Cách gây màu nước trước khi nuôi tôm?
Ảnh minh họa Các hợp chất vô cơ. Các hợp chất vô cơ bao gồm chất không hòa tan và hòa tan. Nếu nước ao nuôi đủ chất lượng thì hàm lượng các chất vô cơ không hòa tan (cát, bùn) không được quá 80mg/lít, nếu quá cao tôm sẽ chết vì ngạt thở do bị bít mang. Còn các chất vô cơ hòa ...
Ảnh minh họa
Các hợp chất vô cơ.
Các hợp chất vô cơ bao gồm chất không hòa tan và hòa tan. Nếu nước ao nuôi đủ chất lượng thì hàm lượng các chất vô cơ không hòa tan (cát, bùn) không được quá 80mg/lít, nếu quá cao tôm sẽ chết vì ngạt thở do bị bít mang. Còn các chất vô cơ hòa tan thường do phèn sắt (màu đỏ gạch) trong đó sắt có hóa trị 1, 2, 3 rất có hại cho tôm. Khi mực nước ngoài cao hơn mực nước ao nuôi thì đáy ao có thể lỏng, dạng rỉ sắt màu đỏ làm nước ao tôm có màu gạch đỏ, trên mặt ao xuất hiện ván.
Các chất hữu cơ.
Các chất hữu cơ bao gồm các sinh vật phù du, thực vật đáy, động vật nguyên sinh. Các phiêu sinh thực vật (sinh vật phù du) và phiêu sinh động vật là nguồn thức ăn tự nhiên của tôm, giúp tôm tăng trưởng nhanh.
Việc tạo màu nước thông qua sử dụng các loại phân hữu cơ và vô cơ là tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, nhất là ở giai đoạn đầu khi tôm còn nhỏ. Muốn nuôi tôm, trước đó phải nuôi màu nước, để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.
Cách nuôi nước.
- Bón phân vô cơ (urê hoặc DAP): bón ngày thứ nhất 2,2kg/1.000m2; từ ngày thứ 2-21, mỗi ngày bón 0,65kg/1.000m2; từ ngày thứ 22-30, bón 0,95kg/1.000m2.
- Bón phân hữu cơ: dùng cám sống, bón từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 21; bón 1-1,2kg/1.000m2/ngày; từ ngày 22-30 bón 1,3kg/1.000m2/ngày.
Các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân gà, thường dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh. Còn các loại phân DAP, urê, tuy tạo nguồn thức ăn cho sinh vật phù du rất tốt, nhưng tàn lụi rất nhanh. Hai loại phân hữu cơ và vô cơ tuy có giúp phát triển sinh vật phù du song màu nước rất dễ lên và xuống. Các loại sinh vật phù du do các loại phân này tạo điều kiện phát triển chỉ đạt yêu cầu về định lượng, mà không đạt về định tính. Nó tùy thuộc vào loại tảo sẵn có trong ao, chứ không định hướng được loại tảo nào cần ưu tiên phát triển, loại tảo nào cần hạn chế. Việc sử dụng chế phẩm sinh học như E.M.P để nuôi các phiêu sinh là đặc dụng nhất, vì nó chủ động đưa vào nước ao nuôi một hệ vi sinh vật có lợi, nhằm giúp các loại tảo có ích phát triển và hạn chế các loại tảo có hại.
Các chế phẩm sinh học vừa đáp ứng được yêu cầu trên, vừa làm cho nước ao nuôi "béo lên", vừa làm sạch nước, giảm BOD, COD, phòng bệnh và kích thích tôm sinh trưởng. Nếu ao nuôi khó gây màu nước, có thể do nước ao thiếu nguồn tảo cần thiết, nên lấy nước ở ao "béo" khác (có màu nước tốt) làm nguồn giống cho vào các ao này, rồi sử dụng chế phẩm sinh học để thúc đẩy các sinh vật phù du hữu ích phát triển.
Khi màu nước ao nuôi đã đạt yêu cầu (vàng nâu hoặc nâu lục), độ trong đạt 25-40cm thì thả tôm giống. Sau khi thả tôm giống, do năng lực bơi và bắt mồi của tôm còn yếu, trong 20-30 ngày đầu (tôm con chủ yếu ăn các phiêu sinh vật) nên tạo màu nước tốt lúc đầu là biện pháp kỹ thuật quan trọng, để nâng cao tỉ lệ tôm sống, tạo điều kiện cho tôm phát triển tốt ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.
Chú ý, khoảng 7-10 ngày sau khi thả, tôm đã bắt mồi nên các phiêu sinh trong ao nuôi có thể cạn dần, vì thế cần tiếp tục bón tiếp chế phẩm sinh học để ổn định màu nước, đảm bảo tôm con không bị gián đoạn nguồn thức ăn tự nhiên.
Giai đoạn đầu thực hiện 7-10 ngày "bón thúc" chế phẩm sinh học một lần, cho đến khi tôm đạt yêu cầu để chuyển sang giai đoạn giữa và cuối.
Ao có màu nước tốt nghĩa là các loại phiêu sinh vật trong ao phát triển tốt, tôm nuôi trong vòng 20-30 ngày đầu không cần cho ăn thêm thức ăn công nghiệp. Trong trường hợp mật độ 50 con/m2, nguồn thức ăn tự nhiên có thể không đủ, cần cho thêm lượng thức ăn công nghiệp thích hợp dành cho tôm giống và đó cũng là cách gián tiếp tạo màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.
Giai đoạn đầu không được cho tôm ăn thức ăn tươi sống như cá, nhuyễn thể, trứng nghiền, vì tôm con chưa ăn được mà còn tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh, có hại phát triển, vô tình phá vỡ cơ cấu sinh thái nước ao.
Nguồn tin: (Theo NXB Nông Nghiệp)