Nội dung hoạt động đầu tư phát triển ngành chè Việt Nam
ĐTPT chè bao gồm hai lĩnh vực là đầu tư vùng nguyên liệu và đầu tư cho công nghiệp chế biến. Hai lĩnh vực này phụ thuộc vào nhau và luôn có tác động lãn nhau, tạo nên mối quan hệ liên hoàn giữa khu vực chế biến và các vùng nguyên liệu vệ tinh. Tuy nhiên ĐTPT ...
ĐTPT chè bao gồm hai lĩnh vực là đầu tư vùng nguyên liệu và đầu tư cho công nghiệp chế biến. Hai lĩnh vực này phụ thuộc vào nhau và luôn có tác động lãn nhau, tạo nên mối quan hệ liên hoàn giữa khu vực chế biến và các vùng nguyên liệu vệ tinh. Tuy nhiên ĐTPT chè còn được mở rộng ở tất cả các khâu trong hoạt động của ngành chè như đầu tư cho công tác phát triển thị trường, cho marketing, cho phát triển cơ sở hạ tầng, cho phát triển nguồn nhân lực,.. .Tất cả những nội dung đó tạo nên một bức tranh toàn cảnh về hoạt động ĐTPT ngành chè Việt Nam.
Nội dung cơ bản đầu tư phát triển ngành chè bao gồm :
- Căn cứ theo nội dung kinh tế kỹ thuật phát triển ngành chè, chia thành :
+ Đầu tư phát triển chè nguyên liệu
+ Đầu tư cho công nghiệp chế biến chè
+ Đầu tư cho công tác tiêu thụ chè. . .
- Căn cứ theo nội dung đầu tư phát triển , chia thành:
+ Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng chè
+ Đầu tư cho công tác markteting
+ Đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Chất lượng chè nguyên liệu đóng vai trò quyết định cho chất lượng chè thành phẩm. Muốn chất lượng nguyên liệu tốt phải đầu tư vào tất cả các khâu : Đầu tư cho trồng mới, chăm sóc, thu hoạch; đầu tư thâm canh và cải tạo chè giảm cấp; đầu tư cho các dịch vụ khác có liên quan.
Đầu tư cho côngtác trồng mới
Đối với việc đầu tư trồng mới thì bước quan trọng trước tiên là phải lựa chọn được vùng đất thích hợp, năm trong quy hoạch đầu tư, có các điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Hơn nữa, việc lưạ chọn vùng đất sản xuất chè nguyên liệu còn tạo điều kiện cơ hội hợp tác - liên kết trong sản xuất, phát triển thành vùng chuyên canh hàng hoá lớn. Mô hình này nhằm tập trung những vùng cùng điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, nhằm khai thác những diện tích tuy độ phì của đất không cao, nhưng có thể áp dụng những kỹ thuật tiến bộ, và đầu tư hợp lý vẫn cho hiệu quả canh tác cao. Đồng thời tạo sự liên kết sản xuất của các nông hộ trồng chè thành những vùng sản xuất liên hoàn, để công tác cung ứng vốn, vật tư kỹ thuật, máy móc thiết bị.. .tiến hành thuận lợi.
Do đặc điểm của cây chè là chu kỳ sinh trưởng dài từ 30 - 50 năm, có cây trên 100 năm và thời gian kiến thiết cơ bản của cây chè trồng bằng hạt là 2 năm, băng giâm cành là 3 năm, nên khó có thể thay thế ngay giống chè đã đầu tư nếu thấy nó không phù hợp. Để hạn chế nhược điểm này, cần chú trọng ngay từ đầu vào công tác đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.. .quan tâm đúng mức tới khâu làm đất, diệt trừ cỏ dại.. .Có như vậy, cây chè mới có tiền đề tăng trưởng vững chắc, cho búp to, búp khoẻ. Đây là giai đoạn vốn đầu tư bỏ ra lớn nhất, nhưng chưa có kết quả thu hoạch.
Đầu tư cho công tác chăm sóc- thu hái chè
Giai đoạn đầu tư cho chăm sóc - thu hái chè là giai đoạn bắt đầu cho sản phẩm. Trong 2 năm đầu, vốn đầu tư bỏ ra ít hơn giai đoạn trước và tập trung vào các công đoạn : bón phân, phun thuốc trừ sâu, đốn chè tạo hình, ủ rác giữ ẩm cho chè, phòng trừ sâu bệnh. Đầu tư vào mua các hạt giống cây phân xanh, cây bóng mát trồng trên những đồi chè. Giai đoạn này đòi hỏi không chỉ lượng vốn đầu tư cung cấp kịp thời đầy đủ, mà qui trình canh tác, thu hái cũng phải được đảm bảo, để thu được búp chè có chất lượng tốt cho chế biến.
