Cách hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang trong ngành nông nghiệp – TK 154
Kế toán Centax xin giới thiệu Cách hạch toán Cách hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang trong ngành nông nghiệp – TK 154 theo Điều 27 Thông tư 200/2014/TT-BTC mới nhất như sau: 1. Nguyên tắc kế toán Tài khoản này dùng để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất, kinh doanh phục vụ ...
Kế toán Centax xin giới thiệu Cách hạch toán Cách hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang trong ngành nông nghiệp – TK 154 theo Điều 27 Thông tư 200/2014/TT-BTC mới nhất như sau:
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất, kinh doanh phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên trong hạch toán hàng tồn kho. Ở những doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ trong hạch toán hàng tồn kho, tài khoản 154 chỉ phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Bên Nợ:
– Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến sản xuất sản phẩm và chi phí thực hiện dịch vụ;
– Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến giá thành sản phẩm xây lắp công trình hoặc giá thành xây lắp theo giá khoán nội bộ;
– Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
– Giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm đã chế tạo xong nhập kho, chuyển đi bán, tiêu dùng nội bộ ngay hoặc sử dụng ngay vào hoạt động XDCB;
– Giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp hoàn thành bàn giao từng phần, hoặc toàn bộ tiêu thụ trong kỳ; hoặc bàn giao cho doanh nghiệp nhận thầu chính xây lắp (cấp trên hoặc nội bộ); hoặc giá thành sản phẩm xây lắp hoàn thành chờ tiêu thụ;
– Chi phí thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành cung cấp cho khách hàng;
– Trị giá phế liệu thu hồi, giá trị sản phẩm hỏng không sửa chữa được;
– Trị giá nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá gia công xong nhập lại kho;
– Phản ánh chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán. Đối với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất sản phẩm dài mà hàng kỳ kế toán đã kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào TK 154 đến khi sản phẩm hoàn thành mới xác định được chi phí sản xuất chung cố định không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải hạch toán vào giá vốn hàng bán (Có TK 154, Nợ TK 632);
– Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Chi phí sản xuất, kinh doanh còn dở dang cuối kỳ.
3. Phương pháp vận dụng tài khoản 154 trong ngành nông nghiệp
a) Tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” áp dụng trong ngành nông nghiệp dùng để tập hợp tổng chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của các hoạt động nuôi trồng, chế biến sản phẩm hoặc dịch vụ nông nghiệp. tài khoản này phải được hạch toán chi tiết theo ngành kinh doanh nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến,…), theo địa điểm phát sinh chi phí (phân xưởng, đội sản xuất,…), chi tiết theo từng loại cây con và từng loại sản phẩm, từng sản phẩm hoặc dịch vụ.
b) Giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm nông nghiệp được xác định vào cuối vụ thu hoạch, hoặc cuối năm. Sản phẩm thu hoạch năm nào thì tính giá thành trong năm đó nghĩa là chi phí chi ra trong năm nay nhưng năm sau mới thu hoạch sản phẩm thì năm sau mới tính giá thành.
c) Đối với ngành trồng trọt, chi phí phải được hạch toán chi tiết theo 3 loại cây:
– Cây ngắn ngày (lúa, khoai, sắn,…);
– Cây trồng một lần thu hoạch nhiều lần (dứa, chuối,…);
– Cây lâu năm (chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả,…).
Đối với các loại cây trồng 2, 3 vụ trong một năm, hoặc trồng năm nay, năm sau mới thu hoạch, hoặc loại cây vừa có diện tích trồng mới, vừa có diện tích chăm sóc thu hoạch trong cùng một năm,… thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để ghi chép, phản ánh rõ ràng chi phí của vụ này với vụ khác, của diện tích này với diện tích khác, của năm trước với năm nay và năm sau,…
d) Không phản ánh vào tài khoản này chi phí khai hoang, trồng mới và chăm sóc cây lâu năm đang trong thời kỳ XDCB, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hoạt động tài chính, chi phí khác.
