Câu hỏi ôn tập bài 28: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam ( 1954-1965) (Phần 2) – Lịch sử 9
CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2 Câu hỏi 9: Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ là gì? Trả lời câu hỏi: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ của Cách mạng miền Nam là chuyển cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp trước đó sang đấu tranh chính trị chống Mĩ – Diệm, ...
CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2
Câu hỏi 9: Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ là gì?
Trả lời câu hỏi:
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ của Cách mạng miền Nam là chuyển cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp trước đó sang đấu tranh chính trị chống Mĩ – Diệm, đòi chúng thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, bảo vệ hòa bình gìn giữ và phát triển lực lượng cách mạng.
Câu hỏi 10: Phong trào đấu tranh chống chế độ Mĩ – Diệm của nhân dân miền Nam, trong những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đã diễn ra như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
– Mở đầu là “Phong trào hòa bình” ra đời ở Sài Gòn – Chợ Lớn vào tháng 8/1954. Phong trào ra đời với bản hiệu triệu hoan nghênh Hiệp định Giơ-ne-vơ, ủng hộ hiệp thương tổng tuyển cử và được sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
– Tháng 11 /1954, phong trào đấu tranh vì mục tiêu hòa bình của các tầng lớp nhân dân tiếp tục dâng cao, lan rộng tới các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng… và cả các vùng nông thôn. Phong trào đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia, gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, giáo phái, các dân tộc ít người… hình thành nên mặt trận chống Mĩ — Diệm.
– Trong những năm 1958 – 1959, phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ chống lại chính sách khủng bố, đàn áp, chống chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” của Mĩ — Diệm, đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng. Từ hình thức đấu tranh chính trị, hòa bình chuyển sang dùng bạo lực, tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Câu hỏi 11: Phong trào “Đồng khởi” nổ ra trong hoàn cảnh lịch sử nào ?
Trả lời câu hỏi:
– Trong những năm 1957 8 1959, Mĩ – Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”; tăng cường khủng bố, đàn áp; ra sắc lệnh “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, thực hiện “đạo luật 10 – 59” (5/1959) lê máy chém khắp miền Nam, giết hại những người vô tội. Chính sách khủng bố của Mĩ – Diệm đã làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam với Mĩ – Diệm gay gắt.
– Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng (đầu năm 1959) xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân để đánh đổ ách thống trị của Mĩ – Diệm.
– Nghị quyết 15 đã đáp ứng nhu cầu của cách mạng miền Nam và nguyện vọng của của nhân dân miền Nam lúc bấy giờ nên được nhân dân hưởng ứng và nổi dậy đấu tranh.
Câu hỏi 12: Tóm tắt diễn biến của phong trào “Đồng khởi”?
Trả lời câu hỏi:
– Phong trào được bắt đầu từ những cuộc nổi dậy của quần chúng lẻ tẻ ở từng địa phương như cuộc nổi dậy Vĩnh Thạnh (Bình Đinh), Bác Ái (Ninh Thuận) (2/1959), Trà Bồng (Quảng Ngãi) (8/1959), rồi lan rộng ra khắp miền Nam thành cao trào cách mạng với cuộc “Đồng khởi” tiêu biểu ở Bến Tre.
– Ngày 17/1/1960, nhân dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày đã đồng loạt nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch. Cuộc nổi dậy lan nhanh ra toàn huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre, phá vỡ từng mảng lớn bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở thôn xã. ủy ban Nhân dân tự quản được thành lập, lực lượng vũ trang nhân dân ra đời và phát triển, ruộng đất của địa chủ cường hào bị tịch thu đem chia cho dân cày nghèo.
– Từ Bến Tre, phong trào “Đồng khởi” lan khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ.
Câu hỏi 13: Nêu kết quả và ý nghĩa của phong trào Đồng khởi” (1959 – 1960)?
Trả lời câu hỏi:
* Kết quả:
– Phong trào “Đồng khởi” đã phá 2/3 chính quyền cơ sở của Mĩ – Diệm ở thôn, xã.
-Chính quyền cách mạng (Uỷ ban nhân dân tự quản) được thành lập ở nhiều thôn, xã.
* Ý nghĩa:
– Phong trào “Đồng khởi” đã giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ 1 miền Nam, gây tác động mạnh, làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm.
– Phong trào “Đồng khởi” thắng lợi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ trong khí thế đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20-12-1960).
Câu hỏi 14: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp trong hoàn cảnh lịch sử nào ?
Trả lời câu hỏi:
– Đất nước ta bị chia cắt làm hai miền dưới hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau.
– Cách mạng ở mỗi miền sau hơn 5 năm đã giành được những thắng lợi quan trọng. Miền Bắc đang giành thắng lợi to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ cải tạo và phát triển kinh tế. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt với phong trào “Đồng khởi”.
– Tuy nhiên, cách mạng hai miền cũng gặp không ít khó khăn. Yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi phải khẳng định đường lối chiến lược và có bước đi phù hợp.
Trong hoàn cảnh trên, vào tháng 9-1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội.
Câu hỏi 15: Trình bày nội dung cơ bản của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng(9-1960) ?
Trả lời câu hỏi:
– Phân tích đặc điểm tình hình đất nước và xác định nhiệm vụ cách mạng từng miền Bắc – Nam: miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
– Xác định mục tiêu chung của cách mạng hai miền là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
– Xác định vị trí, vai trò của cách mạng từng miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam và sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mĩ và tay sai.
– Đề ra đường lối chung của cả thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cụ thể hóa đường lối đó trong kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965), nhằm “thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa”.
– Đại hội bầu Ban Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị của Đảng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất.
Câu hỏi 16: Nêu ý nghĩa của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960)?
Trả lời câu hỏi:
– Đại hội là mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển trong quá trình xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà.
– Đại hội là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9
- Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
- Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
- Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
- Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9
Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 28: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam ( 1954-1965) (Phần 1) – Lịch sử 9