18/06/2018, 13:05

Lễ hội

Hội phường săn Huế (Làng Thượng Phước, trung du Quảng Trị): Diễn ra vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch để kỷ niệm 2 vị thần lập làng và dạy dân săn bắn (cuối thế kỷ XVII), là quận công họ Hồ (Hồ Quý Công) và phó tướng của ngài là Trần Văn Hải. Hiện còn lăng mộ hai ông và dòng họ Trần, Hồ. ...

Hội phường săn Huế (Làng Thượng Phước, trung du Quảng Trị): 

Diễn ra vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch để kỷ niệm 2 vị thần lập làng và dạy dân săn bắn (cuối thế kỷ XVII), là quận công họ Hồ (Hồ Quý Công) và phó tướng của ngài là Trần Văn Hải. Hiện còn lăng mộ hai ông và dòng họ Trần, Hồ. Trước hội chính (15/3), ngày 13 và 14 tháng 3 có hội phường săn do cả làng tham gia. Thú săn được trong 2 ngày chặt đầu để tế thần, thịt chia cho dân. Nơi săn: khu vực đồi núi quanh vùng. Trước hội một tháng, dân chọn cử một gia đình song toàn đứng ra đảm nhiệm việc sắm sửa lễ vật và dụng cụ đi săn. Ngày 15 tháng ba: cúng hai thần tại đình. Lễ vật: Gà hầm, chim cu quay, các loại bánh chưng, bánh nếp, bánh cuốn, bánh mật. Hội săn ngày 13 tháng 3 không còn nữa, chỉ còn tế thần vào ngày 15 tháng 3.

Hội thả diều:

Nhiều loại diều. Loại to, đầu cánh nọ đến đầu cánh kia khoảng 3m, rộng 1m. Có khi thả diều đơn, có khi một diều mẹ, sáu bẩy diều con lúc tỏa, lúc tụ. Có ngày hội làng thả diều trao duyên, chiếc diều nữ bay lên đu đưa, những chiếc diều nam vây quanh. Rồi lúc nào đó, chiếc diều nữ bị động, lúng túng; hai sợi dây diều chập lại và hạ xuống, cả hội làng cổ vũ thành vợ chồng. Có những người chơi diều chọi nhau. (Các con diều mang hình nộm theo các tích tuồng cổ như “Tam Anh chiến Lã bố”, “Đại thánh đánh Bạch Cốt Tinh”). Chiến đấu trên không: cánh diều, mỏ diều chọi nhau; chiếc rách rụng xuống đất, các diều khác bay lên tiếp chiến.

Ở hội thi diều làng Chèm (Hà Nội) ngày rằm tháng 5, thí sinh phải đến trước một ngày làm diều, gọt sáo tại sân đình làng. Khung diều làm bằng tre già vót nhẵn, nền bằng giấy phết cậy, không thấm nước, không rách. Dây bằng cật tre vót mỏng ngâm nước, nối lại dài 500-600m, cuốn thành cuộn. Sáo làm bằng ống tre già, to, tạo nên những âm thanh như tù và, tiếng cồng, tiếng lệnh, tiếng còi… Gió thổi qua miệng sáo bằng gỗ, lùa vào các ổ sáo thành âm thanh có các cung bậc khác nhau. Người cầm diều đứng trên chiếc ghế đẩu trước sân đình. Sợi dây diều bị kẹp giữa hai lưỡi dao quắm sắc. Nếu diều hơi chao, sợi dây sẽ bị cắt đứt, chiếc khác vào thế chỗ. Chiếc nào lên cao an toàn được vào vòng hai, rồi chung khảo. Giải nhất được 5 vuông nhiễu, 2 quạt lông, 1 lọ chè, 3 bao thuốc và 3 phẩm oản to bằng chiếc ấm giỏ. Ai được giải mở hội khao làng.

Hội thi dệt vải:

Một trong các lễ hội xưa ở làng Thị Cầm (Hà Đông cũ). Người ta dựng rạp bằng tre ở giữa ao làng, trên đặt 10 khung cửi. Chọn 10 cô gái dệt giỏi nhất làng đi dự thi. Nhân dân đứng xung quanh ao làng xem và cổ vũ. Dệt xong một tấm vải nhanh và đẹp thì được giải.

Hội thi nấu cơm: 

Ở làng Thị Cầm (Hà Đông cũ). Làng có 4 giáp, mỗi giáp cử 10 người nam, nữ (4 người xay thóc giã gạo, 2 người kéo lửa bằng cật cây dang, 1 người đi lấy nước, 2 người nấu cơm, 1 người dần sàng). Đầu chít khăn xanh, đỏ, vàng, tím và thắt lưng cùng màu khăn để phân biệt các giáp. Chủ khảo đánh trống lệnh, các nhóm chấm thi từng khâu: xay thóc, giã gạo, dần sàng, giáp nào nhanh và gạo trắng nhất là được giải. Tiếp theo là thi kéo lửa nhanh, lấy nước vào bình bằng đồng chạy một quãng đường dài 500m. Cuối cùng là nấu cơm, giáp nào nấu nhanh, cơm dẻo là được giải và đưa cơm vào đình cúng thần. Khó nhất là kéo lửa, nên phải chọn những thanh dang già, phơi khô, hai thanh niên thật khỏe cọ các thanh dang vào nhau cho bật lửa, lấy bùi nhùi rơm khô châm vào để lấy lửa. 

 

0