Đầu tư cho thâm canh, cải tạo diện tích chè xuốngcấp.
Diện tích chè xuống cấp là khu vực chè đã bị thoái hoá, biến chất, năng suất chè rất thấp, chất lượng chè không đảm bảo ( hàm lượng Tanin,Cafein giảm rõ rệt ). Nguyên nhân gây ra là canh tác không đúng qui trình kỹ thuật, do đầu tư thâm canh kém, nhưng lại khai thác quá mức, nên cây chè không phát triển bình thường được, và đất đai bị nghèo kiệt chất dinh dưỡng trở nên chai cứng, nguồn nước ngầm bị giảm sút. Nếu đầu tư cải tạo diện tích chè giảm cấp, đòi hỏi một khối lượng vôn đầu tư khá lớn và chăm sóc chè theo đúng qui trình kỹ thuật.
Để cải tạo chè xuống cấp, trước hết phải tìm được nguyên nhân chính xác để đề ra những giải pháp thích hợp. Chỉ nên cải tạo những nương chè ít tuổi, hoặc những nương chè có mật độ trồng tương đối cao; còn những nương chè quá cằn cỗi, mật độ cây trồng thưa, thì phá đi trồng lại.
Biện pháp cải tạo chè xuống cấp là kết hợp biện pháp thâm canh và cải tạo, tăng lượng phân hữu cơ, đảm bảo chế độ tưới tiêu.. . nhằm cải thiện tính chất lý hoá của đất. Đối với các nương chè phá đi trồng lại, nên thâm canh đầu tư qua công tác giống,cây phân xanh, cây bóng mát, bón phân hữu cơ, áp dụng qui trình canh tác hợp lý, khoa học.. .Đây là giải pháp vừa khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, quảng canh cho năng suất thấp; vừa tiến hành đầu tư theo chiều sâu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất cao và ổn định.
Đầu tư vào các dịch vụ khác có liên quan.
Đầu tư cho công tác cung cấp giống chè. Giống cây trồng có vai trò quy ết định đến chất lượng chè nguyên liệu và chè thành phẩm. Hoạt động đầu tư cho công tác giống bao gồm:
- Đối với giống nhập nội : đầu tư mua giống mới, đầu tư nghiên cứu và trồng thử trong các vườn ươm để khảo nghiệm, lựa chọn các giống tốt thích hợp đầu tư nhân rộng các giống này và cung cấp giống cho các nương chè thích hợp.
- Đối với giống thuần chủng : đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu các giống chè trong nước Lựa chọn các giống chè tốt cải tạo các giống chè này với các điều kiện tương thích Đầu tư nhân rộng với từng vùng sinh thái thích hợp.
Đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bô khoa học kỹ thuật.
Thông thường, hoạt động đầu tư này do Nhà nước tiến hành đầu tư gián tiếp cho ngành chè, thông qua việc đầu tư xây dựng các viện nghiên cứu, các trung tâm khảo nghiệm, các vườn ươm giống thí điểm.. . hoặc do các công ty tiến hành trong phạm vi hẹp nhằm có được các giống tốt, qui trình canh tác tiên tiến phù hợp với chu trình sản xuất.
Chè nguyên liệu tươi được hái về phải chế biến ngay để giữ được phẩm cấp các thành phần vật chất khô có trong chè; nếu chậm xử lý, lá chè tươi sẽ bị ôi, các thành phần vật chất trong lá chè sẽ bị phân huỷ, làm chất lượng chè nguyên liệu bị giảm, dẫn tới chất lượng chè thành phẩm kém.
Chế biến chè có 2 hình thức là : thủ công và công nghiệp.
Hình thức thủ công thường được áp dụng ở các hộ nông dân trồng chè với qui trình chế biến đơn giản: Chè nguyên liệu Vò Sao khô bằng chảo trên lửa thành phẩm. Chất lượng chè thường thấp chỉ đạt tiêu chuẩn chè bán thành phẩm( gọi là chè mộc), cho nên muốn có chất lượng cao hơn phải tinh chế lại tại các nhà máy chế biến chè.
