VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
Tóm tắt các giai đoạn chính trong lịch sử phát triển Nhà trường
Từ 1965 đến 1975 | - | Trường Sư phạm Sơ cấp Bình Định |
Từ 1976 đến 1990 | - | Trường Trung học Sư phạm Bình Định |
Từ 1991 đến 1998 | - | Trường Sư phạm Bình Định |
Từ 1998 đến 05/2009 | - | Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định |
Từ 05/2009 đến nay | - | Trường Cao đẳng Bình Định |
1. Giai đoạn 1 (1965-1975)
Trường được thành lập vào tháng 9 năm 1965 tại vùng căn cứ Cách mạng ở miền núi tại làng O3, xã Tu-Kroon, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định (mật danh H50) có nhiệm vụ đào tạo giáo viên để dạy chữ cho con em nhân dân và bà con trong vùng giải phóng, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ nòng cốt để lãnh đạo hoạt động cách mạng. Trong 10 năm, trường đã đào tạo được 455 giáo viên.
2. Giai đoạn 2 (1976-1990)
Sau ngày đất nước thống nhất, trường được chuyển về thị xã Quy Nhơn, đến 11/1975 trường được đổi tên là trường THSP số 1 Nghĩa Bình tại số 130 đường Trần Hưng Đạo thị xã Quy Nhơn. Đến 07/1978 trường THSP số 2 nhập vào nên trường được đổi thành trường THSP Nghĩa Bình, đến 9/1989 tách tỉnh Nghĩa Bình trở lại 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, trường lại được đổi tên thành trường THSP Bình Định. Trong suốt 15 năm trường đã đào tạo được 6.627 giáo viên cấp I đáp ứng cho nhu cầu giáo dục của địa phương đồng thời còn mở các hệ chuyên tu, hoàn chỉnh kiến thức cho đội ngũ giáo viên cấp I.
3. Giai đoạn 3 (1991-1998)
Vào năm 1990 và 01/1991, trường SPMN và trường CBQLGD sát nhập vào trường nên trường được đổi tên thành trường Sư phạm Bình Định, lúc này trường đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo, liên kết với trường Cao đẳng Sư phạm Huế, trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn để mở hệ đào tạo GVTH trình độ Cao đẳng và giáo viên THCS cho tỉnh nhà, chuẩn bị xu hướng nâng cấp lên trường Cao đẳng. Trong giai đoạn này trường được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
4. Giai đoạn 4 (1998-05/2009)
Ngày 23/10/1998, trường có quyết định của Thủ tướng Chính phủ nâng cấp lên thành trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định. Trong thời gian này, trường đã tích cực đào tạo, chuẩn hóa, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các ngành học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và đội ngũ cán bộ quản lý phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, ngoài ra trường còn đào tạo một số ngành ngoài sư phạm, để cung cấp nguồn nhân lực, nhằm phục vụ nhu cầu công nghiệp hoác và hiện đại hóa của địa phương, cho đến nay, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 24 ngành vừa sư phạm và ngoài sư phạm.
Với xu thế chung của thời đại và tình hình thực tế của tỉnh nhà, hiện nay nhà trường tập trung nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chuẩn bị đầy đủ chất và lượng để nâng cấp thành trường Cao đẳng Bình Định. Trong thời gian này trường lại được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
5. Giai đoạn 5 (05/2009 đến nay)
Tháng 5 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định số 3349/QĐ/BGDĐT đổi tên trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định thành trường Cao đẳng Bình Định, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học.
Trường Cao đẳng Bình Định đang đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trình độ Trung cấp và Cao đẳng hệ chính qui và vừa làm vừa học; đào tạo 24 chuyên ngành trình độ Cao đẳng và Trung cấp; bồi dưỡng cán bộ quản lý trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, trường có cơ cấu tổ chức 06 phòng chức năng, 06 khoa, 02 tổ bộ môn trực thuộc và 02 trung tâm.
