Cây chùm ngây còn gọi là cây gì, sự thật về cây chùm ngây ?
Cây chùm ngây đang là một loại cây đang được săn lùng và quan tâm khá nhiều trên thị trường. Ngoài việc dùng làm thực phẩm trong các món ăn như thường ngày ở nhà thì rau chùm ngây còn được biết đến như một thần dược với công dụng chữa ...
Cây chùm ngây đang là một loại cây đang được săn lùng và quan tâm khá nhiều trên thị trường. Ngoài việc dùng làm thực phẩm trong các món ăn như thường ngày ở nhà thì rau chùm ngây còn được biết đến như một thần dược với công dụng chữa được nhiều bệnh. Vậy cây chùm ngây còn gọi là cây gì, sự thật về cây chùm ngây là loại cây gì mà được khá nhiều người quan tâm đến vậy.
Cây chùm ngây có tên tiếng Anh là Moringa, hoặc là Tree of Life (tức cây độ sinh), hoặc Miracle Tree (cây kỳ diệu). Chùm Ngây là một loại rau ăn lá phổ biến có nguồn gốc từ Nam Á, chúng khá nổi bật không chỉ bởi đặc tính dinh dưỡng đa dạng mà còn đa dạng cả về tên gọi. Một số nơi gọi Chùm Ngây là cây thần diệu, cây dùi trồng, hay ba đậu dại, cây cải ngựa …
Về đặc điểm nhận dạng, chùm ngây có thân tròn, lá gần giống lá điệp, là loại lá kén lông chim, đối xứng 3 lần, có khoảng 6 – 9 lá con tròn hình trứng. Thời gian ra hoa của Chùm Ngây khoảng 1 năm sau khi trồng, ra hoa khoảng tháng 1 và tháng 5, hoa nhìn trông giống hoa Đậu, quả Chùm Ngây dạng nang treo, gần giống quả đậu đũa, to bằng ngón tay cái, dài hơn 1 gang tay, khi non ăn rất ngon. Hạt Chùm Ngây cũng giống như hạt đậu, hình tròn, có màu đen, có thể sử dụng làm hạt giống để trồng.
Gần đây một số công trình nghiên cứu cho thấy rằng, trong chùm ngây có rất nhiều loại vitamin, khoáng chất, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trên thực tế cho thấy đã có rất nhiều nước đã sử dụng chùm ngây làm thực phẩm và làm thuốc. Theo lương y Nguyễn Công Đức cho biết cây chùm ngây thường được dùng chữa các bệnh như: trị u xơ tiền liệt tuyến ,suy nhược cơ thể, thần kinh; giúp ổn định huyết áp, đường huyết; chữa tăng cholesterol; chùm ngây còn là thuốc ngừa thai…
Với nhiều giá trị và công dụng hữu ích nên đang có chương trình khuyến khích trồng cây chùm ngây ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó Việt Nam rất khuyến khích trồng và phát triển.
Khi sử dụng chùm ngây làm thực phẩm hoặc làm thuốc có thể tận dụng rất nhiều bộ phận như lá non, cành, hoa, quả… Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng trong lá là cao hơn cả. Nếu so sánh giá trị dinh đưỡng của rau chùm ngây với một số thực phẩm khác thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều.
- Hàm lượng Kali trong 100g của chuối là 88mg còn với chùm ngây là 259mg (chùm ngây gấp hơn 3 lần).
- Hàm lượng vitamin C của cam là 15 mg/100 g, còn với chùm ngây là 105 mg/100g (dinh dưỡng của chùm ngây gấp 7 lần).
- Trong chùm ngây có gấp 4 lần lượng can-xi và 2 lần lượng protein của sữa và lượng vitamin A gấp 4 lần của cà rốt;
Rau Chùm Ngây thích hợp cho người ăn uống kém, người già cao tuổi, cung cấp khoáng chất và sinh tố rất tốt. Ngoài ra, trong rễ Chùm Ngây cũng có một số hợp chất Phenol, Ancaloit có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, giảm đau thường dùng điều trị bệnh viêm nhiễm, máu huyết ứ tắc.
Một số bài thuốc dùng rễ cây Chùm Ngây để điều trị bệnh u xơ tiền liệt tuyến đi tiểu khó ở người lớn tuổi, nam giới của lương y Nguyễn Công Đức (dùng 100 gram rễ tươi Chùm Ngây hoặc 30 gram rễ khô và 60 gram lá hoàng cung trinh nữ tươi, “khô dùng 20 gram” – dùng uống trong nhiều ngày). Với bệnh sỏi thận có thể sử dụng 80 – 100 gram rễ cây Chùm Ngây tươi và 60 gram kim tiền thảo (khô dùng 30 gram) dùng nấu nước dùng như nước uống hàng ngày. Bài thuốc này dùng cho người bị sỏi đường tiết liệu hoặc sỏi thận, giúp ngăn ngừa sỏi trong đường tiết liệu. Bài thuốc này phổ biến được sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghị – Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Đồng Nai nhận xét: Rau chùm ngây là một loại cây tốt, có nhiều chất dinh dưỡng nên nó thiên về giá trị dinh dưỡng hơn là một cây thuốc chữa bệnh. Bác sĩ Nghị cũng khẳng đinh thêm rằng không có cây thuốc nào có đủ khả năng chữa trị mọi bệnh tật.
Cần lưu ý khi sử dụng chùm ngây làm thuốc, nhất là khi sử dụng rễ chùm ngây. Rễ cây chùm ngây có vị đắng, hơi cay có tính nóng, có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, tiêu viêm, đặc biệt không dùng cho phụ nữ có thai đặc biệt phụ nữ trong thời gian sinh đẻ.