Hình thức công nghiệp được thực hiện trên các dây chuyền thiết bị máy móc,với các qui trình phức tạp hơn tại các nhà máy chế biến, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.
Để sản xuất chè xanh, qui trình sản xuất gồm các công đoạn: Chè nguyên liệu tươi được làm héo bằng hơi nước vò sấy khô sàng phân loại hương liệu đóng gói thành phẩm.
Để sản xuất chè đen có thêm khâu lên men cho chè.Qui trình công nghệ bao gồm các công đoạn : Chè nguyên liệu tươi làm héo nghiền xé vò lên men sấy khô sàng phân loại đóng gói thành phẩm
Vậy muốn phát triển sản xuất chè cần phải đầu tư đồng bộ vào cả chu trình trồng trọt và sản phẩm hòan thành, từ khâu nông nghiệp để sản xuất ra chè nguyên liệu, tới khâu công nghiệp chế biến chè. Do đó, công nghệ chế biến càng phải được đầu tư thích đáng để tương đồng với sự phát triển của sản xuất chè nguyên liệu, các thiết bị chuyên dùng trong ngành chè phải được đổi mới với công nghệ hiện đại chế biến ra nhiều loại sản phẩm, nhiều mặt hàng mới có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có tỷ lệ thu hồi cao, giảm thứ phẩm; chất lượng bao bì và kỹ thuật đóng gói phải đạt tiêu chuẩn bảo quản sản phẩm, hợp thị hiếu người tiêu dùng với giá cả hợp lý để cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Do dó, hoạt động ĐTPT công nghiệp chế biến chè đòi hỏi giải quyết các vấn đề sau:
Đầu tư xây dựng ( ĐTXD) các nhà máy chế biến chè
ĐTXD các nhà máy chế biến chè phải nằm trong qui hoạch đầu tư nông nghiệp và gắn với vùng cung cấp nguyên liệu chè, để khép kín chu trình nguyên liệu - chế biến, và có tác dụng qua lại với nhau, thực hiện chương trình Công nghiệp hoá - hiện đại hoá ( CNH - HĐH ) và hình thành các vùng chè tập trung. Việc ĐTXD nhà máy chế biến chè phải có qui mô phù hợp với sản lượng vùng nguyên liệu. Nếu qui mô nhà máy quá lớn sẽ gây lãng phí về việc sử dụng công suất thiết bị; tốn nhiếu chi phí gián tiếp, chi phí khấu hao tài sản thiết bị và làm giá thành sản phẩm tăng cao. Nếu qui mô nhà máy quá nhỏ, công nghệ lạc hậu, thì sẽ lãng phí nguyên liệu và hiệu quả kinh doanh sẽ thấp. Đồng thời, hệ thống kho tàng, bến bãi. hệ thống giao thông cũng phải được đầu tư đồng bộ, để vận chuyển kịp thời nguyên liệu tươi cho nhà máy.
Đầu tư mua sắm nâng cấp các thiết bị công nghệ mới.
Cùng một loại chè nguyên liệu, nhưng muốn sản xuất ra các mặt hàng khác nhau, phải chế biến trên những qui trình công nghệ khác nhau và trên những dây chuyền thiết bị tương ứng. Hiện nay, ở Việt Nam đang sản xuất chè đen theo công nghệ Orthodox (OTD) và công nghệ Crushing - Tearing - Curling ( CTC ); sản xuất chè xanh theo công nghệ của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.
Việc đầu tư mua sắm máy móc thiết bị đòi hỏi phải đầu tư cả vào phần mềm, đó là các bí quyết công nghệ (Know - How), các công trình vận hành sản xuất, hướng dẫn sử dụng, đào tạo trình độ công nhân và quản lý, phụ tùng thay thế.. Việc đầu tư phải đồng bộ và phù hợp với hiện trạng sẵn có của nhà máy, với sản lượng vùng nguyên liệu, với trình độ lành nghề của công nhân vân hành, và với thị trường tiêu thụ.. .
Việc đầu tư này cần thông qua các Hội đồng tư vấn có kinh nghiệm để có được những dây chuyền công nghệ tương thích với thực tiễn, để có những sản phẩm giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đầu tư hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm ( KCS ).
