24/06/2018, 16:50

Câu hỏi ôn tập bài 21: Việt Nam trong những năm 1939-1945 – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP Câu hỏi 1: Tình hình thế giới và Đông Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào? Trả lời câu hỏi: – Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 6-1940, phát xít Đức tấn nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức. – Ở Viễn Đông, quân phiệt Nhật ...

CÂU HỎI ÔN TẬP 

Câu hỏi 1: Tình hình thế giới và Đông Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

– Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 6-1940, phát xít Đức tấn nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức.

– Ở Viễn Đông, quân phiệt Nhật cũng đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc và cho quân tiến sát biên giới Việt – Trung.

– Tháng 9-1940, Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật. Nhật lấn dần từng bước để biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ chiến tranh của Nhật.

– Thực dân Pháp – Đông Dương đứng trước hai nguy cơ: Cách mạng Đông Dương đang lớn mạnh và phát xít Nhật đang lăm le hất cẳng chúng. Vì vậy, Pháp đã cấu kết với Nhật để áp bức bóc lột nhân dân Đông Dương.

Câu hỏi 2: Tình hình Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ hai có điểm gì đáng chú ý?

Trả lời câu hỏi:

– Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta và từng bước thỏa hiệp với Nhật.

– Khi Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp đầu hàng và câu kết với Nhật trong việc đàn áp, bóc lột nhân dân ta.

Câu hỏi 3: Pháp – Nhật đã cấu kết với nhau để bóc lột nhân dân ta như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

– Thủ đoạn gian xảo của Pháp:

+ Thi hành chính sách “kinh tế chỉ huy”, thực chất là lợi dụng thời chiến để nắm độc quyền toàn bộ nền kinh tế Đông Dương và tăng cường việc đầu cơ tích trữ để vơ vét bóc lột của cải nhân dân ta được nhiều hơn.

+ Tăng các loại thuế, đặc biệt là các khoản thuế rượu, muối và thuốc phiện.

– Thủ đoạn tàn ác của Nhật:

+ Biến chính quyền thực dân Pháp thành công cụ để vơ vét của cải, buộc Pháp phải cung cấp các nhu yếu phẩm.

+ Bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, thu mua lương thực, chủ yếu là lúa gạo theo lối cưỡng bức với giá rẻ mạt để cung cấp cho quân đội tích trữ chuẩn bị chiến tranh.

Câu hỏi 4: Chính sách thống trị bóc lột của Pháp – Nhật đối với nhân dân gây hậu quả gì đối với nhân dân ta?

Trả lời câu hỏi

– Nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh một cổ hai tròng và đất nước Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Nhật – Pháp.

– Dưới hai tầng áp bức, bóc lột nặng nề của Pháp – Nhật, đời sống của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân ta bị đẩy đến tình trạng cực khổ, điêu đứng. Cuối năm 1944 đầu năm 1945 có khoảng 2 triệu đồng bào ta, chủ yếu là nông dân ở miền Bắc chết đói.

– Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với đế quốc phát xít Nhật, Pháp trở nên gay gắt. Nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh chống Pháp – Nhật đã bùng lên mạnh mẽ.

Câu hỏi 5: Vì sao thực dân Pháp và phát xít Nhật thỏa hiệp với nhau để cùng thống trị nhân dân Đông Dương?

Trả lời câu hỏi:

Thực dân Pháp và phát xít Nhật câu kết với nhau để thống trị nhân dân Đông Dương bởi vì:

– Thực dân Pháp lúc này không đủ sức chống lại Nhật buộc phải chấp nhận các yêu sách của Nhật, mặt khác, chúng muốn dựa vào Nhật để chống phá cách mạng Đông Dương.

– Phát xít Nhật lại muốn lợi dụng Pháp để kiếm lời và cùng chống phá cách mạng Đông Dương, vơ vét sức người, sức của để phục vụ cuộc chiến tranh của Nhật.

Câu hỏi 6: Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra trong hoàn cảnh nào?

Trả lời câu hỏi:

Quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân đội Pháp trên đường thua chạy đã rút qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội đó, Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa.

