía quân du kích, tướng Templer khuyến khích các thành viên CPM quy thuận chính phủ với các khoản trợ cấp để hòa nhập với cuộc sống bình thường.Các giải pháp quân sự và chính trị của tướng Templer đã khiến du kích CPM yếu đi rất nhiều.Tuy nhiên CPM nhưng vẫn chưa hoàn toàn tan rã mà co cụm về các bang nằm gần biên giới Thái Lan.
Năm 1955, người Anh và chính phủ liên hiệp Malaya đã đề nghị CPM đàm phán, tìm giải pháp kết thúc cuộc xung đột kéo dài đã hơn 7 năm. Địa điểm đàm phán là một trường học tại Baling bang Kedah, vựa lúa của Malaya, qua trung gian là một sỹ quan người Anh đã từng huấn luyện quân MPAJA. Trần Bình, Trần Điền và Rashid Maidin được xe của quân đội liên hiệp Malaya đưa từ bìa rừng về địa điểm đàm phán. Về phía chính phủ Malaya có thủ tướng Tunku Abdul Rahman, một hoàng thân Malay tốt nghiệp luật sư tại đại học Cambridge và có mẹ là người Thái, thủ hiến Singapore David Marshall và chủ tịch Công Hội Người Hoa MCA Tun Dato Tan Cheng Lock (陳禎祿-Trần Trinh Lộc).
Vào cuộc đàm phán, các thành viên CPM dù lép vế nhưng không chấp nhận yêu cầu của chính phủ liên hiệp Malaya đứng đầu là Tun Abdul Rahman. Các yêu cầu đó là (a) CPM giải tán và giải giáp vũ khí quy thuận chính phủ (b) Các thành viên CPM sẽ phải trải qua một cuộc thẩm vấn trước khi trở về đời sống dân sự (c) các thành viên nào muốn trở về Trung Hoa sẽ được chấp thuận. Đáp trả lại CPM không đồng ý và cho rằng họ đã đổ máu sát cánh với người Anh chống Nhật và không thể nào đầu hàng. CPM chỉ giải giới với tư cách là một đảng phái chính trị hợp pháp của liên hiệp Malaya, và các thành viên CPM sẽ không bị thẩm vấn hay giam giữ. CPM cho rằng ngay cả thủ tướng Abdul Rahman cũng không có quyền gì đàm phán mà chỉ là công cụ của người Anh. Nếu người Anh trả lại độc lập cho Malaya, lúc đó CPM sẽ quay lại đàm phán. Có thể CPM không thấy cảm thấy quá đe dọa vì tại Châu Âu Liên Xô đang vững mạnh, tại Châu Á Trung Quốc vừa thành lập nước Cộng hòa nhân dân ngày 1-10-1949 và đang là đồng minh với Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến Triều Tiên, ngay bên cạnh là Indonesia với tổng thống Suharto đang liên minh với đảng CS Indonesia. Có thể trong thâm tâm các nhà lãnh đạo CPM, một quốc gia tự trị của người Hoa theo chủ nghĩa CS có diện tích ít ra ngang bằng Singapore là một giải pháp đàm phán tốt nhất. Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam 1954 là một giấc mơ, nhưng với tình cảnh bi đát của CPM vào năm 1955 thì đó là giấc mơ không bao giờ có thể thực hiện.
Thách thức của CPM lại là một tiếp sức cho chính phủ liên hiệp Malaya gây sức ép với chính phủ Anh trao trả độc lập cho Malaya sớm hơn. Tunku Abdul Rahman chấp nhận thách thức đó và đàm phán kết thúc mà không đưa đến kết quả nào. Sau đàm phán Baling, các cuộc vận động và đấu tranh giành độc lập khôn khéo, không nổi loạn, không đổ máu của các nhà lãnh đạo Malaya do Tunku Abdul Rahman đứng đầu,đã buộc người Anh phải trao trả độc lập cho Malaya. Với xu thế chung trên toàn thế giới và Châu Á, vấn đề độc lập ở thuộc địa của các nước thực dân châu Âu chỉ là chuyện sớm muộn vì qua cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, người phương Tây đã nhận ra những đau thương của chiến tranh. Vấn đề của các nước thực dân ở châu Á là, họ sẵn lòng trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, nhưng trong một lộ trình có tính toán để bảo đảm các quyền lợi đầu tư trước đó của họ không bị thua thiệt. Ngoài ra cần có thời gian để các nước thuộc địa chậm tiến nắm bắt các công cụ và kỹ thuật vận hành quốc gia, không bị tràn ngập bởi ảnh hưởng của chủ nghĩa CS, trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh và sự phân cực từ hội nghị Ialta 1945.