Chất lượng sản phẩm sau chế biến quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp nói riêng và ngành chè nói chung. Bởi lẽ, hiện nay yêu cầu và sở thích của người tiêu dùng ngày càng khắt khe, họ không những đòi hỏi chè phải có hương thơm, vị ngọt chát nhẹ, nước chè trong vắt, không lẫn tạp chất.. . mà còn đòi hỏi phải đẩm bảo vệ sinh công nghiệp và an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc đầu tư cho công tác kiểm tra chất lượng là cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hoá và không để lọt những sản phẩm kém chất lượng ra ngoài thị trường.
Chất lượng sản phẩm phải mang một khái niệm tổng hợp từ khâu chất lựơng nguyên liệu (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.. .) đến khâu chế biến công nghiệp ( vệ sinh công nghiệp, tạp chất, an toàn thực phẩm.. .). Vì vậy, đầu tư hệ thống KCS cho chu trình sản xuất nguyên liệu - chế biến thành phẩm phải được trang bị đầy đủ từ khâu nông nghiêp đến khâu công nghiệp chế biến và theo qui chuẩn của ISO 9000, qui chuẩn HACCP.
Hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm những hệ thống về mạng lưới giao thông, điện, thuỷ lợi, hệ thống kho tàng, bến bãi, nhà máy cơ khí chế tạo, hệ thống cơ sở hạ tầng phúc lợi ( trường học, y tế.. .). Chúng là những thành tố quan trọng để đảm bảo sự hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành chè được vững chắc; giảm chi phí ngoài sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và tạo tâm lý an tâm làm việc lâu dài cho người lao động, nâng cao tích luỹ vốn để tái đầu tư cho ngành chè.
Thực tế, các nông trường chè thuộc Tổng công ty chè và các nương chè của các gia đình hộ nông dân nằm ở các vùng nông thôn trung du, miền núi, mà các vùng này hệ thống cơ sở hạ tầng quá yếu kém. Chính điều này làm cho các nhà đầu tư băn khoăn khi phải quyết định đầu tư và tiêu thụ sản phẩm các vùng chè.
Để hạn chế phần nào nhược điểm đó, Nhà nước cần phải ĐTXD các hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nơi có vùng chè; hoặc phối hợp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” huy động tối đa nguồn vốn của tất cả các thành phần kinh tế tham gia công cuộc đầu tư này, để tạo ra lợi ích kinh tế cho người lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo ra sự giao lưu giữa các miền và phát triển văn hoá của các dân tộc sinh sống trên đồi chè, dần dân xoá bỏ sự chênh lệch mức sống giữa miền núi và miền xuôi.
Vai trò của thị trường hết sức quan trọng, nó mang ý nghĩa sống còn trong nền sản xuất hàng hoá. Sản xuất chỉ được coi như thành công, khi sản phẩm của nó được thị trường chấp nhận, ưa dùng. Hoạt động đầu tư Marketing là phải nắm bắt được qui luật của thị trường; nghiên cứu và xử lý tối ưu các nhu cầu và mong muốn của khách hàng, để nhằm thoả mãn nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Công tác Marketing vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật.
Đầu tư cho công tác Marketing trong ngành chè bao gồm :
Nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường chè :
Để tìm ra đúng nhu cầu chè của thị trường ( số lượng, chất lượng, phương thức tiêu dùng, bao bì, chủng loại, phương thức bán, giá cả, công dụng, sở thích, thị hiếu.. .) cùng với các thông tin về các đối thủ cạnh tranh, các “ vật cản” phải đương đầu để chủ thể kinh doanh có thể khống chế, tập trung nguồn lực vào khâu xung yếu. Nhờ vậy, có thể đáp ứng vừa đủ nhu cầu của khách hàng một cách lâu dài và thu được lợi nhuận như mong muốn. Do đó, cần phải ĐTXD một hệ thống thông tin thông suốt, cập nhật, với tốc độ xử lý cao, hoà mạng Internet.. .và một đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm.
Ngoài ra, còn chú ý đầu tư vào công tác khảo cứu thị trường, liên kết với các Hiệp hội chè của các nước để có thông tin và những quyết định chung về chè; tiến tới ĐTXD một sàn đấu giá, tạo điều kiện cho người sản xuất, tiêu thụ gặpnhau, nơi mọi thông tin về thị trường, giá cả, chất lượng.. . đều trở lên minh bạch. Công tác tham quan và làm việc với ngành chè của nước ngoài cũng là một trong những nội dung của hoạt động Marketing để các chuyên viên nghiên cứu thị trường, ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu, hoặc để học hỏi kinh nghiệm của bạn.. . làm tiền đề cho công tác phát triển và mở rộng thị trường.