Trong những năm qua, cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, mang lại nhiều thay đổi vượt bậc trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.
VỀ SỨ MỆNH VÀ MỤC TIÊU
1. Sứ mệnh
Trường Cao Đẳng Bình Định là một trường Cao đẳng đa ngành chất lượng cao của khu vực, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ Cao đẳng phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và vẫn tiếp tục đào tạo lực lượng giáo viên Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khoa học vững chắc, có sức khỏe để làm tốt nhiệm vụ đào tạo và giáo dục học sinh. Tổ chức cho cán bộ giảng viên và học sinh sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học, trọng tâm là khoa học giáo dục.
2. Mục tiêu
- Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu vừa tăng qui mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới quản lý nhà trường; phát huy nội lực, tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện dạy - học, phát triển đào tạo các ngành nghề ngoài sư phạm.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, phấn đấu giữ vững vị trí của trường trong hệ thống giáo dục, là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nguồn nhân lực có chất lượng cao, có uy tín, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng xã hội, là nơi nghiên cứu khoa học cơ bản; ứng dụng khoa học và công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc gia, tỉnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác, bình đẳng trong khu vực nhằm mục đích tiếp cận với trình độ giáo dục và đào tạo tiên tiến của khu vực, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương và đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển Cao đẳng - Đại học đa ngành, đào tạo đa lĩnh vực.
VỀ CÁC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO - BỒI DƯỠNG
Tổng quan về các nhóm chuyên ngành đào tạo chính trong Nhà trường:
- Đào tạo - bồi dưỡng giáo viên Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trình độ Trung cấp và Cao đẳng hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học.
- Được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trên 24 chuyên ngành trình độ cao đẳng (trong đó 16 ngành sư phạm và 08 ngành ngoài sư phạm): Toán - Tin, KTCN - Công nghệ, Sinh - Hoá, KTNN - Sinh, Thể dục - Đoàn đội, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục Mầm non; Tiếng Anh, Tin học ứng dụng, Kế toán, Việt Nam học, QTKD du lịch, Nuôi trồng thuỷ sản, Quản lý thông tin, Thư viện, ...
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép đào tạo 05 ngành đào tạo trình độ Trung học chuyên nghiệp (trong đó có 01 ngành sư phạm và 04 ngành ngoài sư phạm).
VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Tổ chức bộ máy gồm:
- Ban Giám hiệu: Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng.
| | |
HIỆU TRƯỞNG ThS. LÊ THANH TRÚC | | PHÓ HIỆU TRƯỞNG ThS. TRẦN THANH BÌNH |
PHÒNG CHỨC NĂNG | LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ |
Phòng Đào tạo | |
Phòng Công tác HSSV | |
Phòng Tổ chức - Hành chính quản trị | |
Phòng Tài chính - Kế toán | |
Phòng Khoa học - Đối ngoại | |
Phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng | |
- Các Khoa, Tổ chuyên môn: Khoa Sư phạm, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Năng khiếu, Khoa Tài chính - Kế toán, Khoa Quản trị kinh doanh - Du lịch
KHOA, TỔ CHUYÊN MÔN | LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ |
Khoa Sư phạm | |
Khoa Công nghệ thông tin | |
Khoa Ngoại ngữ | |
Khoa Kế toán - Tài chính | |
Khoa Quản trị kinh doanh | |
Khoa Năng khiếu - Giáo dục quốc phòng | |
Tổ Lý luận chính trị | |
Tổ Tâm lý giáo dục | |
BAN, TRUNG TÂM | LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ |
Ban Quản lý Ký túc xá | |
Ban Lao động | |
Trung tâm Hỗ trợ học tập | |
Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học | |
VỀ CÁC THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC
1. Về đào tạo
Với nhu cầu đào tạo của người học ngày càng tăng, ngành nghề đào tạo của nhà trường từng bước được mở rộng kể cả sư phạm và ngoài sư phạm. Các ngành nghề đào tạo của trường ngày càng đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực: Giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, kinh tế.