Ngày 31 tháng 8 năm 1957, tại quảng trường Medarka ngày nay, thủ tướng liên bang Malaya ngẹn ngào nhưng đầy kiêu hãnh hô to với quốc dân Malaya “Merdaka” tức là độc lập – độc lập – độc lập ba lần trong tiếng reo vang dậy của nhân dân Malaya. Mặc dù vậy, sau ngày 31 tháng 8 năm 1957, người Anh và quân đội khối thịnh vượng chung vẫn còn hiện diện để hỗ trợ các vấn đề quản lý và an ninh quốc gia. Trong giai đoạn này, các nhà tư sản dân tộc được khuyến khích làm giàu để xây dựng quốc gia. Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bằng các chính sách ưu đãi. Rất may cho Malaya là các nhà tư bản gốc Hoa như tỷ phú Rebert Kuok có một sự chính trực nhất định, không vào hùa hay lợi dụng chủ nghĩa thân hữu, để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của nhân dân Malaya. Theo hồi ký Robet Kuok a memoir, trong năm 1960, tỷ phú người Hoa này đã thẳng thắn từ chối lời đề nghị của nhà tư bản ngành bột Hong Kong David Sung, khi ông này đề nghị cùng nhau nâng giá bột rằng “ tôi là người Malaya, tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi không thể nào bắt tay cùng ông để hiếp dâm (rape) đồng bào tôi. Tôi với ông chắc không còn gì để bàn thêm”.
Về phía CPM, họ vẫn chờ đợi một cuộc đàm phán tiếp theo sau ngày độc lập 31/8/1957, chuyện đó đã không xảy ra. Các thành viên của CPM chiến đấu tuyệt vọng trong vô định đã bộc lộ ý định quay về đầu hàng chính phủ, và trở về đời sống dân sự với quyền công dân Malaya. Đối mặt với tình trạng đó, CPM siết chặt tư tưởng và xóa bỏ những ai có ý tưởng quy hàng chính phủ, nhưng vẫn không ngăn cản được làn sóng hồi cư. Trong năm 1958, CPM rút quân du kích của mình về miền nam Thái Lan với quân số chỉ còn chưa tới 500 quân so với năm đỉnh cao 1948 – 1951 là hơn 8000 quân. Ngày 31 tháng 7 năm 1960, Malaya tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 12 năm đã lấy đi sinh mạng gần 8000 người, kể cả thường dân lẫn binh lính hai bên, và tiêu tốn nhiều tỷ ringgit cho chiến cuộc. Hai bên chính phủ liên bang Malaya và CPM tạm thời hòa hoãn để một bên phát triển kinh tế và một bên dưỡng quân rình rập chờ đợi cơ hội thổi bùng lại cuộc chiến. Năm 1960, Trần Bình theo đường Thái Lan, Lào và Bắc Việt Nam, sang Bắc Kinh thỉnh thị ý kiến đại lục và lưu vong ở đây cho đến năm 1989.
Năm 1963 đánh dấu bằng ý định thành lập nhà nước liên bang Malaysia bao gồm liên hiệp Malaya tức Malaysia bán đảo, Singapore, Sarawak và Sabah nằm trên bán đảo Borneo tiếp giáp với tỉnh Kalimantan của Indonesia và Philippines. Indonesia và Philippinephản đối dữ dội việc sát nhập Sarawak và Sabah vào liên bang Malaysia. Các đảng đối lập của Singapore cũng không tán đồng sát nhập vào liên bang Malaysia. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Singapore muốn thực hiện ý nguyện “Malaysia dân chủ của người Malaysia”. Điều đó tức là không phân biệt thành phần dân tộc, những người có tài năng sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước, thông qua các cuộc bầu cử công bằng. Cuối cùng do các xung đột sắc tộc thâm căn và những mối ngờ vực giữa người gốc Hoa và người Malay không giải quyết được, Singapore bị trục xuất ra khỏi liên bang Malaysia năm 1965.
