Cách làm bánh thuẫn truyền thống
Bánh thuẫn trong văn hóa thờ cúng của người miền Trung là một món ăn quan trọng, góp mặt hầu hết trên các mâm cỗ ngày lễ, Tết. Bánh thuẫn giống bánh bông lan, nhưng khô và bở hơn, ăn có vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi, mùi thơm trứng khó cưỡng. Tìm hiểu văn hóa ẩm thực của người miền Trung thì càng ...
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món bánh thuẫn rất đơn giản:
- Trứng vịt: 10 quả (hoặc trứng gà)
- Bột bình tinh: khoảng 800gr
- Bột năng: khoảng 100gr
- Đường trắng: 1kg
- Vani bột: 1 ống
- Dầu ăn
Khối lượng các nguyên liệu có thể điều chỉnh theo cùng tỉ lệ.
Dụng cụ
- Khuôn đúc bánh
- Bếp than
Cách làm món bánh thuẫn truyền thống miền Trung
Đập trứng vào một bát lớn, đánh cho lòng trắng – lòng đỏ tan đều rồi cho đường trắng vào. Có thể dùng trứng gà hay trứng vịt đều được, tuy nhiên trứng gà sẽ cho mùi thơm hơn là trứng vịt.
Đánh cho tan hết đường và trứng, sau đó cho vani, bột bình tinh và bột năng vào. Đánh đến khi bột mịn, vàng đều, có mùi thơm trứng & vani là được.
Vậy là chớp mắt phần bột để làm bánh thuẫn đã hoàn thành, hết sức đơn giản đúng không nào?
Có thể bạn chưa biết: bánh thuẫn có nguồn gốc từ Quảng Nam, còn được gọi là bánh thửng (phương ngữ). Sở dĩ có tên gọi này là do người thợ đúc khuôn gò khuôn theo hình bầu dục (hình thuẫn). Bánh thuẫn truyền thống chỉ có loại khuôn 5 cánh như hoa mai, mỗi khuôn có khoảng 5 – 8 bánh, chính vì vậy là loại bánh biểu tượng cho năm mới vui vẻ và sung túc. Sau này, các loại khuôn hình thù đa dạng mới xuất hiện. Ngoài phương thức nướng như bài viết giới thiệu, còn có loại bánh thuẫn hấp, tuy nhiên mùi thơm và màu sắc không bằng.
Tiếp đến, chuẩn bị khuôn nướng bánh. Cách làm bánh thuẫn truyền thống là nướng bánh trên bếp than, cho vài viên than lên mặt trên của khuôn để hai mặt nóng đều.
Phết một lớp bơ hoặc dầu ăn mỏng lên khuôn để bánh không bị dính khuôn rồi cho bột vừa đủ vào khuôn đúc.
Đậy nắp lại, để lên nắp một vài hòn than để bánh chín đều. Sau khoảng 4 – 5 phút là bánh đã chín rồi.
Bánh thuẫn khi chín có màu vàng hơi nâu, mặt bánh hơi phồng nở. Để kiểm tra bánh đã chín chưa, dùng một que tăm chọc vào bánh, nếu không thấy dính bột tức là món bánh đã hoàn thành.
Bánh thuẫn có thể bảo quản trong túi nilon để ăn dần nhé!
Đối với mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung, bánh thuẫn là biểu tượng của mùa xuân, của sung túc. Bánh thuẫn truyền thống là món “nhà nghèo”, với phương thức thực hiện đơn giản và các nguyên liệu dễ tìm. Ẩm thực miền Trung phong phú với đa phần là các món ăn gia đình dễ thực hiện rất đáng để trải nghiệm và học hỏi. Cách làm bánh thuẫn truyền thống đơn giản mà ngon sẽ giúp các bạn bỏ túi thêm một công thức ăn vặt cho gia đình. Cùng bắt tay vào làm thôi!