Cảm nhận về truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
– Bài làm 1 Thạch Lam thực sự sáng tác chỉ trong khoảng 6 năm, và mất khi mới 32 tuổi. Tuy vậy, ông đã có những đóng góp tích cực đối với nền văn xuôi Việt Nam trên đường hiện đại hoá, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Nói đến những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, không ...
– Bài làm 1
Thạch Lam thực sự sáng tác chỉ trong khoảng 6 năm, và mất khi mới 32 tuổi. Tuy vậy, ông đã có những đóng góp tích cực đối với nền văn xuôi Việt Nam trên đường hiện đại hoá, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn.
Nói đến những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, không thể không kể đến tác phẩm Hai đứa trẻ (rút trong tập Nắng trong vườn. NXB. Đời nay,1938).
Nội dung bao trùm của truyện Hai đứa trẻ là tấm lòng” êm mát và sâu kín" của Thạch Lam đối với con người và quê hương. ở đây, nhà văn vừa thể hiện niềm thương xót đối với những kiếp người nghèo khổ sống lam lũ, quẩn quanh trong xã hội cũ; vừa bộc lộ tình cảm gắn bó đối với quê hương đất nước.
Hai đứa trẻ có những nét rất tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn Thạch Lam: yếu tố lãng mạn xen lẫn yếu tố hiện thực, truyện mà không có truyện, câu tứ tựa hồ như một bài thơ….Tất cả thể hiện một tâm trạng mơ hồ bâng khuâng của hai chị em Liên và An khắc khoải chờ đợi một chuyến tàu đêm đi qua, trong không khí tẻ nhạt của phố huyện nghèo nàn, vào một buổi tối mùa hè yên ả.
Đọc truyện Hai đứa trẻ, trước hết, chúng ta có ấn tượng về cuộc sống tàn tạ, tù túng của những kiếp người lam lũ quẩn quanh, sống không ánh áng, không tương lai trong xã hội cũ.
Câu chuyện mở đầu bằng những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn "Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều; phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như "hòn than sắp tàn". Thì ra: cái rực rỡ huy hoàng của một ngày đã qua rồi; buổi chiều tà đang đến. Giờ này chợ cũng đã tàn. Cái lòng vui đã mất để lại sự trống vắng hiu quạnh. "Chợ họp giữa phố đã vãng từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất", chỉ còn lại mấy đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể dùng được của những người bán hàng để lại. Tất cả đều gợi nên "cái buồn của buổi chiều quê".
Bên cạnh cảnh ngày tàn là những kiếp người tàn. Hàng nước chị Tí vắng khách, tuy chiều nào chị cũng dọn từ chập tối cho đến đêm nhưng chả kiếm được là bao nhiêu". Bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt để trước mặt, góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bần bật trong yên lặng”. "Thằng con bò ra đất (…) nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường". Bà cụ Thi hơi điên lại nghiện rượu, có tiếng cười khanh khách, ghê sợ, sau khi uống một hơi cạn cút rượu ty, "cụ đi lần vào bóng tối". Chị em Liên phải thức để "trông một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, dọn từ khi cả nhà bỏ Hà Nội vê quê ở, vì thầy Liên mất việc". Hàng bán chẳng ăn thua gì", Liên thương mấy đứa trẻ nghèo, nhưng "không có tiền để cho chúng nó'. Cảnh Liên xếp hàng vào hòm, cách hai chị em tính tiền, niềm nuối tiếc cái thời còn ở Hà Nội nhiều đêm "được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ", cái ý nghĩ phở bác Siêu là món quà xa xỉ không bao giờ chị em Liên có thể mua được… khiến chúng ta có thể hình dung ra gia cảnh và mức sống eo hẹp của gia đình Liên. Thế mà, có lẽ dẫu sao, gia đình Liên cũng còn có phần khấm khá hơn gia đình chị Tí và bác Xẩm, vì còn có "một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm….” Mỗi người một cảnh, nhưng họ đều có chung sự buồn chán, mòn mỏi….
