Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Lão Hạc
Lịch sử 4000 năm chống lại thiên tai và chống giặc ngoại xâm đã tạo cho con người Việt Nam những đức tính quí báu như sự bền bỉ, kiên trì, lòng dũng cảm nhưng điều làm nên cốt cách, nét bao quát hơn cả đó chính là tinh thần nhân đạo. Nhân đạo là truyền thống của dân tộc Việt Nam. ...
Lịch sử 4000 năm chống lại thiên tai và chống giặc ngoại xâm đã tạo cho con người Việt Nam những đức tính quí báu như sự bền bỉ, kiên trì, lòng dũng cảm nhưng điều làm nên cốt cách, nét bao quát hơn cả đó chính là tinh thần nhân đạo. Nhân đạo là truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nhân đạo hiểu theo nghĩa hẹp là lòng yêu thương giữa con người với con người. Nhân đạo hiểu theo nghĩa rộng được biểu hiện cụ thể trong các tác phẩm văn học ở các nội dung như: Lên án tội ác của các thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của con người; Bày tỏ thái độ cảm thông, tình cảm xót thương với nỗi bất hạnh của con người; Ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, trong sáng của tâm hồn con người; Thể hiện ước mơ, khát vọng về một XH công bằng, bác ái, tôn trọng phẩm giá và hạnh phúc của con người.
Đối với truyện ngắn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán 1930 – 1945 thì chủ đề nhân đạo càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Có thể nói: hiện thực đất nước thực dân nửa phong kiến khi ấy là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán như Nam Cao khai thác triệt để và đạt đến độ bậc thầy khi phản ánh cuộc đời, số phận bi thảm của người nông dân; về tình người, tình cha con; để từ đó lên tiếng cảm thông và bênh vực quyền sống của con người. Truyện ngắn “Lão Hạc” – Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật Lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.
Nhà văn Biêlinxki nói: Nhân đạo là tình yêu thương mênh mông của con người. Bản thân nhà văn Nam Cao cũng đã từng khẳng định một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm “ phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình….Nó làm cho người gần người hơn”. Như vậy, trong quan niệm của Nam Cao, chủ nghĩa nhân đạo được đặt ra như một yêu cầu tất yếu đối với những tác phẩm. Bới thế, trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã tái hiện lại một cách chân thực cảnh sống cơ cực, bế tắc, đầy bi kịch của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với một tấm lòng thương cảm sâu sắc. Ngòi bút hiện thực dường như lạnh lùng của nhà văn đã nhìn sâu vào ngõ ngách cuộc đời lão Hạc.
“Lão Hạc” trước hết là một câu chuyện cảm động, day dứt về một lão nông dân nghèo khốn khổ. Vợ chết, nhà nghèo không đủ tiền lo cưới vợ cho con nên anh con trai đã phẫn chí mà bỏ đi phu đồn điền cao su. Lão sống cuộc sống cô đơn thui thủi một mình. Gia tài chỉ có ba sào vườn, một túp lều và con chó Vàng làm bạn. Lão sống bế tắc, mòn mỏi trong hy vọng mỏng manh, bị cái đói dồn đuổi, không lối thoát, tủi nhục như một kiếp chó. “Lão làm thuê kiếm ăn. Hoa lợi của khu vườn được bao nhiêu, lão để riêng ra. Lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc”. Nhưng rồi lão ốm. “Một trận đúng hai tháng mười tám ngày…đã không làm ra được một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn..”. Rồi còn chuyện “làng mất vé sợi, lão mất việc làm thuê”. Rồi bão, “hoa màu bị phá sạch. Gạo thì cứ kém mãi đi..”.Lão rơi vào cảnh “đói deo đói dắt…”. Và rồi lão đành phải quyết định bán chó.
