24/05/2018, 14:36

Các chỉ tiêu đánh giá khả năng thắng thầu của doanh nghiệp xây lắp

Việc đầu tiên là doanh nghiệp phải căn cứ vào kinh nghiệm của bản thân, những quy định của pháp luật và quy chế đấu thầu hiện hành, để xác định một danh mục chỉ tiêu đăc trưng cho những nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng thắng thầu. Các chỉ ...

Việc đầu tiên là doanh nghiệp phải căn cứ vào kinh nghiệm của bản thân, những quy định của pháp luật và quy chế đấu thầu hiện hành, để xác định một danh mục chỉ tiêu đăc trưng cho những nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng thắng thầu. Các chỉ tiêu này càng sát với chỉ tiêu xét thầu thì càng tốt. Số lượng chỉ tiêu là tuỳ ý, nhưng tối thiểu phải bao quát được đầy đủ các chỉ tiêu thường dùng để đánh giá hồ sơ dự thầu, phải tính đến tình hình cạnh tranh của các đối thủ, phải chú ý tránh trùng lặp chỉ tiêu và phải xác định đúng những chỉ tiêu thực sự có ảnh hưởng. Không đưa vào bảng danh mục những chỉ tiêu không có ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng rất ít (không đáng kể) đến khả năng thắng thầu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu đưa ra chi tiết, cụ thể bao nhiêu, thì cho kết quả chính xác bấy nhiêu.

Chỉ tiêu về năng lực tài chính

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng năng lực tài chính của doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thắng thầu của doanh nghiệp. Đối với chủ đầu tư, khi xem xét, đánh giá năng lực các nhà thầu tham gia dự thầu thì vấn đề vốn của nhà thầu sẽ được họ rất quan tâm. Đặc biệt là khả năng tài chính và khả năng huy động các nguồn vốn được nhà thầu trình bày trong hồ sơ dự thầu khi tham gia tranh thầu.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp thường được các chủ đầu tư yêu cầu kê khai số liệu tài chính trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 năm gần nhất

Chỉ tiêu về giá dự thầu.

Quy định lập giá dự thầu:

Phần giá dự thầu trong hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp tối thiểu phải có các nội dung sau:

+ Thuyết minh cơ sở tính toán xây dựng giá dự thầu: Trên cơ sở các nội dung công việc và yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, kết hợp với biện pháp thi công dự kiến của mình doanh nghiệp sẽ tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí cần thiết để thực hiện công việc của mình. Các chi phí và đơn giá đưa ra cần có thuyết minh cụ thể cơ sở áp dụng và có bản tính chi tiết cho từng phần công việc, các tính toán này đòi hỏi phải thống nhất với nhau và rõ ràng.

Doanh nghiệp sẽ phải xem xét, nghiên cúu đầy đủ tài liệu (các bản vẽ thiết kế, thuyết minh, tài liệu kỹ thuật và các yêu cầu kỹ thuật) tìm hiểu thực tế hiện trạng mặt bằng xây dựng, dự tính và lường trước các yếu tố ảnh hưởng đến đơn giá và tổng giá công trình để không xảy ra khiếu nại và khiếu kiện sau này.

+ Bảng giá dự thầu: Doanh nghiệp phải nộp đầy đủ Bảng, Biểu giá dự thầu trong đó cần thể hiện rõ tên hạng mục, giá trị….

Việc các doanh nghiệp không thực hiện các yêu cầu trên hoặc thực hiện không đầy đủ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thắng thầu của doanh nghiệp và có thể dẫn đến loại bỏ hồ sơ dự thầu.

Giá dự thầu

“Giá dự thầu là giá do các nhà thầu ghi trong hồ sơ dự thầu sau khi đã trừ phần giảm giá (nếu có) bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu”. (Điều 3, Quy chế Đấu thầu, trang 14). Giá dự thầu sẽ là cố định chọn gói để thực hiện toàn bộ khối lượng công việc xây dựng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Giá dự thầu bao gồm các nội dung sau:

+ Tổng giá: Bao gồm tổng giá các hạng mục công trình.