Khi trời tối hẳn, cả phố huyện dường như thu vào ngọn đèn của chị Tí. Ngoài ngọn đèn này ra "thứ bóng tối nhẫn nại uất ức đời thôn quê" (Thế Lữ) làm chủ tất cả. Không phải ngẫu nhiên nhà văn nhắc đi nhắc lại nhiều lần chi tiết ngọn đèn của chị Tí. Kết thúc tác phẩm, hình ảnh gây ấn tượng day dứt cuối cùng, đi vào giấc ngủ của Liên cũng vẫn là "chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ". Phải chăng hình ảnh này chính là biểu tượng của những kiếp người nghèo khổ lam lũ, sống vật vờ leo lét, trong màn đêm của xã hội cũ?
Nhịp sống ở phố huyện này cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu uể oải. Ngày qua ngày, chiều nào chị Tí "cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm"; bác phở Siêu nhóm lửa, gia đình bác Xẩm chờ khách, người nhà cụ Thừa, cụ Lục đi gợi người đánh tổ tôm. Chị em Liên tính tiền hàng rồi cũng ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc bàng và "ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên lại tạt ra thăm hàng một lần"….
Như vậy, "chừng ấy người trong bóng tối", ngày này qua ngày khác sống quẩn quanh tù túng trong cái "ao đời bằng phẳng". Hình ảnh những con người này khiến ta nhớ tới một số câu trong bài thơ Quẩn quanh của Huy Cận:
Quanh quẩn mãi với vào ba dáng diệu,
Tới hay lui cùng chừng ấy mặt người.
Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười
Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện…
Tuy thế, họ vẫn hi vọng mơ hồ, "mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ. Chính sự mong đợi mơ hồ này tô đậm thêm tình cảnh tội nghiệp của những nhân vật trong truyện. Họ sống đấy, nhưng đâu biết ngày mai số phận mình sẽ ra sao! Một niềm xót thương da diết của Thạch Lam thể hiện kín đáo ngay trong cách dựng người, dựng cảnh và ở cái giọng văn đều đều, chậm buồn của ông.
Việc phân tích cảnh ngày tàn, chợ tàn và những kiếp người tàn trên đây giúp ta hiểu vì sao Liên và An đêm nào cung cố thức để chờ chuyến tàu đi qua. Phải chăng hai chị em chờ tàu để bán được hàng? Không Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại, đêm họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc lá cùng". Hơn nữa, "Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt", nhưng cô vẫn chưa chịu đi ngủ. Còn "An đã nằm xuống (…) mí mắt sắp sửa rơi xuống", vẫn dặn chị nhớ đánh thức mình dậy, khi tàu đi qua. Hai chị em cố thức chỉ "vì muốn được nhìn chuyến tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya", vì con tàu đâu chỉ là con tàu. Nó là cả một thế giới khác. "Một thế giới khác hẳn với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu". Đối với chị em Liên, chuyến tàu biểu tượng của sự sống giàu sang, náo nhiệt, đầy ánh sáng. Nó gợi kỉ niệm của cái ngày xưa sung sướng của chị em Liên khi thầy chưa mất việc.
Phố huyện rầm rộ lên chốc lát rồi lại chìm sâu vào bóng đêm yên tĩnh khi con tàu đã đi xa.
Phố huyện lại trở về phố huyện. Hình ảnh ngọn đèn leo lét của chị Tí lại chập chờn trong tâm trạng vật vờ thức ngủ của Liên trước khi ngập hẳn vào "giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối.
Hai đứa trẻ đúng là một truyện không có chuyện. Tất cả chỉ là tâm trạng của cô bé tên Liên được diễn tả với một ngòi bút đầy xót thương trân trọng. Đương thòi, Thế Lữ cũng đã có nhận xét như thế: "Sự thật tâm hồn Thạch Lam diễn trong lời văn chương phức tạp nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng bây giờ cũng đằm thắm, nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương. Nếu Thạch Lam theo một chủ ý nào trong công việc viết văn của mình, thì chủ ý ấy diễn ra và gợi lên sự thương xót".
