Cảm nhận về truyện ngắn Làng của Kim Lân
– Bài làm 1 Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính – ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí. Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống ...
– Bài làm 1
Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính – ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí.
Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách để làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật đó là tình huống ông Hai đột ngột nghe tin dữ: Làng Chợ Dầu của ông theo giặc lập tề.
Cái tin ấy đến với ông vào một buổi trưa giữa lúc tâm trạng ông đang rất phấn chấn vì nghe được nhiều tin ta đánh thắng giặc trên tờ báo ở phòng thông tin. Cai tin ấy quá đột ngột, khiến ông sững sờ đến nỗi “cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông đã cố gắng gặng hỏi để hi vọng cái tin ấy là không đúng sự thật. Nhưng người đưa tin lại kể rành rọt quá và khẳng định là họ vừa mới từ dưới ấy lên, nên ông không thể nào nghi ngờ gì nữa. Từ lúc ấy, ông Hai rơi vào tình trạng đau đớn, tủi hổ ngày càng nặng nề. Trước càng tự hào, hãnh diện bao nhiêu về cái làng của mình thì nay ông Hai lại càng đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu. Suốt ngày ông không bước ra đến ngõ. Ông chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng tai nghe động tĩnh bên ngoài: “Một đám đông tụm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông… là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!”… Tác giả đã diễn tả rất cụ thể và sâu sắc cái tâm trạng nặng nề đến thành một nỗi sợ sệt luôn ám ảnh trong tâm trí ông Hai.
Không khí nặng nề bao trùm cả gia đình ông từ khi có cái tin ấy. Cả nhà, từ ông Hai, bà Hai đến lũ trẻ con đều sống trong tâm trạng nặng nề, nơm nớp, không ai dám nói to, trẻ con cũng không dám cười đùa. Lòng tự hào về làng quê của ông đã bị tổn thương nặng nề. Nỗi tủi hổ vì là dân của cái làng Việt gian theo Tây đè nặng khiến ông Hai không dám ló mặt ra ngoài, đến cả bên bác Thứ ông cũng không dám sang. Tình thế của ông Hai và gia đình càng khốn đốn hơn khi mà mụ chủ nhà đã ngỏ ý không cho nhà ông ở nhờ nữa mà nghe nói đã có lệnh không chứa chấp những người của cái làng Chợ Dầu theo Tây. Nhưng chính trong tình thế ấy mới càng bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê đã thống nhất với lòng yêu nước của một người nông dân bình thường như ông Hai. Trong lúc dường như đã tuyệt vọng tất cả đường sinh sống, ông Hai thoáng có ý nghĩ: “Hay là quay về làng?”. Nhưng ông đã gạt ngay ý nghĩ ấy, bởi vì làng bây giờ đã theo Tây, bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, là cam chịu trở lại với kiếp nô lệ nhục nhã mà chỉ mới nghĩ đến ông đã thấy rung mình. Bởi thế mà ông Hai đã tự xác định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
Sự mở rộng và thống nhất của tình yêu quê hương trong tình yêu nước và tình cảm giai cấp là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kì kháng chiến đã chú trọng làm nổi bật.
Góp phần vào thành công của truyện ngắn Làng, ngoài nghệ thuật xây dựng tình huống và miêu tả tâm lí, còn phải kể đến đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật – cả ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ trần thuật.
Kim Lân không thuộc số nhà văn mà khi đi vào cách mạng và kháng chiến phải cố gắng hết sức từ bỏ con người cũ của mình để thâm nhập vào đời sống của nhân dân ta và sáng tác theo phương hướng “đại chúng hóa”. Kim Lân vốn đã rất am hiểu và gần gũi với những nhân vật quần chúng của mình, nhà văn để họ được nói năng, suy nghĩ, hành động một cách hết sức tự nhiên mà bộc lộ được tâm lí, cá tính rất sinh động. Trong truyện Làng, từ nhân vật chính – ông Hai – đến nhân vật phụ nữ – mụ chủ nhà đều có ngôn ngữ vừa rất đại chúng vừa rất riêng của mình. Ngôn ngữ của ông Hai – cả trong những lời đối thoại và lời độc thoại đều rõ ra lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của một ông lão nông dân vốn gắn bó thiết tha với làng quê và rất thành tâm với cách mạng, với kháng chiến. Đây là tấm lòng thủy chung với kháng chiến được bộc bạch qua những lời tâm sự của ông với những đứa con và cũng tự nhủ: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai”.
