25/05/2018, 00:38

Cấu tạo của lá

Đặt vấn đề : Vì sao gọi cây C 3 , cây C 4 và cây CAM? Hãy phân biệt chúng . Cấu tạo lá cây song tử diệp Phiến lá Cắt ngang phiến lá song tử diệp, ta thấy gân chính ở giữa và hai bên ...

Đặt vấn đề: Vì sao gọi cây C3, cây C4 và cây CAM? Hãy phân biệt chúng.

Cấu tạo lá cây song tử diệp

Phiến lá

Cắt ngang phiến lá song tử diệp, ta thấy gân chính ở giữa và hai bên là diệp nhục với các gân phụ. Cấu tạo gồm:

* Biểu bì làm thành một lớp tế bào xếp khít nhau không chừa đạo, trong tế bào không chứa lục lạp trừ ở ráng và vài cây sống nơi ẩm thấp; tuy nhiên ở nhiều cây, trong tế bào biểu bì có chứa diệp lục tố hay các sắc tố khác. Về mặt hình dạng và kích thước, tế bào biểu bì ở hai mặt lá không giống nhau, thường tế bào biểu bì mặt dưới lá nhỏ hơn và vách tế bào cong hơn, tế bào biểu bì mặt trên lá có hình dạng đều dặn hơn và vách tế bào thẳng hơn. Ở họ Tiêu (Piperaceae), họ Muôi, họ Da (Moraceae), biểu bì do nhiều tầng tế bào.

Bên ngoài tế bào biểu bì mặt trên được bao phủ bằng lớp cutin dày hơn so với mặt dưới lá, nhưng mặt dưới lá nhiều lông che chở hơn mặt trên. Bên ngoài biểu bì có thể có thêm lớp sáp.

Thường số khí khẩu ở biểu bì trên lá ít hơn, cây có phiến lá nằm ngang thì số khí khẩu mặt dưới nhiều hơn, cây mọc thòng như lá cây khuynh diệp (Eucalyptus) có số khí khẩu hai mặt lá tương đương nhau; trái lại, cây có lá nổi thì khí khẩu chỉ có ở mặt trên lá và lá chìm hoàn toàn trong nước thì không có khí khẩu.

* Thịt lá / diệp nhục (mesophyll) là mô cơ bản của thịt lá; gồm các tế bào nhu mô chứa lục lạp còn gọi là lục mô, nơi đây diễn ra hầu hết quá trình quang hợp của cây. Thường có hai loại lục mô:

- Lục mô hình hàng rào (palisade mesophyll) gồm những tế bào xếp khít nhau theo hướng thẳng góc với bề mặt tế bào biểu bì trên. Có thể có từ một đến vài lớp lục mô hình hàng rào, thường lớp tế bào bên ngoài dài hơn các lớp trong. Nhiệm vụ chủ yếu của lục mô hình hàng rào là hoàn thành chức năng quang hợp, khối lượng lục lạp tập trung trong mô nầy chiếm khoảng 80% hay nhiều hơn.

- Lục mô khuyết/lục mô xốp (spongy mesophyll) nằm bên dưới lục mô hình hàng rào, gồm vài lớp tế bào lục mô xếp chừa khuyết hay bọng nơi CO2 khuếch tán tự do. Lục mô khuyết có nhiều khoảng gian bào thích nghi với việc dự trữ, trao đổi khí của lá với môi trường ngoài nên còn được gọi là mô thông khí.

Lá có cấu tạo mặt trên và dưới bởi hai loại lục mô khác nhau được gọi là cấu tạo dị diện, đặc trưng cho kiểu lá nằm ngang và được chiếu sáng đầy đủ. Nhiều lá khuynh diệp treo thòng trên nhánh nên hai mặt lá cùng hưởng đầy đủ ánh sáng như nhau nên có cấu tạo với hai mặt lá tương đối giống nhau: biểu bì trên và dưới cùng có ít khí khẩu, cutin dày, chỉ có một loại lục mô hình hàng rào; ta nói lá có cấu tạo đẳng diện. Trong nhiều lá của họ Sim (Myrtaceae) có nhiều tuyến tiết.

* Mô dẫn truyền là hệ thống các bó libe gỗ từ thân đi vào cuống lá, vào đến lá chúng sẽ phân thành hệ gân lá; ở lá song tử diệp thường có một gân chính to, từ đó phát xuất ra nhiều gân phụ nhỏ hơn.

- Gân chính các bó libe gỗ thường nhiều và phát triển sắp xếp thành hình vòng cung; các bó libe gỗ xếp chồng chất lên nhau với libe ở trên và gỗ ở dưới (trung tâm của hình vòng cung hướng vế thân nếu ta đỡ lá ôm vào thân).

- Gân phụ thường nhỏ hơn và nằm trong phần thịt lá, cấu tạo cũng gồm bó gỗ ở trên và libe ở dưới với số lượng các bó giảm đi.

* Mô nâng đở thường gặp giao mô ở bên dưới biểu bì của vùng gân chính và ở hai bên mép của phiến lá.

Cấu tạo tế bào và mô của lá trên mặt cắt ngang (bên trái) và mặt dưới lá (bên phải)

Cấu tạo phiến lá trên cùng một cây thay đổi tùy theo lá ở ngoài sáng hay trong tối và cũng thể hiện sự thích nghi đối với môi trường.

Cuống lá

Cuống lá có thể có hình trụ tròn, hình máng xối hay có rãnh ở mặt trên hoặc có khi có mang cánh ở hai bên như ở bưởi; lá có thể không có cuống lá. Cấu tạo của cuống lá phần nào giống cấu tạo sơ cấp của thân với từ ngoài vào trong cũng gồm có: biểu bì, nhu mô, mô nâng đỡ, mô dẫn truyền với cách sắp xếp các bó mạch rất đa dạng. Trên lát cắt ngang, cuống lá có cơ cấu đối xứng lưỡng diện như ở phiến, hệ thống dẫn có thể làm thành một vòng cung như ở húng (Mentha), trúc đào (Nerium), một vòng cung gần kín ở Chenopodium hay một vòng kín ở Citrus, Cucurbita; hoặc gồm các bó mạch riệng biệt hay có nhiều vòng chồng chất; nếu xếp thành vòng thì libe nằm ngoài bao lấy gỗ, nếu xếp thành vòng cung thì gỗ nằm trên và libe nằm bên dưới.

Mô mạch ở lát cắt ngang của cuống lá một số lá song tử diệp A,B. Euonymus; C,D. Nerium; E,F. Platanus; G,H. Citrus; I,J. Cucurbita; K,L. Mahonia

cây đơn tử diệp

Lá cây đơn tử diệp thường không có cuống lá; các gân lá không phân gân chính và gân phụ mà các gân lá xếp song song theo trục dọc của phiến lá với kích thước tương đương nhau. Cơ cấu của phiến lá thường đẳng diện với một loại lục mô; cũng gồm biểu bì trên và dưới giống nhau với cutin dầy và có nhiều khi khẩu, diệp nhục thường chỉ có một loại lục mô hoặc lục mô hình hàng rào hoặc lục mô đạo với hình dạng tế bào biến thiên; mô dẫn truyền gồm các bó gỗ và các bó libe chồng chất nhau với bó gỗ ở trên và bó libe ở dưới. Có lớp tế bào nhu mô làm thành bao (bundle sheat) bao quanh bó mạch. Cương mô làm thành đám nằm ngay trên và dưới bó libe gỗ.

Lát cắt ngang phiến lá đơn tử diệp (Lilium)
0