Các quan điểm cơ bản về dân số học
Thomas Robert Malthus (1766-1834) là mục sư, nhà kinh tế học người Anh, người cha đẻ của học thuyết mang tên mình. Nội dung cơ bản của thuyết như sau: Dân số tăng theo cấp số nhân (2,4,8,…); còn lương thực, ...
Thomas Robert Malthus (1766-1834) là mục sư, nhà kinh tế học người Anh, người cha đẻ của học thuyết mang tên mình. Nội dung cơ bản của thuyết như sau:
- Dân số tăng theo cấp số nhân (2,4,8,…); còn lương thực, thực phẩm, phương tiện sinh hoạt chỉ tăng theo cấp số cộng (1,2,3,4…).
- Sự gia tăng dân số diễn ra với nhịp độ không đổi, còn sự gia tăng về lương thực, thực phẩm là có giới hạn bởi những điều kiện (diện tích, năng suất …) khó có thể vượt qua.
- Dân cư trên trái đất phát triển nhanh hơn khả năng nuôi sống nó. Từ đó, đói khổ, đạo đức xuống cấp, tội ác tất yếu sẽ phát triển.
- Về các giải pháp, thì thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh … là cứu cánh để giải quyết vấn đề dân số mà ông gọi là các: "hạn chế mạnh"
Đóng góp của thuyết: Malthus có công đầu trong việc nêu lên và nghiên cứu vấn đề dân số, đặc biệt lên tiếng báo động cho nhân loại về nguy cơ của sự tăng dân số.
Hạn chế của thuyết: cho quy luật phát triển dân số là quy luật tự nhiên, vĩnh viễn, nên ông đã đưa ra những giải pháp sai lệch, ấu trĩ để hạn chế nhịp độ tăng dân số.
Thuyết quá độ dân số là thuyết nghiên cứu sự biến đổi dân số qua các thời kỳ, dựa vào những đặc trưng cơ bản của động lực dân số. Thuyết này tập trung vào việc nghiên cứu và lý giải vấn đề phát triển dân số thông qua việc xem xét mức sinh, mức tử qua từng giai đoạn để hình thành một quy luật.
Nội dung chủ yếu của thuyết được thể hiện ở chỗ sự gia tăng dân số thế giới là kết quả tác động qua lại giữa số người sinh ra và số người chết đi. Những thay đổi về mức sinh và mức tử diễn ra khác nhau theo thời gian. Căn cứ vào sự thay đổi đó, thuyết quá độ dân số phân biệt 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (hoặc giai đoạn trước quá độ dân số): mức sinh và mức tử đều cao, dân số tăng chậm.
- Giai đoạn 2 (giai đoạn quá độ dân số): mức sinh và mức tử đều giảm, nhưng mức tử giảm nhanh hơn nhiều, dân số tăng nhanh.
- Giai đoạn 3 (giai đoạn sau quá độ dân số): mức sinh và mức tử đều thấp, dân số tăng chậm tiến tới sự ổn định về dân số.
Ở giai đoạn 2, do lực lượng sản xuất phát triển, điều kiện sống của con người được cải thiện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỉ suất tử vong giảm mạnh. Sự chênh lệch giữa mức sinh và mức tử rất lớn, dân số tăng nhanh, trong giai đoạn này đã xảy ra hiện tượng bùng nổ dân số. Giai đoạn quá độ dân số kéo dài hay rút ngắn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước (nhóm nước). Thực chất, con người có thể điều khiển quá trình quá độ dân số bằng những biện pháp khác nhau.
Thuyết quá độ dân số chỉ mới phát hiện được bản chất của quá trình dân số, nhưng chưa tìm ra các tác động để kiểm soát và đặc biệt, chưa chú ý đến vai trò của các nhân tố kinh tế – xã hội đối với vấn đề dân số.
Trong các tác phẩm kinh điểm về duy vật lịch sử, Mác, Ăngghen, Lênin đã đề cập nhiều tới vấn đề dân số. Nội dung cơ bản của học thuyết này, có thể tóm tắt ở những điểm chính sau:
- Mỗi hình thức kinh tế – xã hội có quy luật dân số tương ứng với nó. Phương thức sản xuất như thế nào thì sẽ có quy luật phát triển dân số như thế ấy. Đây là một trong những luận điểm hàng quan trọng hàng đầu của học thuyết Mác-Lênin.
- Sản xuất vật chất và tái sản xuất dân cư, suy cho cùng, là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người.
- Căn cứ vào những điều kiện cụ thể về tự nhiên, kinh tế, xã hội, mỗi quốc gia phải có trách nhiệm xác định số dân tối ưu để một mặt, có thể đảm bảo sự hưng thịnh của đất nước và mặt khác, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.
- Con người có đủ khả năng để điều khiển các quá trình dân số theo mong muốn của mình nhằm phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đúng như F.Ăngghen nhận xét, đến một lúc nào đó xã hội phải điều chỉnh mức sinh của con người.