06/02/2018, 15:33

Suy nghĩ về truyện ngắn Làng

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện ngắn Làng Bài làm Viết về đề tài người nông dân Việt Nam, rất nhiều tác giả đã đạt được những thành công vang dội, mỗi câu truyện đều để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ, những cung bậc cảm xúc chân thật, khi liệt kê ra trong đó ...

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện ngắn Làng

Bài làm

Viết về đề tài người nông dân Việt Nam, rất nhiều tác giả đã đạt được những thành công vang dội, mỗi câu truyện đều để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ, những cung bậc cảm xúc chân thật, khi liệt kê ra trong đó chắc chắn sẽ có tác phẩm Làng của Kim Lân, một tác phẩm đặc sắc, được viết vào đúng khung cảnh chiến tranh càng làm cho nó trở lên càng đặc biệt, khi thể hiện được cả tấm lòng yêu nước, yêu làng vẹn tròn, tình nghĩa.

Ai cũng có quê hương, nơi thiêng liêng, chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm bên gia đình, những người thân, hàng xóm láng giềng. Để tự hào mỗi khi nhớ đến, để xốn xang trong tim mỗi khi kể về. Vâng, Ông Hai nhân vật chính của câu truyện cũng như vậy, có thể nói ông yêu cái làng chợ Dầu nơi ông sống biết bao nhiêu là bao nhiêu, ông thể hiện nó ra tinh thần lẫn cả bề mặt, một ngôi làng, người dân ở đó hiện lên dung dị, đậm đà, chất phác như chính lời kể của ông ông nói, ông cười, say sưa, líu lo cả ngày không hết chuyện. Ông khoe tường tận, tỉ mỉ rằng: “Cả làng Ông có nhà ngói lợp san sát, sầm uất, đường trong làng lát toàn bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân”. Rồi đến cả “cái tháng 5 ngày mùa phơi rơm và thóc, không có lấy một hạt thóc đất,..”. Có thể nói, làng ông còn có một bề dày lịch sử qua chi tiết: “Những năm cách mạng thành công, cả làng khởi nghĩa dồn dập, tập quân sự có cụ râu tóc bạc phơ cũng đi tập, cả những cái hố, cái ụ, cái hào….”

làng kim lân

Để mà nói rằng rồi những ngày tháng nguy hiểm của chiến tranh cũng đến, khiến con người ta phải xa làng, xa quê để tìm nơi an toàn, bảo toàn tính mạng, giảm thiệt hại về người là chính sách đúng đắn của nhà nước. Ông Hai, đương nhiên dù yêu cái làng, quý không rời cảnh vật nơi đây, nhưng theo cả làng ông cũng phải chạy giặc, nỗi khổ tâm, day dứt mãi không nguôi trong ông, càng nghĩ ông càng thấy tâm hồn mình, cuộc đời mình dường như đã gắn bó với nơi đây, sự tự hào về quê hương cứ ngày một trào dâng trong lòng như những con sóng dập dồn mãi không ngơi nghỉ.

Xa làng rồi, vì nhớ làng mà tính nết ông Hai có phần thay đổi. Ông ít nói ít cười, lầm lầm lì lì, thậm chí cáu gắt, chửi bới vợ con. Ồng vô cùng đau khổ: "Chúng mày làm khổ ông! Chúng mày làm khổ ông vừa vừa chứ! Ông thì giết hết, ông thì giết hết!". Chúng ta cảm thông với "tâm sự" u uẩn của ông. Ông sống như chỉ để nghe ngóng tin tức về Làng, giữa lúc ông Hai đang hồ hởi với những chiến tích kháng chiến, những gương dũng cảm anh hùng của quân và dân ta thì ông như bị sét đánh về cái án "dữ" cả làng Chợ Dầu "Việt gian theo Tây",.., "vác cờ thần ra hoan hô" lũ giặc cướp!,…”. Lúc này, tác giả tập trung miêu tả ông, như cũng chính là lúc thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình rõ nhất, “cổ ông nghẹn đắng lại,da mặt tê rân rân”, rồi “ông lão như lặng đi, tưởng như không thở được”, vì quá yêu làng, ông lại quá bất ngờ, rồi lại quá đau đớn, bức xúc, nhục nhã về cái tin làng của mình theo giặc. Rồi "ông tủi nhục cúi gằm mặt mà đi, về đến nhà chả nói, chả rằng, nằm vật ra giường luôn như bị ốm nặng, nước mắt ông lúc này cứ trực tràn ra, tim quặn thắt lại", đến nỗi "có lúc ông không làm chủ được cảm xúc mà phải chửi thề một cách chua chát!".

