LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG TRUYỀN HÌNH |
|
|
|
|
|
|
1. Tên gọi, địa điểm
Tên tiếng Việt: Trường Cao đẳng Truyền hình
Tên giao dịch tiếng Anh: College of Television
Tên viết tắt: CTV
Cơ quan chủ quản: Đài Truyền hình Việt Nam
Địa chỉ: Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 33853048 - (024) 33851529
Website: http://ctv.vtv.vn
2. Địa vị pháp lý của Trường
Trường Cao đẳng Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 361/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 21/01/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cao đẳng truyền hình thực hiện theo Quyết định số 2197/QĐ-THVN ngày 15/12/2014 của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Theo quy định, trường Cao đẳng truyền hình là cơ sở đào tạo chuyên nghiệp nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia, là đơn vị thuộc Đài THVN, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ truyền hình trình độ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và sơ cấp nghề cung cấp nguồn nhân lực cho Đài THVN, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước và cho toàn xã hội. Trường Cao đẳng truyền hình có quyền hạn về tổ chức và tài chính theo quy định hiện hành, có tài khoản riêng, con dấu riêng
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trường
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo dài hạn, ngắn hạn hàng năm của nhà trường trình Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam xét duyệt.
- Tổ chức tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao đẳng và các trình độ khác theo quy định trong lĩnh vực: Báo chí; Quay phim; Đạo diễn truyền hình; Kỹ thuật truyền hình; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ Kỹ thuật Điện tử, Truyền thông; Tiếng Anh.
- Quyết định công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề cho các ngành nghề được đào tạo thuộc các bậc Cao đẳng, Trung học và Dạy nghề theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức nghiên cứu, biên soạn và hoàn thiện các đề cương, chương trình, giáo trình, các tài liệu giảng dạy theo đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung của các ngành nghề được đào tạo.
- Liên kết với các cơ sở liên quan tổ chức dạy nghề cho học sinh phổ thông nơi trường đóng trên địa bàn. Liên kết với các trường khác có điều kiện để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở bậc cao hơn Cao đẳng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
- Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học trong lĩnh vực truyền hình.
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hàng năm để đảm bảo đủ điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo của nhà trường.
- Quản lý theo phân cấp về tổ chức cán bộ, hồ sơ, tài liệu, tài sản, tài chính của đơn vị theo quy định hiện hành của pháp luật và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
- Đảm bảo tốt mối quan hệ giữa nhà trường và địa phương, thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước quy định, góp phần giữ gìn tốt trật tự trị an - an ninh xã hội.
4. Quá trình hình thành và phát triển của Trường
Trường Cao đẳng Truyền hình, tiền thân là trường Công nhân kỹ thuật Phát thanh được thành lập ngày 10/3/1956 tại Đài Phát thanh Mễ Trì, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ trung cấp cho các đài truyền thanh, phát thanh trong cả nước. Ngày 10/3 hàng năm được chọn là ngày truyền thống của trường. Sau nhiều lần tách nhập, đổi tên, đổi cơ quan chủ quản và di chuyển địa điểm tới 6 lần qua nhiều địa bàn. Trong 15 năm, trường đã đào tạo mới hàng ngàn công nhân kỹ thuật, bổ túc tay nghề cho hàng ngàn công nhân kỹ thuật bậc cao... đáp ứng yêu cầu lịch sử của ngành phát thanh Việt Nam trong giai đoạn đó. Ngoài việc tiếp tục đào tạo công nhân kỹ thuật cung cấp cho Đài Tiếng nói Việt Nam, trường còn đào tạo các hệ công nhân kỹ thuật cung cấp cho ngành truyền hình như: Công nhân sửa chữa máy thu hình, công nhân ánh sáng truyền hình, quay phim truyền hình, công nhân dựng cảnh truyền hình, công nhân hoá trang cho truyền hình... Thời kỳ này trường đã đào tạo một lực lượng đông đảo công nhân kỹ thuật cung cấp cho Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài Truyền hình khu vực.