+ Giá các hạng mục: Gồm chi phí cho các công việc cần thực hiện để hoàn thành toàn bộ hạng mục. Chi phí cho một công việc được xác định trên cơ sở các yếu tố chi phí và khối lượng công việc cần thực hiện. Các vấn đề liên quan đến khối lượng công việc được xác định trong hồ sơ mời thầu.

+ Giá công việc (đơn giá): Gồm toàn bộ các yếu tố chi phí cần thiết như vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị, bảo hiểm, chi phí chung thu nhập chịu thuế tính trước và thuế để hoàn thành một đơn vị công tác riêng biệt gắn với đơn vị thi công và đặc tính kỹ thuật cụ thể của công việc phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Xây Dựng, các cơ quan quản lý. Cơ sở để tính các yếu tố chi phí phải được nêu đầy đủ, rõ ràng, có giải thích cụ thể lý do áp dụng.

Giá dự thầu là một nhân tố chính quyết định khả năng thắng thầu của doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu thắng thầu doanh nghiệp phải xác định được một mức giá dự thầu hợp lý. Tuy nhiên, mức giá dự thầu này phải thấp hơn dự toán của chủ đầu tư nếu không doanh nghiệp sẽ bị loại mà không cần xét tới các chỉ tiêu khác. Giá dự thầu cũng không được thấp hơn dưới mức đảm bảo chất lượng công trình. Vì vậy, việc đưa ra một dự đoán chính xác về giá dự thầu sẽ làm cho khả năng thắng thầu của doanh nghiệp được nâng cao rõ rệt. Ngược lại, nguy cơ trượt thầu vì giá dự thầu không hợp lý là một vấn đề cần được các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu hơn nữa.

Chỉ tiêu về khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Chất lượng công trình là đặc biệt quan trọng trong các yếu tố mà chủ đầu tư dùng để xét thầu: Chất lượng cao doanh nghiệp dễ dàng trúng thầu, ngược lại chất lượng thấp thì việc trượt thầu là việc khó tránh. Do vậy, để nâng cao khả năng thắng thầu các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới về mọi mặt để đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Mức độ đáp ứng yêu cầu chất lượng vật liệu, vật tư, bán thành phẩm nêu trong hồ sơ mời thầu và hồ sơ thiết kế.

- Các vật tư, vật liệu, thiết bị chính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và hồ sơ mời thầu.

- Có tài liệu chứng minh xuất xứ của các vật tư, vật liệu chính hoặc có biện pháp đảm bảo chất lượng các vật tư, vật liệu hoặc bán thành phẩm theo yêu cầu của chủ đầu tư.

  • Tính hợp lý và khả thi của các biện pháp kỹ thuật, biện pháp thi công.

- Có bản vẽ và thuyết minh biện pháp thi công rõ ràng, chi tiết, phân chia các bước thi công hợp lý, trình tự thi công phải phù hợp với quy trình công nghệ thi công.

- Áp dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý (bảo đảm an toàn, chất lượng công trình, thời gian thi công, giá thành xây dựng công trình….).

- Có sơ đồ và Bảng bố trí nhân lực (cán bộ kỹ thuật, các tổ đội sản xuất, các bộ phận quản lý thị trường….) hợp lý.

- Thâm niên công tác của cán bộ chủ chốt phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và biện pháp thi công.

  • Các biện pháp đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự.

- Có biện pháp hợp lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Có biện pháp hợp lý đảm bảo an toàn lao động.

- Có biện pháp hợp lý đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

  • Mức độ đáp ứng của thiết bị thi công (số lượng, chủng loại, chất lượng, hình thức sở hữu và tiến độ huy động) bố trí cho gói thầu.

- Đáp ứng về số lượng, chủng loại, công suất (kèm theo Bảng tính toán nhu cầu xe, máy, thiết bị thi công và tiến độ huy động) đảm bảo thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ và chất lượng công trình.

- Đáp ứng về chất lượng thiết bị

- Các thiết bị chính là sở hữu của nhà thầu hoặc có phương án thuê thiết bị chi tiết, cụ thể.

  • Các biện pháp đảm bảo chất lượng công trình

- Có danh mục thiết bị chính để phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng thi công của doanh nghiệp.

- Có biện pháp kiểm tra chất lượng, vật liệu chính.