Năm 1968, tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của đại lục và Liên Xô, kết hợp với cuộc chiến tranh ở ba nước Đông Dương, CPM củng cố lực lượng, chiêu mộ thêm thành viên từ miền nam Thái Lan, và bắt đầu tái thực hiện các cuộc tấn công quân chính phủ Malaysia. Khẩu hiệu của CPM là “giương cao hồng kỳ vĩ đại, đấu tranh vũ trang, dũng cảm tiến lên – Hold High the Great Red Banner of Armed Struggle and Valiantly March Forward.””. Tuy nhiên các đợt tấn công của CPM vẫn chủ yếu vẫn là phục kích quân chính phủ, ám sát các viên chức vùng nông thôn, phá hoại đường xá. Do vậy Malaysia không ban bố tình trạng khẩn cấp, mà chỉ đưa ra các chính sách giữ an ninh lãnh thổ và ngăn ngừa CPM mở rộng cuộc nổi dậy lần 2 này. Cũng trong những năm 1960, CPM bị phân hóa thành hai nhánh là mặt trận giải phóng Malaya và Malaya Marxist-Leninist. Điều này thể hiện trong nội bộ của CPM có hai luồng tư tưởng là giành quyền công dân toàn diện và tự do sinh sống ở Malaya, và đối lại là tư tưởng chủ nghĩa cộng sản.
Ngày 13 tháng 5 năm 1969, sau khi giành thắng lợi khích lệ trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang trước đó, hai đảng đối lập của người gốc Hoa là Hành động dân chủ (DAP) và Gerakan đã tổ chức biểu dương lực lượng ở thủ đô Kuala Lumpur. Cuộc tuần hành này đã chuyển thành bạo động sắc tộc giữa người gốc Hoa, gốc Ấn và người Malay khiến hơn 800 người thiệt mạng. Đây là một ký ức kinh hoàng của người gốc Hoa khi các cửa hàng bị đốt phá, bạo động chết người. Nguyên nhân sâu xa là sự bất bình của người gốc Hoa về chính sách ưu đãi người Malay, trong khi người Malay lại bất bình cho rằng người gốc Hoa quá tham lam đã lấy đi tất cả những gì đáng ra là của người Malay bản địa. Theo hồi ký của tỷ phú Robert Kuok khi nhà tỷ phú này đang đứng chờ thủ tướng Tunku Abdul Rahman tại hành lanh văn phòng thủ tướng. Một vị bộ trưởng người Malay hỏi ông:
– Robert, ông đang làm gì ở đây?
– Tôi đang chờ gặp Tunku.
– Ông bớt tham lam đi, hãy để cho người nghèo Malay còn có cái ăn.
Năm 1972 thế giới đánh dấu sự bắt tay giữa Hoa Kỳ và đại lục bằng thông cáo chung Thượng Hải. Với Trần Bình và CPM có thể đây chưa phải là dấu chấm hết nhưng cũng chẳng còn hy vọng gì cho CPM. Năm 1974, thủ tướng thứ hai của Malaysia là Tun Abdul Rajak, cha của cựu thủ tướng Datuk Seri Najib Rajak, có chuyến thăm Trung Quốc đại lục. Vấn đề CPM được nêu ra, và món quà cho Malaysia là đài phát thanh của CPM bị ngưng hoạt động liền sau đó.