Qua tâm trạng của Liên, phải chăng Thạch Lam còn muốn thức tỉnh những tâm hồn đang chán chường mòn mỏi lòng khao khát thoát khỏi số phận của mình?
Ngoài ra, với ngòi bút vô cùng tinh tế, Thạch Lam còn giúp ta hoà nhập tâm hồn mình vào linh hồn của cảnh vật quê hương:
"Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào….
"Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng như gió mát…".
"Qua khe lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy, rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ; thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu….". Toàn những cảnh vật những chi tiết hết sức quen thuộc thường có ở quanh ta. Vậy mà dưới ngòi bút Thạch Lam, chúng trở nên gợi cảm biết bao và ta hiểu rằng, lòng yêu quê hương đất nước của mỗi người Việt Nam chính được bồi đắp bởi những chi tiết hết sức bình dị này đây.
Truyện Thạch Lam có thể gọi chung là truyện ngắn trữ tình. Khác với phần nhiều truyện ngắn ở thời kì này thường lôi cuốn người đọc bởi cốt truyện hấp dẫn, tình tiết mới lạ, (như truyện của Nguyễn Công Hoan chẳng hạn), thì truyện ngắn Thạch Lam lại hấp dẫn người đọc bởi chất thơ trữ tình. Mỗi truyện thường cấu tứ chung quanh một tâm trạng, một suy tưởng âm thầm của nhân vật. Hai đứa trẻ chính là một trong những truyện tiêu biểu của Thạch Lam được viết theo phong cách ấy.
– Bài làm 2
Mỗi lần đọc Thạch Lam trong trí tôi lại hiện lên hình ảnh cánh cổng gỗ của khu vườn êm ả được miêu tả trong truyện Dưới bóng hoàng lan. Phía ngoài cánh cổng là một thế giới ồn ào, phồn tạp, nắng nôi, nhưng bên trong là bầu không khí mát rười rượi thoảng mùi hương thật thích hợp cho tâm trạng suy tư và cảm nhận, lắng nghe những điều tế nhị của sự sống. Văn Thạch Lam cũng như khu vườn bên trong cánh cổng ấy, ít sự kiện, hành động nhưng đầy ắp những bâng khuâng. Nó cho ta cơ hội hiểu thấu sâu xa những cuộc đời giản dị, qua sự chiêm nghiệm lặng lẽ.
“Hai đứa trẻ” là truyện ngắn rất Thạch Lam. Chất liệu của nó vẫn là cuộc sống tù đọng, mòn mỏi nơi những phố huyện nghèo nàn xơ xác. Nhưng từ thứ chất liệu rất “văn xuôi” đó, nhà văn đã đưa lại cho chúng ta những trang viết hết sức thi vị, không có gì chung với sự thi vị hoá cuộc sống một cách tầm thường. Thi vị ( hay chất thơ) của tác phẩm gắn liền với dụng công của nhà văn muốn khêu gợi trí tưởng tượng nơi người đọc và đánh động khả năng cảm nhận của các giác quan bằng lối hành văn hoặc cách tổ chức lời văn khá riêng biệt. Đây chính là chiều sâu của một nghịch lý tưởng chừng khó giải thích: viết về các sự vật, sự việc tầm thường, đơn điệu mà văn vẫn lôi cuốn đến thế. Điều này phá vỡ một ngộ nhận (chí ít là của người đọc) về tính quyết định của vật liệu. Thực ra nghệ thuật chính là một sự chế ngự vật liệu, vật liệu thông qua những phương thức, phương tiện diễn tả đặc thù.