đ) Về nguyên tắc, chi phí sản xuất ngành trồng trọt được hạch toán chi tiết vào bên Nợ tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” theo từng đối tượng tập hợp chi phí. Đối với một số loại chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng hạch toán, hoặc liên quan đến nhiều vụ, nhiều thời kỳ thì phải phản ánh trên các tài khoản riêng, sau đó phân bổ vào giá thành của các loại sản phẩm liên quan như: Chi phí tưới tiêu nước, chi phí chuẩn bị đất và trồng mới năm đầu của những cây trồng một lần, thu hoạch nhiều lần (chi phí này không thuộc vốn đầu tư XDCB),…
e) Trên cùng một diện tích canh tác, nếu trồng xen từ hai loại cây nông nghiệp ngắn ngày trở lên thì những chi phí phát sinh có liên quan trực tiếp đến loại cây nào thì tập hợp riêng cho loại cây đó (như: Hạt giống, chi phí gieo trồng, thu hoạch,…), chi phí phát sinh chung cho nhiều loại cây (chi phí cày bừa, tưới tiêu nước,…) thì được tập hợp riêng và phân bổ cho từng loại cây theo diện tích gieo trồng, hoặc theo một tiêu thức phù hợp.
g) Đối với cây lâu năm, quá trình từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi bắt đầu có sản phẩm (thu, bói) thì được hạch toán như quá trình đầu tư XDCB để hình thành nên TSCĐ được tập hợp chi phí ở TK 241 “XDCB dở dang”. Chi phí cho vườn cây lâu năm trong quá trình sản xuất, kinh doanh bao gồm các chi phí cho khâu chăm sóc, khâu thu hoạch.
h) Khi hạch toán chi phí ngành chăn nuôi trên tài khoản 154 cần chú ý một số điểm sau:
– Hạch toán chi phí chăn nuôi phải chi tiết cho từng loại hoạt động chăn nuôi (như chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn,…), theo từng nhóm hoặc từng loại gia súc, gia cầm;
– Súc vật con của đàn súc vật cơ bản hay nuôi béo đẻ ra sau khi tách mẹ được mở sổ chi tiết theo dõi riêng theo giá thành thực tế;
– Đối với súc vật cơ bản khi đào thải chuyển thành súc vật nuôi lớn, nuôi béo được hạch toán vào tài khoản 154 theo giá trị còn lại của súc vật cơ bản;
– Đối tượng tính giá thành trong ngành chăn nuôi là: 1 kg sữa tươi, 1 con bò con tiêu chuẩn, giá thành 1 kg thịt tăng, giá thành 1 kg thịt hơi, giá thành 1 ngày/con chăn nuôi,…
i) Phần chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường, chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá thành sản phẩm mà được hạch toán vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.
4. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong ngành Nông nghiệp
Tại Khoản 8 Điều 27 Thông tư 200/2014/TT-BTC có hướng dẫn hạch toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong ngành Nông nghiệp như sau:
4.1. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
a) Cuối kỳ, kế toán tính và kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp theo đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chi phí NVL trên mức bình thường)
Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
b) Cuối kỳ, kế toán tính và kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi phí nhân công trên mức bình thường)
Có TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp.
c) Cuối kỳ, kế toán thực hiện việc tính toán, phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cho từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá thành sản phẩm)
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.
d) Trị giá sản phẩm phụ thu hồi, ghi:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
đ) Trị giá phế liệu thu hồi, nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công xong nhập lại kho, ghi:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
e) Trị giá súc vật con và súc vật nuôi béo chuyển sang súc vật làm việc, hoặc súc vật sinh sản, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (2116 )
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
g) Giá thành sản xuất thực tế sản phẩm sản xuất xong nhập kho hoặc tiêu thụ ngay, ghi:
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
h)Trường hợp sản phẩm sản xuất ra được sử dụng tiêu dùng nội bộ ngay không qua nhập kho, ghi:
Nợ các TK 641, 642, 241
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
4.2. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
Phương pháp hạch toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu ở tài khoản 154 trong ngành Nông nghiệp tương tự như đối với ngành Công nghiệp.