Con chó Vàng đối với lão không chỉ là con vật nuôi ( định bụng lúc cưới thằng con sẽ thịt), nó chẳng những là tài sản (lão lẩm bẩm quy ra tiền) mà còn là kỷ vật của đứa con trai, một mối dây liên lạc lạ lùng giữa lão với đứa con vắng mặt. Song điều đặc biệt hơn nó được xem như là một thành viên trong gia đình lão. Nó cho ta thấy một nhu cầu rất tự nhiên của lão là được làm cha, được làm ông nội. Vì thế bao tình cảm chất chứa trong lòng, lão dồn tất cả cho con vật. Song cuộc đời thật trớ trêu, thậm chí thật tàn ác, tình thế buộc lão phải bán nó đi. Và bán chó, lão rơi vào bi kịch. Lão đau đớn, giằng xé tâm can. “Lão cố làm ra vui vẻ…trong lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước… Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc…”. Lão coi đó là sự lừa gạt, một sự phản phúc ghê gớm. Có thể nói: Bán chó vì lão tuyệt vọng, vì không thể chờ con trai; bán chó là việc không thể không làm, nhưng bán chó là lão tự thiêu cháy một phần cuộc đời mình.
Nhà văn Nam Cao đã đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của người nhà quê để khám phá những phẩm chất tốt đẹp ẩn giấu bên trong cái vẻ ngoài lam lũ tầm thường. Một lão Hạc “mình hạc xương mai” ít học, quẩn quanh trong cái làng quê bé nhỏ ấy lại là một nhân cách cao đẹp tuyệt vời. Đặt lão Hạc cạnh Binh Tư, cạnh Chí Phèo mới càng thấy hết được tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ đến thanh khiết của lão. Đối với lão, sống dường như chỉ có một nghĩa: sống vì con, hy sinh cả cuộc đời cho con. Có thể nói lão Hạc đã tự thiêu cháy mình để nhường phần sống lại cho con. Hoàn cảnh nghiệt ngã đẩy lão đến một lựa chọn: Muốn sống phải lỗi đạo làm cha, còn muốn trọn đạo làm cha thì phải chết. Và tất nhiên, một người cha yêu thương con, giàu đức hy sinh, nhân hậu giàu lòng tự trọng thì lão đã chọn sự quyên sinh. Vừa để bảo toàn phần người tốt đẹp, để trọn đạo làm cha, để chuộc tội với cậu Vàng lão đã tự chọn cho mình cái chết thê thảm của một con chó – lão tự đánh bả chình mình!
Chẳng những thế trong cuộc sống bế tắc, cũng quẫn ấy, lão Hạc vẫn luôn tự ý thức. Khi nói về gia tài, lão luôn tự xóa mình đi: vườn là của vợ tậu, con chó Vàng là của con trai mua. Khi bán hoa màu ở vườn: lão cũng không tiêu một xu. Khi bán chó: lão đã khóc vì trót lừa một con chó. Bán chó rồi: lão gửi tiền làm ma, bởi không muốn lụy hàng xóm. Lão sống ép xác khổ hạnh. Làm văn tự gửi ông giáo mảnh vườn cho con… Nhà văn Nam Cao phải yêu quý “lão Hạc” lắm mới thể hiện thành công về nhân vật như vậy! Đó cũng là thông điệp, là quan niệm văn chương “Nghệ thuật vị nhân sinh” của nhà văn: Hãy tin tưởng vào nhân phẩm của con người, tin vào thiên lương đẹp đẽ của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Dù bề ngoài có vè như gàn dở nhưng bên trong họ là triết lý sống vô cùng cao đẹp: Thà chếtchứ không chịu ăn cắp, không làm điều sằng bậy, không để phiền luỵ đến những người xung quanh. “Thà chết trong, còn hơn sống đục”.
Xin cảm ơn nhà văn Nam Cao, nhà văn đã giúp ta nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người nông dân Việt Nam và quan trọng hơn là nhà văn đã đem đến cho ta một niềm tin sâu sắc vào con người, một "đôi mắt" để nhìn đời, nhìn người nhân ái hơn, người hơn!
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- giá trị hiện thực của tác phẩm lão hạc
- Gia tri nhan dao trong truyen lao hac
- giá trị nhân đạo trong lão hạc
- nam cao và giá trị nhân đạo trong lão hạc