24/05/2018, 16:56

Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư

Công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều nhân tố ảnh hưởng khác nhau, muốn công tác thẩm định tài chính dự án được hoàn thiện, doanh nghiệp phải xem xét kỹ từng nhân tố. Thông thường chất lượng thẩm định tài chính dự án ...

Công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều nhân tố ảnh hưởng khác nhau, muốn công tác thẩm định tài chính dự án được hoàn thiện, doanh nghiệp phải xem xét kỹ từng nhân tố. Thông thường chất lượng thẩm định tài chính dự án chịu sự tác động của một số nhân tố sau:

Phương pháp thẩm định là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thẩm định tài chính dự án. Với nguồn thông tin đã có được, vấn đề đặt ra với ngân hàng là làm thế nào, lựa chọn phương pháp nào, chỉ tiêu nào để thẩm định dự án có hiệu quả tốt nhất. Mỗi dự án có một đặc trưng nhất định, không phải bất cứ dự án nào cũng cần phải án dụng và tính toán tất cả các chỉ tiêu trong hệ thống thẩm định. Việc sử dụng phương pháp nào, chỉ tiêu nào tuỳ thuộc vào quyết định riêng của mỗi doanh nghiệp. Với mỗi dự án, phương pháp tốt nhất là phương pháp phù hợp nhất nhưng chưa chắc chắn rằng phương pháp ấy là hiện đại nhất. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, những phương pháp thẩm định tài chính hiện đại đã giúp cho việc phân tích, đánh giá dự án được toàn diện, chính xác và hiệu quả cao hơn.

Khi dùng một phương pháp, một chỉ tiêu để thẩm định, cán bộ thẩm định phải hiểu rõ phương pháp ấy có ưu điểm, nhược điểm gì, có phù hợp để thẩm định tài chính dự án không. Ví dụ như dùng chỉ tiêu thời gian hoàn vốn (PP) để thẩm định tài chính dự án đầu tư, phương pháp này không quan tâm đến dòng tiền sau năm thu hồi vốn, do đó không lường trước được những rủi ro trong tương lai ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án như thế nào? Do vậy, nó thích hợp với những dự án nhỏ, hao mòn nhanh, phải thu hồi vốn nhanh. Cán bộ thẩm định phải nắm chắc được những nhược điểm ấy của chỉ tiêu dể thẩm định đối với những dự án phù hợp với nó. Rõ ràng ở đây, nếu ngân hàng áp dụng chỉ tiêu thời gian hoàn vốn cho các dự án có thời gian dài, quy mô lớn thì không hiệu quả.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp thường sử dụng một hệ thống chỉ tiêu tài chính của dự án như: Thời hạn thu hồi vốn, cơ cấu vốn, doanh lợi tài sản, doanh lợi vốn tự có, khả năng thanh toán... để phân tích dự án đầu tư, nhưng các chỉ tiêu này căn cứ vào chuẩn mực nào để đánh giá, so sánh. Hiện nay chưa có một hệ thống mang tính chất chuẩn mực thống nhất nào để làm cơ sở thẩm định các dự án, do vậy, công tác thẩm định hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức và cách đánh giá chủ quan của ngươì thẩm định.

Trong thẩm định dự án, giá trị thời gian của tiền ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của dự án, trong nhiều dự án, nếu không tính đến giá trị thời gian của tiền thì khả thi về mặt tài chính nhưng nếu tính đến giá trị thời gian của tiền thì dự án lại không có hiệu quả về mặt tài chính.

Sự bất định trong tương lai cũng ảnh hưởng đến tính chính xác của thẩm định tài chính dự án đầu tư. Một dự án là tập hợp các dự kiến và quy mô vốn, chi phí, giá cả, thời gian vận hành của dự án trong tương lai. Yếu tố bất định trong tương lai làm cho việc dự đoán các yếu tố trên của ngân hàng không được chính xác, do vậy, các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án cũng không được chính xác, công tác thẩm định sẽ kém hiệu quả.

