Cầu ngư
Lễ cầu ngư là lễ cúng tế ông Nam Hải, để xin ông luôn luôn cho sóng yên biển lặng, để tàu bè ra khơi đánh bắt nhiều hải sản. Ông Nam Hải, tức là thần biển, cũng gọi là Đức Ông và chính đó là những cỗ cá voi vì lí do nào đó bị chết trôi dạt vào bờ đã được vạn chài chôn cất cúng tế linh ...
Lễ cầu ngư là lễ cúng tế ông Nam Hải, để xin ông luôn luôn cho sóng yên biển lặng, để tàu bè ra khơi đánh bắt nhiều hải sản. Ông Nam Hải, tức là thần biển, cũng gọi là Đức Ông và chính đó là những cỗ cá voi vì lí do nào đó bị chết trôi dạt vào bờ đã được vạn chài chôn cất cúng tế linh đình. Mỗi vạn chài tuỳ theo tập quán riêng mà chọn ngày tốt làm lễ cầu ngư cho năm mới; tập quán được quy định bởi những cỗ cá voi chết trôi dạt vào vạn chài của mình, có nghĩa là tuỳ theo con cá to hay nhỏ. Sau khi chôn cất xong (hung táng) thì vạn chài quy định thời gian cải táng dài hay ngắn, họ chọn ngày cải táng để đưa hài cốt cá voi vào lăng thờ, và chính ngày cải táng đó là ngày tổ chức lễ cầu ngư hàng năm. Toàn thể vạn chài góp công sức tiền của và tham gia lễ cấu ngư hàng năm.
Mở đầu lễ cầu ngư là chọn giờ tốt để nghinh rước hồn cá voi và những người vạn chài bỏ mình trên biển trở về, lễ vật tuỳ theo tập quán mỗi vùng, thịt và bánh trái hoa quả. Sau đó là khởi ca mở đầu cho các sinh hoạt văn hoá truyền thống như ca hát, đua thuyền, thi bơi lội… kéo dài 2-3 ngày. Cuối cùng là lễ Tôn Dương (tế túc) kết thúc lễ cầu ngư.
Trong lễ cầu ngư có diễn chèo Bá Trạo là hình thức ca múa đặc trưng cho vạn chài dùng trong lễ nghinh và khởi ca. Đội chèo chừng 12-18 diễn viên ăn mặc đẹp tượng trưng cho tay lưới trong 1 ghe dưới sự chỉ huy của 3 vị: tổng mũi, tổng lái và tổng trung, vừa hát, vừa múa theo các động tác chèo thuyền, bủa lưới, kéo cá và chống đỡ với sóng bão.
Tuỳ theo điều kiện sinh sống của mỗi vạn chài mà có thời gian dài ngắn thích hợp cũng như nội dung phong phú hay không. Ngày nay, lễ cầu ngư ở các làng đánh cá ven biển như một sinh hoạt văn hoá truyền thống được sự quan tâm của chính quyền và sự tham gia nồng nhiệt của toàn dân.