Câu văn của Thạch Lam tả rất sát sự thật, sự việc. Nhưng điều đó không có nghĩa ở đây chỉ có sự khớp đúng đến nghẹt thở. Tiết điệu buông chùng của câu mở đầu thiên truyện chứng tỏ điều đó: ” Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều”. Cái lõi ngữ pháp của câu chỉ được nhận ra ở vế sau, nhưng sự cảm nhận của người đọc đã thực sự được khởi hành từ trước cùng cụm danh từ được đảo lên trên. Trong câu này cái đáng chú ý còn có từ “gọi”. Nó xác lập một tương quan mới (dù vô hình) giữa các sự vật mà từ báo hiệu chẳng hạn không nói lên được. Dĩ nhiên câu văn vừa nêu không chỉ Thạch Lam mới viết nổi. Nhưng điều quan trọng là nó xuất hiện có quy luật chứ không ngẫu nhiên, nhằm nhấn mạnh một điều gì khác hơn những sự kiện nổi trên bề mặt. Xin chú ý thêm hai câu văn khác đứng kề nhau: ” Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Trong câu đầu dường như thừa một chữ “chiều”, xét theo góc độ thông tin bình thường. Nhưng thực ra ở đây còn có thông tin về tâm trạng mà riêng hai chữ “chiều rồi” chưa truyền tải được (do thiếu vắng nhịp điệu). Mặt khác, nếu không có chữ chiều ” thừa ra” ấy, sự buông lơi êm đềm của câu sau sẽ ít có hiệu quả. Tính chất thừa tiếp hô ứng của mạch văn cũng thiếu trọn vẹn. Rõ ràng đọc giả đang bị dẫn dắt bởi văn chứ không phải cái gì khác.
Suốt truyện ngắn, nhà văn nhiều lần nhấn mạnh sự “ngây thơ” của hai nhân vật chị em qua các nhận xét như: “Liên không hiểu sao…”, “Liên tưởng là…”, “tâm hồn Liên… có những cảm giác mơ hồ không hiểu”, “vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ…”,”Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết…”. Rất có thể nhân vật của truyện “không biết”, không hiểu thật, nhưng điều đáng nói là tác giả đã mượn chính tâm trạng nhân vật để ám thị người đọc. Các phủ định từ “không” đã “bẫy” họ sa vào một không khí bất định, mông lung. Độc giả cứ ngỡ mình đang cùng nhà văn theo dõi nhân vật, nhưng thật sự họ đã bị lây nhiễm chính cảm giác của nhân vật và không thôi thao thức. Càng cố gắng hiểu những điều nhân vật “không hiểu” để phân biệt với nó, anh ta càng rơi sâu vào không khí của truyện đến nỗi mất cả đường ra, trong khi tác giả vẫn không ngừng tả, kể để trói anh ta chặt hơn vào câu chuyện mà ông “bịa” ra.
Truyện tuy rất ít hành động nhưng vẫn thấp thoáng những lời đối thoại. Chúng được phân bố rất đều trong tác phẩm và xuất hiện giữa những đoạn miêu tả cảnh vật – một khung cảnh lặng lẽ, êm đềm, có phần hiu hắt, buồn bã. Chính không khí ấy quy định sắc điệu của lời đối thoại, trong khi bản thân lời đối thoại cũng mang tính chất lơ lửng, không gây nên sự đột biến nào của mạch truyện. Những câu hỏi nêu ra có thể trả lời cũng được mà không cũng được. Nó không nhằm mục đích tìm biết mà chỉ chờ đợi một sự phụ hoạ, xác nhận điều người nói nghĩ và thậm chí cả sự hiện tồn mờ nhạt của họ nữa:
– Em thắp đèn lên chị Liên nhé!
– Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ?
– Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?
– Còn cô chưa dọn hàng à?
– Có phải buổi trưa em bán cho bà Lực hai bánh xà phòng không?
– A, cô bé làm gì thế?
– Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?
– Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?
Trước những câu hỏi ấy người đối thoại thường là “mãi rồi mới chép miệng trả lời”, ngẫm nghĩ rồi đáp hoặc có đáp cũng “đáp vẩn vơ”, thậm chí “không đáp”, “không cần ngoảnh mặt ra”. Một số người khi muốn chứng minh luận điểm nói rằng cảnh đời được miêu tả trong truyện thật nghèo nàn buồn tẻ, đã viện đến các chi tiết như đám trẻ con nhặt nhạnh những thứ rơi vãi trên nền chợ, chị Tý dọn hàng đến khuya mà không bán được bao nhiêu, hai chị em Liên xem phở bác Siêu như một thứ quà xa xỉ, một người mua hàng đến nửa bánh xà phòng cũng phải mua chịu… Thật ra cần chú ý hơn đến những mấu đối thoại rời rạc đã nói ở trên. Dụng công của Thạch Lam cũng như hồn văn của truyện chính toát lên từ đấy. Nó đưa tới cho người đọc không phải chuyện này chuyện nọ mà là một ấn tuợng buồn nản, xót thương, thậm chí bực bội trước các câu hỏi tủn mủn, bâng quơ, không cần thiết phải trả lời và những lời đáp quá chừng nhạt nhẽo, phẳng lặng. Những ấn tưọng đó khó gây dựng hơn nhiều so với các nhận xét kết luận “đóng bao”sẵn thường thấy ở nhiều truyện thừa giọng giáo huấn mà thiếu tính nghệ thuật.
