Câu hỏi ôn tập bài 16: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919-1925 ( Phần 2) – Lịch sử 9
CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2 Câu hỏi 10: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời trong hoàn cảnh nào? Trả lời câu hỏi: Hoàn cảnh ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên: – Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào công nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đến năm 1925 đã có những bước ...
CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2
Câu hỏi 10: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trả lời câu hỏi:
Hoàn cảnh ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên:
– Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào công nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đến năm 1925 đã có những bước tiến mới.
– Sau một thời gian ở lại Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảng kiểu mới, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam ở đây, cùng một số thanh niên mới từ trong nước sang để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt (6 – 1925).
Câu hỏi 11: Mục đích của Nguyễn Ái Quốc khi chủ trương thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là gì?
Trả lời câu hỏi:
Chủ trương thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Nguyễn Ai Quốc là nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng đưa họ về nước hoạt động, xuất bản báo chí để tuyên truyền đường lối của Hội, truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin truyền bá vào trong nước, giáo dục lòng yêu nước, chuẩn bị điều kiện thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Câu hỏi 12: Việc thành lập Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
Việc thành lập Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thể hiện đây là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản và là bước quá độ, là hạt nhân chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản ở Việt Nam.
Câu hỏi 13: Nền tảng tư tưởng chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là gì?
Trả lời câu hỏi:
Nền tảng tư tưởng chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là chủ nghĩa Mác – Lênin.
Câu hỏi 14: Trình bày những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ?
Trả lời câu hỏi:
– Mở nhiều lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy để đào tạo cán bộ cách mạng.
– Xuất bản báo Thanh niên (1925), tác phẩm Đường kách mệnh (đầu năm 1927), vạch ra những phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
– Xây dựng tổ chức cơ sở ở hầu khắp cả nước. Ngoài ra, một số đoàn thể quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ… cũng được tổ chức.
– Năm 1928, chủ trương “vô sản hóa” đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.
Câu hỏi 15: Những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có tác dụng gì đối với phong trào cách mạng Việt Nam?
Trả lời câu hỏi:
– Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân, nâng cao ý thức giai cấp, trình độ giác ngộ chính trị của công nhân.
– Góp phần làm cho phong trào công nhân có những bước phát triển mới: các cuộc đấu tranh của công nhân đều mang tính chất chính trị, vượt ra ngoài phạm vi một xưởng, bước đầu liên kết được nhiều ngành, nhiều địa phương, mang tính thống nhất trong toàn quốc.
– Thúc đẩy phong trào nông dân, phong trào tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước khác phát triển, kết thành một làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ khắp cả nước, trong đó giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
Câu hỏi 16: Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
– Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc đó là con đường theo chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc ra sức học tập, nghiên cứu để hoàn chỉnh nhận thức của mình về chủ nghĩa Mác – Lênin, về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
– Những quan điểm, tư tưởng được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu trong các sách, báo và được bí mật truyền bá về nước, có tác dụng kích thích phong trào dân tộc phát triển, chuyển biến theo xu hướng cách mạng vô sản. Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho đường lối cách mạng Việt Nam được Người trình bày trong cuốn Đường kách mệnh và Chính cương, Sách lược vắn tắt của Đảng sau này.
– Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để đào tạo cán bộ cách mạng rồi đưa về nước hoạt động trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là một tổ chức trong thời kì quá độ chuẩn bị điều kiện cho sự ra đời của một tổ chức chính đảng cộng sản ở Việt Nam.
Những sự kiện trên đã chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Câu hỏi 17: Những cống hiến của Nguyễn Ái Quốc đối với Cách mạng Việt Nam trong thời gian từ 1911 đến năm 1930?
Trả lời câu hỏi:
Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc (kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới).
– Chuẩn bị về chính trị tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.
– Xác định đường lối đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Câu hỏi 18: Lập bảng niên biểu về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 – 1925 theo hai cột trong bảng sau:
Thời gian | Sự kiện |
…………………….. | …………………….. |
Trả lời câu hỏi:
Thời gian | Sự kiện |
6/1919 | Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xai. |
7/1920 | Nguyễn Ái Quốc đọc sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. |
12/1920 | Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. |
1921 | Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Ra báo “Người cùng khổ”. |
1923 | Người sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân và được bầu vào Ban Chấp hành. |
1924 | Người dự và đọc tham luận tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V. |
1925 | Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. |
Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9
- Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
- Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
- Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
- Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9
Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 16: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919-1925 ( Phần 1) – Lịch sử 9