Cẩn trọng với phiếu đăng ký tránh mất cơ hội xét tuyển ĐH
TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT - khẳng định như vậy và thông tin thêm nếu thí sinh để trống hoặc ghi "không" vào phiếu đăng ký xét tuyển sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Đây là lưu ý được TS Trần Văn ...
TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT - khẳng định như vậy và thông tin thêm nếu thí sinh để trống hoặc ghi "không" vào phiếu đăng ký xét tuyển sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Đây là lưu ý được TS Trần Văn Nghĩa giải đáp băn khoăn của thí sinh tại ngày hội Tư vấn mùa thi 2017 do báo Thanh Niên và Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/2.
TS Nghĩa giải thích khi đăng ký dự thi sẽ có phiếu đăng ký xét tuyển đi kèm. Theo đó, thí sinh phải trả lời có đăng kí xét tuyển. Nếu nguyện vọng ban đầu không phù hợp, sau khi có kết quả thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng.
"TS có thể đăng ký rồi điều chỉnh sau nhưng trước hết ở thời điểm này TS phải trả lời câu hỏi có đăng ký xét tuyển ĐH không, nếu đánh dấu có thì mới có cơ hội xét tuyển. Nếu không đăng ký TS sẽ mất cơ hội này vì khi đăng ký dự thi TS phải nộp luôn lệ phí xét tuyển”, ông Nghĩa nói
Nếu thí sinh đánh dấu "không" hoặc để trống, khi có kết quả thi sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng. Ngoài ra, việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi là sự hỗ trợ cho thí sinh trong trường hợp trước đó đã đăng ký vào trường quá sức của mình.
Ông Nghĩa cung cấp thêm điểm từng môn trong bài thi tổ hợp được quy về thang điểm 10. Điểm liệt từ điểm một trở xuống trong từng môn thành phần.
Nguyện vọng đầu tiên là quan trọng nhất
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết năm 2017 là năm đầu tiên không hạn chế thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành, trường yêu thích. Sau khi có kết quả, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, tránh rủi ro khi xét tuyển. Thí sinh phải xác định được ngành nghề phù hợp để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho rằng dù không hạn chế đăng ký nguyện vọng nhưng thí sinh cần cân nhắc.
"Thực chất của việc đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng cuối cùng thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Đây là nguyện vọng cao nhất vì vậy nguyện vọng đầu tiên trong phiếu đăng ký là nguyện vọng cao nhất", ông Nghĩa lưu ý.
Theo thethaohangngay