Trong truyện cũng vài lần nổi lên tiếng reo chứa đựng niềm hân hoan mong đợi:
– Kìa, hàng phở của bác Siêu đã đến kia rồi.
– Đèn ghi đã ra kia rồi.
Nhưng những tiếng reo đó đã nhanh chóng phô ra tính chất tội nghiệp của chúng, niềm vui mới nhóm lên đã bị triệt tiêu bởi lời kể nhẩn nha vô tình mà thật “ác nghiệt”: ” An và Liên ngửi thấy mùi phở thơm, nhưng ở cái huyện nhỏ này, quà bác Siêu bán là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được ” và “chuyến tàu hôm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Đúng là mong đợi chỉ để mà mong đợi, reo lên chỉ để rồi buồn tiếc và thất vọng hơn. Cảm giác thất vọng của nhân vật chắc chắn là sâu sắc. Nhưng đâu chỉ nhân vật, độc giả cũng thất vọng không kém. Bị trói chặt bởi nhịp cầu lê thê của câu chuyện, họ đã chờ đợi bao nhiêu ở những tiếng reo kia. Thật ra, niềm thất vọng này chính là hiệu quả nghệ thuật của truyện. Sau sự hụt hẫng này, độc giả sẽ vỡ ra những ý nghĩa của đời sống mà truyện muốn hướng tới. Nghệ thuật không phải là nói thẳng mà nói vòng, còn độc giả thì có được cảm giác thật như người trong truyện. Cùng với nhân vật, họ tự nghiệm sinh các giá trị của đời.
Hình ảnh thiên nhiên trong truyện đã gây cho người đọc những ấn tượng sâu đậm. Sự êm ả đượm buồn mà ta nhận thấy một phần là của thiên nhiên với tư cách là chất liệu, vật liệu, một phần là của văn. Những bức tranh nho nhỏ được gài xen kẽ với nhũng mẫu đối thoại rời rạc, không hoàn chỉnh. Chúng lấp đầy những khoảng trống của lời nói và cầm giữ nhịp điệu của thiên truyện. Giả sử tác giả viết khác đi, dồn hẳn những đoạn miêu tả thiên nhiên về một phía, và phía kia là hình ảnh sinh hoạt của con người, hẳn giọng điệu điều hoà của truyện sẽ biến mất và chủ đề của truyện sẽ khác đi. Ở đây thiên nhiên không thu hút toàn bộ thần trí con người để họ mê man trong đó. Nó gần gũi, vỗ về, khơi gợi những cảm xúc dịu dàng và bâng khuâng. Nó trổi lên đánh lạc hướng tâm trạng buồn chán của nhân vật ( và của độc giả) thông qua mùi âm ẩm của đất bụi, vẻ lung lay của bóng đèn, bóng người, ánh nhấp nháy của ngàn sao và đom đóm, tiếng động mơ hồ, khe khẽ của loạt hoa bàng rụng xuống vai…Tuy nhiên, việc đánh lạc hướng kia chỉ diễn ra từng lúc một, và nhân vật của truyện lại trở về với thực tại túng thiếu, lam lũ, để tiếp đó rơi vào trạng thái chập chờn nửa mơ, nửa thức, khắc khoải chờ mong, hi vọng ( dẫu chẳng biết hi vọng ở cái gì). Truyện sở dĩ không rơi vào nhàm tẻ dù đối tượng hàm chứa sự tẻ nhàm, chính một phần nhờ lối tả, kể xen kẽ, chắp nối đó.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn giàu tính nghệ thuật. Tác giả đã rất ung dung, thoải mái khi xử lí chất liệu hiện thực. Tất cả chất liệu đã được tổ chức lại nhằm khơi dậy ở người đọc những cảm xúc nghệ thuật thuần khiết. Nhà văn đưa họ vào thế giới của ông, thôi miên họ, sau đó tự để họ ngẫm nghiệm và rút ra những bài học cần thiết. Ở trên có nhắc tới “khu vườn Thạch Lam”. Thực ra “khu vườn”ấy không chỉ có nghĩa là đề tài. Đó là “khu vườn” của nghệ thuật – một nghệ thuật biết vượt thoát khỏi sự trói buộc của đề tài để làm vang dậy tiếng nói riêng của nhà văn.
