Cách nấu cơm tấm: 2 công thức nấu ngon nhất
Cách nấu cơm tấm ngon có thể được thực hiện bằng phương pháp sử dụng nồi cơm điện hoặc cẩn thận hơn là với xửng hấp (nồi hấp). Dưới đây là hai công thức nấu cơm gạo tấm chuẩn nhất của kênh chia sẻ mà bạn có thể tham khảo. Nguyên liệu nấu cơm gạo tấm Gạo tấm: 200 gram Muối ăn: 1/5 thìa ...
Cách nấu cơm tấm ngon có thể được thực hiện bằng phương pháp sử dụng nồi cơm điện hoặc cẩn thận hơn là với xửng hấp (nồi hấp). Dưới đây là hai công thức nấu cơm gạo tấm chuẩn nhất của kênh chia sẻ mà bạn có thể tham khảo.
Nguyên liệu nấu cơm gạo tấm
- Gạo tấm: 200 gram
- Muối ăn: 1/5 thìa cafe
- Bơ: ½ thìa cafe (có thể thay thế bằng dầu ăn)
- Lá dứa: 3 – 5 lá (áp dụng cho công thức nấu cơm bằng xửng)
Cách nấu cơm tấm ngon
Nấu cơm gạo tấm bằng nồi cơm điện
Bước 1: Vo và ngâm gạo tấm
Cho gạo tấm vào nồi cơm điện và vo sạch. Nhặt kỹ đầu mày trấu, sạn để món cơm đạt chất lượng tốt nhất. Không nên dùng rá vo gạo vì rất dễ làm gạo bị lọt và mất đi trong quá trình vo.
Vo gạo xong, đem ngâm gạo trong nước chừng 20 phút. Việc ngâm gạo này sẽ giúp hạt gạo được no nước, nở và chín đều khi nấu. Bạn có thể ngâm gạo bằng nước lạnh hoặc nước hơi ấm đều được.
Bước 2: Chế nước, chuẩn bị nấu cơm
Hết thời gian ngâm gạo, bạn chắt bỏ nước ngâm gạo cũ và cho nước mới vào nấu cơm. Tỉ lệ nước chuẩn để nấu cơm gạo tấm là 1 gạo + 1,5 nước. Tuy nhiên, bạn cũng có thể điều chỉnh lượng nước này theo nhu cầu ăn cơm khô/mềm của gia đình.
Cho vào nồi cơm gạo tấm phần muối ăn + bơ rồi trộn đều. Muối và bơ sẽ giúp món cơm đậm đà hơn, đáy nồi cơm không bị khê cũng như cơm tấm có được màu sắc bắt mắt hơn.
Bước 3: Nấu cơm gạo tấm
Đặt ruột nồi vào nồi cơm điện và chuyển chế độ nấu. Để cho nồi cơm tự nấu cho tới khi cơm chuyển về chế độ ủ chừng 15 phút thì bạn ngắt nguồn điện, để cơm được giữ nóng tự nhiên trong nồi.
Ủ cơm thêm khoảng 15 phút nữa thì bạn lại cắm lại điên nhưng chỉ giữ ở chế độ ủ. Thời gian cắm điện nồi cơm sẽ rơi vào khoảng 10 – 15 phút nữa. Sau khi ủ xong, bạn có thể lấy cơm ra, xới đều và thưởng thức.
Công thức nấu cơm gạo tấm bằng xửng hấp
Bước 1: Chuẩn bị gạo và xửng hấp
Tương tự như công thức nấu cơm gạo tấm bằng nồi cơm điện, trước tiên bạn cũng đem vo sạch gạo tấm. Đối với việc hấp cơm, bạn không nhất thiết phải ngâm gạo trước. Tuy nhiên để cơm mau chín và chín đều, bạn có thể ngâm từ 10 – 15 phút trước khi đổ vào xửng.
Với phần lá dứa, bạn rửa sạch rồi cắt làm các khúc nhỏ. Xếp phần lá dứa này xuống dưới đáy nồi hấp. Sử dụng lá dứa để hấp chín gạo tấm sẽ giúp món cơm tấm có phần thơm và hấp dẫn hơn.
Bước 2: Hấp cơm gạo tấm
Đổ gạo tấm đã ngâm hoặc vo sạch vào xửng sau đó đặt lên nồi hấp. Đặt nồi hấp lên bếp và đun với mức lửa to để nước hấp nhanh sôi. Sau khi nước sôi được 2 – 3 phút và đã lên hơi, bạn hạ nhỏ lửa để cơm được chín đều.
Tiến hành hấp cơm từ 30 – 40 phút. Hết thời gian trên, bạn dùng đũa xới đều để kiểm tra độ chín của các hạt gạo. Nếu cơm đã chín mềm, tơi đều thì bạn tắt bếp và nhấc xửng ra khỏi nồi để tránh cơm bị nhão. Ngược lại, bạn có thể thêm thời gian nấu cho phù hợp để hạt gạo được chín ngon.
Những lưu ý khi nấu cơm gạo tấm
Chọn mua gạo: Gạo tấm là phần gạo vỡ ra ở phía đầu của hạt gạo trong quá trình xay sát. Khi chọn gạo, bạn không nên chọn loại quá vụn vì như vậy nấu cơm sẽ rất khó, dễ bị nát giống cháo. Nên chọn kích cỡ hạt tấm trung bình hoặc hơi lớn một chút sẽ ngon hơn.
Thưởng thức cơm tấm: Cơm tấm là món ăn đặc trưng của Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Trong thực đơn cơm tấm, bạn có thể bắt gặp các món ăn kèm theo như sườn rim, trứng, trần bì, cốt lết… Tuỳ theo sở thích, bạn có thể chế biến đa dạng để phù hợp với sở thích cá nhân và cả gia đình.
Trong cách nấu cơm tấm này, bạn cần tuân thủ đúng thời gian nấu và lượng nước nấu sao cho món cơm đạt chất lượng cao nhất. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, gia đình bạn đã có thêm lựa chọn để thay đổi thực đơn thật hấp dẫn.
Chúc các bạn có được những nồi cơm tấm ngon miệng.