Tác dụng chữa trị bệnh của quả dứa dại, dứa rừng nên biết.
Dứa dại, dứa rừng là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường trồng làm hàng rào. Một số nơi trồng lấy lá dệt chiếu và túi vì cây có hoa thơm, nên có người còn trồng làm cảnh trong sân nhà. Một số địa phương người ta dùng đọt non để ăn; ...
Dứa dại, dứa rừng là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường trồng làm hàng rào. Một số nơi trồng lấy lá dệt chiếu và túi vì cây có hoa thơm, nên có người còn trồng làm cảnh trong sân nhà. Một số địa phương người ta dùng đọt non để ăn; phần trắng và mềm của cuống lá đôi khi cũng được dùng để ăn. Ngoài quả, các bộ phận khác như nõn hoa, quả, rễ cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Để hiểu kỹ hơn về loại dứa dại này, chúng ta hãy đọc bài viết
Cây dứa dại, dứa rừng còn có tên là “dứa gỗ”, “dứa gai”, sách thuốc đông y gọi tên là “lỗ cổ tử”, còn có tên “sơn ba la” (dứa núi), “dã ba la” (dứa dại), “lộ đâu tử”… Tên khoa học của cây là Pandanus tectorius Soland. Cây dứa dại thường phân bố trên các bãi ẩm có cát, trong các rú bụi ven biển, dọc bờ ngòi nước mặn; rừng ngập mặn. Ở đất liền thì thường phân bố ở vĩ độ thấp, dọc theo các sông.
Ở nước ta, thảo dược quý này mọc phổ biến từ Kiên Giang, Đồng Nai đến Bình Thuận, Khánh Hòa ra tận Quảng Nam – Đà Nẵng, Hòa Bình, Quảng Ninh. Khách du lịch khi tham quan Yên Tử, Hương Tích… thường được mời mua dứa dại khô về làm thuốc. Đặc biệt tại đảo Phú Quí (Bình Thuận) dứa dại có quả rất lớn được chế biến thành đặc sản trà dứa dại được đánh giá có chất lượng tốt, có thể phòng và tránh được nhiều chứng bệnh.
Được Đông y ghi nhận là một trong những loại thảo dược có tác dụng trị bệnh hiệu quả, dứa dại ngày càng được nhiều người biết đến và bổ sung vào “tủ thuốc” gia đình, giúp chữa trị từ những bệnh nhỏ nhặt như cảm ho đến nặng hơn như viêm gan.
Quả dứa dại, dứa rừng thường thu hoạch vào mùa thu, đem sấy hoặc phơi khô dùng dần. Theo đông y, quả dứa dại vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm, phá tích trệ, giải độc rượu… Thường dùng chữa “sán khí” (thoát vị bẹn hoặc thoát vị bìu, đau từ bìu lan lên bụng dưới), tiểu tiện khó khăn, tiểu đường, kiết lị, say nắng, mắt mờ… Liều dùng: 10-15g, sắc nước, tẩm rượu hoặc tẩm mật uống.
Công dụng chữa bệnh của quả dứa dại, dứa rừng:
– Chữa kiết lỵ:
Dùng quả dứa dại 30-60g sắc nước uống (theo sách Thường dụng trung thảo dược thủ sách).
– Chữa mắt sinh màng mộng, thị lực giảm dần, nhìn không rõ:
Dùng quả dứa dại, thái nhỏ, ngâm trong mật ong, ăn dần trong ngày; mỗi ngày ăn 1 quả, dùng liên tục 1 tháng có thể khỏi bệnh (sách Cương mục thập di);
– Chữa cảm nắng, say nắng:
Dùng quả dứa dại 10-15g, sắc uống (Lĩnh nam thái dược lục).
– Chữa đái buốt, đái rắt, đái đục, đái tháo đường:
Dùng quả dứa dại khô 20-30g, thái lát mỏng, sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).
– Bồi bổ cơ thể:
Dùng trái dứa dại, thái lát mỏng, ngâm rượu uống (Kinh nghiệm dân gian)
– Trị sỏi thận, sạn thận, sỏi bàng quang, hoặc sau khi đã tán sỏi, cần loại sỏi ra ngoài:
Quả dứa dại, rửa sạch, ngâm cho mềm, để ráo nước bổ nhỏ, thái phiến, sao vàng, cùng với kim tiền thảo, mỗi vị 20g, sắc uống, ngày một thang, uống nhiều ngày cho đến khi hết sỏi
– Chữa viêm gan, xơ gan bổ chướng:
Dùng quả dứa dại 12g, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 8g, nhân trần 12g, trần bì 8g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g, sắc với 1.000ml, đun cạn còn 450ml, chia thành 3 lần uống lúc đói trong ngày (Hiện đại thực dụng phương tễ).