– Bài làm 3
Không hiểu sao, cứ mỗi lần đọc xong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, gấp trang sách lại rồi, dường như tôi vẫn âm vang tiếng trống thu không, cái tiếng trống phát ra “trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Tiếng trống ấy vốn là thứ âm thanh bình thản để báo giờ khắc. Nhưng trong câu văn Thạch Lam nó không còn dửng dưng, bình thản nữa. Trong buổi chiều quê “êm ả như ru”, trong khung cảnh “phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đảm mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” thì tiếng trống vang lên tha thiết như một tiếng gọi, thức dậy ở cảnh vật, ở lòng người cảm giác bâng khuâng. Và trong buổi chiều quê tĩnh lặng ấy nó như vang xa hơn, lay động lòng người nhiều hơn. Nguyễn Tuân có nói rằng, với ông khó nhất khi viết truyện là tạo được một không khí nào đó. Khi tạo được rồi thì mạch truyện cứ thế mà tuôn chảy. Thạch Lam, với tiếng trống thu không thể bắt đầu câu chuyện về những con người bé nhỏ, đã tạo được một không khí riêng, một mạch nhịp riêng cho thiên truyện của mình.
Trong buổi chiều quê mơ hồ và man mác ấy, mọi thứ hiện lên thật lặng lẽ. Âm thanh dường như cố nhỏ lại, màu sắc nhòe đi, hoạt động của con người cũng thật khẽ khàng. Thạch Lam đã lắng nghe được nhịp cuộc đời trong sự tĩnh lặng ấy. Ông dường như nghe được cả tiếng rì rào của đất đai, hơi thở của cây cỏ và nỗi bâng khuâng của lòng người mà tiếng trống kia vừa thức dậy. Ông cảm nhận được từ “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào” cho đến tiếng “muỗi đã bắt đầu vo ve”:.. Nhữung âm thanh nhẹ và mỏng như thoảng trong gió ấy tạo nên cảm giác yên tĩnh của chiều quê và sự tế vi của cảm xúc. Ông nhìn thấy cảnh vật cũng nhòe đi theo nỗi bâng khuâng: “Dãy tre làng trước mặt đã đen lại”; “cửa hàng hơi tối”, chợ “đã vãn từ lâu”, “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”… Trong cái không khí lặng lẽ man mác ấy, nhân vật chính của truyện — hai chị em Liên – xuất hiện cùng với nỗi bâng khuâng mơ hồ mà chỉ có trái tim giàu cảm thông và nhạy cảm của Thạch Lam mới cảm nhận được: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thắm thìa vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao nhưng thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”.
