Cảm nhận về bài thơ Bánh trôi nước
Đề bài: Anh/ chị hãy viết một bài văn cảm nhận về bài thơ Bánh trôi nước Bài làm Hồ Xuân Hương là nhà thơ vô cùng nổi tiếng, nữ sĩ tài ba được ca ngợi là “ bà chúa thơ Nôm”. Bà để lại cho nền thơ ca Việt Nam khoảng 50 bài. Thơ của bà bình dị, ngôn ngữ thuần ...
Đề bài: Anh/ chị hãy viết một bài văn cảm nhận về bài thơ Bánh trôi nước
Bài làm
Hồ Xuân Hương là nhà thơ vô cùng nổi tiếng, nữ sĩ tài ba được ca ngợi là “ bà chúa thơ Nôm”. Bà để lại cho nền thơ ca Việt Nam khoảng 50 bài. Thơ của bà bình dị, ngôn ngữ thuần Nôm, rất đặc sắc, hóm hỉnh và đa nghĩa, thơ của bà là tiếng nói ngợi ca phẩm chất tốt đẹp, là lời cảm thông, bênh vực người phụ nữ trong cuộc đời. Bài thơ “ Bánh trôi nước” là nói về thân phận người phụ nữ, tuy chịu nhiều những khó khăn của cuộc sống nhưng luôn giữ được những đức tính tốt đẹp.
Bài thơ là bài thơ bình dị nhưng mang một hàm nghĩa sâu sắc. Bài thơ tả về chiếc bánh trôi nước, món ăn của dân tộc Việt Nam được làm bằng gạo nếp thơm ngon và đường phèn đỏ được gói cẩn thận phía trong. Bánh được nấu với nước sôi, đến khi nổi lên là chín. Khi ăn, ta cắn lớp bánh mềm bên ngoài thì hiện ra lớp nhân đường giữa đỏ thắm như son.
Người phụ nữ lại được miêu tả như cái bánh trôi nước: “ thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Thân em là một cách nói khiêm nhường, dịu dàng, kín đáo, một nét đẹp của thiếu nữ. Hồ Xuân Hương đã rất nhẹ nhàng lấy hình ảnh chiếc bánh trôi nước để so sánh với một người phụ nữ đẹp, có da trắng mịn căng đầy tròn đẹp mịn màng. Người đẹp như thế mà ở trong xã hội hiện đại thì là minh tinh rồi, có thể cả họ được nhờ. Lẽ ra với vẻ đẹp như thế, nàng phải có cuộc đời sung sướng. Nhưng không, cuộc đời nàng phải long đong, vất vả, phiêu bạt, không chỉ một lần, trong cuộc đời rộng lớn:
“ Bảy nổi ba chìm với nước non,
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Thân phận người phụ nữ chịu nhiều đắng cay, nghiệt ngã, lênh đênh khi phải chịu nhiều thiệt thòi về lễ giáo phong kiến xưa, trọng nam khinh nữ, hay những lễ giáo của nhà chồng. tuy được cha mẹ sinh ra, nhưng không được làm chủ cuộc đời. Như nàng Vũ Nương cũng vì sự độc đoán của người chồng mà phải đi tự tử, chết oan, người phụ nữ không có tiếng nói, bị đè ép, coi như những món hàng trao đổi, chứ đâu phải là con người. Hay như Mị cũng bị bắt như một món nợ đâu được chọn cuộc sống như mình muốn. “ Rắn nát” là để chỉ số phận người phụ nữ sung sướng hay bất hạnh, phú quý hay nghèo khổ, đều do người khác quyết định, do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, chứ không có quyền sắp đặt số phận của mình. Đôi lúc yêu nhau mà phải xa nhau vì những thủ tục, vì những quan điểm của cha mẹ. Đây như một lời than thân, cam chịu của người phụ nữ. Mặc dù bị kìm ép như thế nhưng họ vẫn mặc đời, tùy theo số phận.
Câu thơ cuối cùng như một lời khẳng định, cuộc đời bạc bẽo, bất công, cuộc sống có gian khổ, long đong như thế nào thì: “ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. “ Tấm lòng son” là lòng son sắt, thủy chung trong tình yêu của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp đôn hậu của người người mẹ, người chị. Một lời nói thể hiện lòng tự hào kín đáo về phẩm chất thủy chung của người phụ nữ. Tuy nhiên cả bài thơ vẫn thấm đầm nỗi buồn cho thân phận người phụ nữ xưa chưa có lối giải thoát.
Bài thơ chỉ có bốn câu thơ vẻn vẹn, nhưng dưới ngòi bút của bà đã nói trọn vẹn lên thân phận người phụ nữ chịu nhiều đắng cay. Bài thơ chứa đựng một luồng sáng, ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình.
“ Bánh trôi nước” là một bài thơ nôm đa nghĩa, nó thể hiện tình cảm gắn bó thiết tha của Hồ Xuân Hương đối với nền văn hóa dân tộc. Chiếc bánh bình dị của quê hương đã đi vào hồn thơ nữ sĩ và trở thành một bài thơ hay. Bà đã dành tất cả nhungwx điều tốt đẹp nhất để ca ngợi người phụ nữ Việt Nam.