Phải thừa nhận rằng trong dân gian, quả dứa dại có tác dụng chữa bệnh gan nhưng chỉ chữa được một số loại viêm gan, một vài thể nhất định, chứ không phải bất cứ thể viêm gan nào cũng có thể dùng vị thuốc nam này. Hơn nữa, nó cũng chỉ có tác dụng chữa viêm gan cấp, mới bị và một số ít thể viêm gan mãn. Và việc sử dụng phải có sự hướng dẫn từ các thầy thuốc, nếu dùng tùy tiện khi chữa viêm gan thì cực kỳ nguy hiểm bởi ở quả dứa dại có lớp phấn trắng rất độc, nếu không bào chế đúng cách, ăn phải trong thời gian dài có thể gây ra ngộ độc, suy thận. Vì vậy, người dùng phải lưu ý điều này.
Công dụng chữa bệnh của đọt dứa dại:
Đọt dứa dại, dứa rừng có vị ngọt, tính lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, sinh cơ, tán nhiệt độc. Dùng chữa sỏi, ban chẩn, đơn độc, mụn nhọt lở loét, tâm phế nhiệt, tiểu tiện vàng đỏ; giã nát đắp chữa đầu đinh, lòi dom, bó gãy xương… Liều dùng: 9-18g sắc uống, dùng ngoài giã nát đắp vết thương.
– Chữa chân lở loét lâu ngày:
Dùng đọt non dứa dại và đậu tương, hai thứ liều lượng bằng nhau, giã nát, đắp vào chỗ lở loét; có tác dụng sát trùng và lành vết loét (Lĩnh nam thái dược lục).
– Chữa các vết loét sâu gây thối xương:
Dùng đọt non dứa dại giã đắp vào vết thương, có tác dụng hút mủ và làm lành vết loét (Lĩnh nam thái dược lục).
– Chữa chứng người bồn chồn, chân tay vật vã, phát nóng:
Dùng đọt non dứa dại 30g, đậu đỏ nhỏ hạt (xích tiểu đậu) 30g, cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) 6g, búp tre 15 cái, sắc nước uống (Lục xuyên bản thảo).
– Chữa phù thũng, đái rắt, đái buốt, đái ra máu, đái ra sỏi:
Dùng đọt non dứa dại 15-20g sắc nước uống thay nước trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).
Công dụng của hoa dứa dại, dứa rừng:
Theo đông y, hoa dứa dại có vị ngọt, tính lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, trừ thấp nhiệt, cầm tiêu chảy do nhiệt độc. Dùng chữa các chứng ho do cảm mạo, sán khí, đái dục, đái buốt, đái nhỏ giọt, tiểu tiện không thông, nhọt mọc ở sau gáy,… Liều dùng: 10-30g sắc uống, dùng ngoài giã nát đắp.
– Chữa ho do cảm mạo:
Dùng hoa dứa dại 4-12g hoặc dùng quả 10-15g, sắc nước uống (Quảng Tây trung thảo dược).
Công dụng của rễ dứa dại, dứa rừng:
Rễ dứa dại có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi hoặc sấy khô dùng dần. Có người cho rằng dùng rễ non chưa bám đất thì tốt hơn. Theo đông y, rễ dứa dại vị ngọt nhạt, tính mát. Có tác dụng làm ra mồ hôi, hạ sốt, lợi thủy, hóa thấp. Dùng chữa các chứng bệnh như cảm mạo, sốt dịch,viêm gan, viêm thận, viêm đường tiết niệu, phù thũng, đau mắt đỏ, thương tổn do bị ngã, bị đánh chấn thương.
– Chữa phù thũng, xơ gan cổ trướng:
Dùng rễ dứa dại 30-40g, phối hợp với rễ cỏ xước 20-30g, cỏ lưỡi mèo 20-30g sắc nước uống trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).
– Chữa ngã, đánh chấn thương:
Dùng rễ dứa dại, giã nát đắp vào chỗ bị thương rồi băng cố định lại (Kinh nghiệm dân gian).
Cây dứa dại, dứa rừng tuy là loại cây mọc hoang nhưng không ngờ lại ẩn chứa bên trong nó những công dụng chữa bệnh tuyệt vời, từng bộ phận của cây dứa dại đều có thể thành bài thuốc trị bệnh. Hy vọng bài viết Tác dụng chữa trị bệnh của quả dứa dại, dứa rừng nên biết đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin hữu ích về cây dứa dại, dứa rừng.