Mới thấy được hết cái cảm xúc chân thực khi diễn tả tâm tư, tình cảm của một con người của nhà văn Kim Lân bằng con mắt, cái nhìn đầy thương cảm, tác giả lại tiếp tục viết “Ông sống trong bi kịch triền miên. Vợ con vừa buồn vừa sợ. "Gian nhà lặng đi, hiu hắt".Và Ông sợ mụ chủ nhà… có lúc ông nghĩ quẩn "hay ta quay về làng"… nhưng rồi ông lại kiên quyết gạt phăng đi với câu nói đầy đau đớn: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!!'. Một lần nữa, chứng tỏ được rằng, ông là một con người điển hình cho những tấm gương yêu nước quý báu, tình yêu nước ấy bắt nguồn không phải từ những điều gì vĩ đại, mà là sự đơn giản, đậm nghĩa tình, thân thuộc với cảnh vật, con người xung quanh  “cây đa, giếng nước, sân đình,..” như những câu ca dao lịch sử có nhắc. Hay đi ra thể giới, một nhà văn lớn tên  I-li-a Ê-ren-bua có lòng yêu nước vô bờ thể hiện trong tác phẩm của mình rằng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.”.

Sự xung đột nội tâm trong lòng ông quá lớn, khắc nghiệt. Để vượt qua những chuỗi ngày tháng khó khăn này, ông chỉ còn cách bày tỏ nỗi niềm này với đứa con thơ, ông tin con, vì đứa trẻ ngây thơ không biết nói dối, cũng là cách để ông muốn thanh minh cho sự trong sạch của cái làng mình, quả thực là một tình tiết cảm động và thú vị:… – "À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?". Đứa con đáp ngay:  "Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!". Nói đến đây, “nước mắt ông chảy ròng ròng trên hai má… “, hay chính là giọt nước mắt của tác giả, người đọc cho vẻ đẹp của lòng trung thành của cha con ông và hàng triệu nông dân Việt đối với vị lãnh tụ quá sâu sắc, tự hào.

Rồi bỗng một ngày, khi nghe cái tin ông biết từ trước là thất thiệt, ông lấy lại sưc sống ngày nào, lòng buồn đau, sự lo sợ đã biến mất từ bao giờ, ông sung sướng hơn ai hết, "tươi vui, rạng rỡ hẳn lên", "mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ…". Ông mua quà cho con. Ông chạy sang nhà bác Thứ để "khoe" cái tin làng Chợ Dầu đánh giặc, nhà ông bị Tây đốt. Tự hào lắm chứ!. Đây cũng chính là nút mở tuyệt vời cho câu truyện, cũng là lúc tác giả khép lại câu truyện để cho niềm vui mãi lan tỏa trong không gian và thời gian cùng với bạn đọc nhiều thế hệ.  

Truyện ngắn làng, quả thực là một tác phẩm tiêu biểu cho lòng yêu nước của người dân cày Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Là một lần, để cái tài, cái danh của nhà văn Kim Lân vang bóng giữa công chúng không phai mờ. Để niềm tin về Bác Hồ, về Đảng tồn tại trong lòng mỗi người dân cũng chính là con đường ngắn nhất đưa đến sự chiến thắng, sự độc lập của nước nhà sau này.

0