Nếu doanh nghiệp đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu trên, khả năng thắng thầu của doanh nghiệp là rất khả quan. Các công trình xây dựng thường có vốn đầu tư lớn, thời gian sử dụng lâu dài, do vậy, chứng minh được chất lượng công trình sẽ

làm hài lòng các chủ đầu tư.

Chỉ tiêu về khả năng đáp ứng tiến độ thi công

Thang điểm mà chủ đầu tư dành cho chỉ tiêu tiến độ thi công không phải là nhỏ (nhiều khi còn lớn hơn cả tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng). Do vậy, đưa ra được một tiến độ thi công tối ưu là một nhân tố nữa giúp doanh nghiệp củng cố khả năng thắng thầu của mình.

  • Trên cơ sở tiến độ thực hiện chung của chủ đầu tư, doanh nghiệp phải vạch ra tiến độ tổng thể của toàn bộ công trình và tiến độ chi tiết để thực hiện các bước công việc và cho từng phần công việc. Tiến độ thực hiện này sẽ được chứng minh cụ thể qua phần thuyế minh biện pháp tổ chức thi công, trong đó phải nêu rõ: tiến độ huy động nhân lực; phương án đảm bảo an toàn; biện pháp giám sát kiểm tra đảm bảo chất lượng.
  • Doanh nghiệp cũng phải lường trước và nêu ra các trường hợp khó khăn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc thi công và dự kiến phương án giải quyết hay đề nghị giải quyết các trường hợp đó.
  • Doanh nghiệp cần chú ý rằng các biện pháp mà doanh nghiệp nêu ra trong hồ sơ dự thầu sẽ là các biện pháp khi thắng thầu, nên doanh nghiệp cần phải cân nhắc tính toán kỹ càng. Trong trường hợp thắng thầu, khi thi công doanh nghiệp sử dụng các biện pháp khác biện pháp đã nêu trong hồ sơ dự thầu thì ngoài việc đảm bảo tiến độ, kỹ thuật đã nêu, sau khi được chủ đầu tư chấp nhận, doanh nghiệp sẽ phải chịu toàn bộ các chi phí, phát sinh nếu có.
  • Việc thi công của doanh nghiệp phải được tiến hành theo đúng chỉ tiêu đã nêu trong hồ sơ thiết kế. Nếu doanh nghiệp thi công ồ ạt, đẩy nhanh tiến độ mà không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật thì doanh nghiệp sẽ phải chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục, sửa chữa hoặc thi công lại các hạng mục đó. Nếu sự cố đó làm ảnh hưởng đến chất lượng toàn bộ công trình thì hợp đồng có thể bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ. Và doanh nghiệp cũng sẽ bị phạt một mức phạt nào đó theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cho khoảng thời gian chậm tiến độ.

Từ những yêu cầu kển trên, có thể thấy rằng tiến độ thi công có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thắng thầu của doanh nghiệp. Dự kiến một tiến độ thi công hợp lý, sát với yêu cầu của chủ đầu tư (không nhất thiết tiến độ mà doanh nghiệp đưa ra phải thấp hơn chủ đầu tư) thì sẽ là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp khi tham gia tranh thầu.

Ngoài các nhân tố chính kể trên, thì các nhân tố về kinh nghiệm xây lắp, đối thủ cạnh tranh cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thắng thầu của doanh nghiệp. Thông thường các chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp kê khai số năm kinh nghiệm sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp, các công trình tương tự đã thực hiện và danh mục các công trình lớn đã thi công trong 3 năm gần đây. Khả năng thắng thầu của doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đối thủ cạnh tranh. Để đạt được gói thầu doanh nghiệp phải thực sự mạnh hơn các đối thủ cạnh tranh trên mọi phương diện. Khi phân tích về đối thủ cạnh tranh có thể xem xét trên hai phương diện là số lượng đối thủ tham gia tranh thầu và so sánh tương quan giữa các đối thủ.

Tóm lại khả năng thắng thầu của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Để có thể đáp ứng được tất cả các chỉ tiêu trong hồ sơ mời thầu doanh nghiệp phải liên tục đổi mới về mọi mặt, khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh vốn có của mình.

0