Lạm phát là yếu tố bất định có ảnh hưởng lớn tới việc thẩm định tài chính dự án. Lạm phát gây nên sự thay đổi về giá cả theo thời gian, do vậy nó làm biến đổi dòng tiền kì vọng và tỷ lệ chiết khấu khi đánh giá tài chính dự án đầu tư. Mức lạm phát không thể dự đoán một cách chính xác vì nó phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân: quy luật cung cầu, tâm lí người tiêu dùng, sức mạnh của nền kinh tế... Các biến số tài chính trong dự án, các yếu tố đầu vào của các chỉ tiêu như NPV, IRR... đều chịu tác động của lạm phát. Do vậy, để đánh giá hiệu quả của một dự án nào đó cần phải xác định một cách chính xác, hợp lý giá cả của các yếu tố trong chi phí hay doanh thu của dự án. Nếu giá được cung cấp trong dự án là giá cố định, không thay đổi theo thời gian, và nếu có nó được áp dụng trong suốt thời gian hoạt động của dự án thì một mặt người lập dự án đã đơn giản hoá việc xây dựng các bảng tóm tắt tài chính của dự án, mặt khác nó lại loại ra khỏi dự án sự phân tích các thông tin kinh tế, tài chính có thể ảnh hưởng đến kết quả dự án. Nếu giá của các yếu tố đầu vào, đầu ra của dự án được điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động của dự án theo một xu hướng mà cán bộ thẩm định giả định cho các thời kỳ tương lai thì đó là giá thực. Đó là giá có thể có trong tương lai, được dự đoán dựa trên mức cung cầu hàng hoá hay sản phẩm của dự án trong một khoảng thời gian với các nguồn cung cấp sẵn có và các yếu tố bên ngoài khác có thể tác động đến chi phí sản xuất. Sử dụng giá nàygiúp cho việc xây dựng, tính toán các biến số của bảng tài chính sẽ đáng tin cậy hơn, chính xác hơn, giúp cho công tác thẩm định có hiệu quả hơn.

Việc tính đến yếu tố lạm phát sẽ làm cho quá trình thực hiện dự án sẽ dễ dàng hơn, hiệu quả thẩm định được cao hơn. Thật vậy, khi ước tính tổng số vốn tài trợ cho một dự án đầu tư, giả sử đã loại bỏ những khoản chi phí vượt quá gây nên cho việc ước tính sai số lượng nguyên vật liệu cần thiết thì khoản chi phí gia tăng thêm nữa có thể là do lạm phát mặt bằng giá chung. Nếu dự án cần một khoản vốn vay để bổ xung vào nguồn vốn đầu tư trong tương lai thì lượng vốn ấy chịu tác động của giá cả xảy ra từ khi bắt đầu, từ lúc nhận vốn đến lúc hoàn trả vốn và lãi. Nếu nó không được dự kiến trong giai đoạn thẩm định thì dự án có thể sẽ phải trải qua khủng hoảng về tính thanh khoản hay khả năng thanh toán nợ do tài trợ không đầy đủ.

Lạm phát còn ảnh hưởng đến lãi suất danh nghĩa. Các bên tài trợ cho dự án sẽ tăng lãi suất danh nghĩa đối với các khoản vốn họ cho vay để bù đắp mất mát do lạm phát gây nên. Lạm phát làm giảm giá trị tương lai của các khoản tiền vay và các khoản thanh toán lãi suất cố định, nó sẽ ảnh hưởng đến chi phí xuất quỹ trong những năm đầu của dự án làm nó tăng cao lên, nó đặt ra vấn đề thanh toán đối với chủ đầu tư.

Lãi suất chiết khấu:

Lãi suất chiết khấu là yếu tố quan trọng trong thẩm định tài chính dự án đầu tư. Việc thay đổi lãi suất có ảnh hưởng lớn đến giá trị hiện tại của các khoản thu nhập và chi phí. Nếu lãi suất này quá thấp sẽ khuyến khích đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, nếu nó quá cao thì sẽ hạn chế đầu tư. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định thống nhất nào về tỷ lệ này đối với từng ngành nghề cụ thể cũng như không có một cách chuẩn mực nào để xác định lãi suất chiết khấu dẫn đến dùng các tỷ lệ chiết khấu khác nhau để đánh giá, so sánh dự án gây nên sự khó khăn, không chính xác trong công tác thẩm định .

Công suất dự tính: có thể công suất thực tế khi dự án hoạt động không đạt được như ở khi dự tính, do vậy nó làm thay đổi doanh thu chi phí của dự án và có thể làm cho dự án không hiệu quả.

Thông tin là cơ sở cho phân tích đánh giá, là nguyên liệu cho quá trình tác nghiệp của cán bộ thẩm định. Muốn có một kết quả thẩm định chính xác cao độ thì phải có được các thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác trên nhiều góc độ khác nhau. Để có được nguồn thông tin cần thiết cho dự án, công ty cần có thể dựa vào các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến vấn đề cần đánh giá và tiến hành sắp xếp thông tin, sử dụng các phương pháp xử lý thông tin một cách thích hợp theo nội dung của quy trình thẩm định.

Như vậy, việc thiết lập hệ thống thông tin đầy đủ chính xác luôn luôn được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết đối với công tác thẩm định, thiết lập được một hệ thống thông tin như vậy sẽ trợ giúp cho công ty rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư của công ty.