Thạch Lam chọn cái “giờ khắc của ngày tàn” để miêu tả những con người nhỏ bé nơi một phố huyện khuất lấp sau bóng thị thành. Cái thế giới của họ dường như càng buồn bã hơn khi nó được bắt đầu vào giờ tàn của ngày và kéo dài trong đêm tối mênh mông. Nhưng đấy cũng chưa hẳn là bóng đêm đáng sợ như nhiều người đã lầm tưởng. Bóng đêm ấy đã hiện lên với không ít chất thơ và sự dịu dàng: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Một đêm phố huyện “trẻ con tập hợp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ”. Một đêm phố huyện với “vòm trời với hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh"… Đây là một đêm rất riêng của vùng quê mà chị em Liên cảm nhận được. “Một mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất của quê hương này”… Và khi mọi xáo động đi qua, đêm tối mênh mông kia dường như che chở, bao bọc, cho ta cảm giác, bình yên: “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”… Có lẽ đấy là những dòng miêu tả hay nhất về đêm miền quê rất đỗi bình dị, thân thiết mà ta có được trong văn chương. Phải nặng lòng gắn bó với quê hương nhiều lắm mới cảm nhận một cách sâu sắc và tha thiết đến vậy.
Trong bóng đêm lặng lẽ ấy dễ khiến lòng người nao nao. Thạch Lam đã nao lòng trước những đứa trẻ đang nhặt nhạnh những thứ còn xót lại trên nền chợ trống trơn. Ông đã nao lòng trước hình ảnh bóng tối ngập đầy dần đôi mắt trẻ thơ. Bây giờ ông lại nao nao trước cảnh sinh hoạt và bóng dáng những cuộc đời thầm lặng nơi phố huyện này. Trước cái thế giới âm thầm và lặng lẽ của những con người bé nhỏ, nhà văn như muốn đưa lòng mình ra mà cảm thông, mà chia sẻ và che chở cho họ, cho những cuộc đời lặng lẽ như những cái bóng trong đêm. Đó là chị em Liên đêm đêm vẫn mơ về vầng sáng nơi Hà Nội xa xôi. Đó là mẹ con chị Tí ngày ngày “mò cua bắt tép, tối bán hàng nước, chả kiếm được bao nhiều, nhưng chiều nào cũng dọn hàng” như chờ đợi một sự may mắn nào đó. Đó là “vợ chồng bác Xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng dàn bầu bật trong im lặng”. Rồi bác phở Siêu, bà cụ Thi một bà già hơi điên điên… Từng ấy con người, từng ấy cuộc đời đã họp thành phố huyện. “Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Thạch Lam không chỉ miêu tả, mà ông suy gẫm, tạo nên một “tiếng nói” rất riêng vọng lên từ những cuộc đời khuất lấp và lầm lũi kia. Có một nhà phê bình văn học đã nói rằng văn học không chỉ là sự đời, mà là “tiếng nói” của con người về cuộc đời. Vận vào văn Thạch Lam thật đúng.
Thạch Lam nhìn thế giới của những con người bé nhỏ kia như đang chìm dần vào bóng tối. Họ là những con người, đúng hơn là những cái bóng, bé nhỏ trong cái bóng đêm mênh mông của kiếp người. Họ hiện ra trong bóng tối lờ mờ của những ngọn đèn không đủ sáng. Đó là một thế giới đầy bóng tối mà ánh sáng mới hiếm hoi làm sao! Trong cái thế giới bóng đêm ấy, ánh đèn bác phở Siêu chỉ là “một chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối”. Ánh đèn trong cửa hàng chị em Liên thì “thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”. Đến những cánh cửa nhà ai hé mở thì cũng chỉ để lọt ra “một khe ánh sáng”… Có lẽ chưa mấy ai miêu tả ánh sáng là chấm, là hột, là khe một cách riết róng như Thạch Lam. Hình như để đối lập lại, ông miêu tả bóng tối thật tràn trề: “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối dày đặc đến độ dường như cản cả âm thanh lại: “Trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”. Đến tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi hơi điên cũng “nhỏ dần đi” trong bóng tối. Ngoài sân ga “cũng im lặng, tối đen như ngoài phố” và “đêm ở thành phố tịnh mịch và đầy bóng tối”.