Từ năm 2005, trường liên kết đào tạo với trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, trường Đại học Quy Nhơn để đào tạo các ngành Văn hóa du lịch, Quản trị kinh doanh - Du lịch và liên thông bậc Cao đẳng lên Đại học. Đối tượng đào tạo cũng đa dạng: Học sinh sinh viên, cán bộ quản lý, giáo viên, học viên trong và ngoài tỉnh.
Chất lượng đào tạo được duy trì, ổn định và phát triển, có uy tín trong xã hội. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường phần lớn được nhận công tác trong ngành giáo dục và các ngành nghề khác phù hợp với nội dung được đào tạo.
2. Về xây dựng đội ngũ
Hàng năm, nhà trường làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ công chức mới, đảm bảo tiêu chuẩn để bổ sung đội ngũ cán bộ công chức của trường. Công tác quy hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý luôn được nhà trường quan tâm đúng mức.
Số cán bộ, giảng viên có trình độ Thạc sĩ ngày càng tăng. Hiện nay, trường có 40 Thạc sĩ (40/106, 37,7%) trong đó có 05 Thạc sĩ được đào tạo từ nước ngoài và có 03 giảng viên đang được đào tạo thạc sĩ trong nước, 12 giảng viên chính. Hiện nay có 01 giảng viên đang được đào tạo Thạc sĩ ở New Zealand và 02 giảng viên đang làm Nghiên cứu sinh ở Úc.
3. Về nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học đã được nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai kịp thời và có hiệu quả. Từ năm 2004 - 2009, trường đã có 48 đề tài, trong đó có 02 đề tài cấp Bộ, 07 đề tài cấp tỉnh và 39 đề tài cấp trường do cán bộ, giảng viên của trường thực hiện. Phần lớn các đề tài phục vụ nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp và đưa công nghệ thông tin vào công tác dạy và học, nhiều đề tài gắn liền với thực tiễn giáo dục phổ thông.
4. Về xây dựng cơ sở vật chất
Cùng với sự phát triển đi lên của nhà trường, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường không ngừng được bổ sung. Đến nay, trường đã có một cơ ngơi khang trang, khá đầy đủ để phục vụ cho các hoạt động dạy - học và công tác với tổng diện tích đang sử dụng phục vụ học tập là 6.650m2. Các phòng học đạt chuẩn theo quy mô đào tạo để tổ chức việc dạy học trên lớp. Hệ thống phòng thực hành thí nghiệm gồm có: phòng thực hành thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tạo hình đồ chơi, Âm nhạc, Mỹ thuật, phòng thực hành CNTT và phòng nghe nhìn.
Bên cạnh các khu phòng học thì khu nhà Hiệu bộ 5 tầng là nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các đơn vị chức năng khác cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Nhà trường hiện cũng đã đưa vào sử dụng 6 khu ký túc xá khang trang, đảm bảo nhu cầu về chỗ ở, yên tâm học tập và làm việc cho các sinh viên cũng như giảng viên trong trường.
5. Thành tích đã đạt được của nhà trường trong thời gian qua
- Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1996).
- Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2003).
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen (2003-2004, 2004-2005, 2005-2006, 2006-2007).
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về việc Thực hiện Giáo dục Dân tộc giai đoạn 1986-2008.
- Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc (2008, 2009).
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen “Đạt thành tích xuất sắc trong việc tham gia dự án phát triển giáo dục THCS giai đoạn 2000-2005”.
Ngoài ra, hàng năm có nhiều cá nhân và tập thể đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, công tác và hoạt động đoàn thể, được nhận Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định.
Với những thành tích trên, trường Cao đẳng Bình Định xứng đáng là trung tâm văn hoá - giáo dục, là địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của tỉnh nhà. Những thành tích trên khẳng định quá trình phấn đấu liên tục, sự nỗ lực, sáng tạo của cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên, học sinh sinh viên trường Cao đẳng Bình Định trong những năm qua.