Đầu tư cho công tác hoàn thiện sản phẩm.
Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này có một phạm vi rất rộng từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là đầu tư đa dạng hoá sản phẩm, cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, tìm các giải pháp khi phát hiện những dấu hiệu sản phẩm tiêu thụ chậm và tiến tới xây dựng thương hiệu chè Việt Nam chất lượng cao.
Đầu tư cho các công cụ xúc tiến hỗn hợp.
Bao gồm toàn bộ hoạt động đầu tư hỗ trợ tiêu thụ chè như : cho quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm; cho hệ thống dịch vụ sau bán hàng, cho xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mới, tham gia Hội chợ triển lãm, ngày Hội Văn hoá chè.. .
Hoạt động đầu tư Marketing ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh và nó chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong chi phí đầu tư của ngành chè. Vì thế, các doanh nghiệp chè phải đưa hoạt động đầu tư Marketing vào hoạt động ĐTPT cơ bản của doanh nghiệp chè.
Đây là một hoạt động ĐTPT cần thiết cho sự phát triển của ngành chè Việt Nam, bởi lẽ nếu không có một đội ngũ cán bộ và lao động thích hợp với trình độ tương ứng thì công cuộc ĐTPT ngành chè trên một qui mô lớn là không thể thực hiện được. Điều khó khăn cho công việc này luôn là tìm cho ra nội dung , hình thức đầu tư; đối tượng được đầu tư có lợi nhất cho ngành chè.
Tình hình kinh tế xã hội của miền trung du, miền núi còn lạc hậu ( hạ tầng cơ sở chưa phát triển, trình độ dân trí chưa cao.. .), nhưng vùng đất này lại có nhiều tiềm năng chưa được khai phá để làm giàu cho đất nước. Do đó, phải ĐTPT vào vùng này để phát triển kinh tế, tiến kịp miền xuôi.
Để khai thác vùng chè ở trung du, miền núi, ngoài việc đầu tư tiền vốn, vật tư, công sức ra còn phải ĐTPT nguồn nhân lực - mà cụ thể là việc đào tạo những con người thực hiện chiến lược này, là một việc hết sức quan trọng và cực kỳ cấp bách.
Đội ngũ nhân lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh chè rất đông đảo, bao gồm lực lượng lao động làm chè tại các hộ gia đình; đội ngũ công nhân nông trường trồng chè, công nhân trong các nhà máy chế biến chè; đội ngũ chuyên viên kỹ thuật, quản lý, kinh tế, văn phòng; đội ngũ nhân viên bán hàng; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu KHKT; công tác quản lý cấp cơ sở và trung ương... Vì thế, trọng tâm hoạt động ĐTPT nguồn nhân lực của ngành là tuỳ thuộc vào từng loại đối tượng mà có các giải pháp đào tạo cho thật phù hợp để mang lại hiệu quả cao.
Với mục tiêu chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả làm trọng tâm và định hướng CNH - HĐH đòi hỏi đội ngũ nhân lực của ngành phải nâng cao trình độ, từ người lao động đến các cán bộ quản lý, lãnh đạo, thông qua việc đào tạo lại và đào tạo theo yêu cầu qui hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của ngành chè Việt Nam.
Hình thức đào tạo là hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo trong và ngoài ngành. .mở các lớp giảng dạy chuyên ngành, các lớp chuyên đề có liên quan với ngành chè ( kinh tế thị trường, liên doanh - liên kết.. .). chương trình đào tạo phải thực tiễn và đa dạng hoá. Đồng thời, phải tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đội ngũ cán bộ Kinh tế, Khoa học kỹ thuật ngoài ngành tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bằng những cơ chế thích hợp; thu hút lực lượng nhân lực của ngành cùng hoạt động thông qua các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức khuyến nông, khuyến công., khuyến lâm v. v.. .
Nhìn chung, tất cả các hình thức đầu tư trên cần phải được tiến hành đồng bộ và có kế hoạch triển khai trên diện rộng nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có tại các vùng chè, tiếp nhận sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và các cấp lãnh đạo địa phương để ĐTPT ngành chè Việt Nam thực sự mang lại hiệu quả cao nhất.