Năm 1973, trường được cấp 20.000m2 tại thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) để xây dựng trường.
Sau khi thống nhất đất nước, trường tiếp tục đào tạo công nhân kỹ thuật và các cán bộ nghiệp vụ cung cấp cho ngành phát thanh - truyền hình trong phạm vi cả nước. Các ngành nghề đào tạo trong thời kỳ này là: công nhân âm thanh, công nhân truyền dẫn phát thanh - truyền hình, công nhân sản xuất chương trình truyền hình, công nhân sửa chữa các thiết bị truyền hình, phóng viên phát thanh - truyền hình, phóng viên quay phim, công nhân ánh sáng, công nhân hoá trang và công nhân dựng cảnh, phát thanh viên... cung cấp hàng ngàn cán bộ cho các đài truyền thanh, phát thanh truyền hình từ cấp huyện, thị đến trung ương.
Ngày 01/10/1979, Uỷ ban Phát thanh Truyền hình ký quyết định chuyển trường Công nhân Kỹ thuật Phát thanh thành trường Nghiệp vụ Phát thanh Truyền hình trực thuộc Uỷ ban Phát thanh Truyền hình với nhiệm vụ mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật và thi tay nghề cho các học viên.
Năm 1984 là năm đầu tiên trường đào tạo chính quy dài hạn các nghề phát thanh viên, biên tập viên và cán bộ quản lý đài Truyền thanh huyện.
Ngày 24/04/1987, Trường Nghiệp vụ Phát thanh Truyền hình đã được bàn giao sang trực thuộc Bộ Thông tin.
Ngày 03/12/1992, Trường được nâng cấp thành Trường Trung học Phát thanh Truyền hình. Trường vẫn tiếp tục đào tạo các ngành nghề như giai đoạn 1979 - 1992 ở cả hệ trung cấp và hệ công nhân kỹ thuật bậc 3/7. Ngoài ra, trường còn phối hợp với Phân viện Báo chí Truyên truyền thuộc Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đào tạo Đại học Báo chí; Liên kết với Viện Đại học Mở Hà Nội đào tạo Đại học Điện tử - Viễn thông và Tin học.
Ngày 01/11/1993, Trường được bàn giao về Đài Truyền hình Việt nam và ngày 20/02/1997, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam ký quyết định đổi tên trường là Trường Trung học truyền hình.
Ngày 21/01/2005, Trường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập Trường Cao đẳng Truyền hình. Với vị thế đào tạo cử nhân cao đẳng, trường đã có nhiều bước đột phá trong lĩnh vực đào tạo, thông qua việc đào tạo các chức danh chuyên biệt cho ngành truyền hình, lực lượng sinh viên khi ra trường được nhiều đài truyền hình trong cả nước đón nhận một cách tích cực.
Từ năm 2005 đến nay, nhà trường vừa ổn định tổ chức bộ máy vừa thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án lên cao đẳng đã đưa ra, đó là nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo và đã đạt được những thành công nhất định. Số lượng giảng viên đi học cao học và nghiên cứu sinh tăng hàng năm, công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho giảng viên được tổ chức thường niên. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục liên kết với các trường đại học trong nước để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành truyền hình như: liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo Cao đẳng kỹ thuật Điện tử - Viễn thông; liên kết đào tạo với Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đào tạo ngành Quay phim trình độ đại học và trường Đại học Bưu chính viễn thông đào tạo đại học ngành Điện tử viễn thông v.v..
Trang thiết bị chuyên dụng về sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng đáp ứng đủ nhu cầu thiết bị học thực hành cho sinh viên. Hệ thống thiết bị của nhà trường tương đương với một Đài truyền hình cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, nhà trường tích cực đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đổi mới các chương trình đào tạo, đề cương môn học theo hướng sát với yêu cầu thực tế nhằm đáp ứng đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.