24/05/2018, 21:43

Các nhận thức và quan điểm về cải cách hành chính ở Việt Nam

Nhận thức về cải cách hành chính Cải cách hành chính là một bộ phận quan trọng của cải cách và đổi mới hệ thống chính trị, tác động trực tiếp, làm thay đổi diện mạo của cơ cấu hành chính và thể chế hành chính. Về phương diện quyền lực Nhà ...

  • Nhận thức về cải cách hành chính

Cải cách hành chính là một bộ phận quan trọng của cải cách và đổi mới hệ thống chính trị, tác động trực tiếp, làm thay đổi diện mạo của cơ cấu hành chính và thể chế hành chính.

  • Về phương diện quyền lực Nhà nước:

Nền hành chính Nhà nước là hình thức thể hiện bên ngoài của quyền hành pháp trong cơ cấu ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiện nay có tình trạng là do nhận thức của cán bộ, công chức về cải cách hành chính chưa rõ ràng và chưa thống nhất, còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ, việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính chưa được tiến hành đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cải cách hành chính chưa gắn bó chặt chẽ với hoạt động lập pháp và cải cách tư pháp.

Trong chế độ ta, quyền lực Nhà nước tập trung thống nhất trong tay nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Việc phân biệt ba loại quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ là sự phân công lao động quyền lực đặc biệt của CNXH. Thực hiện quyền hành pháp thống nhất, có hiệu quả sẽ có tác động trở lại đối với hai quyền kia và ngược lại. Tuy nhiên, trong điều kiện quyền lực của Nhà nước ta là thống nhất nên việc phân công lao động quyền lực đặc biệt chính là sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tuyệt nhiên không có sự đối kháng giữa ba quyền. Chính vì vậy, khi nói cải cách hành chính theo phương diện quyền lực Nhà nước là thống nhất tức là làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ không chỉ các bộ phận trong cơ cấu các cơ quan hành chính mà còn tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, tổ chức của các thiết chế của quyền lập pháp và hành pháp. Cũng chính vì vậy, cải cách hành chính là làm cho cả bộ máy Nhà nước hoạt động có hiệu quả, hiệu lực, thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn cơ cấu quyền lực Nhà nướctrong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

  • Về phương diện kinh tế

Bất kỳ hoạt động nào của Nhà nước đều phải đặt trong mối quan hệ với các quan hệ kinh tế, cải cách hành chính cũng được đặt ra trong mối quan hệ chặt chẽ với cải cách kinh tế với từng bước đi và từng lĩnh vực, trên từng địa bàn nhằm tạo ra sự ăn khớp và thúc đẩy lẫn nhau giữa cải cách hành chính và đổi mới cơ cấu quản lý kinh tế.

Việc triển khai các hoạt động kinh tế cũng cần đượ thực hiện bằng hệ thống thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật (thủ tục hành chính) và hệ thống thứ bậc hành chính mà chủ thể vận hành là công chức, viên chức Nhà nước. Mặt khác, hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cũng là tác nhân trực tiếp làm cho nền kinh tế tăng trưởng hay suy thoái. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, trong đó là bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, quản lý không thông suốt, chưa có cơ chế, chính sách tài chính thích hợp với hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự ngiệp, tổ chức làm dịch vụ công sẽ không chỉ tạo điều kiện cho tệ tham nhũng, quan liêu trong bộ máy Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phá vỡ tính đồng bộ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cải cách thể chế hành chính trong thời gian tới phải tập trung vào việc đổi mới cơ chế quản lý, phân biệt quyền của chủ sở hữu và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyển các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh sang hoạt động theo cơ chế công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm đầy đủ trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật, xoá bỏ bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp.

  • Về phương diện xã hội

Công dân, các doanh nghiệp đòi hỏi ở cải cách hành chính, đặc biệt là các cơ quan hành chính, trong hoạt động của mình phải là biểu tượng của việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phải thể hiện vai trò là người hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng pháp lý cho một sân chơi bình đẳng đối với xã hội nói chung và giới kinh doanh nói riêng.

Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy sự mất lòng tin của nhân dân, của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vào các cơ quan Nhà nước, thể chế hành chính, thủ tục hành chính. Bởi lẽ chúng ta chưa có một định hướng triệt để cho vấn đề cải cách hành chính, nhiều quy định pháp luật, thủ tục hành chính rườm rà, gây ách tắc, làm mất nhiều thời gian và công sức của người dân cũng như doanh nghiệp; một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước tham nhũng, tiêu cực…đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả của quản lý Nhà nước. Mặt khác, cải cách hành chính theo khía cạnh pháp lý, nhân đạo cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề dân sinh, an sinh xã hội, đến tính nhân văn của cuộc sống xã hội, như: dân số và việc làm, vấn đề xoá đói giảm nghèo, tiền lương và thu nhập, phát triển văn hoá, nghệ thuật, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội…

Đảng ta đã đặt ra mục tiêu dân chủ hoá trong bộ máy Nhà nước để giải quyết mối quan hệ giữa cải cách hành chính với các vấn đề xã hội trên. Theo nguyên lý tổ chức bộ máy Nhà nước của đa số các nước trên thế giới cũng như trong Hiến pháp của Việt Nam, cải cách hành chính gắn liền với mục tiêu xã hội, nó không chỉ dừng lại ở việc thu hút nhân dân vào qúa trình thực hiện các vấn đề của Nhà nước mà bản thân các cơ quan Nhà nước phải thực hiện nguyên tắc dân chủ thực sự, hướng về cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân quyết định những công việc lớn, hệ trọng của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

  • Quan điểm cải cách hành chínhở Việt Nam

+ Cải cách hành chính ở Việt Nam phải được đặt trong khuôn khổ các quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam về đổi mới hệ thống chính trị và cải cách bộ máy Nhà nước. Cải cách hành chính phải gắn liền với xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và nền hành chính nói riêng nhằm giữ vững và phát huy bản chất của giai cấp công nhân, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường sự chỉ đạo của Đảng thông qua việc định hướng chiến lược cải cách là vấn đề có tính tiên quyết, có ý nghĩa quan trọng bảo đảm cho việc kiện toàn hợp lý tổ chức bộ máy Nhà nước, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức và góp phần thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống các cơ quan hành chính.

+ Quan điểm khoa học đồng bộ trong cải cách hành chính. Quan điểm khoa học đòi hỏi chúng ta phải biết nghiên cứu, tiếp thu những luận điểm khoa học về quản lý Nhà nước, thẩm định, lựa chọn những trí tuệ khoa học trong nước và thế giới. Tránh tình trạng giáo điều hoặc cải cách hành chính theo lối “cắt giảm” mang tính “cơ học”, nhìn thấy cái lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài.

+ Quan điểm về một nền hành chính được tổ chức thành một hệ thống thống nhất, ổn định, hoạt động thông suốt. Quan điểm này đòi hỏi sự phân công, phân cấp và chế độ trách nhiệm rành mạch, có kỷ cương nghiêm ngặt; cơ quan hành chính và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Cần áp dụng các cơ chế, biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những hành vi mất dân chủ, tự do, tuỳ tiện, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân.

+ Cải cách hành chính phải được tiến hành từng bước vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá của từng giai đoạn cụ thể. Đây là quan điểm xuất phát từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của quá trình quản lý Nhà nước ở Việt Nam. Trong cải cách có nhiều nội dung, hình thức phải làm; có vấn đề chủ yếu, trọng tâm, có những vấn đề là cơ sở, là tiền đề, khâu đột phá của cả quá trình cải cách. Căn cứ vào giải pháp, nhiệm vụ này cần đặt ra các chương trình cụ thể để thực hiện cho từng năm, từng giai đoạn. Đồng thời cần phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, nghành cụ thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, tránh tình trạng đã có nội dung, giải pháp mà không có chủ thể thực hiện.

0