Truyện ngắn Làng đã tạo được một giọng điệu trần thuật tự nhiên, thân mật và đôi khi dí dỏm nhưng đôn hậu. Đó cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công của thiên truyện Làng.
– Bài làm 2
“Làng quê”, hai tiếng thật êm đềm và thân thuộc biết bao. Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ hướng ngòi bút của mình về giếng nước, gốc đa, con đò… hướng về những người nông dân thật thà, chất phác. Kim Lân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn và khai thác rất thành công về đề tài này. Truyện ngắn "Làng" của Kim Lân là một truyện ngắn thành công của Kim Lân gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Kim Lân vốn am hiểu và gắn bó sâu sắc với cuộc sống và con người ở nông thôn Việt Nam nên các truyện gắn của ông thường gây ấn tượng độc đáo, rất giản dị, chân chất về đề tài này. Truyện ngắn Làng cũng vậy, truyện ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc. Câu truyện xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu làng Chợ Dầu. Với những chuyển biết trong nhận thức và suy nghĩ, ông Hai đã trở thành một điển hình của người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.
Như bao con người Việt Nam khác, ông Hai cũng có một quê hương yêu thương, gắn bó. Làng Chợ Dầu luôn là niềm tự hào và là kiêu hãnh của ông. Ông luôn khoe về làng mình, đức tính ấy như đã trở thành bản chất. Ông cũng như mọi người nông dân Việt Nam khác, có quan niệm rằng “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đối với họ, không có bất cứ đâu đẹp hơn nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trước cách mạng, mỗi khi kể về làng, ông đều khoe về cái sinh phần của viên tổng đốc sừng sững ở cuối làng. Sau Cách mạng, làng ông đã trở thành làng kháng chiến, ông đã có nhận thức khác. Ông Hai không còn khoe về cái sinh phần ấy nữa mà ông lấy làm hãnh diện với sự cách mạng của quê hương, vê việc xây dựng làng kháng chiến của quê mình. Ông khoe làng có “những hố, những ụ, những giao thông hào”, “có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”… Kháng chiến bùng nổ, ông Hai bất đắc dĩ phải rời làng đi tản cư. Trong những ngày buộc phải rời xa làng tâm trí ông luôn nhớ về nơi ấy, về những anh em đồng chí của mình, ông muốn “cùng anh em đào đường, đáp ụ, xẻ hào,khuân đá…’’.
Ở nơi tản cư, ông luôn đến phòng thông tin để theo dõi và mong ngóng tin tức về làng nhằm nguôi ngoai nỗi nhớ. Trong lúc mong tin làng, những tin vui chiến thắng ở khắp nơi khiến ông vui sướng vô cùng, “ruột gan cứ múa cả lên”. Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà đi tản cư, ông Hai vô cùng sửng sốt, “cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Đến khi nghe kể rành rọt, không thể không tin vào điều xấu ấy, niềm tin và tình yêu bấy lâu nay của ông về làng như sụp đổ. Ông đã “gầm mặt xuống”, đánh trống lảng rồi bước đi như kẻ trốn nợ. Về đến nhà, nhìn thấy các con, càng nghĩ càng tủi hổ vì chúng nó “cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi”. Ông giận những người ở lại làng, nhưng điểm mặt từng người nhưng lại không tin họ theo giặc. Mấy hôm liền, ông không dám đi đâu vì xấu hổ, luôn bị ám ảnh cái tinh khủng khiếp ấy và hay hốt hoảng giật mình. Những ngày này mâu thuẫn nội tâm trong con người ông Hai diễn ra một cách quyết liệt và ngày càng dâng cao. Đã có lúc ông nghĩ đến việc “quay về làng” nhưng ông đã dứt khoát “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”, “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Tuy quyết định như thế nhưng ông vẫn rất đau đớn xót xa. Tất cả những cử chỉ của ông Hai khẳng định tình yêu làng của ông đã hòa quyện vào cuộc kháng chiến của dân tộc và ông sẽ gắn bó cả cuộc đời với nó bằng suy nghĩ và hành động. Tình cảm đối với kháng chiến, đối với cụ Hồ được bộc lộ một cách cảm động nhất khi ông trút nỗi lòng vào lời nói với đứa con út ngây thơ: “Bố con mình theo kháng chiến, theo Cụ Hồ con nhỉ?” để giãi bày tâm sự, trút bỏ, an ủi lòng mình. Đồng thời, ông cũng truyền cả tình yêu nước sang cho con mình và khẳng định tình cảm của bố con ông với kháng chiến, với Cụ Hồ là trước sau như một.