Trong quá trình thẩm định dự án nói chung và thẩm định tài chính dự án nói riêng, cán bộ thẩm định luôn đóng vai trò quan trọng. Họ chính là những người trực tiếp tiến hành hoạt động thẩm định tài chính dự án đầu tư. Thẩm định tài chính dự án đầu tư không phải là nghiệp vụ đơn giản, đòi hỏi cán bộ thẩm định không những phải có kiến thức sâu về nghiệp vụ, am hiểu các lĩnh vực cho vay, đầu tư của ngân hàng mà hiểu biết các vấn đề liên quan như thuế, môi trường, thị trường, khoa học công nghệ,,, Do vậy, phần nào hiệu quả của công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư phụ thuộc vào chất lượng của nhân tố con người. Sự hiểu biết toàn bộ những kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội mà người thẩm định có được thông qua đào tạo hay tự bồi dưỡng kiến thức mà có. Kinh nghiệm, kỹ năng là những gì tích luỹ thông qua hoạt động thực tiễn, năng lực là khả năng nắm bắt, xử lý công việc trên cơ sở các tri thức kiến thức đã được tích luỹ. Tính kỉ luật cao, phẩm chất đạo đức tốt là điều kiện để đảm bảo cho chất lượng thẩm định. Ngược lại, người thẩm định không có kỷ luật, đạo đức không tốt sẽ phá hỏng mọi việc, không đánh giá đúng được tính khả thi của dự án.

Để đạt được chất lượng tốt trong thẩm định tài chính dự án, yêu cầu quan trọng đầu tiên đối với các cán bộ thẩm định là phải nắm vững chuyên môn nghề nghiệp. Phải nắm vững các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách do Nhà nước quy định đối với các lĩnh vực: doanh nghiệp, xây dựng cơ bản, tài chính kế toán...

Như vậy, cán bộ thẩm định là một trong những nhân tố quyết định chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư. Do vậy, muốn hoàn thiện tốt công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư, trước hết bản thân trình độ kiến thức, năng lực đạo đức của các cán bộ thẩm định phải được nâng cao.

- Tổ chức, điều hành:

Thẩm định tài chính dự án đầu tư bao gồm nhiều hoạt động liên quan chặt chẽ với nhau, kết quả của nó phụ thuộc nhiều vào việc tổ chức, điều hành, sự phối hợp các bộ phận trong quá trình thẩm định. Việc phân công tổ chức một cách hợp lý các bộ phận trong quá trình thẩm định sẽ tránh được sự chồng chéo, phát huy được những mặt mạnh, hạn chế được những mặt yếu của mỗi cá nhân trên cơ sở đó giảm bớt chi phí cũng như thời gian thẩm định. Do vậy, tổ chức, điều hành thẩm định hợp lý, khoa học sẽ khai thác được các nguồn lực cho hoạt dộng thẩm định tài chính dự án đầu tư, qua đó nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư của ngân hàng.

- Trang thiết bị công nghệ:

Hiện nay, khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong ngành ngân hàng làm tăng khả năng thu nhập, xử lý và lưu trữ thông tin một cách hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho việc thẩm định tài chính dự án đầu tư một cách có hiệu quả hơn. Hiện nay có rất nhiều phần mềm chuyên dùng cho doanh nghiệp nói chung và cho công tác thẩm định nói riêng được thuận tiện hơn. Các cán bộ có thể truy cập và xử lý một lượng thông tin lớn mà vẫn tiết kiệm được thời gian, các chỉ tiêu cần tính toán đã được cài đặt, chỉ cần nạp số liệu và máy sẽ cho các chỉ tiêu như: NPV, IRR, PI....Nhưng nếu máy hoặc các chương trình có sự cố thì sẽ cho kết quả thẩm định không chính xác, đòi hỏi các cán bộ phải xem xét lại các kết quả thẩm định để cho một kết luận chính xác.

Ngoài ra còn một số nhân tố khách quan tác động đến công tác thẩm định tài chính dự án dầu tư của doanh nghiệp như: cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, trình độ lập dự án của chủ đầu tư, các rủi ro bất khả kháng như: Thiên tai, chiến tranh, môi trường kinh tế vĩ mô...

Tóm lại:

Các dự án đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Với các ngân hàng thương mại hiện nay, tiến hành các dự án đầu tư là một hoạt động rất phổ biến để thu lợi nhuận và góp phần phát triển kinh tế. Nhưng các hoạt động này cũng chứa đựng nhiều rủi ro và các dự án đầu tư có vốn lớn và thời gian thực hiện dài. Chính vì vậy công ty phải thẩm định dự án và đặc biệt là thẩm định khía cạnh tài chính dự án trước khi đưa ra quyết định tài trợ cho dự án. Thẩm định dự án đầu tư tại công ty là một công việc phức tạp phải trải qua nhiều bước, công tác này bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố khác nhau. Do vậy, công ty cần nhận thức rõ vấn đề này để áp dụng vào thực tế một cách có hiệu quả nhất.

0