Cái ánh sáng rực rỡ của một “Hà Nội nhiều đèn quá” đối với chị em Liên chỉ còn trong kỉ niệm của thời gian đã qua mà bây giờ trở thành nỗi khát khao. Cái ánh sáng của “vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh” lại quá xa xôi, thuộc về “vũ trụ thăm thẳm bao la”, “đầy bí mật và xa lạ”, “làm mỏi trí nghĩ”… Thành ra, những con người như chị em Liên lại quay về quầng sáng nơi mặt đất, “quầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”. Đây là quầng sáng cứ trở đi trở lại trong truyện, trở đi trở lại trong tâm trí Liên như một thứ “ám ảnh” về cái -thực tại mà cô đang có. Cái thực tại mà khi “những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn”, khi chập chờn trong giấc ngủ Liên nhận ra “thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”.
Tác giả xa xót cho những cuộc đời bé nhỏ như những “chiếc đèn con”, “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Tất cả tình thương của ông tụ hội lại nơi quầng sáng bé nhỏ này đây khiến cho ông đã thông cảm được với họ, lắng nghe được khát vọng của họ.
Trong thăm thẳm của bóng đêm âm u, ông vẫn nhìn thấy ở họ lấp lánh mơ ước. Mơ ước về một cái gì tươi sáng hơn. Và hình ảnh một đoàn tàu mang một thứ ánh sáng khác đi qua nơi phố huyện đã trở thành nỗi khát khao của những người như chị em Liên. Thế là hình ảnh hai đứa trẻ cứ đêm đêm cố thức đợi tàu trở thành nỗi ám ảnh không thể quên của người đọc. Hai chị em cố đợi chuyến tàu đêm sẽ dừng lại nơi phố huyện mấy phút không nhằm để bán được hàng, thực hiện cuộc mưu sinh hàng ngày, mà chỉ vì để “được nhìn chuyến tàu”. Một chuyến tàu mang một thế giới khác đến, một chuyến tàu từ Hà Nội về. Cho nên dù “chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn” vẫn là nỗi thổn thức của chị em Liên. Bởi “họ ở Hà Nội về, Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh sáng lửa của bác Siêu”. Mà nào đâu chỉ chị em Liên. Cả phố huyện tĩnh lặng bỗng “náo động” lên vì chuyến tàu. Hình như ai cũng đợi chuyến tàu, “sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”, và hình như còn chờ đợi cái gì khác nữa. Hình ảnh đoàn tàu gợi cho ta hình ảnh “cánh buồm đỏ thắm” của Grin. Hai hình ảnh khác nhau mà niềm hy vọng, nỗi khát khao gần gũi nhau biết dường nào. Cho nên chuyến tàu đã đi qua mà ánh mắt của chị em Liên vẫn bị hút theo “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”… Ánh mắt trẻ thơ khát khao hút theo bóng dáng con tàu khiến người đọc nao lòng.
Con tàu đã đi qua. Phố huyện trở lại sự tĩnh lặng vốn có. Cô bé Liên cũng đã “ngập vào giấc ngủ yên tĩnh” mà không hiểu sao dường như ta vẫn nghe “tiếng còi xe lửa ở đâu vẳng lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Cái âm thanh mơ hồ ấy âm vang trong lòng chị em Liên. Trong lòng mỗi người dân nơi phố huyện và trong lòng mỗi chúng ta. Nó không chỉ là âm vang của âm thanh mà là âm vang của khát vọng. Nơi phố huyện xưa của Thạch Lam, chị em Liên và những bóng người thầm lặng đợi chờ tiếng trống thu không man mác, tiếng còi tàu âm u và thăm thẳm trong đêm. Họ chờ đợi và hy vọng một cái gì đó sẽ đến, như mỗi chúng ta đã từng bao nhiêu lần hy vọng, bao nhiêu lần chờ đợi trong đời. Ai chẳng chờ đợi, hy vọng chuyến tàu của đời mình. Có lẽ vì vậy mà đọc lại Hai đưa trẻ của Thạch Lam, ta thấy dư vang của nỗi lòng ông vẫn gần gũi với chúng ta biết dường nào…
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- cảm nhận về tác phẩm hai đứa trẻ
- cảm nhận của anh chị về truyện ngắn hai đứa trẻ
- cam nhan ve bai hai dua tre
- cảm nhận hai đứa trẻ
- cam nhan ve nhung dua tre trong chuyen ngan hai dua tre của nhà van thach lm