Đau khổ là thế, lo âu là thế nhưng cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã được cải chính. Niềm vui trong ông Hai như vỡ òa. Ông chạy đi khoe ngay với bác Thứ rồi gặp bất cứ ai ông cũng khoe Tây đã đốt nhà mình như muốn chứng minh làng mình không theo giặc với tất cả niềm tin và tình cảm của ông. Đối với ông hai cũng như mọi người nông dân khác, con trâu, mảnh ruộng, gian nhà là vô cùng quý giá nhưng họ thà mất đi tất cả chứ không chịu mất nước và ý chí ý đã trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Cách mạng và sự nghiệp kháng chiến đã tác động mạnh mẽ, đem lại những nhận thức, những tình cảm mới lạ cho những người nông dân. Từ đó khiến họ nhiệt tình tham gia kháng chiến và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, vào lãnh tụ. Ở nhân vật ông Hai, tình cảm đẹp đẽ có tính chất truyền thống của người nông dân Việt Nam là tình yêu làng quê đã được nâng lên thành tình yêu nước. Sự hòa quyện và gắn bó của tình yêu quê hương và tình yêu đất nước là nét mới mẻ trong nhận thức của người nông dân, của quần chúng cách mạng trong giai đoạn văn học chống Pháp.
Truyện ngắn "Làng" của Kim Lân với kếu cấu đơn giản, xoay quanh nhân vật ông Hai với tình yêu làng sâu sắc, “Làng” đã để lại trong lòng người đọc nhiều ý vị sâu sắc. Nhà văn Kim Lân đã xây dựng rất thành công nhân vật ông Hai với các phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Đồng thời nhà văn còn khôn khéo xây dựng tình huống thử thách làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật. Tác giả đã miêu tả đặc biệt tài tình nội tâm của nhân vật với những suy nghĩ phức tạp, giằng xé. Tác giả đẩy các chi tiết đến cao trào rồi giải quyết một cách nhẹ nhàng, thỏa đáng và có hậu, tạo hứng thú và bất ngờ cho người đọc, người nghe. Cách sử dụng từ ngữ địa phương mộc mạc, gần gũi với nông dân trong đối thoại, giao tiếp kết hợp với sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của họ khiến những trang viết của Kim Lân thật gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc.
Trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân, vật ông Hai gây ấn tượng mạnh mẽ và để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, sự yêu mến, trân trọng và cảm phục trong lòng người đọc. Tình yêu làng của ông Hai mang tinh chất truyền thống đã được nâng lên thành tình yêu nước nồng nàn như “ dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào dải trường giang Vônga, dòng sông Vônga đi ra biển..”. Qua nhân vật ông Hai như là nông dân với những phẩm chất tốt đẹp bước từ đời thực vào tác phẩm, có được những biểu hiện cụ thể, sinh động vè tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Truyện ngắn "Làng" của Kim Lân đã trở thành một truyện ngắn đặc sắc, Kim Lân đã thành công trong việc thể hiện những chuyển biến mới mẻ trong nhận thức và tình cảm của người dân Việt Nam. Nhân vật ông Hai đã trở thành một hình tượng điển hình cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác nhưng luôn cháy bỏng tình yêu quê hương, yêu đất nước. Họ đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng và là nhân tố trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bản thân mỗi chúng ta cần phải học tập tấm gương của họ, ngày càng yêu thương quê hương, đất nước mình hơn.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- cảm nhận về truyện ngắn làng
- cảm nhận của em về đoạn trích làng
- thần bài suy nghĩ của em về đoạn trích Làng của nhà văn Kim Lân
- suy nghĩ về tác phẩm Làng
- suy nghi cua em ve truyen ngan lang cua kim lam