24/05/2018, 23:51

Các hình thức đa dạng hoá và các nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hoá sản phẩm

Trong quá trình mở rộng kinh doanh các doanh nghiệp có thể thực hiện đa dạng hoá sản phẩm với những hình thức khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại đa dạng hoá sản phẩm. Xét theo sự biến đổi danh mục sản phẩm : có các hình thức ...

Trong quá trình mở rộng kinh doanh các doanh nghiệp có thể thực hiện đa dạng hoá sản phẩm với những hình thức khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại đa dạng hoá sản phẩm.

Xét theo sự biến đổi danh mục sản phẩm : có các hình thức đa dạng hoá sau đây:

Biến đổi chủng loại :

Đó là quá trình hoàn thiện và cải tiến các loại sản phẩm đang sản xuất đang sản xuất để giữ vững thị trường hiện tại và thâm nhập vào thị trường mới, nhờ sự đa dạng về kiểu cách, cấp độ hoàn thiện của sản phẩm thoả mãn thị hiếu, điều kiện sử dụng và khả năng thanh toán của những khách hàng khác nhau. Sự hoàn thiện ấy có thể thuần tuý về hình thức sản phẩm ( kiểu dáng, mẫu mã ) hoặc về nội dung sản phẩm ( chất lượng, cấp độ hoàn thiện về kỹ thuật ) hoặc cả về hình thức và nội dung sản phẩm.

Đổi mới chủng loại:

Loại bỏ những sản phẩm lỗi thời, những sản phẩm khó tiêu thụ và bổ sung những sản phẩm mới vào danh mục sản phẩm của doanh nghiệp. Những sản phẩm được bổ sung này có thể là sản phẩm mới tuyệt đối ( đối với doanh nghiệp và với thị trường ) hoặc sản phẩm mới tương đối ( mới với doanh nghiệp nhưng không mới với thị trường ).

Việc thực hiện hình thức đa dạng hoá sản phẩm này gắn liền với việc doanh nghiệp rời bỏ một số thị trường cũ và gia nhập những thị trường mới.

Hình thức hỗn hợp:

Kết hợp một số nội dung của hình thức thứ nhất và thứ hai vừa nêu. Nghĩa là doanh nghiệp vừa cải tiến, hoàn thiện một số sản phẩm đang sản xuất, vừa loại bỏ những sản phẩm không sinh lợi, vừa bổ sung những sản phẩm mới vào danh mục sản phẩm của mình.

Xét theo tính chất của nhu cầu sản phẩm:

Đa dạng hoá theo chiều sâu nhu cầu mỗi loại sản phẩm:

Đó là việc tăng thêm kiểu cách, mẫu mã của cùng một loại sản phẩm để đáp ứng toàn diện nhu cầu của các đối tượng khác nhau về cùng một loại sản phẩm. Ví dụ như doanh nghiệp sản xuất kem đánh răng có thể có kem đánh răng chống sâu răng cho trẻ em, kem đánh răng muối..

Việc thực hiện hình thức đa dạng hoá sản phẩm này gắn liền với việc phân đoạn thị trường sản phẩm.

Đa dạng hoá theo bề rộng nhu cầu các loại sản phẩm:

thể hiện ở việc doanh nghiệp chế tạo một số sản phẩm có kết cấu, công nghệ sản xuất và giá trị sử dụng cụ thể khác nhau, để thoả mãn đồng bộ một số nhu cầu có liên quan với nhau của một đối tượng tiêu dùng. Ví dụ như doanh nghiệp không chỉ sản xuất kem đánh răng mà còn sản xuất bàn chải đánh răng. Việc thực hiện hình thức đa dạng hoá sản phẩm này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực lớn về tài chính, công nghệ để xây dựng doanh nghiệp quy mô lớn, cơ cấu sản xuất phức tạp.

Đa dạng hoá theo hướng thoát ly sản phẩm gốc, đưa sản phẩm mới vào danh mục của doanh nghiệp:

Nếu hai hình thức đa dạng hoá sản phẩm nêu trên vẫn lấy một loại sản phẩm chuyên môn hoá ban đầu làm cơ sở để mở rộng danh mục sản phẩm của doanh nghiệp thì ở hình thức này sản phẩm được mở rộng không có liên quan đến sản phẩm chuyên môn hoá ban đầu cả về giá trị sử dụng và công nghệ sản xuất.

Xét theo mối quan hệ với sử dụng nguyên liệu chế tạo sản phẩm:

- Sản xuất những sản phẩm có giá trị sử dụng khác nhau nhưng có chung chủng loại nguyên liệu gốc. Ví dụ, nhà máy sứ vừa sản xuất sứ dân dụng, sứ mỹ nghệ, sứ điện, vừa sản xuất sứ vệ sinh. Các sản phẩm này có giá trị sử dụng khác nhau nhưng đều sử dụng cao lanh và các loại men xương làm nguyên liệu chính.

- Sử dụng tổng hợp các chất có ích chứa đựng trong một loại nguyên liệu để sản xuất một số loại sản phẩm coa giá trị sử dụng khác nhau. Chẳng hạn trong công nghiệp mía đường, người ta sử dụng không những tổng hợp cây mía để sản xuất ra đường mà còn để sản xuất ra cồn công nghiệp, ván ép...

Xét theo phương thức thực hiện :

Đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp :

Bằng việc áp dụng hình thức này, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đầu tư, giảm bớt thiệt hại do rủi ro khi thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng được khả năng sản xuất hiện có. Tuy nhiên sự tận dụng này lại hạn chế khả năng mở rộng danh mục sản phẩm của doanh nghiệp.

Đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở nguồn lực hiện có kết hợp với đầu tư bổ sung :

Nghĩa là việc mở rộng danh mục sản phẩm đòi hỏi phải có đầu tư, nhưng đầu tư này chỉ giữ vị trí bổ sung nhằm khắc phục khâu yếu hoặc khâu sản xuất mà doanh nghiệp còn thiếu. So với hình thức trên, khả năng mở rộng danh mục sản phẩm của doanh nghiệp được nâng cao hơn

Đa dạng hoá sản phẩm bằng đầu tư mới:

Hình thức này thường được áp dụng khi doanh nghiệp đang triển khai sản xuất những sản phẩm mới, mà khả năng sản xuất hiện tại không thể đáp ứng được. Trong trường hợp này nhu cầu đầu tư thường lớn và xác suất rủi ro sẽ cao hơn, nhưng khả năng sản xuất được mở rộng hơn.

Tóm lại, từ các hình thức đa dạng hoá sản phẩm nêu trên ta thấy, trong phạm vi hoạt động sản xuất-kinh doanh của mỗi doanh nghiệp có thể có nhiều hình thức đa dạng hoá sản phẩm, các hình thức này đan xen cùng tồn tại và bổ sung cho nhau, ưu điểm của mỗi hình thức đa dạng hoá sản phẩm chỉ được thể hiện khi doanh nghiệp bảo đảm cho nó những điều kiện thích hợp mà hình thức này đòi hỏi. Dù áp dụng một hay nhiều hình thức đa dạng hoá sản phẩm thì cũng làm cho danh mục sản phẩm của mỗi doanh nghiệp được mở rộng, cơ cấu sản phẩm trở nên phức tạp hơn và mỗi doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều thang, dòng và mặt hàng sản phẩm.

0