Năm 1989, mặc dù vẫn còn căn cứ ở miền Nam Thái Lan và vẫn duy trì tình trạng chiến tranh với chính phủ Malaysia, tình cảnh của CPM là hết sức tuyệt vọng, sau khi Liên Xô và các nước phe XHCN tan rã, đại lục bỏ rơi. Thông qua trung gian là thiếu tướng quân đội Thái Lan Kitti Rattanchaya, các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh để Malaysia tập trung phát triển kinh tế, dưới thời thủ tướng Tun Mahathir Mohamed được tái khởi động. Qua nhiều vòng đàm phán, thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm 1948, được ký kết tại Hat Yai miền nam Thái Lan giữa ba bên là chính phủ liên bang Malaysia, vương quốc Thái Lan và CPM vào ngày 2 tháng 12 năm 1989. CPM cam kết giải tán và trung thành với Malaysia và quốc vương điện hạ (Yangdi Petuan Agong) (5) của Malaysia.
Vài năm sau, chính phủ khuyến khích các thành viên CPM gốc Malay như Rashid Maidin hay Abdullah CD hồi hương và đài thọ cho họ các chuyến đi thăm thánh địa Mecca. Trường hợp Trần Bình lại không như vậy. Các nỗ lực xin về lại cố hương Malaysia để thăm quê nhà, gặp gỡ người thân đã bị chính phủ Malaysia liên tục bác bỏ. Trần Bình qua đời tại Bang Kok Thái Lan ngày 16 09 năm 2013 khép lại một trang sử của Malaysia cận đại không kém đau thương.
Chú giải:
1) Comintern: Far East Bureau of the Communist International – cục Phương Đông Quốc Tế CS
2) Trần Bình: Chin Peng 陳平 tên thật là Ong Boon Hua 王文華 tên thật là Ông Văn Hoa sinh năm 1924 tại thị trấn Siwianti bang Perak và trở thành tổng bí thư CPM từ năm 1947 -1989.Trước đó Trần Bình đóng vai trò sỹ quan liên lạc giữa MPAJA và quân đội Anh tại Malaya trong thời kỳ quân Nhật chiếm đóng.
3) Robert Kuok Hock Nien: tỷ phú người Malaysia gốc Hoa sinh năm 1923 tại Johor Bahru, Malaya.Cha là ông Kuok Keng Kang một di dân từ huyện Phúc Châu (Fuzhou) lập nghiệp tại Singapore, Johor và là một phú thương giàu có. Robert Kuok Hock Nien lúc trẻ theo học trường Raffle Singapore nhưng bỏ dỡ khi Nhật Bản xâm chiếm Singapore tháng 2 năm 1942.Robert Kuok Hock Nien làm việc cho hãng Mitsubishi của Nhật trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Melaya từ 1942-1945. Robert Kuok Hock Nien khởi sự doanh nghiệp thu mua gạo sau khi Nhật đầu hàng và gặt hái nhiều thành công trong nhiều lĩnh vực từ nông sản, đường, bột mì, dầu cọ, chuỗi khách sạn Shangri-La. Robert Kuok Hock Nien có xu hướng thiên tả và nổi tiếng với quan điểm là một người có thể trọng dụng được phải có ba yếu tố (1) Chính trực – intergrity (2) Có khả năng –capability và (3) siêng năng – hard working.
4) Rashid Maidin: (1-10-1917 : 1-09-2006) xuất thân trong gia đình nghèo di dân từ Sumatra Indonesia sang lập cư tại Melaya.Được học hết tiểu học, có nghề thợ điện và khả năng lưu loát tiếng Anh.Được vận động trở thành thành viên CPM bởi Toh Lung San một đảng viên CPM.Chỉ huy lữ đoàn 10 CPM và tham gia trong hai cuộc hòa đàm Baling 1955 và Hat Yai 1989.Được đón tiếp tại quê nhà Perak và được chính phủ Malaysia đài thọ đi hành hương tại thánh địa Mecca Ả Rập Saudi.Qua đời tại làng Hòa Bình miền Nam Thái Lan.
(5) Yangdi Petuan Agong: Quốc Vương Điện Hạ Malaysia có nhiệm kỳ 5 năm, được bầu ra từ hội đồng tiểu vương Hồi giáo 9 tiểu bang. Các bang không có tiểu vương là Penang, Melaca, Sarawak và Sabah.Khi nhà vua mới lên ngôi, thần dân sẽ chúc mừng Daulat Tuanku nghĩa là hoàng thượng vạn tuế. Các kết quả bầu cử quốc hội sẽ được nhà vua phê chuẩn.