Câu hỏi 7: Trình bày ngắn gọn diễn biến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ?

Trả lời câu hỏi:

– Quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân đội Pháp trên đường thua chạy đã rút qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội đó, Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo nhân dân nổi dậy, giải tán chính quyền địch và thành lập chính quyền cách mạng (27-9-1940). Nhưng sau đó, Nhật đã thỏa hiệp để Pháp quay trở lại đàn áp, dồn dân, bắt giết cán bộ, đốt phá nhà cửa, cướp đoạt tài sản của nhân dân.

– Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, nhân dân ta đã đấu tranh quyết liệt chống khủng bố, trừng trị bọn tay sai, duy trì các cơ sở của cuộc khởi nghĩa và lập căn cứ quân sự. Tịch thu tài sản của đế quốc và tay sai chia cho dân nghèo và các gia đình bị thiệt hại. Thành lập đội du kích Bắc Sơn.

– Nhật đã thỏa hiệp để Pháp quay trở lại đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng Bắc Sơn. Chúng dồn dân, bắt giết cán bộ, đốt phá nhà cửa, cướp đoạt tài sản của nhân dân.

Câu hỏi 8: Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9- 1940) ?

Trả lời câu hỏi:

– Khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại chủ yếu là do điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa chỉ mới xuất hiện tại địa phương chứ chưa phải trên cả nước, kẻ địch có điều kiện tập trung lực lượng để đàn áp.

– Tuy thất bại, những cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã duy trì được một phần lực lượng là đội du kích Bắc Sơn.

Lực lượng này ngày càng lớn dần lên và trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của Đảng sau này.

Câu hỏi 9: Cuộc khởi nghĩa Nam Kì diễn ra trong hoàn cảnh nào?

Trả lời câu hỏi:

Thực dân Pháp đã bắt binh lính Việt Nam ra mặt trận biên giới Lào — Cam-pu-chia. Nhân dân Nam Kì rất bất bình, đặc biệt nhiều binh lính đã đào ngũ, hoặc bí mật liên lạc với Đảng bộ Nam Kì. Trước tình thế cấp bách, Đảng bộ Nam Kì quyết định khởi nghĩa.

Câu hỏi 10: Tóm tắt diễn biến, kết quả của cuộc khởi nghĩa Nam Kì (23-11-1940) ?

Trả lời câu hỏi

* Khởi nghĩa Nam Kì (23-11-1940)

– Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 ở hầu khắp các tỉnh Nam Kì. Nghĩa quân triệt hạ một số đồn bốt giặc, phá nhiều đường giao thông; thành lập chính quyền nhân dân và tòa án cách mạng ở nhiều vùng thuộc các tỉnh Mĩ Tho, Gia Định… Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa này.

– Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Cơ sở đảng bị tổn thất nặng nề.

Câu hỏi 11: Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Nam Kì ?

Trả lời câu hỏi:

* Nguyên nhân thất bại

Khởi nghĩa Nam Kì thất bại vì nổ ra khi điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên Pháp đã kịp thời tập trung chuẩn bị đối phó.

* Ý nghĩa lịch sử

– Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam Kì chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, nguyện vọng thiết tha đánh đổ thực dân Pháp và phát xít Nhật của các tầng lớp nhân dân ta (kể cả anh em binh lính người Việt trong quân đội Pháp) muốn giành độc lập dân tộc.

– Khởi nghĩa để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về khởi nghĩa vũ trang…

Câu hỏi 12: Hãy nêu nguyên nhân bùng nổ và ỷ nghĩa lịch sử của hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì ?

Trả lời câu hỏi:

– Nguyên nhân chung là do khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp đầu hàng nhục nhã đối với Nhật, câu kết với Nhật ra sức áp bức bóc lột nhân dân ta, làm cho đời sống của nhân dân ta rất cực khổ đã thôi thúc nhân dân ta đứng lên đánh Pháp — Nhật.

– Các cuộc nổi dậy trên đã chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta và để lại cho Đảng ta những bài học bổ ích về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích.

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 19: Phong trào cách mạng Việt Nam trong những năm 1930-1945 – Lịch sử 9

0